Nhiều ý kiến cho rằng, nội dung dự thảo như vậy là đã vi hiến. Để góp ý cùng dự thảo, cung cấp cái nhìn pháp luật, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với các luật sư về vấn đề này. Dưới đây, là trả lời phỏng vấn của Luật sư Trần Minh Hùng, Văn phòng luật sư Gia Đình (Đoàn luật sư TPHCM).
Thưa luật sư, mới đây Bộ Công an đã ra thông tư quy định riêng với việc giải quyết TNGT. Thông tư này có riêng một điều liên quan đến cán bộ cao cấp khi xảy ra tai nạn giao thông. Luật sư có quan điểm như thế nào?
Ảnh minh họa |
Theo tôi quy định này là có sự phân biệt đối xử giữa các công dân và bất bình đẳng theo pháp luật. Bởi theo Hiến pháp và pháp luật thì mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và phải được đối xử như nhau về quyền và nghĩa vụ. Do vậy, theo tôi, việc ban hành thông tư quy định riêng với việc giải quyết TNGT liên quan đến cán bộ cao cấp vừa mang tính phân biệt đối xử vừa làm chồng chéo phức tạp giữa văn bản luật vốn đã nhiều văn bản chồng chéo nhau.
Thêm nữa, tại điều 16 Hiến pháp năm 2013 đã quy định: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
Như vậy, theo tôi nếu thông tư ban hành quy định riêng với việc giải quyết TNGT liên quan đến cán bộ cao cấp như vậy sẽ không đồng nhất với Hiến pháp. Mà thực tế chưa ai có thể khẳng định thế nào là cán bộ cao cấp.
Nhưng cũng có lập luận cho rằng, các cán bộ cấp cao làm những việc liên quan đến nhiều người, nên phải có ưu tiên, luật sư nghĩ sao?
Hiến pháp và pháp luật đã quy định rất rõ là không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội do vậy dù là cán bộ hay dân thường đều phải được đối xử như nhau. Quan điểm như vậy sẽ sai lầm và tạo nên sự bất bình đẳng trong xã hội gây ra sự chia rẽ và mất đoàn kết trong nhân dân.
Phải chăng đưa ra quy định này vừa vi hiến vừa không cần thiết. Vì các cán bộ cao cấp rất ít khi tự lái xe, khi tự lái xe thì cũng phải xử lý như dân thường. Việc xảy ra, yêu cầu lái xe làm việc như bình thường là được?
Đúng vậy, ở nước ta các bộ có chức vụ lớn thường có tài xế riêng, họ ít khi tự lái xe. Vậy thì khi xảy ra TNGT mà tài xế riêng điều khiển thì không biết xử lý thế nào? Chẳng lẽ vẫn áp dụng như cán bộ cao cấp lái xe, như vậy sẽ mâu thuẫn. Quan trọng hơn hết nếu quy định riêng như vậy sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội, làm cho người dân có suy nghĩ không tốt về cán bộ và vừa trái với Hiến pháp.
Xin cảm luật sư!
Điều 22. Tai nạn giao thông liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước
1. Trường hợp vụ tai nạn giao thông liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước xảy ra, thì giải quyết như sau:
a) Nếu phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đó vẫn hoạt động được, đủ điều kiện tham gia giao thông thì lập biên bản về vụ tai nạn, ghi biển số xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện, đánh dấu vị trí phương tiện, ghi nhận vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có) và yêu cầu người điều khiển phương tiện ký xác nhận vào biên bản rồi giải quyết cho đi; định thời gian yêu cầu người điều khiển phương tiện đến trụ sở cơ quan Công an để giải quyết.
b) Nếu phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đó không đủ điều kiện tham gia giao thông thì phải giải quyết cho cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước đến địa điểm an toàn hoặc đến nơi cần thiết theo yêu cầu của cán bộ đó. Trường hợp cán bộ đó trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì trước khi giải quyết cho đi phải lập biên bản về vụ tai nạn, ghi biển số xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, đánh dấu vị trí phương tiện, ghi nhận vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có) và yêu cầu người điều khiển phương tiện ký xác nhận vào biên bản; định thời gian yêu cầu cán bộ đó đến trụ sở cơ quan Công an để giải quyết.
c) Sau khi thực hiện xong các quy định tại điểm a, điểm b khoản này, tiến hành điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông theo quy định tại Chương II Thông tư này.
2. Trường hợp vụ tai nạn giao thông liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước xảy ra mà cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước bị thương hoặc chết thì giải quyết theo quy định tại Chương II Thông tư này.
3. Các vụ tai nạn giao thông liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước xảy ra, cơ quan thụ lý điều tra, giải quyết phải cáo cáo Công an cấp tỉnh và Bộ Công an theo quy định.