BÀN VỀ VIỆC ÁP DỤNG TÌNH TIẾT “PHẠM TỘI 02 LẦN TRỞ LÊN”; “ĐỐI VỚI 02 NGƯỜI TRỞ LÊN” TRONG NHÓM CÁC TỘI PHẠM VỀ MA TÚY, THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Uncategorised

BÀN VỀ VIỆC ÁP DỤNG TÌNH TIẾT “PHẠM TỘI 02 LẦN TRỞ LÊN”; “ĐỐI VỚI 02 NGƯỜI TRỞ LÊN” TRONG NHÓM CÁC TỘI PHẠM VỀ MA TÚY, THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015

 26-02-2020 00:00

 
  1. Một số điểm mới cơ bản của nhóm các tội phạm về ma túy theo quy định của BLHS năm 2015.

Nhóm các tội phạm về ma túy được quy định tại Chương XX Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018) gồm 13 điều luật khác nhau (từ Điều 247 đến Điều 259). So với BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 tuy nhiều hơn về số lượng điều luật những không có điều luật nào quy định tội danh mới về tội phạm ma túy, mà chỉ là tách các điều luật có quy định “tội ghép” trong BLHS năm 1999 thành các tội có cấu thành tội phạm riêng, cụ thể:

          Điều 194 BLHS năm 1999 quy định 04 cấu thành tội phạm khác nhau, ở BLHS năm 2015 đã được tách thành 04 điều luật là:

 Điều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy.

 Điều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy.

 Điều 251: Tội mua bán trái phép chất ma túy.

 Điều 252. Tội chiếm đoạt chất ma túy.

          Điều 200 BLHS năm 1999 quy định 02 cấu thành tội phạm là: Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy; Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy; Căn cứ vào hành vi, mức độ, cường độ, thủ đoạn, động cơ, mục đích của người phạm tội, ý chí của người bị đe dọa, lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy cũng như một số các điều kiện khác mà BLHS năm 2015 đã tách thành hai tội riêng biệt có cấu thành tội phạm khác nhau:

 Điều 257. Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy.

 Điều 258. Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy.

Việc tách riêng từng cấu thành của một tội phạm cụ thể và được quy định tại một điều luật trong BLHS 2015 như trên giúp cho việc định tội danh, mức hình phạt đối với từng tội phạm cụ thể một cách chính xác, phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Về mức hình phạt: Ở BLHS năm 1999 quy định 05 tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình (Điều 193. Tội sản xuất trái phép chất ma túy; Điều 194. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt trái phép chất ma túy), BLHS năm 2015 đã bỏ mức hình phạt tử hình đối với các tội Tàng trữ trái phép chất ma túy, và tội Chiếm đoạt chất ma túy, hình phạt tử hình chỉ áp dụng đối với các tội quy định tại các Điều 248; 250 và Điều 251 BLHS. Việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội phạm về ma túy như trên là thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, phù hợp với xu thế hội nhập cũng như các quy định khác của pháp luật (Ví dụ: Người nghiện ma túy được coi là mắc bệnh, xã hội có trách nhiệm giúp đỡ họ cai nghiện chứ không coi là tệ nạn xã hội cần phải loại trừ họ ra khỏi xã hội như trước đây…)

BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm một số chất ma túy mới theo quy định của Chính phủ về danh mục các chất ma túy, tiền chất, chất hướng thần, quy định này đáp ứng yêu cầu về đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy hiện nay; Ngoài ra BLHS năm 2015 đã quy định và ghi rõ ngay trong điều luật một số chất ma túy mà ở BLHS năm 1999 chưa quy định như: Ketamine; MDMA; Methamphetamine; Amphetamine; XRL-11(cỏ mỹ); Tuy nhiên, do còn có một số chất khác được pháp luật các nước trên thế giới quy định là chất ma túy nhưng không phổ biến và chưa được liệt kê cụ thể trong BLHS, vì vậy, ngoài các chất ma túy đã được ghi trong điều luật ra thì BLHS năm 2015 vẫn giữ quy định “các chất ma túy khác ở thể rắn” được quy định tại Nghị định số số 73/NĐ- CP ngày 15/5/2018 của Chính Phủ (Nghị định 73) quy định về danh mục các chất ma túy và tiền chất.

