Hỏi Đáp Pháp Luật

Luật Sư Tư Vấn Bảo Hiểm và Lương Hưu

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Hỏi Đáp Pháp Luật

Tôi tên Nguyễn Văn Lộc
Tôi sinh ngày 1/1/1961.
Tôi vào làm 1 công ty chuyên về in ấn của nhà nước từ 36 năm nay (từ năm 1981). 
Trong đó tôi làm công nhân trực tiếp sản xuất 19 năm, thời gian còn lại tôi làm quản lý - tổ trưỡng sản xuất (gián tiếp sản xuất)
Tôi đã làm liên tục tại 1 công ty và đóng đủ BHXH 36 năm
Nay tôi có thể xin tư vấn việc nghỉ hưu 
- Ngành IN ẤN có được xếp vào ngành độc hại không? Nếu là ngành độc hại thì tôi có được nghỉ hưu ở tuổi 55 hay không?
Nếu được nghỉ thì:
1- Chế độ lương hưu sẽ được hưỡng như thế nào? có bị giãm dưới mức 75% hay không ?
2- Trợ cấp thôi việc tại công ty đang làm có được hưỡng không?
3- Trợ cấp 1 lần do đóng BHXH liên tục trên 20 năm sẽ được hưỡng như thế nào? 
Xin công ty vui lòng tư vấn cho tôi về việc nghỉ hưu như trên
Mong nhận được tư vấn từ quý Công Ty
Xin cám ơn
 
Nguyễn Văn Lộc.
 
Trả lời:

Thưa ông Nguyễn Văn Lộc, căn cứ vào mục số XIX Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm ban hành kèm theo Quyết định số 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26 tháng 12 năm 1996; căn cứ khoản 2 Điều 2 Thông tư số 36/2012/TT-BLĐTBXH về ban hành bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, thì: công việc “vận hành máy in opset, typo, máy xén, kẻ giấy” được xếp vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm vì phải thường xuyên tiếp xúc với bụi, ồn và các hóa chất độc.

Như vậy, trường hợp của ông Nguyễn Văn Lộc phải xem xét trong khoảng thời gian 19 năm đầu trực tiếp sản xuất, có đã làm các công việc như “vận hành máy in opset, typo, máy xén, kẻ giấy” không, nếu có thì trong 19 năm này được xem như làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Về khoảng thời gian 17 năm còn lại làm quản lý- tổ trưởng sản xuất thì không nằm trong danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Nếu là ngành độc hại thì tôi có được nghỉ hưu ở tuổi 55 hay không? Nếu được nghỉ thì:

Như đã nói ở trên, phải xét có hay không ông Nguyễn Văn Lộc trong 19 năm đầu có làm công việc “vận hành máy in opset, typo, máy xén, kẻ giấy” thì mới trả lời được là có làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nếu có, thì căn cứ điểm b khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu “nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi” có “đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” thuộc danh mục do Bô Lao động- Thương binh và Xã hội ban hành. Như vậy trường hợp của ông Nguyễn Văn Lộc là đã đóng bảo hiểm hiểm xã hội trên 20 năm và đã đủ 55 tuổi nên có thể nghỉ hưu sớm nếu đủ 15 năm làm công việc, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Nếu được nghỉ hưu sớm thì:

1-     Chế độ lương hưu sẽ được hưỡng như thế nào? có bị giảm dưới mức 75% hay không ?

Thứ nhất, Căn cứ khoản 1 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, nếu người lao động nghỉ hưu từ ngày 01/01/2016 đến 01/01/2018 thì mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội , sau đó cứ mỗi năm thì thêm 2% đối với năm, mức tối đa bằng 75%.

Theo như quy định trên thì Ông Lộc được hưởng là 75%  (45% + (36-15)*2%=87% nhưng tối đa chỉ lấy 75%) mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Đối với ông Nguyễn Văn Lộc, % mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi khi hưu(căn cứ điểm a khoản 1 Điều 62 Luật BHXH 2014).

