Print this page

luật sư Trần Minh Hùng trả lời báo chí về sân chơi tài chính

Náo loạn sàn đầu tư ảo và tấn bi kịch của những người ôm mộng làm giàu

(Tamsugiadinh.vn) - Thấy sàn đầu tư lợi nhuận thu về hơn 100%, nhiều người dân đã gom góp tiền tiết kiệm, thậm chí vay nặng lãi để đầu tư. Đổi đời đâu chưa thấy, chỉ thấy các sàn đồng loạt đóng cửa, cuốn đi hàng chục ngàn tỷ đồng. Nạn nhân người thì tự tử, người thì thành đối tượng truy lùng của xã hội đen đến mức khiếp sợ phải bỏ nhà đi lang bạt.
Bambo tôn vinh những thủ lĩnh (đầu lai) đã lôi kéo được nhiều khách hàng

Tràn lan nhà đầu tư “khủng”

Trong khoảng nửa năm qua, Tây Nguyên trở thành điểm nóng về đầu tư qua mạng. Có rất nhiều người xưng là quản lý, chủ sàn hoặc đầu lai (người đứng đầu tổ chức các buổi thuyết giảng đầu tư qua mạng) về đây mở các buổi hội thảo, thuyết trình hoành tráng về hình thức đầu tư theo kiểu cho – nhận.

Thấy lợi nhuận hấp dẫn, nhiều người đã tham gia đầu tư. Sau 1, 2 lần thành công và thu về lợi nhuận khủng, họ liền rủ thêm bạn bè, anh em tập trung gom vốn đầu tư. Chỉ khi chủ sàn đóng băng, cho “sập sàn” thì mọi người mới biết mình bị lừa.

Được biết, có hàng chục sàn như sàn M5, FXTM4; M7 hay còn gọi là XBLG; S6; SROW.org; BSE365; ONE coin; D10; A8; Coinsi… hiện đã sập và cuốn đi hàng chục ngàn tỷ đồng của người dân.

Thế nhưng theo tìm hiểu của PV, hiện trên khắp địa bàn huyện Chư Sê, thị xã An Khê, huyện K’Bang và TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) vẫn đang tràn ngập những buổi hội thảo, thuyết trình về các sân chơi cho – nhận. Mục đích của những buổi thuyết giảng này là nhằm giới thiệu - tôn vinh những đầu lai, đánh bóng khoản thu nhập “khủng” mà các đầu lai này được hưởng, từ đó lôi kéo người tham gia.

Mới đây nhất trong tháng 8 vừa qua, hai sàn đầu tư cho - nhận B6, mmm.Bamboo… vừa tổ chức hội thảo hoành tráng tại một khách sạn sang trọng trên địa bàn TP. Pleiku. Không chỉ tung hoành trên địa bàn tỉnh Gia Lai, hai sàn này còn cho các đầu lai phát triển mở rộng thị trường, vươn “vòi bạch tuộc” đến các tỉnh thành khác như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương…

Được biết, những sàn đầu tư trên là do nhiều cá nhân lấy danh nghĩa là chuyên gia tài chính mở ra theo hình thức cho – nhận. Nguyên tắc của những sàn này là khách đến ngân hàng lập một tài khoản (còn gọi là ID), bỏ tiền vào đó hoặc đưa tiền cho đầu lai để lập mã giao dịch cho – nhận.

Sau đó chỉ cần ngồi ở nhà hoặc lang thang ở các quán cà phê sử dụng máy tính bảng để liên lạc và theo dõi thông tin thực hiện lệnh trên sàn. Sau khi đưa tiền 150 – 200 ngàn đồng cho đầu lai để kích pin và chờ có lệnh PH (tức là cho), người chơi sẽ chuyển tiền hoặc bitcoin đi rồi chờ GH về (tức là nhận). Cứ thế quay vòng, mỗi tháng vài lần kích pin.

Vị chi mỗi tháng không cần làm việc cũng thu về khoản lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần những người đi làm việc mỗi ngày. Còn các đầu lai nếu giới thiệu được một người đầu tư vào sàn của mình sẽ được chia 10% tiền hoa hồng trên tổng số tiền mà các nạn nhân bỏ ra.