Đối với các chất ma túy có sự tương đồng về tính chất hoặc hình thái tồn tại (thể rắn hoặc lỏng…) được quy định ở cùng một điểm của Điều luật. Trong trường hợp này phải cộng tổng các chất ma túy với nhau để xác định khoản, điểm truy tố đối với người phạm tội theo quy định của Nghị định số 19/2018/NĐ-CP ngày 02/2/2018 của Chính Phủ (Nghị định 19), quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015.

Quy định rõ về độ tuổi của người bị người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm là người dưới 16 tuổi, hoặc phạm tội đối với người từ đủ 13 đến dưới 18 tuổi…quy định này đã đánh giá đúng về tính chất, mức độ nguy hiểm về hành vi của người phạm tội so với các trường hợp phạm tội khác như sử dụng người đã thành niên phạm tội, hoặc phạm tội đối với người đã thành niên, quy định này đáp ứng yêu cầu đấu tranh và phòng ngừa đối với tình hình thực tiễn hiện nay là tội phạm có chiều hướng lợi dụng, sử dụng, lôi kéo, xúi dục trẻ em hoặc người chưa thành niên thực hiện tội phạm, mặt khác nhằm đảm bảo quyền con người trong đó có quyền của trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016, cũng như các điều ước quốc tế về trẻ em mà Việt Nam đã ký kết tham gia (Điều 253, 254, 256, 258);

Quy định ngay trong điều luật về số lần; số người người phạm tội là tình tiết định khung tăng nặng quy định ở khoản 2 của một số Điều luật, thay thuật ngữ “phạm tội nhiều lần” bằng “phạm tội 02 lần trở lên” và “phạm tội đối với nhiều người” bằng “Đối với 02 người trở lên” (khoản 2 các Điều: 248; 249; 250, 252, 253, 254 và Điều 259). Hoặc cả hai tình tiết này cùng được quy định là tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2 của điều luật (điểm b, c khoản 2 Điều 251; điểm a, b khoản 2 Điều 255; điểm b, d khoản 2 Điều 256; điểm b, e khoản 2 Điều 257; điểm b, e khoản 2 Điều 258).

Việc quy định rõ, cụ thể ngay về số lần, số người trong từng điều luật như trên nhằm đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm hành vi phạm tội của người thực hiện tội phạm, đồng thời tránh được việc hiểu và áp dụng pháp luật không thống nhất như ở BLHS năm 1999.

  1. Thực tiễn áp dụng

          Từ khi BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành đến nay, Chính Phủ đã ban hành 02 nghị định có liên quan đến nhóm tội phạm về ma túy đó là: Nghị định số 19/2018/NĐ- CP ngày 02/02/2018 của Chính Phủ (Nghị định 19) quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015; Nghị định số 73/NĐ- CP ngày 15/5/2018 của Chính Phủ (Nghị định 73) quy định về danh mục các chất ma túy và tiền chất, ngoài hai nghị định trên ra hiện chưa có một văn bản dưới luật nào do đơn ngành hoặc liên ngành tố tụng hướng dẫn áp dụng các quy định mới của nhóm tội phạm về ma túy quy định trong BLHS năm 2015.

Hiện nay các Cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) vẫn áp dụng quy định của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp (Thông tư 17/2007), Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999 để khởi tố điều tra, truy tố và xét xử đối với nhóm tội phạm về ma túy theo quy định của BLHS năm 2015.

Do BLHS năm 2015 thay đổi thuật ngữ ở một số tình tiết định khung hình phạt như nêu trên nên khi áp dụng trong thực tiễn đã nảy sinh nhiều vướng mắc, không thống nhất về nhận thức giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT), Người tiến hành tố tụng (NTHTT) dẫn đến trường hợp ở mỗi nơi, mỗi đơn vị áp dụng khác nhau, ví dụ như các vụ án sau đây:

– Vụ thứ nhất: Khoảng 13 giờ 45 phút ngày 24/12/2018, Chu Văn K; Lê Văn L cùng rủ nhau đến nhà Nông Văn T, trú tại xóm Na Hoàn, xã Phú Lạc, huyện ĐT, tỉnh TN mục đích để mua ma túy sử dụng, khi gặp T thì K lấy ra 100.000đ đưa cho T để mua Heroin. T nhận tiền rồi lấy 01 gói Heroin đưa cho K; lúc này L cũng lấy ra 200.000đ đưa cho T và được T bán cho 02 gói Heroin, sau đó K và L đi đến bãi đất trống cách nhà T khoảng 500 để sử dụng, khi đang sử dụng thì bị bắt quả tang. Với hành vi trên ngày 03/01/2019 CQCSĐT Công an huyện ĐT đã khởi tố vụ án, bị can đối với Nông Văn T về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” theo Điều 251 BLHS;

Ngày 27/2/2019 CQĐT kết thúc điều tra vụ án, chuyển hồ sơ đến VKSND huyện ĐT đề nghị truy tố đối với bị can Nông Văn T về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, áp dụng điểm b, c khoản 2 Điều 251 BLHS.