Thứ hai, nếu ông Nguyễn Văn Lộc được nghỉ hưu thì không bị giảm dưới mức 75%, vì ông nghỉ hưu theo điểm b khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

2-     Trợ cấp thôi việc tại công ty đang làm có được hưởng không?

Hợp đồng lao động của ông Nguyễn văn Lộc và công ty chấm dứt do người lao động hết tuổi lao động, được hưởng lương hưu nên không có trợ cấp thôi việc.

Căn cứ khoản 1 Điều 48, khoản 4 Điều 36 Luật lao động 2012

3-     Trợ cấp 1 lần do đóng BHXH liên tục trên 20 năm sẽ được hưỡng như thế nào?

Căn cứ Điều 58 Luật bảo hiểm xã hội:

“1. Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

2. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.”

Như vậy, số tiền trợ cấp ông Nguyễn Văn Lộc nhận được:

   = {36-[(75%-45%/2-15)]}x 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội

 Trên đây là nội dung tư vấn để quý vị tham khảo, để cụ thể hơn quý vị đến văn phòng chúng tôi để được tư ván chi tiết hơn, chính xác hơn.

Trân trọng. LS Trần Minh Hùng

Luật Sư Tư Vấn Thủ Tục Giám Định Tâm Thần

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Hỏi Đáp Pháp Luật

Có cần giám định tình trạng tâm thần trong các giao dịch thừa kế, mua bán nhà, tài sản...

Quy trình giám định pháp y tâm thầntại phòng khám:

Căn cứ Khoản 2 Mục II  TT 18/2015. Quy trình giám định pháp y tâm thần tại phòng khám như sau:

Giám định pháp y tâm thần tại phòng khám áp dụng đối với những trường hợp đơn giản, không khó khăn trong chẩn đoán, xác định năng lực và trách nhiệm hành vi.

* Tiếp nhận hồ sơ trưng cầu hoặc yêu cầu giám định:

- Hồ sơ trưng cầu hoặc yêu cầu giám định theo quy định tại Điểm 3.3 hoặc Điểm 3.4 Khoản 3 Mục I Phần I Quy trình này. Hồ sơ phải được gửi tới tổ chức pháp y tâm thần trước ít nhất là 10 ngày làm việc để nghiên cứu, xem xét, quyết định việc tiếp nhận trưng cầu hoặc yêu cầu giám định, phân công người thực hiện giám định;

- Việc tiếp nhận trưng cầu hoặc yêu cầu giám định và giao nhận hồ sơ trưng cầu hoặc yêu cầu giám định theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 27 Luật giám định.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ trưng cầu hoặc yêu cầu giám định, tổ chức pháp y tâm thần phải có văn bản trả lời người trưng cầu hoặc người yêu cầu giám định về việc tiếp nhận đối tượng giám định. Trường hợp không đồng ý tiếp nhận trưng cầu hay yêu cầu giám định thì trong văn bản phải nêu rõ lý do từ chối.

* Phân công người tham gia giám định: Thủ trưởng tổ chức pháp y tâm thần ra quyết định phân công người tham gia giám định pháp y tâm thần. Các giám định viên pháp y tâm thần được phân công tham gia giám định pháp y tâm thần (sau đây gọi tắt là giám định viên tham gia giám định) hoạt động theo cơ chế giám định tập thể quy định tại Khoản 3 Điều 28 của luật giám định, trong đó phân công một giám định viên chủ trì và một giám định viên thư ký.

* Nghiên cứu tài liệu trưng cầu hoặc yêu cầu giám định: Giám định viên tham gia giám định đều phải nghiên cứu hồ sơ do người trưng cầu hoặc người yêu cầu giám định cung cấp. Trường hợp cần thiết, giám định viên tham gia giám định thống nhất yêu cầu tổ chức trưng cầu hoặc người yêu cầu bổ sung tài liệu hoặc cử giám định viên trực tiếp cùng người được người trưng cầu hoặc yêu cầu giám định đi thu thập thêm tài liệu. Giám định viên thư ký tổng hợp tất cả các tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định.