Như tại sàn M5, mức đầu tư mỗi mã ID khi PH là 6,6 triệu đồng, chưa đầy 1 tháng thu về 8,8 triệu. Bị “hoa mắt” bởi lợi nhuận, rất nhiều người vốn chẳng hiểu gì về tài chính cũng rủ nhau gác bỏ công việc thường ngày, gom tiền đi đầu tư qua mạng. Đến khi M5 sập sàn thì những nạn nhân cho biết, số tiền mà người dân Gia Lai đã mất cho sàn này lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Trần Thiện Lâm – chủ sàn FXMT4 

Sàn mới sập gần đây nhất có tên là FXMT4.us (website fxmt4.us) do gã thanh niên trẻ tên Trần Thiện Lâm (SN 1990, quê Đồng Tháp, hiện ở quận Tân Bình, TP.HCM) làm chủ.

Sàn đầu tư của Lâm đặc biệt hơn các sàn khác là dùng đồng tiền bitcoin (một loại tiền giao dịch qua mạng có giá trị tương đương tiền mặt, có khả năng thanh toán cao) để đầu tư. Tính mức giá trung bình của đồng bitcoin qua các thời điểm tại sàn FXMT4 là trên 14 triệu đồng/1 bitcoin.

Sau 30 ngày, người chơi sẽ nhận về được giá trị khoảng 20,14 triệu đồng. Một mức lãi khủng khiếp mà ai cũng muốn đầu tư để sinh lời. Vì thế, sàn này nhanh chóng thu hút rất đông người tham gia, lên đến hàng ngàn người. Tuy nhiên, mới chỉ hoạt động được hai tháng, Lâm đã cho sập sàn, ôm trọn số tiền rồi lặn mất tăm.

Từ nguồn thông tin riêng, phóng viên đã tiếp cận được một số đầu mối quan trọng và có những thông tin liên quan đến đối tượng cầm đầu đường dây FXMT4 Trần Thiện Lâm. Chúng tôi có được những đoạn chát đối thoại giữa Trần Thiện Lâm với một người khác thể hiển rõ sự bàn bạc lập ra một đường dây đầu tư cho nhận mới để lừa gạt mọi người.

Trong đoạn chát này, Trần Thiện Lâm nói:“IT bên tôi viết khá tốt, FXMT4 tôi kêu tụi nó viết trong 15 ngày là xong. Đảm bảo không ai tra ra được là của Việt Nam. Tụi nó đảm bảo không hack, không bị lỗi”.

Người kia trả lời lại Lâm:“OK. Tôi tin ông, nhưng cẩn thận mấy thằng này. Sợ nó không trung thành quay lại đâm mình thôi. Ông gửi tôi bản hợp đồng IT nó viết phần mềm để tôi coi tiến độ của nó. Với lại bản hợp đồng tôi với ông”.

Trần Thiện Lâm tiếp tục thể hiện bản lĩnh: “OK. Để tôi gởi. Dự án lần này OK là tôi với ông mỗi người có mấy tỷ. Thằng Chung nó cũng hợp tác với tôi. Ông có muốn tham gia không? Tôi chia lại lợi nhuận của tôi cho ông? 20%...!. Anh em mình san bằng thiên hạ, tạo cơ đồ mới...”.

Trốn chạy khỏi sự truy đuổi của giang hồ

Nạn nhân của các sàn đầu tư ảo có đủ các thành phần từ trí thức như giáo viên, cán bộ về hưu cho đến những người nông dân nghèo vốn chỉ quanh năm bám mặt với ruộng, rẫy.

Không ít người vét hết gia sản, bán ruộng đất, thậm chí vay nóng với lãi suất cao để dốc tâm dồn lực vào những phi vụ đầu tư. Có nhiều người còn chơi nhiều sân để nhanh chóng gom cả vốn lẫn lời. Chỉ đến lúc các sàn đồng loạt sập dẫn đến hậu quả mất trắng tài sản, nợ nần chồng chất họ mới nghiệm ra mình “tham thì thâm”.

