Câu hỏi 1. Thủ tục sang tên xe khác tỉnh.
Theo thông tư 15/2014/TT-BCA quy định về đăng ký xe do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành, Hồ sở gồm có :
- 02 giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này) có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của Công an cấp xã nơi người đang sử dụng xe thường trú.
- Chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu của người bán cuối cùng.
- Giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe. Trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc biển số xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này).
Về lệ phí trước bạ:
a) Xe máy của tổ chức, cá nhân ở các thành phố trực thuộc trung ương; thành phố thuộc tỉnh; thị xã nơi Ủy ban nhân dân tỉnh đóng trụ sở nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức là 5%.
b) Đối với xe máy nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi được áp dụng mức thu là 1%. Trường hợp chủ tài sản đã kê khai, nộp lệ phí trước bạ đối với xe máy là 2%, sau đó chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn quy định tại điểm a khoản này thì nộp lệ phí trước bạ theo mức là 5%.
Câu 2. Vấn đề về quyền nuôi con đối với hôn nhân không hợp pháp
Căn cứ theo Điều 15 LHNVGĐ 2014 thì quyền nuôi con được giải quyết trong trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định của Luật này, tương tự như trường hợp vợ chồng có đăng ký kết hôn
“Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.”
“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Câu 3. Yêu cầu đơn phương ly hôn
Trường hợp của bạn, khi vợ bạn không đồng ý thì bạn vẫn có quyền nộp đơn đơn phương ly hôn theo Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là ly hôn theo yêu cầu của một bên hay đơn phương ly hôn. Về thủ tục bạn phải chuẩn bị các giấy tờ như:
Đơn xin ly hôn;
Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
Chứng minh nhân dân (bản sao chứng thực);
Sổ hộ khẩu (bản sao chứng thực), giấy khai sinh của con (nếu có);
Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản của vợ chồng (nếu có)…
Khi bên có yêu cầu chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ nêu trên thì Tòa án mới tiến hành thụ lý đơn.
Trường hợp đơn phương ly hôn không cần có chữ ký của vợ thì theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 thì người chồng phải nộp đơn tại nơi người vợ có hộ khẩu thường trú, hoặc cư trú.
Câu 4. Việc công ty điều chuyển người lao động sang môi trường làm việc khác.
1. Người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động trong các trường hợp sau:
a) Thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh;
b) Áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
c) Sự cố điện, nước;
d) Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm, trừ trường hợp có sự đồng ý của người lao động bằng văn bản.
Đối với trường hợp này là do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì công ty phải quy định cụ thể trong nội quy của doanh nghiệp, và phải báo trước 03 ngày làm việc cho người lao động, thông báo rõ là tạm thời và bố trí công việc phải phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động. Về vấn đề tiền lương, người sử dụng lao động phải trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Câu 5. Thẩm quyền kí kết hợp đồng
Đối với trường hợp của bạn, bạn cần yêu cầu bên phía công ty đối tác đưa ra văn bản ủy quyền của Giám đốc cho Phó giám đốc, và phải xem xét về nội dung của văn bản ủy quyền có điều khoản quy định Phó giám đốc được ký thay hay không, và phải xem xét phạm vi ủy quyền là Phó giám đốc được ký thay các văn bản, hợp đồng nào để xác định Phó giám đốc có quyền ký thay giám đốc hợp đồng thiết kế nhà ở với bạn hay không.
Cụ thể về văn bản ủy quyền quy định tại Điều 562 BLDS 2015
Câu 6. Nghỉ việc trong thời hạn thử việc
Hiện nay, pháp luật không quy định việc nghỉ việc trong thời gian thử việc phải báo trước, vì vậy, việc công ty không trả lương cho bạn vì lý do nghỉ ngang sẽ trái quy định pháp luật. Công ty bạn có nghĩa vụ phải trả lương cho bạn. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn cần yêu cầu công ty thanh toán đầy đủ tiền lương. Nếu công ty không thực hiện bạn có thể làm đơn gửi đến Phòng LĐTBXH cấp quận, huyện nơi công ty đặt trụ sở để được giải quyết. Nếu không được giải quyết thỏa đáng, bạn có thể nộp đơn khởi kiện đến TAND nơi công ty bạn đặt trụ sở.