 

* Tiếp nhận và thăm khám lâm sàng đối tượng giám định:

Tiếp nhận đối tượng giám định tại phòng khám của tổ chức pháp y tâm thần để giám định viên tham gia giám định thăm khám đối tượng giám định.

- Khám tâm thần: khám chi tiết, tỷ mỉ tất cả các hoạt động tâm thần;

- Khám nội khoa và thần kinh;

- Khám các chuyên khoa khác (nếu cần thiết);

Giám định viên tham gia giám định phải trực tiếp khám lâm sàng đối tượng giám định trước khi giám định.

Giám định viên thư ký ghi chép đầy đủ mọi diễn biến lâm sàng vào bệnh án theo dõi giám định.

* Thăm khám cận lâm sàng đối tượng giám định: Tùy từng trường hợp cụ thể mà giám định viên tham gia giám định thống nhất chỉ định cho đối tượng giám định làm các thăm khám cận lâm sàng (xét nghiệm) theo quy định tại Điểm 1.8 Khoản 1 Mục II Phần I Quy trình này. Người trưng cầu hoặc người yêu cầu giám định đưa đối tượng giám định đi làm xét nghiệm.

* Giám định viên thư ký tổng hợp tất cả các tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định.

* Họp giám định viên tham gia giám định: Dựa trên cơ sở nghiên cứu tài liệu trưng cầu hoặc yêu cầu giám định, kết quả thăm khám trực tiếp đối tượng giám định tại phòng khám và các kết quả cận lâm sàng đã làm, giám định viên tham gia giám định thảo luận, kết luận giám định và lập biên bản giám định.

* Kết luận giám định và biên bản giám định: Căn cứ vào kết quả nghiên cứu tài liệu của đối tượng giám định; các dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng và mức độ mắc bệnh/không mắc bệnh của từng đối tượng giám định; từng vụ việc cụ thể liên quan đến đối tượng giám định, giám định viên tham gia giám định đưa ra kết luận giám định và biên bản giám định.

Kết luận giám định, biên bản giám định phải trả lời đầy đủ các nội dung của quyết định trưng cầu hoặc của yêu cầu giám định và được lập thành văn bản.

Giám định viên tham gia giám định đều phải ký vào kết luận giám định và biên bản giám định. Nếu có giám định viên không thống nhất thì ghi rõ ý kiến của giám định viên đó. Giám định viên có quyền bảo lưu kết luận của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận đó.

- Kết luận về y học:

+ Căn cứ Tiêu chuẩn chẩn đoán của Tổ chức Y tế Thế giới về các rối loạn tâm thần và hành vi hiện hành (ICD-10), căn cứ thông tư 20/2014 ngày 12 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần giám định viên tham gia giám định xác định đối tượng giám định:

+ Họ và tên

+ Có bệnh tâm thần, rối loạn tâm thần hay không? Bệnh tâm thần, rối loạn tâm thần gì (ghi mã bệnh)? Tình trạng tâm thần trước, trong và sau khi xảy ra vụ việc?

- Kết luận về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi (trong từng thời điểm, đặc biệt tại thời điểm xảy ra vụ việc):

+ Mất khả năng nhận thức và/hoặc khả năng điều khiển hành vi;

+ Hạn chế khả năng nhận thức và/hoặc khả năng điều khiển hành vi;

+ Đủ khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi.

