Quy định phạt lỗi vượt đèn vàng như đèn đỏ: 'Chưa hợp lý và còn nhiều bất cập'
"Tôi đồng ý với việc tăng mức xử phạt đối với hành vi vượt đèn đỏ nhưng việc xử phạt vượt đèn vàng mức phạt như vượt đèn đỏ theo tôi là chưa hợp lý", luật sư Trần Minh Hùng cho biết.
Từ 1/8, theo Nghị định 46 của Chính phủ (thay thế cho các Nghị định 171 và 107), người điều khiển phương tiện vượt đèn vàng hay đèn đỏ sẽ bị phạt tiền như nhau. Mức phạt tiền cho hành vi vượt đèn vàng cao gần gấp đôi so với hiện hành: với ôtô có thể lên tới 2 triệu đồng và 400.000 đồng đối với môtô, xe gắn máy...
Ngay sau khi Nghị định được công bố đã thu hút rất nhiều ý kiến trái chiều từ phía cộng đồng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Gia đình - Đoàn luật Sư TP. HCM để giải đáp những thắc mắc.
Nghị định 46 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2016 quy định, xe vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt mức tiền cao hơn mức cũ. Lỗi vượt đèn vàng và đèn đỏ phạt như nhau. Luật sư có nhận xét như thế nào về nghị định mới ban hành này?
Luật sư Trần Minh Hùng: Tôi đồng ý với việc tăng mức xử phạt đối với hành vi vượt đèn đỏ nhưng việc xử phạt vượt đèn vàng mức phạt như vượt đèn đỏ theo tôi là chưa hợp lý. Tín hiệu đèn vàng là báo hiệu sự thay đổi tín hiệu.
Khi đèn vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Nhưng nhiều người lại hiểu nhầm rằng màu vàng là vẫn được đi như màu xanh, hiểu như vậy là sai. Khi đèn vàng mà xe chưa đi qua vạch thì phải dừng lại, nếu không sẽ phạm luật. Như vậy, theo tôi chỉ nên xử phạt những hành vi khi đèn vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện vẫn không ngừng xe mà chạy luôn thì mới xử phạt. Đồng thời căn cứ vào quy định việc đèn vàng là báo hiệu sự thay đổi tín hiệu nên dù có vượt đèn vàng thì mức phạt phải thấp hơn mức phạt đèn đỏ thì mới phù hợp với tính chất hành vi và mức độ nguy hiểm của hành vi.
Điểm tích cực về việc tăng mức xử phạt là tạo tính răn đe cho người vi phạm nhưng điểm tiêu cực là có thể gây tiêu cực, lạm quyền từ cơ quan, cá nhân xử phạt người vi phạm.
Một số bạn đọc có ý kiến rằng, nếu nghị định được thực thi, thì nên bỏ hẳn đèn vàng, vì không còn tác dụng của nó nữa. Ngoài ra, mỗi trụ đèn phải có đồng hồ đếm ngược, để người đi đường biết để giảm tốc độ ngừng lại. Bởi rất có thể sẽ xảy ra trường hợp vừa chạy xe vừa nhìn xem đèn xanh, đèn đỏ thì rất nguy hiểm hơn. Vì người đi trước ngừng chưa chắc người sau đã ngừng, rất có thể xảy ra tai nạn. Luật sư nghĩ sao về ý kiến này?
Luật sư Trần Minh Hùng: Đúng vậy, chúng ta biết rằng đèn đếm lùi được gắn cạnh đèn chính, báo hiệu thời gian còn lại trước khi đèn chính chuyển màu. Đèn này rất hữu ích cho người đi đường, vì chúng ta biết được khi nào thì đèn chính chuyển màu mà chủ động tăng hay giảm tốc độ. Nếu không có đền đếm lùi thì việc phạt vượt đèn vàng và đèn đỏ như nhau thì hết sức vô lý, không thể chấp nhận được và thậm chí nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Hơn nữa không có đèn đếm lùi thì việc đặt đèn vàng cũng không có ý nghĩa nếu vượt đèn vàng cũng bị xử phạt như vượt đèn đỏ.
Về nguyên tắc xử phạt, theo luật sư, nếu lái xe thấy mình điều khiển đúng theo quy định, nhưng bị xử phạt sai thì người điều khiển xe có thể khiếu nại đến cơ quan, tổ chức nào?
Luật sư Trần Minh Hùng: Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Theo luật sư, để Nghị định 46 nói trên đủ thuyết phục để thực thi, cần đảm bảo những điều gì?
Luật sư Trần Minh Hùng: Theo tôi pháp luật khi đưa ra hình thức xử phạt, mức độ xử phạt thì phải bảo đảm đi vào cuộc sống. Do vậy, dù có xử phạt nặng đến đâu mà không có tính tuyên truyền, phổ biến và quan trọng nhất là ý thức thì cũng không có được tính răn đe cao. Do vậy, cần tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông là yếu tố quan trọng hàng đầu. Vì không phải tăng mức xử phạt thì có tính răn đe mà còn có thể gây nên nhiều tiêu cực mà hiện nay chúng ta đã chứng kiến.
Nghị định này nếu được thực thi thì theo tôi đèn đếm lùi bắt buộc phải gắn ở các nút giao thông thì mới bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông và việc xử phạt mới có thể làm cho người vi phạm khâm phục. Tôi cũng cho rằng không nên có mức phạt đối với hành vi vượt đèn vàng và đèn đỏ là như nhau mà cần có quy định mức vượt đèn vàng thì phải thấp hơn vượt đèn đỏ như tôi phân tích trên. Khi đèn vàng bật sáng trường hợp người tham gia giao thông đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp tục đi mà không bị xử phạt.
Xin chân thành cảm ơn luật sư!
Nguồn: Báo Tin Tức
Link Nguồn báo: http://tintuc.vn/xa-hoi/quy-dinh-phat-loi-vuot-den-vang-nhu-den-do-chua-hop-ly-va-con-nhieu-bat-cap-144985