Quản lý, thanh tra, kiểm tra giúp thị trường bảo hiểm phát triển an toàn và bền vững
Trao đổi với Tạp chí Tài chính, Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, công tác quản lý thanh tra, kiểm tra, giám sát là một trong những nền tảng quan trọng giúp cho thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, minh bạch và bền vững.
Phóng viên: Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Theo ông, đâu là yếu tố cơ bản giúp thị trường bảo hiểm có được thành tựu như vậy?
Luật sư Trần Minh Hùng: Thị trường bảo hiểm Việt Nam ngày càng thể hiện được vai trò, vị trí trong nền kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thành công các giải pháp chủ yếu về chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể:
Một là góp phần thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, tăng tích lũy, tiết kiệm cho nền kinh tế.
Hai là bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người dân có thể tự thu xếp, bảo vệ về mặt tài chính và được bảo hiểm chi trả, bồi thường khi không may xảy ra tai nạn, ốm đau, mà không cần tới sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước.
Ba là bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư, giúp các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh mà không cần sử dụng đến các giải pháp tín dụng và dự phòng tài chính khác.
Bốn là thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu cấp bách của Chính phủ.
Bên cạnh đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước, trong những năm qua, thị trường bảo hiểm Việt Nam còn khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Đồng thời, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã có những thay đổi cơ bản nhằm thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, ổn định và bền vững, đảm bảo tối đa quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Cùng với đó, các cơ quan quản lý cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của bảo hiểm, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đối với các tổ chức, cá nhân.
Có thể nói, những nỗ lực của các cơ quan quản lý, sự thay đổi của doanh nghiệp bảo hiểm và đồng hành của người tham gia bảo hiểm là điều kiện nền tảng và là yếu tố quan trọng để thị trường bảo hiểm hoạt động minh bạch, lành mạnh, bền vững và phát triển như hiện tại.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam an toàn, bền vững đến năm 2030 mà Bộ Tài chính đang triển khai trong thời gian qua?
Luật sư Trần Minh Hùng: Cùng với việc Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam an toàn, bền vững đến năm 2030, có thể nói, hệ thống quy định pháp lý mới về lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm đã cơ bản đảm bảo khắc phục được những tồn tại, hạn chế qua thực tiễn phát sinh trên thị trường, đồng thời mang tính định hướng cho giai đoạn phát triển mới.
Những quy định pháp lý mới sẽ tạo ra yêu cầu và động lực cho các bên liên quan phải thay đổi theo hướng công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chất lượng hơn và mục tiêu hướng tới quan trọng nhất chính là đem lại sự hài lòng và bảo vệ tốt nhất có thể cho người tham gia bảo hiểm.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 3 nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm; chủ trì ban hành 1 thông tư quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm và các nghị định hướng dẫn quan trọng khác liên quan đến ngành Bảo hiểm.
Có thể nói, với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ về hoạt động kinh doanh bảo hiểm được kỳ vọng sẽ tạo ra cú huých và những thay đổi cơ bản nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, ổn định và bền vững.
Mặt khác, khung pháp lý cho hoạt động đại lý bảo hiểm, đặc biệt là kênh đại lý là các ngân hàng, cơ bản hoàn thiện và chặt chẽ. Đơn cử như Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 bổ sung một số quy định nhằm tăng cường chất lượng của kênh phân phối này, trong đó, bổ sung điều kiện đối với các đại lý bảo hiểm. Theo đó, ngoài các điều kiện như trước đây, đại lý tổ chức phải đáp ứng các điều kiện về nhân sự và các điều kiện khác theo quy định của Chính phủ…
Về công tác quản lý, giám sát và thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Đối với các trường hợp phát hiện vi phạm tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bộ Tài chính cũng thiết lập đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về lĩnh vực bảo hiểm. Tôi cho rằng, đây là những nền tảng quan trọng giúp cho thị trường bảo hiểm trở nên an toàn, minh bạch và phát triển bền vững.
Ngoài ra, việc ban hành Thông tư số 67/2023/TT-BTC giúp cơ sở pháp lý của thị trường bảo hiểm cơ bản được hoàn thiện. Theo đó, Thông tư này đã hướng dẫn chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm 2023 được 59,1% doanh nghiệp và chuyên gia của Vietnam Report đánh giá là một trong những cơ hội quan trọng thúc đẩy thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong năm 2024.
Với những điểm nổi bật và cải tiến quan trọng, Thông tư số 67/2023/TT-BTC được kỳ vọng sẽ tạo ra những động lực mới, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của thị trường bảo hiểm Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Phóng viên: Đâu là những khó khăn, thách thức mà thị trường bảo hiểm đang gặp phải trong bối cảnh hiện nay, thưa Luật sư?