* Lập hồ sơ giám định và lưu trữ hồ sơ giám định:

- Lập hồ sơ giám định:

Ngoài các tài liệu theo quy định tại Điểm 3.3 hoặc Điểm 3.4 Khoản 3 Mục I Phần I Quy trình này, hồ sơ giám định còn có các tài liệu kèm theo (các bút lục sử dụng trong quá trình giám định pháp y tâm thần):

+ Biên bản bàn giao tài liệu và biên bản giao, nhận đối tượng giám định;

+ Văn bản ghi nhận quá trình giám định, bao gồm: Bệnh án theo dõi giám định; Biên bản giám định pháp y tâm thần;

+ Kết luận giám định;

+ Ảnh đối tượng giám định;

+ Tài liệu khác có liên quan đến việc giám định (nếu có).

* Hồ sơ giám định do tổ chức pháp y tâm thần lưu trữ. Thời gian lưu trữ hồ sơ giám định theo quy định của pháp luật về lưu trữ (lưu trữ vĩnh viễn)

* Kết thúc giám định:

- Tổ chức pháp y tâm thần bàn giao lại đối tượng giám định cho người trưng cầu hoặc người yêu cầu giám định. Tùy theo đối tượng giám định mà hai bên ký biên bản bản giao đối tượng giám định (đối tượng giám định có lệnh tạm giam hoặc không có lệnh tạm giam);

- Trả kết luận giám định và biên bản giám định: tổ chức pháp y tâm thần trả kết luận giám định và biên bản giám định trực tiếp cho người được người trưng cầu giám định hoặc người yêu cầu giám định cử tới (có chữ ký biên nhận) hoặc trả gián tiếp theo đường bưu điện, có dấu xác nhận của bưu điện (thư bảo đảm).

LS TRẦN MINH HÙNG

 

Xin Hỏi Về Quyền Thừa Kế Của Việt Kiều

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Hỏi Đáp Pháp Luật

Xin luật sư cho tôi hỏi để được hưởng thừa kế thì Việt Kiều cần đáp ứng những điều kiện gì? pháp luật Việt nam quy định thế nào?

Theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 179 Luật đất đai năm 2013: “Trường hợp người được thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 186 của Luật này thì được nhận thừa kế quyền sử dụng đất; nếu không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 186 của Luật này thì được hưởng giá trị của phần thừa kế đó”

Điều 186. Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam

“1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam”.

Xin lưu ý: Nếu không thuộc các trường hợp nêu trên, người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ được hưởng theo giá trị phần thừa kế đó mà không được nhận quyền sử dụng đất.

Hỏi Về Việt Kiều Mua Nhà Tại Việt Nam

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Hỏi Đáp Pháp Luật

Xin hỏi để được mua nhà đất tại Việt Nam cần thỏa mãn những điều kiện gì?

Trân trọng cảm ơn luật sư.

Chúng tôi xin trả lời như sau:

Ba đối tượng Việt kiều được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Điều tiên quyết đầu tiên là người Việt Nam định cư ở nước ngoài ( tạm gọi là Việt kiều) phải được được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên (visa 3 tháng). Điều này hiện nay hầu như mọi Việt kiều đều có thể đáp ứng.

Tiếp đó, chỉ khi Việt kiều thuộc một trong số các đối tượng sau sẽ có quyền sở hữu nhà (gắn liền với “quyền sử dụng đất” – tại VN, “nhà” thì được sở hữu, còn “đất” là tài sản thuộc “sở hữu toàn dân”, chỉ có “quyền sử dụng) tại Việt Nam:

• Đối tượng 1: Người có quốc tịch Việt Nam

Việt kiều thuộc đối tượng này có quyền sở hữu (không hạn chế số lượng) nhà ở tại Việt Nam. Việc xác lập có thể thông qua nhiều hình thức như : mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, đổi nhà ở hoặc được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để xây dựng nhà ở cho bản thân và các thành viên trong gia đình tại Việt Nam.

Ví dụ : ông A là Việt kiều và còn quốc tịch Việt Nam. Khi đó, nếu ông A được cho phép cư trú tại VN trên 3 tháng thì ông A có quyền mua hoặc nhận thừa kế một căn nhà tại TP.HCM.