Để viết được loạt bài này, phóng viên đã phải mất rất nhiều thời gian tiếp cận các nạn nhân. Họ ngại tiếp xúc với báo chí một phần vì sợ gia đình, người thân, bạn bè biết được nên dị nghị, phần vì sợ “lộ”, các chủ nợ hoặc phía xã hội đen sẽ tìm kiếm, gây áp lực đòi tiền.

Anh T.C.N. (35 tuổi, ngụ huyện Chư Sê) cho biết:“Khoảng tháng 4/2016, tôi tham gia sàn M5. Bỏ số tiền hơn 46 triệu đồng mà hai vợ chồng tích cóp được, tôi mua 7 mã ID (mỗi mã 6,6 triệu đồng) nhưng chờ mãi không thấy tiền về.

Tìm đầu lai để nói chuyện thì điện thoại không liên lạc được. Sau đó, nhiều người cùng chơi cho tôi biết M5 đã bị sập sàn. Để gỡ vốn, đầu tháng 6/2016, tôi tiếp tục tìm tới sàn đầu tư khác là FXMT4, vừa mới mở được hơn một tháng.

Tôi chuyển tiền cho đầu lai mua giùm 13 mã (đồng bitcoin) với giá 11 triệu đồng/1 bitcoin. Tổng số tiền là 143 triệu đồng. Thế nhưng, sàn này cũng bị sập, chỉ còn lại khoản nợ mà tôi đã phải đi vay nóng với khoản lãi hơn 25%/tháng. Khủng khiếp quá, đổi đời đâu chẳng thấy, chỉ thấy không trả được nợ thì đổi mạng với dân xã hội đen mà thôi”.

Một đầu lai đang chờ Lâm cất số tiền mà một số nạn nhân vừa nộp tiền cho gã

Vợ chồng bà Nông Thị Nàng (62 tuổi, cán bộ hưu trí, ngụ huyện K’Bang) cũng đang phải ôm khoản nợ vay nóng bên ngoài hơn 100 triệu đồng.

Theo tìm hiểu thì sau khi về hưu, hai vợ chồng làm ăn thua lỗ nên khi nghe mọi người nói về việc đầu tư qua các sàn này, vợ chồng bà tham gia để mong gỡ gạc lại. Ai ngờ đâu, giờ đây lâm cảnh nợ nần, các đối tượng xã hội đen đòi nợ, suy nghĩ nhiều nên bà Nàng phải nhập viện cấp cứu mấy ngày nay.

Theo tìm hiểu thì được biết, trên địa bàn huyện K’Bang và thị xã An Khê là hai nơi có nhiều nạn nhân bị dụ dỗ tham gia vào các sân chơi cho – nhận này nhất. Lượng người tham gia tại hai địa bàn này lên đến vài ngàn người. Số tiền mà những người này bị mất ít nhất cũng là hàng trăm triệu đồng, cao là cũng phải cả tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (30 tuổi, ngụ thị xã An Khê) tiết lộ: “Nói chi đâu xa, trong gia đình em thôi cũng đã mất hơn 4 tỷ đồng khi đầu tư vào sân chơi cho - nhận M5. Trong đó, dì ruột em mất hơn 3 tỷ đồng, còn lại gia đình em cũng mất hơn 1 tỷ đồng.

Lúc đầu tiên tham gia vào sân chơi này, cả dì em và gia đình em được lời nhiều nên hô hào đồng loạt dốc hết vốn liếng, thậm chí đi vay mượn, cắm đất, cắm nhà để tiếp tục tái đầu tư, những mong sẽ có được khoản lời tiền tỷ chỉ trong vòng một thời gian ngắn. Ai ngờ, lần tái đầu tư này đã cuỗm đi hết số tiền lời trước đó và toàn bộ số vốn hơn 4 tỷ đồng kia khiến cho hai gia đình lâm cảnh nợ nần”.