Ngày 14/3/2019 VKSND huyện ĐT ban hành bản Cáo trạng số 25/CT- VKS-ĐT truy tố đối với bị can Nông Văn T về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” áp dụng điểm b, c khoản 2 Điều 251 BLHS. (phạm tội 02 lần trở lên; Đối với 02 người trở lên).

Tòa án ND huyện ĐT đã đưa vụ án ra xét xử, Hội đồng xét xử quyết định: Áp dụng điểm b, c khoản 2; khoản 5 Điều 251 BLHS, xử phạt bị cáo Nông Văn T 08 (tám) năm tù, phạt bổ sung 05 (năm) triệu đồng xung công quỹ nhà nước, bản án đã có hiệu lực pháp luật và không có kháng cáo, kháng nghị.

– Vụ thứ hai: Khoảng 9 giờ ngày 20/11/2018, Nguyễn Văn S; Bùi Đức H cùng nhau đến nhà Nguyễn Văn T, trú tại xóm Đoàn kết, xã Kha Sơn, huyện PB, tỉnh TN, để mua ma túy sử dụng; S và H mỗi người đưa cho T 100.000đ và được T bán cho mỗi người 01 gói Heroin, sau khi mua được ma túy S và H mang ra khỏi nhà T để sử dụng, trong lúc đang sử dụng thì bị bắt quả tang; CQĐT Công an huyện PB đã khởi tố vụ án, bị can đối với Nguyễn Văn T về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 251 BLHS

Tại CQĐT ban đầu T khai phù hợp với S và H về việc bán ma túy cho 02 người, mỗi người 01 gói giá 100.000đ phù hợp với lời khai của S và H, quá trình điều tra T thay đổi lời khai là T chỉ nhận tiền 200.000đ do H đưa và bán cho H 02 gói ma túy, sau đó H cho S 01 gói ma túy để sử dụng… Tuy nhiên tài liệu điều tra xác định việc T thay đổi lời khai là nhằm chối tội và không có căn cứ.

Ngày 06/3/2019 CQĐT Công an huyện PB đã kết thúc điều tra vụ án, đề nghị truy tố đối với Nguyễn Văn T về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 251 BLHS

Ngày 20/3/2019, Viện kiểm sát ND huyện PB, tỉnh TN đã ban hành bản cáo trạng số 49/CT- VKS- PB truy tố đối với bị can Nguyễn Văn T về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” áp dụng điểm c khoản 2 Điều 251 BLHS (đối với 02 người trở lên)

Tòa án ND huyện PB đã đưa vụ án ra xét xử, Hội đồng xét xử quyết định: Áp dụng điểm c khoản 2; khoản 5 Điều 251 BLHS, xử phạt bị cáo Nguyễn văn T 08 (tám) năm tù, phạt bổ sung 05 (năm) triệu đồng xung công quỹ nhà nước, bản án đã có hiệu lực pháp luật và không có kháng cáo, kháng nghị.

– Vụ thứ ba: Khoảng 10 giờ ngày 18/2/2019, khi Huỳnh Văn H (sinh năm 1961, trú tại xóm Phúc Tài, xã Phúc Thuận, thị xã PY, tỉnh TN) đang ở nhà thì có Nguyễn Văn T là người nghiện ma túy đến gặp và hỏi mua ma túy để sử dụng, H đồng ý và bán cho T 01 gói Heroin với giá 100.000đ, ngay sau đó có Vũ Quang Ch cũng đi vào nhà H và hỏi mua Heroin, tại đây H cũng nhận của Ch 100.000đ và bán cho Ch 01 gói Heroin, sau khi mua được ma túy của H, T và Ch mang đi sử dụng thì bị tổ công tác  Công an thị xã PY bắt quả tang. Với hành vi trên ngày 26/2/2019 CQĐT thị xã PY đã khởi tố vụ án, bị can đối với Huỳnh Văn H về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” theo khoản 2 Điều 251 BLHS.

