Vụ ô tô chở 36 người lao xuống vực: Những ai có thể phải chịu trách nhiệm?
(Dân trí) - Theo luật sư, cơ quan điều tra sẽ làm rõ vai trò của tài xế và đơn vị quản lý, sở hữu phương tiện trong vụ tai nạn, từ đó xác định trách nhiệm pháp lý của những cá nhân liên quan trong vụ việc.
Công an tỉnh Lâm Đồng đang tạm giữ hình sự ông Nguyễn Văn Lan (44 tuổi, ở tỉnh Bình Phước) để điều tra hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Ông Lan là tài xế điều khiển xe khách va chạm với xe tải rồi lao xuống vực tại khu vực đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) khiến 1 người tử vong.
Theo công an, chiều 30/3, ô tô do ông Lan điều khiển tới đèo Bảo Lộc, đoạn qua huyện Đạ Huoai thì va chạm với xe tải cùng chiều phía trước. Sau cú tông, xe khách lao qua phần đường bên trái, rơi xuống vực đèo sâu khoảng 20m. Vụ việc khiến chị N.T.N.T. (26 tuổi, ở Bình Phước) tử vong, 3 người khác bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu.
Làm việc với công an, tài xế khai lái xe chở cán bộ, nhân viên một công ty ở Bình Phước lên TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) dự giải chạy marathon, khi trở về thì gặp tai nạn. Nguyên nhân do tài xế không làm chủ tốc độ, ô tô mất phanh rồi va chạm vào đuôi xe tải phía trước.
Với diễn biến sự việc như trên, ông Lan có thể phải chịu trách nhiệm ra sao trước pháp luật?

Chiếc xe vỡ nát sau vụ tai nạn (Ảnh: Khánh Hồng).
Trách nhiệm của tài xế
Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) đánh giá theo thông tin hiện có, bước đầu có thể nhận định một phần nguyên nhân vụ tai nạn đến từ việc tài xế đã không làm chủ tốc độ, còn chiếc xe bị mất phanh, dẫn tới va chạm và lao xuống vực. Tuy nhiên, đó mới là lời khai ban đầu, cơ quan chức năng cần tiếp tục củng cố lời khai, dữ liệu hiện trường, thực nghiệm hiện trường và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ khác nhằm đánh giá chính xác nguyên nhân sự việc.
Trong đó, cần tập trung vào một số vấn đề chính dẫn tới tai nạn như tài xế đã tuân thủ quy định về tốc độ, làn đường chưa; điều kiện thời tiết, đường xá tại thời điểm xảy ra tai nạn như thế nào, có bị che khuất tầm nhìn, trơn trượt hay không?
Về phía phương tiện, cần làm rõ phương tiện có đảm bảo chất lượng để lưu thông hay không; việc xe mất phanh có phải sự kiện bất ngờ, nằm ngoài ý chí chủ quan và sự kiểm soát của tài xế không và tại thời điểm phát hiện phương tiện mất phanh, vị trí của chiếc xe khách như thế nào, tài xế đã áp dụng biện pháp xử lý tốt nhất để hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra hay chưa.
"Về nguyên tắc, phương tiện khi tham gia giao thông cần được đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật, an toàn. Tài xế trước khi di chuyển cần chủ động kiểm tra tình trạng hoạt động, đảm bảo an toàn kỹ thuật cho phương tiện, từ đó kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố nếu có, đảm bảo phương tiện vận hành an toàn. Tùy thuộc kết quả xác minh nguyên nhân dẫn tới việc xe mất phanh, cơ quan chức năng sẽ có những phương án xử lý khác nhau đối với sự việc", luật sư Hùng phân tích.

Lực lượng cứu hộ đưa chiếc xe gặp nạn lên từ dưới vực (Ảnh: Phi Long).
Theo luật sư, trên cơ sở những chứng cứ, tài liệu cần củng cố và xác minh, có thể xảy ra 2 tình huống pháp lý như sau:
Thứ nhất, nếu tài xế đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan tới việc kiểm tra chất lượng phương tiện trước khi lên xe; quá trình điều khiển phương tiện, người này tuân thủ quy định về tốc độ, làn đường; sự kiện xe mất phanh là tình huống bất ngờ, nằm ngoài ý chí chủ quan của tài xế và tài xế đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại nhưng vẫn xảy ra hậu quả chết người, đây có thể coi là trường hợp bất khả kháng.
Nếu rơi vào trường hợp bất khả kháng, người điều khiển phương tiện có thể được miễn trừ trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự.
Thứ hai, nếu kết quả xác minh cho thấy tài xế chưa kiểm tra, đảm bảo chất lượng phương tiện trước khi lưu thông dù biết trước, lường trước hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra; trong quá trình điều khiển đã không làm chủ tốc độ, không tuân thủ các nguyên tắc an toàn hay tại thời điểm xe mất phanh đã không áp dụng các biện pháp xử lý tốt nhất để giảm thiểu tối đa hậu quả, người này có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.
Tùy thuộc thiệt hại về sức khỏe và tính mạng của người khác, nếu làm chết 1 người, người phạm tội có thể đối diện mức phạt cao nhất là 5 năm tù. Trường hợp hành vi làm chết 2 người hoặc gây tổn hại sức khỏe từ 2 người trở lên với tổng mức độ thương tật ở mức 122-200%, khung hình phạt có thể áp dụng là 3-10 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, trong trường hợp bị xác định có lỗi dẫn tới vụ tai nạn, tài xế có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khỏe và tính mạng bị xâm phạm cho các nạn nhân. Mức bồi thường căn cứ các Điều 590, 591 Bộ luật Dân sự 2015.
Chủ xe, đơn vị quản lý phương tiện có phải chịu trách nhiệm?
Đối với tình huống phương tiện bị mất phanh, ngoài trách nhiệm của tài xế, một vấn đề khác được nhiều người đặt ra là chủ xe hoặc đơn vị quản lý có phải chịu trách nhiệm liên đới cùng tài xế hay không?
Bình luận về vấn đề trên, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo Điều 262 Bộ luật Hình sự 2015, người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng rõ ràng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, gây hậu quả chết người thì có thể bị xử lý hình sự về tội Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm an toàn.
Mức phạt cơ bản đối với tội danh này là phạt tiền 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp gây hậu quả làm 2 người chết hoặc làm từ 2 người trở lên bị thương với tổng mức độ thương tật là 122-200%, mức phạt có thể áp dụng là 2-7 năm tù.

Lực lượng chức năng có mặt xử lý hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: Phi Long).
Như vậy, đối với tình huống trên, bên cạnh trách nhiệm của tài xế, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ về tính kỹ thuật của phương tiện và xác định chiếc xe đã đủ điều kiện, tiêu chuẩn an toàn để tham gia giao thông hay chưa.
Nếu kết quả xác minh cho thấy phương tiện không đảm bảo điều kiện về an toàn kỹ thuật, không được kiểm tra để đảm bảo an toàn trước khi đưa vào lưu thông và việc chiếc xe mất phanh là nguyên nhân của sự chủ quan, tắc trách của những người có trách nhiệm bảo dưỡng phương tiện, cơ quan điều tra sẽ mở rộng điều tra, xem xét trách nhiệm của đơn vị quản lý, giao xe cho tài xế.