Sau khi mất tiền ở sàn M5, phía gia đình chị Hằng thấy Trần Thiện Lâm về đây giới thiệu là chủ đường dây FXMT4 và lấy mạng sống của mình ra chịu trách nhiệm đối với người chơi nếu tham gia vào đường dây của hắn.

Mọi người trong gia đình chị Hằng tiếp tục lập nhóm rồi vay mượn thêm tiền đầu tư vào sàn của Lâm với tổng số 224,5 bitcoin (khoảng gần 3,2 tỷ đồng). “Đúng là thành tỷ phú đâu không thấy, chỉ thấy mọi người trong gia đình mình hiện giờ thành con nợ tiền tỷ rồi đó”, chị Hằng nói trong xót xa.

Cũng là một nạn nhân của những sàn đầu tư ảo, chị Đoàn Thị Anh Thư (ngụ thị xã An Khê) nói như khóc:“Tôi là một tiểu thương, chưa tham gia một sân chơi cho - nhận nào. Chỉ đến khi Trần Thiện Lâm về đây thuyết trình tôi mới tin tưởng và tham gia.

Trần Thiện Lâm trong buổi thuyết trình

Ngoài tiền của mình, vay mượn thêm bên ngoài, tôi còn huy động mọi người trong gia đình cùng tham gia vào nữa nên tổng số tiền mà tôi mất và phải chịu trách nhiệm lên tới hơn 750 triệu đồng.

Giờ tôi không còn gì mà mỗi tháng phải đóng lãi đến hơn 40 triệu đồng, trong khi tiền lời buôn bán mỗi tháng chỉ được có vài triệu đồng. Giờ tôi bị chồng chửi mắng, đòi đuổi ra khỏi nhà và còn phải trốn chui trốn nhủi khi chủ nợ cứ truy tìm”.

Tương tự là trường hợp của anh Nguyễn Thành Nhân, một giáo viên trên địa bàn huyện K’Bang. Do đồng lương giáo viên của anh trước đây không đủ trang trải cuộc sống nên khi thấy các sàn đầu tư ảo này có lợi nhuận cao, anh đã đầu tư vào đó hơn 200 triệu đồng.

Toàn bộ số tiền này là do anh đi vay nóng của các đối tượng giang hồ với lãi suất cắt cổ. Khi các sàn đầu tư ảo đồng loạt sập cũng là lúc anh mất hết toàn bộ số tiền đã bỏ ra, anh còn bị giang hồ đe dọa đòi lấy cả mạng sống nếu không trả nợ cho chúng.

Đường cùng, anh phải bỏ đi khỏi huyện K’Bang để trú một nơi khác nhằm đảm bảo an toàn cho tính mạng của mình. Tuy nhiên, đám giang hồ kia nào có buông tha, chúng thường xuyên nhắn tin, gọi điện đe dọa đến sự an toàn của vợ và con anh hiện vẫn đang sinh sống trên địa bàn.

Đã từng bị giang hồ đánh cho bầm giập vì không kịp trả tiền lãi cắt cổ cho chúng, bà Trần Thị Kim Phượng (52 tuổi, ngụ huyện Chư Sê) nhớ lại: “Sau khi bị mất hàng trăm triệu đồng vì đầu tư vào sân chơi FXMT4, tôi chưa kịp xoay xở tiền để đóng tiền lãi vay nóng cho nhóm giang hồ.

Vì vậy ngày 20/8, tôi bị một nhóm giang hồ chặn đường rồi đấm đá bầm giập, máu me đầy người, mặt mũi thì sưng vù. Trước khi bỏ đi, bọn chúng tuyên bố nếu không nhanh chóng trả chúng cả tiền gốc và lãi thì chúng sẽ lấy luôn mạng sống của tôi. Tôi giờ hoang mang quá độ, đi đến đâu cũng phải lấy khăn bịt kín mặt để tránh cho bọn chúng nhận ra”.