Bản KLĐT số 01 ngày 31/3/2019 của CQĐT thị xã PY kết thúc điều tra vụ án, chuyển hồ sơ đến VKS ND thị xã PY đề nghị truy tố đối với bị can Huỳnh Văn H về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” theo điểm b, c khoản 2 Điều 251 BLHS.

Tại bản Cáo trạng số 61/CT- VKS-PY ngày 17/4/2019 của VKSND thị xã PY tỉnh TN đã truy tố đối với bị can Huỳnh Văn H về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” áp dụng điểm b khoản 2 Điều 251 BLHS.

Bản án số 57/2019/HSST ngày 09/5/2019 của Tòa án nhân dân thị xã PY, tỉnh TN, tuyên bố: Bị cáo Huỳnh Văn H phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 251, điểm s khoản 1; 2 Điều 51, Điều 38 BLHS năm 2015, xử phạt bị cáo Huỳnh Văn H 08 (tám) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 18/2/2019, xử lý vật chứng, án phí: theo quy định.

Đối với bản án này hiện chưa có hiệu lực và đang có nhiều ý kiến trao đổi để thống nhất nhận thức trong việc áp dụng pháp luật.

  1. Những vấn đề vướng mắc trong áp dụng pháp luật.

Thông qua 03 vụ án của ba đơn vị khác nhau như trên thấy rằng: Xuất phát từ việc chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với từng tình tiết định khung hình phạt  “phạm tội 02 lần trở lên”, và “đối với 02 người trở lên” được quy định tại các điểm b, c khoản 2 Điều 251 BLHS năm 2015, từ đó dẫn đến những nhận thức khác nhau và việc áp dụng pháp luật của các CQTHTT và ở mỗi đơn vị là khác nhau.

Quan điểm cá nhân tôi về vấn đề này như sau:

Tình tiết “Phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm b khoản 2 các Điều: 248; 249; 250, 252, 253, 254 và Điều 259; tình tiết “Phạm tội 02 lần trở lên” và “Đối với 02 người trở lên” quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 251; điểm a, b khoản 2 Điều 255; điểm b, d khoản 2 Điều 256; điểm b, e khoản 2 Điều 257; điểm b, e khoản 2 Điều 258 BLHS năm 2015 không phải là những tình tiết định khung mới, mà là các tình tiết “Phạm tội nhiều lần” và “Đối với nhiều người” được quy định tại khoản 2 của một số điều luật thuộc nhóm các tội phạm về ma túy của BLHS năm 1999 và đã được hướng dẫn áp dụng tại Thông tư số 17/2007. Tuy nhiên, ở BLHS năm 2015 nhà làm luật đã quy định rõ ngay về số lần (02 lần) và số người (02 người) trong điều luật, mục đích là nhằm khắc phục nhận thức thế nào là nhiều lần ? mấy lần trở lên thì được coi là nhiều? hay nhiều người là từ bao nhiêu người trở lên?

Tại tiểu mục 2.3 Phần I của Thông tư số 17/2007 hướng dẫn áp dụng tình tiết “Phạm tội nhiều lần” – Phạm tội 02 lần trở lên, quy định tại khoản 2 các Điều 193, 194, 195, 196, 197, 198, 200 và Điều 201 BLHS được hiểu là: đã có từ hai lần phạm tội trở lên mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng, đồng thời trong các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự..; Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy đối với một người từ hai lần trở lên cũng bị coi là phạm tội nhiều lần.

 Tiểu mục 2.4 hướng dẫn việc áp dụng tình tiết “phạm tội đối với nhiều người” quy định tại các Điều 197, 198 và 200 BLHS được hiểu là trong một lần phạm tội, người phạm tội đã thực hiện tội phạm đối với từ hai người trở lên (trong một lần phạm tội tổ chức cho hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy, chứa chấp hai người sử dụng trái phép chất ma túy…)

Như vậy việc xác định số lần, số người phạm tội đã thực hiện trong các tình tiết định khung của nhóm các tội phạm về ma túy của BLHS năm 2015 phải căn cứ theo đúng hướng dẫn trên.

