Câu hỏi gửi anh Hùng về bỏ hộ khẩu
Vừa qua, chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30.10.2017 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, với việc xóa bỏ hộ khẩu.
Quy định về hộ khẩu ở nước ta có từ khi nào ? Nhiều người cho rằng hộ khẩu là “vòng kim cô” kìm hãm sự phát triển, gây nhiều phiền toái cho người dân, luật sư có ý kiến gì về vấn đề này ?
Vào năm 1957, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ban hành Thông tư 495-TTg quy định về một số biện pháp hạn chế cư dân các vùng nông thôn di chuyển ra các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng. Đến 7 năm sau, khi Nghị định 104-CP được chính phủ ban hành vào năm 1964 thì hệ thống hộ khẩu mới chính thức được áp dụng tại miền Bắc Việt Nam. Sau tháng 4 năm 1975, chế định hộ khẩu được áp dụng cho cả nước. Thời bao cấp, với một hộ khẩu, các gia đình tham gia vào rất nhiều vấn đề quan trọng của cuộc sống do nền kinh tế tập trung bao cấp chi phối, chẳng hạn dựa vào đó họ được cấp tem phiếu để mua hàng hóa, sổ gạo để được cấp phát lương thực, rồi điều kiện cấp nhà đất …Sau này, khi chúng ta phát triển theo nền kinh tế thị trường thì sự lệ thuộc vào hộ khẩu đến quyền của công dân trở nên ít đi. Thế nhưng, tư duy phụ thuộc vào hộ khẩu ở nhiều quy định về quản lý đã gây nên những cản trở tiêu cực khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn, tốn kém về thời gian, chi phí và bị ảnh hưởng rất bất lợi khi bị tư duy hộ khẩu hành hạ. Hộ khẩu đã tạo nên sự bất bình đẳng giữa những người dân, là thủ tục lạc hậu kéo dài mấy chục năm nay, tốn bao công sức, tiền bạc, thời gian và thủ tục rườm rà, kéo dài vốn đã có nhiều nhược điểm trong cải cách hành chính của nước ta. Hệ quả Hộ khẩu ảnh hưởng lớn không những về hộ tịch, sinh sống mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa xã hội gây ra biết bao phiền phức cho người dân đi lại sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn.
Có nhiều ý kiến cho rằng nếu bỏ hộ khẩu cơ quan chức năng sẽ khó quản lý cư trú, quản lý dân cư. Luật sư có ý kiến gì về vấn đề này ?
Theo tôi không có gì gây khó khăn vì bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và sẽ thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú, Luật căn cước công dân…
Nhiều lo ngại cho rằng nếu không có hộ khẩu, dân cư được tự do cư trú làn sóng di cư sẽ vào thành thị phá vỡ quy hoạch dân cư ở thành thị. Luât sư suy nghĩ gì về ý kiến này ?
Nhà nước không quản lý bằng hộ khẩu nhưng quản lý thông qua mã số định danh cá nhân bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú, Luật căn cước công dân. Với các quy định mới về Luật hộ tịch, quy định về thẻ căn cước công dân chúng ta hoàn toàn xóa bỏ hộ khẩu mà vẫn có thể quản lý tốt dân cư. Mỗi một người có một mã số định danh cá nhân suốt đời, thì dù đi đâu chỉ cần đăng ký, xác nhận là cơ quan quản lý có thể nắm bắt chính xác được người đó di chuyển từ đâu đến, đang ở đâu. Nhiều quốc gia đã áp dụng từ lâu, cở châu Âu, thậm chí chỉ một cái hộ chiếu người ta sẽ dùng nó chung cho việc lưu chuyển, cư trú ở các quốc gia khác nhau trong khối châu âu nên qua dữ liệu vẫn biết 1 công dân thường trú, sinh sống và quan hệ với gia đình như thế nào cụ thể ở đâu….nên không có chuyện dân cư ồ ạt lên thành phố. Hộ khẩu không phải là vấn đề làm cho dân tập trung về thành phố mà là cái làm cho người dân tốn kém tiền bạc, thời gian, hành hạ họ về nhiều mặt kinh tế, xã hội, giáo dục, đi lại…mà thôi.
Ở các nước không có hộ khẩu cơ quan chức năng có thể quản lý dân cư bằng cách nào ?
Cơ quan có thẩm quyển sẽ quản lý thông qua mã số định danh cá nhân, mã số định danh cá nhân sẽ là số. Mỗi một người có một mã số định danh cá nhân suốt đời, thì dù đi đâu chỉ cần đăng ký, xác nhận là cơ quan quản lý có thể nắm bắt chính xác được người đó di chuyển từ đâu đến, đang ở đâu. Cái này nhiều quốc gia đã áp dụng từ lâu, châu Âu, Mỹ, Anh thậm chí chỉ một cái hộ chiếu người ta sẽ dùng nó chung cho việc lưu chuyển, cư trú ở các quốc gia khác nhau trong khối châu âu thông qua các hiệp định được ký kết.
Theo luật sư, việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ có lợi ích gì ? Ví dụ cụ thể ?
Việc bỏ hộ khẩu đem lại rất nhiều lợi ích cho cả công dân và cơ quan nhà nước như tiết kiệm được thời gian đi lại, đem theo hộ khẩu, quản lý bằng hộ khẩu là lạc hậu nên việc quản lý qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân sư sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức, nhân lực cho cơ quan nhà nước. Người dân sẽ được đối xử bình đẳng như nhau về đi lại, sinh sống, học tập, y tế làm việc và tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức. Từ đây người dân đi giao dịch sẽ không phải mang theo hộ khẩu, không phải ở quê gửi lên thành phố để người nhà làm thủ tục, gửi đi gửi lại như trước đây. Sự quản lý mang tính văn minh, hiện đại của chúng ta.
Luật sư có kiến nghị gì liên quan đến việc bỏ hộ khẩu, sổ tạm trú ?
Tôi kiến nghị nên bỏ Hộ khẩu và Sổ tạm trú (KT3) để quản lý bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Chúng ta nên thay đổi tư duy hộ khẩu hiện chỉ áp dụng 1 số nước và lạc hậu này. Chúng ta nên mạnh dạn áp dụng công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp mà thế giới đang áp dụng. Với việc quản lý dân cư bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tôi tin chúng ta sẽ thành công và gặt hái được nhiều tiến bộ, ghi nhận được sự tin tưởng của người dân và đi theo xu thế chung của thế giới.
Em cảm ơn anh Hùng nhiều ạ