Vụ cướp hơn 2,2 triệu USD: Không đi cướp, vì sao vẫn là chủ mưu?
(Dân trí) - Theo luật sư, dù không đi cướp nhưng Phương là người cầm đầu, chỉ huy thực hiện tội phạm. Do đó, có thể phân loại nghi phạm vào nhóm "người chủ mưu" trong vụ án.
Triệt phá vụ cướp hơn 2,2 triệu USD tại huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh), Công an tỉnh Tây Ninh đã bắt giữ Phạm Lý Phương (34 tuổi, quê Tây Ninh), Đào Xuân Lộc (34 tuổi, quê Đồng Nai), Nguyễn Tuấn Anh (32 tuổi, quê Ninh Bình) và Nguyễn Anh Duy (32 tuổi, quê Bình Định) để điều tra hành vi Cướp tài sản. Trong đó, Phương là con trai của bạn bị hại và đã thông báo, chỉ điểm để Lộc, Tuấn Anh và Duy thực hiện hành vi cướp tài sản.
Dù không trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội nhưng Phương vẫn bị công an xác định giữ vai trò chủ mưu vụ cướp thay vì đồng phạm và phải chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ án.
Vậy theo quy định của pháp luật, vì sao Phương bị coi là chủ mưu trong vụ án?

Đối tượng Phạm Lý Phương, chủ mưu vụ cướp tài sản (Ảnh: An ninh Tây Ninh).
Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết theo Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015, một vụ án có đồng phạm là vụ án có từ 2 người trở lên cùng thực hiện một tội phạm. Đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục và người giúp sức.
Trong đó, người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm; người chủ mưu là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm còn người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
Về nguyên tắc xử lý người phạm tội, điểm c, khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự 2015 quy định cần phải nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội.
Đối chiếu quy định của pháp luật với vụ việc, có thể phân loại Lộc, Tuấn Anh và Duy vào nhóm "người thực hành", trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội.
Đối với Phương, dù không trực tiếp thực hiện hành vi cướp tài sản nhưng bị can là người cầm đầu, khởi xướng và trực tiếp chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Điều này thể hiện ở một loạt diễn biến hành vi từ việc tiếp nhận thông tin về tài sản của nạn nhân, thông báo tới các đồng phạm, lên phương án và chỉ điểm để 3 đối tượng còn lại thực hiện hành vi cướp tài sản. Nếu không có các hành vi của Phương, vụ cướp không thể thực hiện, hậu quả đáng tiếc đã không xảy ra.
Do đó, căn cứ quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015, có cơ sở để phân loại Phương vào nhóm "người chủ mưu", cầm đầu và chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người chủ mưu sẽ bị nghiêm trị và phải chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ án.
Theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015, trường hợp giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên, khung hình phạt có thể áp dụng đối với người phạm tội là 18-20 năm tù hoặc tù chung thân.
LS TRẦN MINH HÙNG TRÊN TRUYỀN HÌNH CÔNG AN ANTV