• Đối tượng 2:

Việt kiều nếu không thuộc trường hợp trên, cũng có quyền sở hữu nhà ở nếu bản thân thuộc trong các trường hợp sau đây :

 Là «§ Người có công đóng góp với đất nước », bao gồm:

o Người được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi.

o Người có công với cách mạng : có giấy tờ chứng minh được hưởng chế độ ưu đãi do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;

o Người có thành tích đóng góp trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương, Huy chương, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen;

o Người tham gia vào Ban Chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội của Việt Nam, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ cấp tỉnh trở lên được các tổ chức này xác nhận;

o Người được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương hội, người là nòng cốt các phong trào, tổ chức của kiều bào có quan hệ với trong nước và người có những đóng góp, giúp đỡ tích cực cho các cơ quan đại diện hoặc các hoạt động đối ngoại của Việt Nam ở nước ngoài được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài hoặc cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài xác nhận;

§ Nhà văn hoá, nhà khoa học, bao gồm:

Người được phong học hàm, học vị về khoa học, giáo dục, văn hoá - nghệ thuật, thể dục - thể thao của Việt Nam hoặc của nước ngoài, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế - xã hội đang làm việc tại Việt Nam.

Được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thủ trưởng các trường đại học, cao đẳng, học viện, viện nghiên cứu của Việt Nam mời về làm chuyên gia, cộng tác viên, giảng dạy và có xác nhận của cơ quan, tổ chức mời về việc đối tượng này đang làm việc tại cơ quan, tổ chức đó;
Ví dụ : trường hợp của giáo sư nhạc sỹ Trần Văn Khê, có thể mua và sở hữu nhà tại VN.

§ Người có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt có giấy xác nhận về chuyên môn, kỹ năng của hiệp hội, hội nghề nghiệp Việt Nam hoặc của cơ quan cấp Bộ phụ trách lĩnh vực chuyên môn, kỹ năng kèm theo giấy phép hành nghề chuyên môn tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (đối với trường hợp pháp luật yêu cầu phải có giấy phép hành nghề) hoặc Giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (đối với trường hợp pháp luật không yêu cầu phải có giấy phép hành nghề);

§ Người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước có giấy tờ chứng nhận kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp kèm theo hộ khẩu thường trú và giấy chứng minh nhân dân của một bên vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam ở trong nước.

• Đối tượng 3 :

Trường hợp Việt kiều không thuộc hai trường hợp nêu trên, thì vẫn có thể có quyền sở hữu 1 căn nhà ở « riêng lẻ » hoặc một « căn hộ chung cư » tại Việt Nam khi bản thân có đủ hai điều kiện sau:

 Giấy tờ chứng minh là người gốc Việt Nam.§

 Giấy miễn thị thực do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.§

Trường hợp này, nếu đang sở hữu nhà ở tại Việt Nam mà được thừa kế hoặc được tặng cho nhà ở khác thì chỉ được chọn sở hữu một nhà ở; đối với nhà ở còn lại thì được quyền tặng cho hoặc bán cho các đối tượng khác và được hưởng giá trị.

Giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam hoặc có gốc Việt Nam

- Đối với người có quốc tịch Việt Nam: phải có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị. Trong trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì phải có một trong các giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

- Đối với người gốc Việt Nam: phải có hộ chiếu nước ngoài kèm theo giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp để chứng minh có gốc Việt Nam.

Giấy tờ chứng minh điều kiện cư trú tại Việt Nam

- Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu Việt Nam thì phải có Sổ tạm trú hoặc Giấy tờ xác nhận về việc đăng ký tạm trú tại địa phương.

Để được cấp các giấy tờ trên, Việt kiều phải có đơn đề nghị cấp và xuất trình hộ chiếu tại cơ quan công an cấp phường.

Trong thời hạn khoảng 3 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, công an cấp phường « có trách nhiệm » cấp Giấy xác nhận tạm trú tại VN.