Tuy nhiên trên thực tiễn đã xảy ra trường hợp trong cùng một lần (một khoảng thời gian) người phạm tội bán ma túy cho 02 người nghiện thì sẽ áp dụng những tình tiết định khung nào để điều tra, truy tố và xét xử đối với bị can, đây chính là vướng mắc và nảy sinh những nhận thức không thống nhất giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng trong thực tiễn như trong ba vụ án nêu trên. Cụ thể:

Đối với vụ án thứ nhất: Cả ba cơ quan tố tụng huyện ĐT đều thống nhất nhận thức hành vi của bị can Nông Văn T phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy” và áp dụng các tình tiết định khung được quy định tại điểm b (phạm tội 02 lần trở lên), điểm c (Đối với 02 người trở lên) của khoản 2 Điều 251 BLHS để điều tra, truy tố xét xử đối với bị cáo, bản án đã có hiệu lực pháp luật, việc nhận thức và áp dụng pháp luật của các cơ quan tố tụng huyện ĐT là đúng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và đúng quy định của pháp luật, không bỏ lọt tình tiết định khung hình phạt đối với hành vi phạm tội của bị cáo.

Đối với vụ án thứ hai: Quan điểm của CQĐT huyện PB đề nghị truy tố bị can T theo các điểm b, c khoản 2 Điều 251 BLHS là đúng quy định; tuy nhiên VKS và Tòa án chỉ áp dụng tình tiết định khung quy định tại điểm c khoản 2 Điều 251 BLHS (Đối với 02 người trở lên) để truy tố, xét xử đối với bị cáo T là đã bỏ lọt 01 tình tiết định khung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 251 BLHS đối với bị cáo là “phạm tội 02 lần trở lên” vì:

Thứ nhất, theo hướng dẫn tại tiểu mục 2.4 phần I- Thông tư số 17, thì S và H rõ ràng là hai con người khác nhau, cùng nhau đến mua ma túy của T trong cùng một thời điểm, mỗi người một lần đưa tiền để giao dịch mua ma túy và nhận ma túy từ T, do đó việc VKS truy tố và Tòa án ND huyện PB đã xét xử đối với bị cáo T về tình tiết định khung theo điểm c khoản 2 Điều 251 (đối với 02 người trở lên) là có căn cứ.

Thứ hai: Trong trường hợp này có đủ căn cứ xác định trong cùng một thời điểm T nhận tiền của S và H ở cùng một địa điểm để bán ma túy, như vậy T nhận tiền 02 lần, bán ma túy cho 02 người khác nhau mà nếu tách riêng mỗi lần thì đều đã có đủ yếu tố cấu thành tội theo khoản 1 Điều 251 BLHS, vì vậy T còn phạm tội với tình tiết định khung tăng nặng ở khoản 2 là “Phạm tội 02 lần trở lên” (tiểu mục 2.3 Phần I của Thông tư 17), còn trong “cùng một khoảng thời gian” hay “cùng một lúc” T bán ma túy cho S và H không có ý nghĩa trong việc xác định số lần phạm tội của T.

Việc bỏ lọt tình tiết định khung đối với bị cáo, áp dụng pháp luật không thống nhất giữa các cơ quan tố tụng trong vụ án này đã không đánh giá hết tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo, dẫn đến việc VKS truy tố và Tòa án xét xử xử phạt đối với bị cáo không tương xứng với hành vi.

Đối với vụ án thứ 3: Cả ba cơ quan tố tụng có quan điểm áp dụng pháp luật không thống nhất với nhau, cụ thể: CQĐT thị xã PY đề nghị truy tố bị can theo các điểm b; c khoản 2 Điều 251 BLHS (phạm tội 02 lần trở lên; đối với 02 người trở lên). VKS truy tố bị can theo điểm b khoản 2 Điều 251 BLHS (phạm tội 02 lần trở lên); TAND thị xã PY áp dụng điểm c (đối với 02 người trở lên) để xét xử đối với bị cáo. Trong vụ án này về quan điểm cá nhân tôi như sau:

Thứ nhất: về áp dụng pháp luật: Cả ba CQTHTT đều không thống nhất với nhau về việc xác định các tình tiết định khung đối với bị cáo, việc CQĐT đề nghị áp dụng 02 tình tiết định khung điểm b, c khoản 2 Điều 251 BLHS để truy tố đối với bị can là đúng quy định, không bỏ lọt tình tiết định khung.

Viện kiểm sát áp dụng tình tiết định khung tại điểm b khoản 2 Điều 251 BLHS để truy tố đối với bị can, TAND áp dụng điểm c khoản 2 Điều 251 BLHS để xét xử đối với bị cáo là đã bỏ lọt tình tiết định khung, chưa đánh giá hết tính nguy hiểm và nhận thức đúng về nội dung các tình tiết định khung được quy định tại điểm b, c khoản 2 của Điều 251 BLHS.

