Bỏ tiêu chí cứ trú, dễ hơn trong tiếp cận nhà ở xã hội

Mua nhà ở xã hội là nhu cầu rất lớn của người lao động thu nhập thấp. Nhưng, những vướng mắc về điều kiện cư trú, nhà ở đã khiến không ít người dù đủ điều kiện vẫn không thể tiếp cận được nhà ở xã hội.

Nhiều người phản ánh, họ thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội theo các quy định của Nhà nước. Sau nhiều năm đi làm, họ tích cóp được một khoản tiền và muốn mua nhà để an cư. Sau khi kê khai hồ sơ, đến phần xác minh cư trú, người mua nhà được yêu cầu nộp thêm bản sao (có công chứng) của sổ hồng căn nhà đang thuê trọ. Tuy nhiên, sổ hồng là giấy tờ quan trọng, rất ít người có thể sẵn sàng giao cho người khác để làm thủ tục mua nhà.

Khi đó, nhiều người buộc phải mua lại suất mua của người khác với một khoản chênh lệch khá lớn. Không chỉ vậy, việc mua theo hình thực này rất rủi ro đối với người mua khi sổ hồng căn hộ vẫn thuộc tên người chủ cũ.

Để tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận nhà ở xã hội, tại Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý đã bỏ tiêu chí về cư trú.

Theo dự thảo, trường hợp chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình được xác định tại khoản 1 Điều 77 của Luật Nhà ở quy định: Vợ hoặc chồng chưa có tên trong "sổ đỏ" nhà, đất tại các địa phương nơi có dự án nhà ở xã hội đó. Trường hợp người mua đã sở hữu nhà, điều kiện về diện tích nhà ở bình quân được quy định dưới 15m2 sàn/người, trước đây là dưới 10m2. Sự thay đổi này cũng tương đồng với quy định của một số quốc gia trong khu vực.

Điều kiện về diện tích nhà ở bình quân được quy định dưới 15m2 sàn/người, trước đây là dưới 10 m2.

So với quy định hiện hành, dự thảo nghị định đề xuất bỏ tiêu chí về cư trú, công dân Việt Nam chỉ cần có đủ điều kiện về nhà ở và thu nhập là được quyền mua nhà ở xã hội.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, dự thảo bỏ tiêu chí về nơi cư trú khi mua nhà ở xã hội là phù hợp với thực tiễn đời sống, bởi phần lớn bộ phận người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội là những người lao động nhập cư, ngoại tỉnh.

“Việc nới lỏng các quy định về nơi cư trú có thể giúp mở rộng quy định về các đối tượng có thể tiếp cận tới nhà ở xã hội. Những người lao động nhập cư sớm ổn định cuộc sống, giảm bớt gánh nặng liên quan đến nơi ở, giảm bớt các chi phí thuê trọ để có thể đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú từ một năm trở lên như hiện nay”, ông Hùng nói.

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhiều dự án nhà ở xã hội cũng nêu, bên cạnh yêu cầu về xác minh tình trạng nhà ở, điều kiện cư trú là một nguyên nhân khiến nhiều hồ sơ bị loại khi mua nhà ở xã hội. Lý do là người mua nhà ở xã hội chủ yếu là lao động nhập cư, chủ yếu đi thuê trọ, thay đổi nơi ở thường xuyên…

Vẫn nhiều gian nan với nhà ở xã hội

Vào năm 2023, Chính phủ đã thông qua Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân trong giai đoạn từ 2021-2030. Đến nay, gần nửa chặng đường của kế hoạch đã đến, nhưng số dự án hoàn thành hoặc được phê duyệt, triển khai xây dựng vẫn rất thấp.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, cả nước mới có 499 dự án đã được triển khai với 411.250 căn. Trong đó, có 71 dự án hoàn thành với 37.800 căn; 127 dự án với tổng số gần 108.000 căn ở bước khởi công; 301 dự án với 265.000 căn được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Thậm chí, tại một số địa phương, ví dụ tỉnh Ninh Bình, đến thời điểm này trên địa bàn chưa có dự án nào đủ điều kiện tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư theo quy định tại Nghị quyết số 33 của Chính phủ.

Như vậy, so với mục tiêu, tiến trình triển khai các dự án mới chỉ hoàn thành chưa đến 5%. Điều này đặt ra thách thức rất lớn trong việc triển khai nhà ở xã hội ở những năm còn lại.

Tiến độ triển khai đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội vẫn rất thấp.

Theo ông Trần Minh Hùng, để người thu nhập thấp có thể tiếp cận dễ hơn với nhà ở xã hội, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển hơn nữa các dự án nhà ở xã hội, để tăng nguồn cung đối với loại hình nhà ở xã hội, góp phần giải quyết vấn nạn liên quan đến nơi ở cho người dân có thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, chuyên gia này khuyến nghị, cần giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính và quỹ đất công để thực hiện các dự án nhà ở xã hội.

“Nhiều doanh nghiệp cho rằng, thủ tục đầu tư nhà ở xã hội rất phức tạp, thậm chí còn nhiêu khê hơn cả nhà ở thương mại. Do đó, quy trình để thực hiện một dự án kéo dài, chưa kể còn các vướng mắc trong lựa chọn chủ đầu tư, dẫn đến các doanh nghiệp cũng nản lòng”, ông Hùng nói.

Ngoài ra, ông Hùng cho rằng, Nhà nước cần có thêm các chính sách hỗ trợ người dân như các gói tín dụng ngân hàng với khoản vốn vay với mức lãi suất ưu đãi, thậm chí là thấp hơn so với mức lãi suất như hiện nay.

Quỹ đất sạch, thủ tục thông thoáng, chính sách hỗ trợ phù hợp... sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ triển khai nhà ở xã hội.

Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cũng chia sẻ, muốn phát triển nhà ở xã hội thì phải có quỹ đất sạch, kết nối hạ tầng đồng bộ, đầy đủ tiện ích, cơ hội việc làm cho người dân.

Quỹ đất nhà ở xã hội hiện tại chủ yếu là phần 20% trong dự án nhà ở thương mại. Tuy nhiên, quỹ này nhiều khi mới chỉ “trên giấy” hoặc nếu có, nhiều chủ đầu tư không đầu tư mà cũng không bàn giao cho Nhà nước./.