- Đối với người mang hộ chiếu nước ngoài thì phải có Thẻ tạm trú hoặc Có dấu chứng nhận tạm trú đóng vào hộ chiếu với thời hạn được tạm trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên. Để được cấp giấy tờ này, người mang hộ chiếu nước ngoài có đơn đề nghị, gửi kèm hồ sơ tới cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Việt Nam.

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đối với Việt kiều

« Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà » (GCNQSHN) là tên gọi gọn lại của một tờ giấy do UBND cấp quận huyện cấp – là bằng chứng pháp lý chứng minh quyền sở hữu nhà của một người.

Tên gọi đầy đủ của GCNQSHN là « Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất ở và tài sản khác gắn liền với đất » (dài quá !).

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài sau khi đã mua nhà, cần làm thủ tục để xin cấp GCNQSHN, nộp hồ sơ tới Phòng đăng ký – thuộc UBND quận/huyện.

Hồ sơ gồm :

- Đơn đề nghị cấp Giấy (theo mẫu).

Hợp đồng mua bán nhà - có công chứng.

- Biên lai thu phí, lệ phí.

- Các giấy tờ chứng minh về việc người đề nghị thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; giấy tờ chứng minh về nguồn gốc, quốc tịch Việt Nam của người đề nghị.

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

hỏi về việc tặng cho ủy quyền sang tên nhà cho con có đòi được?

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Hỏi Đáp Pháp Luật

Ngày 18/10, báo Phụ Nữ đã tiếp nhận đơn cầu cứu của ông Phạm Văn Trình (SN 1942, ngụ P.6, Q.8) phản ánh về việc bị vợ chồng con trai ruột lập mưu chiếm đoạt hai căn nhà và bạo hành.

Theo trình bày của cụ Trình, gia đình cụ có 4 người con trong đó chỉ có riêng ông Phạm Nhân Q. (sinh năm 1979) là không được học hành đến nơi đến chốn. Thời con trẻ ông Q. đã sớm sa chân vào ma túy và đã nhiều lần bị đưa đi cải tạo, cai nghiện tập trung. Năm 2006, sau nhiều lần được đưa đi cai nghiện, ông Q. trở về nhà xin bố mẹ cưới vợ và hứa sẽ tu tâm dưỡng tính đoạn tuyệt với ma túy. Thương con, cụ Trình chấp nhận cưới và cho con và trích phần tiền lương hưu của mình mỗi tháng 3 triệu đồng để chu cấp cho người con trai lầm lỡ. Thấy con trai thật sự đoạn tuyệt với ma túy nên cụ Trình hết sức tin tưởng con và luôn khuyên con làm ăn lương thiện để tương lai cho con cái sau này.

Đến năm 2013, khi cụ Trình chuyển từ Q.3 về mua căn nhà ở địa chỉ 1629/2A Phạm Thế Hiển (P.6, Q.8) làm nơi an dưỡng tuổi già thì ông Q. liên tục đến năn nỉ bố mẹ công chứng ủy quyền cho mình căn nhà này để vay vốn làm ăn. Sau nhiều lần ông Q. đến năm nỉ, vợ chồng cụ Trình đã đồng ý làm giấy công chứng ủy quyền căn nhà này cho ông Q. với điều kiện ông Q. phải ký giấy cam kết là đến tháng 3/2015 sẽ hoàn tất việc thế chấp căn nhà và trả lại chủ quyền căn nhà cho cụ Trình. Tuy nhiên, đến thời hạn trả lại chủ quyền căn nhà như cam kết thì ông Q. nhiều lần tìm cách trì hoãn không trả nhà lại cho bố mẹ. Cho đến đầu năm 2016, cụ Trình phát hiện căn nhà mình ủy quyền cho con trai đã được sang tên cho bà Nguyễn Thị T. (sinh năm 1982, vợ ông Q.).