Thứ hai: Về quan hệ phối hợp giữa CQĐT và VKS trong vụ án này là chưa thực hiện đúng quy định tại Điều 31 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018. Quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, cụ thể trong trường hợp này giữa Điều tra viên và Kiểm sát viên phải thống nhất đánh giá chứng cứ, xác định điểm, khoản trong việc áp dụng pháp luật để truy tố đối với bị can trước khi CQĐT kết thúc điều tra vụ án. Khi lập dự thảo Cáo trạng truy tố KSV- KSĐT nếu truy tố khác điểm, khoản với KLĐT của CQĐT đề nghị truy tố thì phải nêu rõ lý do, căn cứ áp dụng… báo cáo Lãnh đạo đơn vị quyết định việc truy tố; Đối với Tòa án, KSV cần chủ động trao đổi, thống nhất trước khi đưa vụ án ra xét xử, nếu TA có quan điểm xét xử khác quan điểm với nội dung Cáo trạng truy tố của VKS trong việc áp dụng pháp luật thì phải kịp thời báo cáo Lãnh đạo đơn vị để thống nhất quan điểm với Tòa án…tránh để xảy ra trường hợp như vụ án nêu trên.

  1. Kiến nghị.

Để thống nhất nhận thức trong việc áp dụng pháp luật, nhất là các quy định của BLHS năm 2015 về nhóm các tội phạm về ma túy, hạn chế những tồn tại như trên, xin nêu lên một số kiến nghị sau đây:

– Cần nghiên cứu, nắm vững các quy định của pháp luật, các Nghị định của Chính phủ liên quan đến nhóm các tội phạm về ma túy; đặc biệt là các hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17/2007, tuy đây là văn bản hướng dẫn áp dụng các quy định của BLHS năm 1999 nhưng đến nay còn phù hợp với thực tiễn, có hiệu lực pháp luật và chưa có văn bản thay thế, vì vậy được áp dụng cho các quy định về nhóm tội phạm ma túy của BLHS năm 2015.

– Cần có sự phối hợp, thống nhất nhận thức chung giữa các CQTHTT, người THTT để xử lý, giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện, đúng quy định của pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất việc khởi tố điều tra, truy tố, xét xử oan, sai, bỏ lọt hành vi, lọt người, lọt tội, đáp ứng yêu cầu về đấu tranh phòng chống các tội phạm về ma túy hiện nay.

– Thông qua công tác KSĐT- THQCT thực tiễn đối với nhóm các tội phạm về ma túy quy định trong BLHS năm 2015 thời gian qua đã nảy sinh những tồn tại, vướng mắc như nêu trên; Đề nghị liên ngành tố tụng cấp trên cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để cấp địa phương thống nhất áp dụng.

Trên đây là một số nội dung những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn áp dụng pháp luật ở địa phương, đối với việc khởi tố điều tra, truy tố, xét xử một số tội phạm về ma túy và ý kiến kiến nghị. Xin được nêu lên để bạn đọc cùng nghiên cứu trao đổi, thống nhất nhằm thực hiện đúng các quy định của BLHS năm 2015./.

                                                                     Dương Văn Thịnh

                                                                Phòng 1- VKS tỉnh Thái Nguyên

Nguồn: http://vksndthainguyen.gov.vn/tin-tuc/-/asset_publisher/aepikSRWoxjh/content/ban-ve-viec-ap-dung-tinh-tiet-pham-toi-02-lan-tro-len-oi-voi-02-nguoi-tro-len-trong-nhom-cac-toi-pham-ve-ma-tuy-theo-quy-inh-cua-bo-luat-hinh-su-nam-2?inheritRedirect=true

Giới Thiệu Luật Sư Trần Minh Hùng

link s75  

Với phương châm đặt chữ "Tâm" của nghề lên hàng đầu, chúng tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào sự công bằng và bảo vệ công lý cho xã hội. Là hãng luật uy tín thường xuyên tư vấn luật trên HTV, VTV, THVL, ANTV, VTC, SCTV, TH Cần Thơ, Đồng Nai và trên các tờ báo uy tín... Chúng tôi chuyên tư vấn, bào chữa cho khách hàng, thân chủ trên mọi lĩnh vực đất đai, thừa kế, hình sự, doanh nghiệp, ly hôn, công nợ, lao động, hợp đồng....

 

                                   LS TRẦN MINH HÙNG 


Hotline:0972238006