Vụ Tạp chí Môi trường và Sức khỏe: Cần xác minh động cơ mạo danh là gì?
Bất cứ người làm báo Việt Nam nào cũng đều biết, mỗi một cơ quan báo chí sinh ra đều có cơ quan chủ quản. Cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm về sự ra đời và hoạt động của tờ báo đó. Tờ báo đó là tiếng nói, là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản. Tờ báo sẽ tuân thủ tôn chỉ mục đích đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Tôn chỉ mục đích đó phụ thuộc vào cơ quan chủ quản là đơn vị nào.
Việc nhầm lẫn cơ quan chủ quản là điều vô cùng hãn hữu. Thường những “nhầm lẫn” này có thể vì một mục đích gì đó, cần phải làm sáng tỏ.
Xung quanh câu chuyện, tờ tạp chí “nhận vơ người sinh ra mình", PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Minh Hùng, dưới góc độ luật pháp.
Thưa luật sư, xin ông cho biết bình luận của mình về việc tạp chí Môi trường và Sức khỏe của một trung tâm thuộc Hội, nhưng lại ghi cơ quan chủ quản là Bộ Thông tin và Truyền thông trên công văn?
Theo tôi đây là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải có biện pháp xử phạt nghiêm khắc đối với tạp chí này. Không thể chỉ là một tạp chí của Hội mà lại ghi cơ quan chủ quản là Bộ thông tin và Truyền thông, đây rõ ràng có hành vi giả mạo cơ quan báo chí để, nhằm mục đích gì thì cần xác minh làm rõ.
Hành vi này có dấu hiệu lạm dụng tự do báo chí, mạo danh cơ quan chủ quản báo chí để nhằm mục đích khác. Do đó, cần xác minh, điều tra làm rõ động cơ và mục đích của cơ quan này khi cơ quan chủ quản là Bộ thông tin và Truyền thông. Đây là hành vi khó chấp nhận của một tạp chí.
Công văn "mạo danh" cơ quan chủ quản |
Cơ quan chủ quản thật sự (ảnh chụp lại chân trang web thử nghiệm trong khi đang bị đình bản tạm thời) |
Theo quan điểm của luật sư, việc "mạo danh” như vậy sẽ có ảnh hưởng gì đến uy tín của cơ quan bị mạo danh?
Hành vi mạo danh này ảnh hưởng uy tín nhiều mặt đến cơ quan bị mạo danh, chẳng hạn nếu tạp chí này có những hoạt động sai quy định, vi phạm pháp luật thì vô tình bạn đọc hiểu nhầm là cơ quan chủ quản là Bộ Thông tin và Truyền thông, giống như “con làm cha chịu”. Trong khi thực tế cơ quan bị mạo danh không phải là cơ quan chủ quản. Việc mạo danh này có thể còn ảnh hưởng đến người dân, xã hội vì nhiều người sẽ lầm tưởng đây là cơ quan trực thuộc của Bộ nên dễ nhầm lẫn, tin tưởng mà thực hiện ký kết, giao dịch với tạp chí này...
Ngoài việc xử lý theo quy định pháp luật về báo chí, thông thường những hành vi mạo danh tương tự có thể xử lý thế nào?
Ngoài việc bị xử lý căn cứ theo quy định tại Luật báo chí thì hành vi mạo danh báo chí để trục lợi cá nhân là hành vi bị nghiêm cấm “Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân.” (Điều 2). Theo quy định tại Nghị định số 159/2013/NĐ-CP thì hành vi trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: nộp lại số thu lợi bất hợp pháp, buộc cải chính và có thể bị thu hồi giấy phép tùy tính chất hành vi.
Ngoài ra, tùy tính chất hành vi vi phạm pháp luật, mà người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội khác nhau theo Bộ luật Hình sự, như tội Cưỡng đoạt tài sản (Điều 135) hay tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139) hoặc Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức(Điều 267)
Nếu có hậu quả xảy ra, tạp chí đã mạo danh sẽ phải làm thế nào để khắc phục hậu quả?
Theo như Nghị định số 159/2013/NĐ-CP và Luật báo chí, Bộ luật dân sự thì khi có những hành vi vi phạm thì người, tổ chức vi phạm phải buộc cải chính, xin lỗi, nộp lại số thu lợi bất hợp pháp, Buộc thu hồi hoặc tiêu hủy sản phẩm báo chí đối với hành vi vi phạm...bồi thường thiệt hại phát sinh và tùy tính chất vi phạm có thể bị thu hồi giấy phép.
Theo luật sư, cần phải cảnh báo thế nào với việc mạo danh cơ quan nhà nước như thế này?
Theo tôi, hiện nay pháp luật đã quy định rõ việc mạo danh cơ quan nhà nước để trục lợi sẽ bị xử phạt cả vi phạm hành chính thậm chí cả về hình sự tùy tính chất của hành vi. Việc nhiều cá nhân, tổ chức vẫn ngang nhiên vi phạm là do vì lòng tham muốn trục lợi hoặc hiểu biết pháp luật hạn chế mà quên đi những quy định pháp luật. Hành vi mạo danh cơ quan báo chí, cơ quan nhà nước để trục lợi không những ảnh hưởng đến uy tín nhà nước mà còn ảnh hưởng đến xã hội, gây mất trật tự xã hội, hoang mang cho dư luận. Nếu mạo danh cơ quan nhà nước để lừa đảo, trục lợi thì có thể cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tại sản.
Theo tôi, những người, tổ chức có hành vi vi phạm này này cần phải được xử lý nghiêm khắc tùy theo mức độ của hành vi, trên góc độ hành chính và hình sự. Tùy từng hậu quả và động cơ mục đích mạo danh mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng; hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt từ cải tạo không giam giữ cho đến hình phạt tù chung thân. Căn cứ vào tính chất của hành vi cần xử lý nghiêm khắc những ai có hành vi vi phạm này về các tội danh như tôi đã nêu trên.
Xin cảm ơn luật sư!