Cụ Trình cho hay: “Tuy làm giấy ủy quyền cho con trai tôi nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở lúc đó vẫn do vợ chồng tôi đứng tên. Tuy nhiên, không hiểu bằng phép thuật nào con trai tôi đã sang tên căn nhà đó cho vợ nó. Một chuyện vô lý như vậy mà UBND Q.8 vẫn đồng ý sang tên và cấp giấy chứng nhận vào ngày 29/1/2016”.

Cũng theo cụ Trình, đây không phải là lần đầu tiên cụ bị con trai lừa gạt chiếm đoạt căn nhà. Trước đó, vào năm 2014, cũng với chiêu trò như trên, ông Q. đã dụ dỗ cụ Trình làm giấy ủy quyền một căn nhà của cụ Trình tại Tân Hiệp (Tiền Giang). Tuy nhiên, sau đó ông Q. đã bán căn nhà này với giá 500 triệu đồng và chiếm giữ. Khi biết được sự việc cụ Trình rất giận nhưng vì thương con nên cụ Trình đã bỏ qua. Cụ Trình không ngờ sau lần đó, ồn Q. lại tiếp tục lập mưu chiếm đoạt luôn căn nhà còn lại của cụ.

Dù bị con trai lập mưu chiếm nhà, nhưng cụ Trình vẫn không tố cáo vì nghĩ thương con và tin rằng sẽ sống hết những ngày cuối đời còn lại sau đó tài sản sẽ cho con. Tuy nhiên, thời gian gần đây cụ Trình liên tục bị con dâu và con trai mình bạo hành với mục đích đuổi hai vợ chồng cụ Trình ra khỏi nhà.

Theo đó, vào ngày 17/8, vợ chồng ông Q. đến xin cụ Trình cho dọn về căn nhà 1629/2A Phạm Thế Hiển (P.6, Q.8) để sống chung. Khi cụ Trình không đồng ý thì vợ chồng ông Q. lấy lý do căn nhà này do mình đứng tên và buộc cụ Trình phải cho vào nhà sống chung. Không muốn gia đình xảy ra xích mích nên cụ Trình đã đồng ý cho vợ chồng ông Q. vào ở chung và nhường phòng ở của mình cho ông Q. sống.

Tuy nhiên, đến ngày 13/9, trong khi cụ Trình ra ngoài thì ở nhà giữa cụ Phạm Thị Việt Thanh (SN 1943, vợ cụ Trình) và bà T. xảy ra mâu thuẫn do việc dọn dẹp vệ sinh trong nhà. Lúc này, bà T. đã mang rất nhiều đồ đạc của cụ Thanh ra đập và khóa trái cửa nhà không cho ai vào. Khi cụ Trình về không thể vào nhà được nên đã gọi điện cầu cứu cơ quan chức năng.

Ngay sau khi cán bộ phường ra về thì cụ Trình lại tiếp tục bị con dâu và con trai mình chửi mắng, đập phá đồ đạc trong nhà. Từ đó đến nay cụ Trình không nhớ mình đã bao nhiêu lần bị con dâu và con trai chửi bới, đập phá đồ đạc và đuổi ra khỏi nhà.

Mới đây nhất vào ngày 17/10, khi UBND P. 6, Q.8 có giấy mời ông và vợ chồng ông Q. lên phường để hòa giải thì vợ chồng ông Q. lại tiếp tục đập phá đồ đạc và chửi bới vợ chồng cụ. Cũng theo cụ vào chiều ngày 18/10, UBND P.6, Q.8 sẽ có một buổi hòa giải giữa vợ chồng ông Q. và cụ Trình. Tuy nhiên, nếu vụ việc này không giải quyết dứt điểm thì có lẽ cụ Trình sẽ không còn dám ở trong căn nhà của mình nữa.

1. Như lời kể của cụ Trình thì Q. đã lừa bố mẹ mình ủy quyền hai căn nhà sau đó bán và sang tên cho vợ như vậy có phạm tội tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không ?