Luật sư Trần Minh Hùng: Trong thời gian qua, ngành Bảo hiểm đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như: Tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, cạnh tranh ngày càng gia tăng; Rủi ro từ yếu tố thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; Đầu tư nguồn lực để ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật; Công tác quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm; Niềm tin của khách hàng bị ảnh hưởng…
Trong đó, theo tôi, thách thức lớn nhất của ngành Bảo hiểm trong là kênh bán hàng chủ lực - bancassurance đã gặp phải nhiều thông tin tiêu cực, dẫn đến sự sụt giảm doanh thu lần đầu tiên sau một thập kỷ tăng trưởng ổn định. Sự suy giảm này đã ảnh hưởng nặng nề đến niềm tin của khách hàng và đối tác, gây khó khăn trong việc duy trì thị phần và thu hút khách hàng mới.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ những chỉ đạo kịp thời từ phía các cơ quan quản lý, sự ra đời của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 đi kèm với đó là các nghị định, thông tư hướng dẫn và sự nỗ lực của các doanh nghiệp mà ngành Bảo hiểm vẫn có những bước tiến đáng kể.
Theo đó, sau khi cuộc khủng hoảng truyền thông, các doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp cải thiện chất lượng dịch vụ và minh bạch trong quy trình bán hàng, đồng thời nâng cao năng lực đội ngũ tư vấn viên thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu.
Thêm vào đó, chính sách bảo hiểm mới được ban hành đã góp phần làm tăng niềm tin của khách hàng vào các sản phẩm bảo hiểm, cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.
Các quy định mới đã giúp thắt chặt quản lý, nâng cao tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi của khách hàng, từ đó giảm thiểu rủi ro hủy hợp đồng và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của thị trường.
Nhờ vào những nỗ lực này, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã ghi nhận lợi nhuận, bất chấp sự suy giảm doanh thu từ phí bảo hiểm khai thác mới. Điều này chứng tỏ rằng, với chiến lược kinh doanh đúng đắn và sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể vượt qua thách thức và tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả.
Phóng viên: Nhằm góp phần để thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, bền vững trong thời gian tới, theo ông, chúng ta cần phải làm gì, thưa Luật sư?
Luật sư Trần Minh Hùng: Hiện tại, Chính phủ và các doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang nỗ lực nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về vai trò và lợi ích của bảo hiểm thông qua các chương trình tuyên truyền và giáo dục. Đồng thời, sự phát triển của công nghệ thông tin và các nền tảng số đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm một cách dễ dàng và thuận tiện hơn.
Để tiếp tục hỗ trợ thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, bền vững, hiệu quả và hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, xem xét tiếp tục triển khai một số giải pháp như:
Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm để thị trường phát triển một cách lành mạnh, bền vững. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên theo sát diễn biến thị trường, tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm khắc các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trục lợi, không tuân thủ các yêu cầu tài chính... làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia bảo hiểm.
Hơn tất cả, cơ quan quản lý cần phải đưa các chế tài xử phạt một cách cụ thể rõ ràng và có cơ sở pháp lý. Khi đã có cơ sở, những vi phạm sẽ được xử lý nghiêm khắc hơn và khi đó, các hành vi phi cạnh tranh sẽ ngày một hạn chế.
Hai là, tăng cường năng lực tài chính, quản lý rủi ro, quản trị doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ khách hàng và công khai minh bạch của doanh nghiệp bảo hiểm; tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao năng lực tài chính, quản trị tài chính, từ đó tăng sức cạnh tranh nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường và quy định pháp luật... Có như vậy, các đơn vị bảo hiểm mới có thể đảm bảo được trách nhiệm của mình đối với những gì đã cam kết với khách hàng.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh nói chung, kinh doanh bảo hiểm nói riêng, các chính sách về cạnh tranh, chống độc quyền. Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nên tự xây dựng cho mình một chiến lược cạnh tranh chuyên nghiệp và dài hạn như xây dựng và quảng bá thương hiệu, xây dựng những kênh phân phối mới, đưa ra các sản phẩm mới, khai thác lợi thế cạnh tranh của riêng mình.
Ba là, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm.
Bốn là, đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm, tập trung tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của bảo hiểm, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đối với các tổ chức, cá nhân. Nâng cao nhận thức của người dân về bảo hiểm và thị trường bảo hiểm và phổ biến kịp thời các thay đổi về quy định pháp luật kinh doanh bảo hiểm…
Phóng viên: Xin cảm ơn Luật sư!