Dấu hiệu lừa đảo rất rõ

Về các sân chơi cho – nhận, Luật sư Trần Minh Hùng – Đoàn Luật sư TP.HCM, Trưởng văn phòng Luật sư Gia Đình nêu ý kiến: “Theo tôi, với việc huy động vốn dựa trên mô hình đa cấp dưới hình thức cho – nhận bằng tiền Việt Nam hoặc tiền đô la hoặc đồng tiền ảo Bitcoin khi lập các trang web sàn giao dịch là có dấu hiệu lừa đảo.

Trong đó, các đối tượng điều hành các trang web này sau khi thấy số lượng người tham gia đông với số tiền đã lớn thì bất ngờ đóng cửa hoặc tự đánh sập trang web để những người đã chuyển tiền đi không nhận lại được tiền. Như vậy, hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng của người dân đã mất trắng theo kẻ cầm đầu đường dây này.

Những người này đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và chuyển giao tài sản (tiền). Dấu hiệu bắt buộc của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.

Nếu có hành vi gian dối mà không có hành vi chiếm đoạt (chỉ chiếm giữ hoặc sử dụng), thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người có hành vi gian dối trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép hoặc tội sử dụng trái phép tài sản.

Sàn B6 tổ chức tiệc tùng hoành tráng sau khi đã thuyết giảng xong

Về giá trị tài sản chiếm đoạt: Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ hai triệu đồng trở lên. Nếu dưới hai triệu đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

Về mặt ý chí của người phạm tội lừa đảo bao giờ cũng nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản trước khi thực hiện hành vi lừa đảo. Ý thức chiếm đoạt phải có trước thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn gian dối bao giờ cũng phải có trước khi tiến hành giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội.

Căn cứ theo thông tin nêu trên cũng như căn cứ vào mặt khách quan của tội phạm thì tôi cho rằng hành vi của những người chủ đường dây trên đã có dấu hiệu cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 139 Bộ luật hình sự.

Các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, giải quyết và xử lý theo luật định, yêu cầu người vi phạm phải trả lại tiền cho các nạn nhân. Nếu không giải quyết triệt để thì nhiều người sẽ tiếp tục là nạn nhân của các hình thức lừa đảo công khai và chuyên nghiệp này”.

Nguồn: TamSuGiaDinh.vn

Link: http://tamsugiadinh.vn/tin-tuc/nao-loan-san-dau-tu-ao-va-tan-bi-kich-cua-nhung-nguoi-om-mong-lam-giau-tsgd15699

Rate this item
(0 votes)
  • font size
Ls. Trần Minh Hùng

Luật sư Trần Minh Hùng là một trong những luật sư sáng lập văn phòng luật, giàu kinh nghiệm về kiến thức và thực tiễn đã dành nhiều thắng lợi vụ kiện, luật sư Hùng luôn coi trọng chữ TÂM của nghề luật sư và trách nhiệm đối với xã hội nên đã được nhiều hãng báo chí, truyền thông, Đài tiếng phỏng vấn nhiều lĩnh vực quan trọng liên quan đến đời sống.

 Luật sư Trần Minh Hùng được nhiều hãng truyền thông, báo chí trong nước  tin tưởng với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn trên VOV Giao Thông – Đài tiếng nói Việt Nam, Báo pháp luật TP.HCM, HTV, ĐÀI truyền hình Vĩnh Long, Báo đời sống và pháp luật, báo Đời sống và tuổi trẻ, báo Dân Trí, Báo VNxpress, Báo Soha, Kênh 14, Một thế giới, Báo tin tức Việt nam– Các tạp chí như Tiếp Thị Gia Đình, Báo điện tử, báo Infonet,  VTC NEW, Báo Mới, Báo gia đình Việt nam, Báo ngày nay, Báo người lao động, Báo Công an nhân dân, Kiến thức ngày nay, Báo Gia đình và xã hội, Tầm nhìn…là đối tác tư vấn luật của các hãng truyền thông này và luôn mang lại niềm tin cho khách hàng và ghi nhận sự đóng góp của chúng tôi cho xã hội...

Website: luatsuthanhpho.com

Latest from Ls. Trần Minh Hùng