2. Việc ông Q. có hành vi bạo hành bố mẹ như đã kể trên thì có đến mức bị xử phạt hay không ?

3. Hiện tại cụ Trình nên làm gì để bảo vệ quyền lợi cho mình ?

 

  1. Như lời kể của cụ Trình thì Q. đã lừa bố mẹ mình ủy quyền hai căn nhà sau đó bán và sang tên cho vợ như vậy có phạm tội tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không ?
  2. Việc ông Q. có hành vi bạo hành bố mẹ như đã kể trên thì có đến mức bị xử phạt hay không ?

          Nếu việc ủy quyền chỉ ủy quyền quản lý, sử dụng mà ông Q chuyển nhượng sang cho vợ là trái quy định. Ngoài ra, nếu theo cam kết thỏa thuận ông Trình chỉ ủy quyền để cho ông Q vay ngân hàng nhưng ông Q lại sang tên cho bà vợ ông Q là bà T thì ủy quyền này có dấu hiệu bị lừa dối. Theo quy định giao dịch dân sự bị lừa dối thì ông Trình có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu hủy hợp đồng ủy quyền và và hủy việc chuyển nhượng giữa ông Q và bà T, hủy giấy chứng nhận sang tên lại cho ông Trình theo đúng quy định do ông Trình bị lừa dối. Việc ông Q có dấu hiệu vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không còn tùy cơ quan chức năng vào cuộc. Tuy nhiên, theo như thông tin thì ông Q đã có dấu hiệu gian dối, lừa dối ngay từ đầu nên theo tôi có cơ sở ông Q đã có dấu hiệu của hành vi lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của ông Trình.

  • Theo tôi hành vi của ông Q đã có dấu hiệu hành hạ người khác. Theo quy định tại điều 110 Bộ luật hình sự quy định:

"1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật;

b) Đối với nhiều người".

            Pháp luật là một chuyện nhưng hành vi của ông Q được cho là bất hiếu, vi phạm đạo đức, quy tắc xã hội. Hành vi này nếu không bị xử lý hình sự cũng có thể bị xử lý về mặt hành chính về hành vi của mình. Cơ quan chính quyền địa phương cần can thiệp kịp thời và có hành vi xử phạt nghiêm khắc đối với ông Q.

  1. Hiện tại cụ Trình nên làm gì để bảo vệ quyền lợi cho mình ?

          Ông Trình nên làm khiếu nại ra UBND phường để được hòa giải, can thiệp. Đối với hành vi ông Q đập đồ đạc, chửi bởi thì ông Trình nên báo công an phường can thiệp, lập biên bản sự việc. Nếu hòa giải không thành thì nên làm đơn ra Tòa án có thẩm quyền để khởi kiện yêu cầu hủy ủy quyền do bị lừa dối, hủy việc chuyển nhượng sang tên bà T vợ ông Q, trả lại giấy tờ nhà đất cho ông Trình, ông Trình có thể liên hệ luật sư để được luật sư tư vấn và hướng dẫn thủ tục khởi kiện cho ông Trình.

Giới Thiệu Luật Sư Trần Minh Hùng

link s75  

Với phương châm đặt chữ "Tâm" của nghề lên hàng đầu, chúng tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào sự công bằng và bảo vệ công lý cho xã hội. Là hãng luật uy tín thường xuyên tư vấn luật trên HTV, VTV, THVL, ANTV, VTC, SCTV, TH Cần Thơ, Đồng Nai và trên các tờ báo uy tín... Chúng tôi chuyên tư vấn, bào chữa cho khách hàng, thân chủ trên mọi lĩnh vực đất đai, thừa kế, hình sự, doanh nghiệp, ly hôn, công nợ, lao động, hợp đồng....

 

                                   LS TRẦN MINH HÙNG 


Hotline:0972238006