CÂU HỎI 1: Hiện em muốn mở tiệm game online ở nhà, ráp khoảng 20 máy tính. Vậy thì em cần làm những thủ tục gì để kinh doanh loại hình này ạ
Kinh doanh game online ở đây được hiểu là kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử công cộng, đây là một loại hình kinh doanh có điều kiện, do vậy cần tuân theo quy trình thủ tục nghiêm ngặt.
Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 35 Nghị định 72/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 27/2018/NĐ-CP quy định:
1. Tổ chức, cá nhân chỉ được thiết lập điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi có Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.
2. Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi đáp ứng các Điều kiện sau đây:
a) Có đăng ký kinh doanh điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng;
b) Địa điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng có chiều dài đường bộ ngắn nhất từ cửa chính hoặc cửa phụ của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng tới cổng chính hoặc cổng phụ của cổng trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú từ 200 m trở lên;
c) Có biển hiệu “Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng” ghi rõ tên điểm, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, số đăng ký kinh doanh. Trường hợp điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng đồng thời là đại lý Internet thì thêm nội dung “Đại lý Internet”. Trường hợp điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng đồng thời là điểm truy nhập Internet công cộng của doanh nghiệp thì thêm nội dung “Điểm truy nhập Internet công cộng”;
d) Tổng diện tích các phòng máy của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng tối thiểu 50 m2 tại các khu vực đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, loại II, loại III; tối thiểu 40 m2 tại các đô thị loại IV, loại V; tối thiểu 30 m2 tại các khu vực khác;
đ) Bảo đảm đủ ánh sáng, độ chiếu sáng đồng đều trong phòng máy;
e) Có thiết bị và nội quy phòng cháy, chữa cháy theo quy định về phòng, chống cháy, nổ của Bộ Công an;
g) Nộp lệ phí cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.
Như vậy để được cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng thì người kinh doanh cần đáp đứng được những điều kiện nêu trên. Sau khi đáp ứng những điều kiện thì tiến hành làm thủ tục để được cấpGiấy chứng nhận theokhoản 1 Điều 8 Thông tư 23/2013/TT-BTTTT
1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng
Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng gửi trực tiếp hoặc sử dụng dịch vụ bưu chính 01 (một) bộ hồ sơ tới cơ quan cấp giấy chứng nhận bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận theo Mẫu số 02a/ĐĐN hoặc Mẫu số 02b/ĐĐN kèm theo Thông tư này;
b) Bản sao có chứng thực giấy đăng ký kinh doanh điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng;
c) Bản sao có chứng thực chứng minh nhân dân của chủ điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng đối với trường hợp chủ điểm là cá nhân; Bản sao có chứng thực chứng minh nhân dân của người quản lý trực tiếp điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng đối với trường hợp chủ điểm là tổ chức, doanh nghiệp.
CÂU HỎI 2: em có làm dịch thuật cho 1 công ty và bên công ty đó yêu cầu khi dịch xong thì em phải xuất hóa đơn đỏ thì mới thanh toán tiền cho em. Em thì không có mở công ty hay đăng ký kinh doanh thì có xin cấp hóa đơn đỏ được không ạ?
Theo Theo Điều 13 Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định:
"1. Cơ quan thuế cấp hóa đơn cho các tổ chức không phải là doanh nghiệp, hộ và cá nhân không kinh doanh nhưng có phát sinh hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cần có hóa đơn để giao cho khách hàng.
Trường hợp tổ chức không phải là doanh nghiệp, hộ và cá nhân không kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc thuộc trường hợp không phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng thì cơ quan thuế không cấp hóa đơn.
2. Hóa đơn do cơ quan thuế cấp theo từng số tương ứng với đề nghị của tổ chức, hộ và cá nhân không kinh doanh gọi là hóa đơn lẻ.
Tổ chức không phải là doanh nghiệp, hộ và cá nhân không kinh doanh nhưng có phát sinh hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cần có hóa đơn để giao cho khách hàng được cơ quan thuế cấp hóa đơn lẻ là loại hóa đơn bán hàng."
Theo khoản 1 Điều 11 Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định:
"1. Cơ quan thuế bán hóa đơn cho các đối tượng sau:
a) Tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh (bao gồm cả hợp tác xã, nhà thầu nước ngoài, ban quản lý dự án).
Tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh là các tổ chức có hoạt động kinh doanh nhưng không được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và pháp luật kinh doanh chuyên ngành khác.
b) Hộ, cá nhân kinh doanh;"
Như vậy, đối với cá nhân muốn xuất hóa đơn đỏ không yêu cầu phải thành lập Doanh nghiệp mới có thể xuất được, chỉ cần là cá nhân có kinh doanh hoặc không là cá nhân có kinh doanh nhưng thuộc đối tượng kê khai nộp thuế GTGT.
CÂU HỎI 3:Em làm nghề shipper - giao hàng tự do ở TP HCM. Thông qua một phần mềm trực tuyến em đã đến nhận hàng để giao từ một người bán hàng online, em phải ứng trước một khoản tiền là 4 triệu để lấy món hàng giao mang cho người mua. Sau khi giao thì người mua đã lấy hàng và kí xác nhận đã lấy hàng vào hoá đơn nhưng do em sơ suất quên lấy tiền thanh toán. Sau khi về thì em mới nhớ và liên hệ người mua thì người ta nói đã ký xác nhận rồi, tức là đã trả tiền rồi và không đồng ý thanh toán tiền cho em. Vậy em muốn nhờ luật sư tư vấn cho em làm sao để em lấy lại số tiền hàng?
Trường hợp trên do đã kí vào phiếu nhận hàng và thanh toán nên khả năng để chứng minh shipper vẫn chưa nhận được tiền là khá khó, để chứng minh được cần có nhiều yếu tố như có người chứng kiến quá trình giao và nhận hàng, có bằng chứng chưa thanh toán tiền của khách hàng,…
CÂU HỎI 4: Ba tôi kết hôn với mẹ tôi từ trước 1975, sinh được 4 người con trong đó có tôi. Sau này ba tôi chuyển công tác đến nơi khác thì có vợ nhỏ và sinh được một người con. Nay ba tôi đã mất, người vợ nhỏ đó đòi chia tài sản nhà đất, mà nhà đất này là ba tôi có trước khi quen người đó. Vậy Luật sư cho tôi hỏi người vợ đó của ba tôi có được hưởng thừa kế không?
Theo khoản 1Điều 8 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định:
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
Theo điểm C khoản 1 Điều 5 Luật hôn nhân gia đình quy định các trường hợp cấm kết hôn:
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
Như vậy, trong trường hợp trên, việc chung sống giữa người vợ nhỏ và ba bạn không hợp pháp nên không được công nhận là quan hệ vợ chồng, do đó “người vợ nhỏ” không thuộc các hàng thừa kế được hưởng di sản để lại
Về vấn đề tài sản:
+ Nếu tài sản trên hình thành trong thời kì hôn nhân hoặc tài sản riêng của ba bạn nhưng đã nhập chung vào khối tài sản chung của vợ chồng thì tài sản này sẽ được chia theo tỉ lệ ½, trong đó mẹ bạn được hưởng 50% giá trị tài sản, phần 50% giá trị tài sản còn lại của ba bạn được chia thành các phần bằng nhau cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm người vợ (mẹ bạn), 4 người con và 1 người con riêng.
Điều 33 Luật hôn nhân gia đình quy định Tài sản chung của vợ chồng:
- Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Khoản 1 và khoản 2 Điều 651 Bộ luật Dân sự quy định:
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
+ Trường hợp tài sản trên là tài sản riêng của ba bạn, thì tài sản đó được chia thành các phần bằng nhau cho hàng thừa kế thứ nhât bao gồm người vợ (mẹ bạn), 4 người con và 1 người con riêng.
CÂU HỎI 5: Em muốn hỏi là có một công ty làm ăn rất kém, gần như đã phá sản, hiện tại công ty đã đóng mã không giao dịch gì, nợ thuế và nhiều cái nợ khác nữa. Cách đây 2 năm ông giám đốc công ty ấy nhờ em đứng tên hộ và giờ em là người đại diện pháp luật của công ty. Giờ mọi trách nhiệm liên đới của công ty này em có phải chịu phải không ạ? Có cách nào em không phải chịu gì không?
Theo Điều 14 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp:
1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
b) Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
c) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về việc người đại diện đó và người có liên quan của họ làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại các doanh nghiệp khác.
2. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 87 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Trách nhiệm dân sự của pháp nhân:
1. Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân.
Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự về nghĩa vụ do sáng lập viên hoặc đại diện của sáng lập viên xác lập, thực hiện để thành lập, đăng ký pháp nhân, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
2. Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; không chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Người của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Như vậy, đối với trường hợp trên, việc được nhờ đứng tên người đại diện theo pháp luật cho công ty thì sẽ không phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ, hay các nghĩa vụ tài chính khác của công ty mà thay vào đó các nghĩa vụ này sẽ được chịu trách nhiệm bởi chính tài sản của công ty.
CÂU HỎI 6: Chị tôi li hôn cách đây 3 tháng vì chồng ngoại tình và để vợ nuôi con, chu cấp cho con tiền mỗi tháng cho tới năm con 18 tuổi. 3 tháng rồi chị tôi chưa nhận được đồng nào chu cấp từ khi li hôn. Vậy thì chị tôi phải làm gì để đòi quyền lợi?
Theo Điều 110 Luật hôn nhân và gia đình quy định:
“Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.”
Điểm a Khoản 2 Điều 2 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định:
“2. Những bản án, quyết định sau đây của Toà án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị:
a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc;..”
Đồng thời Điều 4 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định về bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định:
“Bản án, quyết định quy định tại Điều 2 của Luật này phải được cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng.Cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án.”
Như vậy, đối với trường hợp không nhận được tiền cấp dưỡng cho con sau khi li hôn theo Quyết định của Tòa án, người vợ có thể yêu cầu Cơ quan thi hành án buộc chồng cũ phải thực hiện nghĩa vụ đó bằng cách nộp đơn yêu cầu thi hành án kèm theo bản án, quyết định của Tòa án và căn cứ chứng minh chồng bạn có thu nhập (nếu có) đến cơ quan thi hành án để được giải quyết.
Bên cạnh đó có thể nhờ các tổ chức như ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em hoặc Hội Liên hiệp phụ nữ có ý kiến, văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự buộc người chồng cũ phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
CÂU HỎI 7: Tôi lấy chồng được hơn 6 năm, và có một đứa con. Vợ chồng tôi sống với nhau không hòa hợp, giờ tôi muốn ly hôn. Mà tôi hiện giờ không có việc làm, liệu rằng tôi có được quyền nuôi con hay không?
Theo khoản 2 và khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Do đó, khi li hôn, hai vợ chồng thỏa thuận với nhau về quyền nuôi con, nếu không thỏa thuận được và có tranh chấp xảy ra thì sẽ được Tòa án quyết định, theo đó nếu con dưới 36 tháng tuổi thì sẽ được ưu tiên cho người mẹ nuôi con; nếu con từ đủ bảy tuổi trở lên thì phải xem xét các yếu tố:
+ Nguyện vọng của người con muốn được sống chung với ba hay mẹ
+ Các yếu tố ngoại cảnh khác ảnh hưởng đến việc nuôi con như: điều kiện kinh tế, khả năng tài chính, tài sản, thu nhập, điều kiện ăn ở, học hành cho con,… các yếu tố tinh thần như thời gian chăm sóc, dạy dỗ, nuôi con, trình độ học vấn của cha mẹ,…
Tòa án sẽ giao con cho bên nào đủ điều kiện chăm sóc cũng như đảm bảo cho con những gì tốt nhất về vật chất, tinh thần và môi trường sống… Bạn muốn giành quyền nuôi con bạn phải đưa ra những chứng cứ chứng minh các điều kiện tốt để nuôi con.