Cô giáo không giảng bài cho học sinh được 4 tháng cơ quan chủ quản mới biết
Trong buổi đối thoại giữa lãnh đạo sở GD&ĐT TP.HCM với học sinh diễn ra ngày 23/3, nhiều người tham dự buổi đối thoại đã bất ngờ đến ngỡ ngàng và khó hiểu khi biết thông tin, giáo viên của THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM không hề giảng bài trong suốt 4 tháng. 4 tháng không giảng bài cho học sinh trên lớp, thời gian này là quá nhiều, dù bất kỳ lý do nào. Vì sao nhà trường, phòng Giáo dục huyện lại để tình trạng này diễn ra?
Truyền thông đưa tin, chia sẻ trên hoàn toàn là có thật. Danh tính của giáo viên không giảng bài trong suốt 4 tháng là cô Trần Thị Minh Châu, giáo viên dạy Toán của Trường THPT Long Thới từ năm 2000 – 2005. Sau đó, cô chuyển sang dạy tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4, TP.HCM; đến năm 2012, cô quay lại trường Long Thới và dạy Toán cho học sinh khối 10 và 11 đến thời điểm hiện tại.
Theo phân công của nhà trường, cô Châu đảm nhiệm dạy Toán ở 4 lớp, ngoài ra có tham gia phụ đạo học sinh và không dạy thêm. Ngoại trừ lớp 11A1, các lớp còn lại cô đều giảng dạy bình thường. Đã hơn một học kỳ, tại lớp 11A1 này, cô không giảng, không trò chuyện với học sinh, chỉ chép bài và giao bài tập cho học sinh. Trước búa rìu dư luận, cô Trần Thị Minh Châu cũng đã giải thích, cô hành động như vậy bởi có một học sinh cũ tại lớp này đã nói với bạn bè ghi âm bài giảng của cô mỗi khi lên lớp, có sơ suất gì thì mang ra "đánh" cô giáo.
Sau khi sự việc được lan truyền rộng rãi đã gây ra nhiều tranh cãi lớn về đạo đức nghề nghiệp cũng như, việc làm của cô Châu có vi phạm các quy định của Luật Giáo dục, các luật khác không?
Xem xét trách nhiệm của lãnh đạo Nhà trường
Chị Đinh Thị Hiền (phụ huynh học sinh lớp 10 trường THPT Lương Thế Vinh, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định) bức xúc: “Trong một thời gian dài như thế, chẳng lẽ không một học sinh nào dám phản ánh lên nhà trường hoặc ban phụ huynh của lớp hay sao. Nếu các cháu dám phản ánh thì chắc chắn không bao giờ có việc cô giáo chỉ lên lớp chép tất cả ra bảng mà không nói gì. Trong việc này, tôi thấy cả hai bên đều không đúng. Nhưng, đáng trách hơn là giáo viên. Cô là người lớn, cô không thể đổ lỗi cho việc áp lực, sợ học sinh ghi âm mà không thực hiện quyền và nghĩa vụ của người giáo viên. Mặc cho chuyên môn nghề nghiệp tốt đến đâu nhưng không đủ bản lĩnh để đối diện với các “trò” nghịch ngợm của “tuổi nhất quỷ nhì ma…” tốt nhất nên xem xét việc thôi làm nghề…”.
Chị Nguyễn Thúy Lài, có con học lớp 12 tại quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội bày tỏ quan điểm: “Nếu cô không có khuất tất gì trong việc ăn nói, trao đổi với học sinh, chẳng việc gì phải sợ mấy cái ghi âm vớ vẩn đó. Mọi việc đều phải có lý do, không đơn thuần vì áp lực mà trốn tránh giảng bài. Nhiệm vụ của giáo viên là lên lớp giảng bài, không giảng được mà chép lên bảng khác gì để học sinh tự học sách giáo khoa. Những em không thiết tha học hành có thể sẽ không sao nhưng với các học sinh chăm ngoan, hiếu học, điều này ảnh hưởng rất lớn đến lượng kiến thức nạp vào cũng như tinh thần”.
Theo chị Lài, để học sinh không được nghe cô giáo giảng bài trong nhiều tháng liên tục như thế, trách nhiệm thuộc cả nhà trường. Có thể vì nhiều lý do, học sinh không dám ý kiến nhưng tổ chuyên môn và Ban Giám hiệu nhà trường không thể không biết. Nếu, cô Châu không giảng trong 1 đến 2 tuần, rồi tiếp tục giảng, nói nhà trường, tổ bộ môn không biết còn có thể chấp nhận được. Đây, cô Châu im lặng trên lớp 4 tháng mà nhà trường vẫn im lặng như cô giáo, không có giải pháp gì thì cũng thật lạ.
