Cắt nước sinh hoạt tại chung cư Eco Green Saigon: Có thể khởi kiện vì đã xâm phạm quyền lợi cư dân
(CLO) Luật sư Trần Minh Hùng cho rằng, việc cắt nước cư dân chung cư Eco Green Saigon cho thấy đây là việc không minh bạch, không tôn trọng cư dân và không thấu tình đạt lý.
Vụ cắt nước tại chung cư Eco Green Saigon xuất phát từ người dân không chấp nhận mức phí quản lý 18.000 đồng/m2 (chưa tính VAT), cho nên đã đồng loạt không đóng phí này để yêu cầu chủ đầu tư là công ty Xuân Mai Saigon đối thoại, tính toán lại mức phí hợp lý hơn.
Cư dân Eco Green Saigon căng băng rôn phản đối chủ đầu tư và công ty quản lý vận hành, yêu cầu tính toán lại mức phí quản lý tại đây. Ảnh: D.T
Tuy nhiên trong thời gian khá dài chủ đầu tư vẫn không sắp xếp buổi đối thoại với cư dân và sau đó đơn vị vận hành - quản lý chung cư này là Công ty Savills đã cắt nước sinh hoạt của cư dân vì việc ngưng đóng phí trên.
Để làm rõ tính pháp lý cũng như quyền lợi của cư dân tại đây sau vụ việc, phóng viên Nhà báo & Công luận có cuộc trao đổi với luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình - Đoàn Luật sư TP. HCM.
- Theo ông, trong vụ việc cư dân yêu cầu đối thoại và bị Công ty Savills cắt nước sinh hoạt thì trách nhiệm của chủ đầu tư là Công ty Xuân Mai Saigon trong vụ việc này như thế nào?
Nguyên nhân cắt nước là giữa người dân và chủ đầu tư chưa thống nhất được mức phí quản lý dẫn tới tranh chấp với chủ đầu tư và từ đó Công ty Savills đã cắt nước sinh hoạt của cư dân. Do vậy, tôi cho rằng vấn đề này có liên quan trách nhiệm của chủ đầu tư.
Công ty Xuân Mai Saigon cần đứng ra giải quyết vụ việc này với người dân và công ty quản lý để thống nhất bảo đảm quyền lợi người dân.
Việc cắt nước - nhu cầu tối thiểu của người dân là không bảo đảm quyền lợi cho dân, gây bất bình và gây ra biết bao khó khăn cho sinh hoạt của dân cư.
- Yêu cầu đối thoại để tính toán rõ ràng lại mức phí quản lý của chung cư Eco Green Saigon kéo dài đến nay đã 6 tháng vẫn chưa được Công ty Xuân Mai Saigon đáp ứng, điều này có thể hiện chủ đầu tư có đang thiếu trách nhiệm với cư dân tại dự án của mình?
Tôi cho rằng việc này cần căn cứ thỏa thuận, hợp đồng khi các bên giao kết, bên nào vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền khởi kiện ra tòa án. Tuy nhiên, chủ đầu tư cần xem xét nguyện vọng, quyền lợi của người dân chứ không nên để kéo dài ảnh hưởng tới sinh hoạt cuộc sống của cư dân.
- Việc Công ty Savills đơn phương cắt nước sinh hoạt của cư dân nhưng không có văn bản thông báo chính thức có đúng luật hay không? Trường hợp nếu Savills làm không đúng luật thì cư dân có thể hành động như thế nào để đảm bảo quyền lợi của mình?
Theo tôi nước là nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt, việc cắt nước phải thông báo trước bằng văn bản, hợp pháp, có đóng dấu hoặc đại diện hợp pháp công ty quản lý…. Việc chỉ có một văn bản thông báo khẩn nhưng không đóng dấu - không có chữ ký của người có trách nhiệm là chưa bảo đảm đúng pháp luật, chưa bảo đảm quyền lợi cho dân.
Người dân nên yêu cầu UBND Phường, Quận, Công ty cấp thoát nước và Công ty quản lý phải mở nước lại cho người dân.
- Trả lời cư dân, Savills giải thích rằng Biên bản ghi nhận tạm ngưng bơm nước cho các hộ dân được Savills cùng Công ty SMB (đơn vị được chủ đầu tư ủy quyền phụ trách việc thu phí và giám sát sử dụng phí tại chung cư) ký và cho rằng đây là hồ sơ nội bộ nên không gửi đến cư dân. Công ty Savills căn cứ vào biên bản này để cắt nước nhưng không có quyết định gửi đến cư dân thì liệu có đúng luật? Trong trường hợp này, quyền lợi của cư dân tại chung cư liệu có đang bị Công ty Xuân Mai Saigon - Công ty Savills - Công ty SMB gạt qua một bên khi không thể tham dự và được biết về những việc liên quan đến quyền lợi của mình?
Theo tôi là văn bản nêu trên hoàn toàn không có cơ sở pháp lý vì cắt nước của cư dân thì phải gửi cho cư dân, chứ không thể đổ lỗi văn bản nội bộ. Việc làm này cho thấy vừa không minh bạch, không tôn trọng cư dân và không thấu tình đạt lý.
Tôi cho rằng quyền lợi của cư dân tại chung cư đã bị xâm phạm khi các doanh nghiệp trên đã cố tình có những hành vi không tôn trọng quyền lợi hợp pháp của cư dân, có dấu hiệu ra các văn bản không đúng pháp luật, mập mờ, không minh bạch….
Trường hợp nếu các đơn vị trên thực hiện việc trái quy định, cư dân có thể áp dụng căn cứ pháp luật nào để đòi lại quyền lợi của mình?
Nếu cư dân thấy quyền lợi mình bị xâm phạm, tôi cho rằng căn cứ Luật nhà ở và các văn bản pháp lý liên quan, cư dân có thể làm đơn khiếu nại lên UBND các cấp, Sở xây dựng…và thậm chí có thể khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để được pháp luật bảo vệ quyền lợi cho mình.
Xin cảm ơn Luật sư!
Luật sư Trần Minh Hùng - Lê Giang ghi