Kỳ 2 - An Giang: Tỉnh chỉ đạo, huyện Tri Tôn sẽ giải quyết khiếu nại của dân?
(PL+) - Vụ ngâm đơn của dân gần 2 thập kỷ tại tỉnh An Giang, sau khi Pháp luật Plus vào cuộc phản ánh, UBND tỉnh đã chỉ đạo buộc địa phương phải vào cuộc xử lý. UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết
Ngày 18/7/2017, Pháp luật plus đã đăng bài viết: “An Giang: "Ngâm" đơn khiếu nại của dân gần 2 thập kỷ, chính quyền phải chịu trách nhiệm?”. Trao đổi với phóng viên, bà Hồng Thị Thu Quyến, Phó Ban tiếp Công dân UBND tỉnh An Giang cho biết, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Tri Tôn giải quyết khiếu nại của công dân như Pháp luật Plus đã phản ánh.
![]() |
Ông Đặng Văn Tùy ròng rã khiếu nại gần 2 thập kỷ nhưng chỉ nhận được sự im lặng của chính quyền địa phương. |
Theo đó, ông Đặng Văn Tùy (ngụ thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, An Giang), nhân vật nêu trong bài viết bày tỏ sự phấn khởi khi Pháp luật Plus đã phản ánh vụ việc.
Ông Tùy cho biết: “Đúng ra từ năm 1999, khi nhận đơn khiếu nại, các cấp chính quyền địa phương giải quyết thì đâu có xảy ra tình trạng chồng chéo đất, trách nhiệm người giải quyết như bây giờ. Nếu hồi đó giải quyết mà không cấp đất được thì trả tiền lại cho dân để dân còn đi tìm đất khác.
Đi lính về, rồi thành thương binh, mọi người làm gì có tiền nên phải đi vay đi hỏi và đóng lời chứ lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để đóng tiền đầu công đất. Chính quyền im lặng, không giải quyết như vậy thì hỏi sao dân không bức xúc!”.
Có thể nói, động thái của UBND tỉnh An Giang đã làm vơi đi phần nào bức xúc của ông Tùy và dư luận. Kết quả giải quyết như thế nào, tất cả đang chờ đợi, và vấn đề vẫn là thời gian.
"Ngâm" đơn của dân: Cán bộ phải chịu trách nhiệm
Tuy nhiên, một số vấn đề nữa mà bạn đọc, người dân đặc biệt quan tâm và mong muốn các cơ quan chức năng cũng như báo chí cần làm sáng tỏ, đó là: Vì sao khiếu nại của ông Tùy được gửi gần 2 thập kỷ nhưng chính quyền các cấp tỉnh An Giang lại “im lặng” một cách bất thường như vậy? Ai đứng sau sự bất thường trên và cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm trong vụ việc?
![]() |
Đơn kêu cứu của ông Đặng Văn Tùy. |
Trao đổi với phóng viên, luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP HCM phân tích: “Việc các cấp chính quyền tỉnh An Giang nhận đơn khiếu nại của dân nhưng không ra quyết định giải quyết khiếu nại là vi phạm Luật Khiếu nại hiện hành.
Cá nhân để xảy ra vi phạm trên có thể bị xử lý kỷ luật hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tùy theo tính chất hành vi, mức độ, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp cho rằng không thuộc thẩm quyền giải quyết cũng phải trả lời cho người khiếu nại biết và hướng dẫn người khiếu nại làm thủ tục khiếu nại tới cấp có thẩm quyền...”.
Luật sư Hùng dẫn chứng, cụ thể Luật Khiếu nại năm 2011, tại Điều 67 quy định việc “Xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người giải quyết khiếu nại: Người giải quyết khiếu nại có một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 6 của Luật này hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật”.
![]() |
Trụ sở UBND huyện Tri Tôn. |
Trên tinh thần xây dựng, người dân đang hy vọng tinh thần “Chính phủ kiến tạo” phục vụ nhân dân hiện nay sẽ được các cơ quan chức năng tỉnh An Giang tiếp thu và hành động.
Người dân là những người thống thiết khiếu nại hàng chục năm nay đang rất mong các cơ quan chức năng tỉnh An Giang ngiêm túc, nhanh chóng vào cuộc giải quyết vụ việc.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong giải quyết khiếu nại Tại Điều 6 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể: 1 - Cản trở, gây phiền hà cho người thực hiện quyền khiếu nại; đe doạ, trả thù, trù dập người khiếu nại. 2 - Thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại; không giải quyết khiếu nại; làm sai lệch các thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc khiếu nại; cố ý giải quyết khiếu nại trái pháp luật. 3 - Ra quyết định giải quyết khiếu nại không bằng hình thức quyết định. 4 - Bao che cho người bị khiếu nại; can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết khiếu nại. 5 - Cố tình khiếu nại sai sự thật. 6 - Kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, gây rối an ninh trật tự công cộng. 7 - Lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, người thi hành nhiệm vụ, công vụ khác. 8 - Vi phạm quy chế tiếp công dân. 9 - Vi phạm các quy định khác của pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại. |
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Kiến Dân - Nguyễn Hiếu
Nguồn: Pháp luật Plus