Từ phương diện của một đồng nghiệp, thầy N.V.L, (giáo viên dạy Sử trường THPT P.V.N., tỉnh Nam Định) chia sẻ: “Làm nghề này phải hết sức kiên trì bởi lẽ, học sinh ở độ tuổi này rất nghịch ngợm và hiếu động nên có thể làm ra nhiều việc mà mình không bao giờ tưởng tượng được. Nhất là trong thời đại công nghệ tiến bộ hiện nay, chỉ một hành động, câu nói lơ đãng của người cô, người thầy cũng trở thành đề tài bàn tán nên thực sự cũng rất áp lực. Là người trần mắt thịt, không thể nào hoàn hảo được, nên giữa thầy và trò cũng cần rất nhiều sự thấu hiểu, chia sẻ để đồng cảm. Còn về việc cô giáo ở TP.HCM, hơn một học kỳ không giảng bài thì có lẽ đã vượt quá giới hạn. Áp lực một phần nhưng phải hiểu, giảng dạy học sinh là trách nhiệm của nhà giáo và đạo đức nghề nghiệp không cho phép trong cương vị này, chúng ta làm bất kỳ điều gì ảnh hưởng không tốt đến học sinh…”.
Luật sư Trần Minh Hùng: Cô giáo Châu vi phạm Luật Giáo dục
Về khía cạnh pháp luật, luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích: “Theo quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục, nhà giáo có những nhiệm vụ sau đây: 1. Giáo dục, giảng dạy theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục. 2.Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và điều lệ nhà trường. 3.Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học. 4.Không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học…
Như vậy, nếu có bằng chứng về việc cô giáo không "thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục" và không "bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của người học" , "không đối xử công bằng với người học" , “không thực hiện đúng điều lệ nhà trường” thì có căn cứ kết luận cô giáo đã vi phạm Điều 72 Luật Giáo dục 2015”.
Theo luật sư Hùng, việc cô Châu lên lớp 11A1 giảng dạy nhưng không nói suốt nhiều tháng mà chỉ viết cho học trò chép và tự học, trong khi các lớp khác thì vẫn giảng dạy bình thường, cho thấy, việc không thực hiện đầy đủ và chất lượng chương trình giáo dục, không đối xử công bằng giữa các lớp với nhau, đồng thời gây ảnh hưởng đến quyền lợi ích chính đáng của người học. Ngoài ra, khoản 2, Điều 28, Luật Giáo dục cũng đưa ra yêu cầu về phương pháp giáo dục phổ thông: Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, khả năng làm việc theo nhóm; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh.
Là giáo viên đứng lớp giảng bài thì phải nói, giải thích cho học sinh chứ không thể chỉ chữ viết, điều đó có nghĩa là không bảo đảm chất lượng dạy và học. Chưa xét đến điều lệ nhà trường, cô Trần Thị Minh Châu đã vi phạm Luật Giáo dục, còn có vi phạm điều lệ của nhà trường trong công tác dạy và học hay không là việc của Ban Giám hiệu Nhà trường. Và, các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét mức độ nghiêm trọng của hành vi này để đưa ra biện pháp xử lý thích hợp.
Nhung Anh
Nguồn: Thời Đại
Luật sư Trần Minh Hùng là một trong những luật sư sáng lập văn phòng luật, giàu kinh nghiệm về kiến thức và thực tiễn đã dành nhiều thắng lợi vụ kiện, luật sư Hùng luôn coi trọng chữ TÂM của nghề luật sư và trách nhiệm đối với xã hội nên đã được nhiều hãng báo chí, truyền thông, Đài tiếng phỏng vấn nhiều lĩnh vực quan trọng liên quan đến đời sống.
Luật sư Trần Minh Hùng được nhiều hãng truyền thông, báo chí trong nước tin tưởng với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn trên VOV Giao Thông – Đài tiếng nói Việt Nam, Báo pháp luật TP.HCM, HTV, ĐÀI truyền hình Vĩnh Long, Báo đời sống và pháp luật, báo Đời sống và tuổi trẻ, báo Dân Trí, Báo VNxpress, Báo Soha, Kênh 14, Một thế giới, Báo tin tức Việt nam– Các tạp chí như Tiếp Thị Gia Đình, Báo điện tử, báo Infonet, VTC NEW, Báo Mới, Báo gia đình Việt nam, Báo ngày nay, Báo người lao động, Báo Công an nhân dân, Kiến thức ngày nay, Báo Gia đình và xã hội, Tầm nhìn…là đối tác tư vấn luật của các hãng truyền thông này và luôn mang lại niềm tin cho khách hàng và ghi nhận sự đóng góp của chúng tôi cho xã hội...
Website: luatsuthanhpho.com