Hãng luật chuyên tư vấn ly hôn
Hiện nay, chúng ta vẫn biết rằng ly hôn là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân (về mặt pháp lí) trong lúc cả vợ và chồng đều còn sống. Đơn ly hôn chính là một văn bản hành chính đệ lên Tòa Án xin giải quyết để vợ và chồng có được cuộc sống riêng cho mỗi người.
Theo pháp luật hiện hành thì có hai trường hợp ly hôn:
- