Bàn về trách nhiệm dân sự của pháp nhân

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Luật Sư Doanh Nghiệp

Bàn về trách nhiệm dân sự của pháp nhân

Tóm tắt: Hiện nay, các quy định về trách nhiệm dân sự của pháp nhân được Bộ luật Dân sự và các luật chuyên ngành quy định khá cụ thể. Các quy định về trách nhiệm dân sự của pháp nhân trong Bộ luật Dân sự năm 2015 được kế thừa các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005. Bài viết tập trung nghiên cứu khi nào thì đặt ra trách nhiệm dân sự của pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và một số vấn đề vướng mắc trong thực tiễn thực hiện các quy định pháp luật về trách nhiệm dân sự của pháp nhân. Abstract: At present, regulations on liability of legal person (entity) are rather concretely provided in the Civil Code and other laws. Regulations on liability of legal person in the Civil Code of 2015 are the succession of the regulations of the Civil Code of 2005. The article concentrates on the study of when the liability of legal person will be raised in accordance with regulations of the Civil Code of 2015 and some entanglements in the practice of implementing regulations on liability of legal person.
1. Khái quát về trách nhiệm dân sự của pháp nhân
1.1. Bàn luận về trách nhiệm dân sự của pháp nhân
Với tư cách là chủ thể của quan hệ pháp luật, pháp nhân hoạt động thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền. Khi tham gia các quan hệ pháp luật, thì “một pháp nhân được hưởng những quyền và có những nghĩa vụ tương tự như thể nhân, trừ những quyền và nghĩa vụ, vì tính chất của chúng, chỉ có thể dành cho hoặc mắc chịu bởi một thể nhân” (Điều 70, Các quyển I - VI)[1].
Việc tạo ra pháp nhân với tư cách chủ thể của quan hệ pháp luật có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt đối với quyền lợi của bên thứ ba trong quan hệ pháp luật. Khi bên thứ ba có tranh chấp với pháp nhân là một tổ chức sẽ không phải thực hiện việc khởi kiện từng thành viên của pháp nhân, mà chủ thể bị đơn trong trường hợp này là pháp nhân. Pháp nhân bảo đảm trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ bằng toàn bộ tài sản có được từ khi thành lập và trong quá trình hoạt động của pháp nhân. Trách nhiệm đó được gọi là trách nhiệm dân sự của pháp nhân.
Trách nhiệm dân sự của pháp nhân có thể phát sinh từ quan hệ hợp đồng mà pháp nhân tham gia hoặc trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trách nhiệm dân sự của pháp nhân có thể phát sinh từ nghĩa vụ ngoài hợp đồng (trách nhiệm bồi thường thiệt hại) hoặc từ nghĩa vụ theo hợp đồng (trách nhiệm dân sự theo hợp đồng). Trách nhiệm dân sự của pháp nhân phát sinh từ quan hệ hợp đồng trong trường hợp pháp nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng. Hợp đồng là nguồn phát sinh chủ yếu của nghĩa vụ nên trách nhiệm dân sự của pháp nhân được đặt ra là do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng. “Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân”[2]. Khi người đại diện theo pháp luật thực hiện các hành vi nhân danh pháp nhân thì hành vi của người đó đã làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của pháp nhân, đồng thời cũng làm phát sinh trách nhiệm dân sự của pháp nhân. Trách nhiệm dân sự của pháp nhân cũng phát sinh trong các trường hợp hoạt động của pháp nhân mà không dựa trên quan hệ hợp đồng. Pháp nhân còn phải chịu trách nhiệm dân sự do hành vi của các thành viên khác của pháp nhân gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao.
Trách nhiệm dân sự của pháp nhân được hiểu là trách nhiệm về tài sản của pháp nhân. Bao hàm hai nội dung như sau: Thứ nhất, tài sản chịu trách nhiệm là tài sản độc lập của pháp nhân. Đó là tất cả các loại tài sản mà pháp nhân sở hữu. Bởi vậy ta có thể nói pháp nhân chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Thứ hai, pháp nhân chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình, nhưng cũng chỉ bằng toàn bộ tài sản của mình mà thôi. Nội dung này thể hiện mối quan hệ giữa pháp nhân với thành viên pháp nhân, theo đó, pháp nhân không chịu trách nhiệm thay cho thành viên đối với nghĩa vụ dân sự do thành viên xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, còn thành viên thì không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện[3].
Theo pháp luật của Thái Lan, thì “một pháp nhân buộc phải bồi thường về bất cứ thiệt hại nào, do người quản lý hoặc những người đại diện khác của pháp nhân gây ra cho những người khác trong khi thi hành nhiệm vụ của mình, đồng thời dành quyền khiếu nại những người gây ra thiệt hại đó. Nếu thiệt hại gây ra cho những người khác là do một hành vi không nằm trong phạm vi mục đích hoạt động của pháp nhân, thì những thành viên hoặc những người quản lý tán thành hành vi đó, những người quản lý và những người đại diện khác thực thi hành vi đó phải liên đới chịu bồi thường (Điều 76, Các quyển I - VI)”[4].
1.2. Các nguyên tắc về trách nhiệm dân sự của pháp nhân
- Nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự: Các bên phải nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ dân sự của mình và tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, nếu không tự nguyện thực hiện thì có thể bị cưỡng chế thực hiện theo quy định của pháp luật[5].
- Pháp nhân chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự về những hành vi được coi là hành vi của pháp nhân: Hành vi của pháp nhân được hiểu là hành vi của người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền nhân danh pháp nhân và hành vi của các thành viên pháp nhân trong phạm vi nhiệm vụ được pháp nhân giao. Trong trường hợp người đại diện của pháp nhân thực hiện với tư cách cá nhân thì sẽ không làm phát sinh trách nhiệm dân sự cho pháp nhân.
- Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình: Tài sản chịu trách nhiệm là tài sản độc lập của pháp nhân. Tài sản của pháp nhân được hình thành bằng sự góp vốn của các chủ sở hữu và tài sản hình thành trong quá trình hoạt động của pháp nhân và riêng biệt với khối tài sản của các thành viên; là tất cả các loại tài sản mà pháp nhân sở hữu và pháp nhân chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Theo Luật Doanh nghiệp, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, cổ đông công ty cổ phần, thành viên góp vốn trong công ty hợp danh chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã cam kết góp hay đã góp vào doanh nghiệp. Khi pháp nhân thực hiện nguyên tắc tách biệt về tài sản cũng là khi xuất hiện một tính pháp lý mới, tách biệt với tính pháp lý của chủ sở hữu hoặc cộng đồng sở hữu. Rõ ràng, tư cách chủ thể của pháp nhân được chứng minh là độc lập với các chủ sở hữu về mặt tài sản. Khi đó, các pháp nhân tham gia các quan hệ tài sản sẽ phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý liên quan đến trách nhiệm về tài sản của pháp nhân.
- Pháp nhân không chịu trách nhiệm thay cho thành viên và ngược lại: Pháp nhân sẽ không chịu trách nhiệm đối với nghĩa vụ dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, đồng thời, người của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện.
2. Chế định trách nhiệm dân sự của pháp nhân trong Bộ luật Dân sự năm 2015
Theo quy định tại Điều 87 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì trách nhiệm dân sự của pháp nhân được đặt ra khi:
Thứ nhất, pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân
Người đại diện cho pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Người đại diện của pháp nhân là người thay mặt, nhân danh pháp nhân tiến hành các hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, điều lệ pháp nhân quy định.
Người đại diện theo pháp luật là người đại diện đương nhiên, thường xuyên của pháp nhân trong các quan hệ với người thứ ba. Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Cũng theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, pháp nhân là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần (chưa kể trong công ty hợp danh thì tất cả các thành viên hợp danh đều có quyền đại diện cho công ty) có thể có từ hai đại diện pháp luật trở lên và “điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp”[6].
Người đại diện theo ủy quyền của pháp nhân phát sinh trong trường hợp khi người đại diện theo pháp luật của pháp nhân vì lý do nào đó không thể trực tiếp xác lập, thực hiện giao dịch nhân danh pháp nhân, thì họ có thể ủy quyền cho người khác thay mặt pháp nhân tham gia quan hệ pháp luật bằng văn bản ủy quyền. Người đại diện theo ủy quyền chỉ được thực hiện những hoạt động trong phạm vi và thời hạn theo văn bản ủy quyền. Hành vi của người được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền được coi là hành vi của pháp nhân, vì vậy làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự với pháp nhân.
Về nguyên tắc, pháp nhân chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự về những hành vi được coi là hành vi của pháp nhân, còn những hành vi thực hiện với tư cách cá nhân không làm phát sinh trách nhiệm dân sự ở pháp nhân. Do vậy, cần phải phân biệt hành vi của cá nhân với hành vi của pháp nhân để xác định trách nhiệm pháp lý phát sinh từ hành vi đó. Tuy nhiên, cần lưu ý trường hợp người đại diện nhân danh pháp nhân nhưng xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì sẽ không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 143 Bộ luật Dân sự năm 2015. Nếu không thuộc các trường hợp này thì người đại diện của pháp nhân phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch.
Trường hợp người không có quyền đại diện lại nhân danh pháp nhân tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thì giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ một trong ba trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 142 Bộ luật Dân sự năm 2015. Nếu không thuộc ba trường hợp đó thì người không có quyền đại diện vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình, trừ khi người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch.
Về vấn đề này, pháp luật Việt Nam tương đồng với pháp luật dân sự của Nhật Bản, chỉ khác là có trường hợp thì cả người đại diện và pháp nhân đều liên đới chịu trách nhiệm dân sự. Bộ luật Dân sự Nhật Bản quy định: “Khi người đại diện thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng ngoài phạm vi nghĩa vụ đại diện thì người chịu trách nhiệm không phải là pháp nhân mà là người đại diện, theo quy định chung về bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, việc người đại diện trực tiếp hoặc gián tiếp lợi dụng uy tín của pháp nhân hoặc khi người bị thiệt hại là số đông công dân thì Bộ luật Dân sự quy định cả pháp nhân và giám đốc đều liên đới chịu trách nhiệm”[7].
Thứ hai, pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự về nghĩa vụ do sáng lập viên hoặc đại diện của sáng lập viên xác lập, thực hiện để thành lập, đăng ký pháp nhân
Nếu pháp nhân là doanh nghiệp, theo quy định tại Điều 19 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì người thành lập doanh nghiệp được ký các loại hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp. Trong thực tế sẽ phát sinh hai trường hợp xảy ra: (i) Nếu doanh nghiệp được thành lập thì doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng mà người thành lập đã ký kết; (ii) Nếu doanh nghiệp không được đăng ký thành lập thì người ký kết hợp đồng sẽ chịu trách nhiệm hoặc người thành lập doanh nghiệp liên đới chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó.
Thứ ba, trách nhiệm dân sự của pháp nhân phát sinh trong trường hợp người của pháp nhân gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao
Người của pháp nhân được hiểu là bất cứ thành viên nào của pháp nhân, được pháp nhân tuyển dụng vào làm việc theo các quan hệ hợp đồng dài hạn, ngắn hạn, đang trong thời gian thử việc… Pháp nhân phải bồi thường cho người bị thiệt hại liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ mà pháp nhân giao cho thành viên đó thực hiện. Trong trường hợp này, hành vi của họ được hiểu là hành vi của pháp nhân. Chính vì vậy, trách nhiệm trước hết thuộc về pháp nhân. Sau khi pháp nhân bồi thường thiệt hại, nếu thành viên của pháp nhân có lỗi khi gây thiệt hại cho chủ thể khác thì pháp nhân có quyền yêu cầu thành viên này phải hoàn trả “một khoản tiền theo quy định của pháp luật”8. Do đó, việc xác định mức độ lỗi của thành viên khi gây thiệt hại là rất quan trọng và là cơ sở để xác định số tiền hoàn trả của thành viên đối với pháp nhân.
Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, trách nhiệm dân sự của pháp nhân trong quan hệ hợp đồng có thể phát sinh do các yếu tố: Vi phạm nghĩa vụ (Điều 351); chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ (Điều 359); không thực hiện nghĩa vụ giao vật (Điều 356); chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền (Điều 357); không thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc (Điều 358); trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ (Điều 360).
3. Vấn đề phát sinh trong thực tiễn về trách nhiệm dân sự của pháp nhân
Trong thực tiễn quá trình thực hiện các quy định pháp luật về trách nhiệm dân sự của pháp nhân phát sinh nhiều vấn đề khi có các ý kiến khác nhau về trách nhiệm dân sự của pháp nhân hay của thành viên. Tác giả xin nêu ra vụ việc để lý giải những vướng mắc trong thực tiễn. Từ năm 2011 đến năm 2016, có hàng loạt các vụ việc được khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền, theo đó các nguyên đơn là các doanh nghiệp và bị đơn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (gọi tắt là Agribank) về quan hệ bảo lãnh thanh toán nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng mua bán. Theo đó, các doanh nghiệp khởi kiện yêu cầu Agribank thanh toán số tiền theo bảo lãnh thực hiện hợp đồng mua bán giữa các doanh nghiệp với nhau. Trong chứng thư bảo lãnh, Agribank cam kết: “Trong trường hợp người mua hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán của mình theo quy định tại hợp đồng kinh tế đã ký kết”. Đến khi bên có nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, bên có quyền (bên bán của hợp đồng mua bán) đã yêu cầu Agribank thanh toán số tiền theo chứng thư bảo lãnh. Tuy nhiên, Agribank từ chối thanh toán với lý do là Giám đốc chi nhánh của Agribank khi phát hành bảo lãnh đã thực hiện sai quy trình như không lập hồ sơ, không được hạch toán, không thu phí và không đưa tài sản bảo đảm. Đồng thời yêu cầu Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an điều tra, khởi tố vụ án liên quan đến trách nhiệm cá nhân của Giám đốc chi nhánh Agribank. Vụ việc này đặt ra vấn đề là trách nhiệm của pháp nhân Agribank hay trách nhiệm của cá nhân Giám đốc chi nhánh Agribank trong việc thanh toán số tiền bảo lãnh cho doanh nghiệp. Có các quan điểm khác nhau về vấn đề này:
Quan điểm thứ nhất: Trách nhiệm dân sự trong việc thanh toán khoản tiền bảo lãnh là của pháp nhân Agribank. Bởi Ngân hàng này là một pháp nhân độc lập. Chi nhánh Hồng Hà là đơn vị phụ thuộc. Theo quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 92 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân, kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do văn phòng đại diện, chi nhánh xác lập, thực hiện. Do đó, trách nhiệm thực hiện bảo lãnh là trách nhiệm của pháp nhân Agribank, chứ không phải trách nhiệm cá nhân Giám đốc chi nhánh.
Quan điểm thứ hai: Trách nhiệm dân sự phát sinh là của cá nhân Giám đốc chi nhánh. Bởi, Giám đốc chi nhánh mặc dù được Tổng Giám đốc Agribank (là người đại diện theo pháp luật của Agribank) ủy quyền bằng văn bản trong quá trình hoạt động, nhưng Giám đốc chi nhánh đã sai quy trình như không lập hồ sơ, không được hạch toán, không thu phí và không đưa tài sản bảo đảm, vì thế, việc phát hành bảo lãnh không phát sinh các quyền và nghĩa vụ của pháp nhân là Ngân hàng, mà thuộc trách nhiệm cá nhân của Giám đốc chi nhánh.
Quan điểm thứ ba: Trách nhiệm dân sự phát sinh phải được cả pháp nhân và cá nhân liên đới chịu trách nhiệm. Bởi, Giám đốc chi nhánh là người của pháp nhân, vì thế nếu cá nhân làm sai, thì pháp nhân và cá nhân phải liên đới chịu trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba. Sau khi thực hiện trách nhiệm dân sự với bên thứ ba, thì căn cứ vào yếu tố lỗi của cá nhân (Giám đốc chi nhánh) để xác định trách nhiệm của cá nhân đối với pháp nhân.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất, bởi lẽ, trách nhiệm dân sự ở đây phải thuộc về pháp nhân do Giám đốc chi nhánh trong quá trình hoạt động đã được người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng ủy quyền thường xuyên. Việc ký kết các chứng thư bảo lãnh là nằm trong phạm vi thẩm quyền của Giám đốc chi nhánh được ủy quyền. Vì thế, hoạt động của Giám đốc chi nhánh là nhân danh Ngân hàng để tham gia giao kết hợp đồng và sẽ phát sinh các quyền và  nghĩa vụ cho pháp nhân là Ngân hàng. Việc người của pháp nhân (Giám đốc chi nhánh) đã vi phạm một số quy trình nội bộ của Agribank khi cấp bảo lãnh nên cá nhân Giám đốc chi nhánh phải chịu trách nhiệm trước Agribank về hành vi của mình. “Đối với khách hàng thì họ chỉ biết rằng chứng thư bảo lãnh đã được Ngân hàng phát hành, có chữ ký của người có thẩm quyền và chữ ký này đã được Ngân hàng xác nhận bằng dấu mộc của Ngân hàng”[9].
Như vậy, để làm rõ được bản chất của những vụ việc như trên cần phải xem xét trách nhiệm dân sự phát sinh là của pháp nhân hay của cá nhân. Khi người đại diện cho pháp nhân để tham gia giao dịch với người thứ ba phải xem xét vấn đề có quyền đại diện cho pháp nhân hay không? Nếu có quyền đại diện cho pháp nhân thì thẩm quyền đại diện như thế nào? Được quy định ở đâu? Từ đó, xem xét hậu quả pháp lý để xử lý trách nhiệm của các bên đối với giao dịch đã giao kết với người thứ ba.
Kết luận: Hiện nay, các quy định pháp luật về trách nhiệm dân sự của pháp nhân tương đối cụ thể, rõ ràng, tạo cơ sở để phân biệt trách nhiệm dân sự của pháp nhân và trách nhiệm dân sự của cá nhân khi tham gia vào các quan hệ pháp luật có ý nghĩa quan trọng để giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn phát sinh. Vì vậy, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi giải quyết các vụ việc liên quan đến trách nhiệm dân sự của pháp nhân cần làm rõ cơ sở pháp lý để xác định trách nhiệm của pháp nhân hoặc của cá nhân. Tuy nhiên, các vấn đề thuộc trách nhiệm dân sự của pháp nhân là một vấn đề phức tạp, có tác động lớn trong đời sống xã hội. Pháp luật cần đưa ra các trường hợp cần áp dụng trách nhiệm liên đới giữa pháp nhân và người đại diện tạo điều kiện thuận lợi và cơ sở pháp lý cho việc áp dụng trong thực tiễn thi hành và để tránh trường hợp pháp nhân thoái thác trách nhiệm do người của mình gây ra. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu, tìm hiểu nhằm hoàn thiện và bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến trách nhiệm dân sự của pháp nhân để điều chỉnh một cách đầy đủ, chặt chẽ và hợp lý những quan hệ phát sinh (nếu có) là rất cần thiết, có ý nghĩa về nhiều phương diện.
ThS. Nguyễn Văn Lâm
Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách Khoa  Hà Nội
Nguồn: Tạp chí Dân Chủ Và pháp Luật

 

Giới Thiệu Luật Sư Trần Minh Hùng

link s75  

Với phương châm đặt chữ "Tâm" của nghề lên hàng đầu, chúng tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào sự công bằng và bảo vệ công lý cho xã hội. Là hãng luật uy tín thường xuyên tư vấn luật trên HTV, VTV, THVL, ANTV, VTC, SCTV, TH Cần Thơ, Đồng Nai và trên các tờ báo uy tín... Chúng tôi chuyên tư vấn, bào chữa cho khách hàng, thân chủ trên mọi lĩnh vực đất đai, thừa kế, hình sự, doanh nghiệp, ly hôn, công nợ, lao động, hợp đồng....

 

                                   LS TRẦN MINH HÙNG 


Hotline:0972238006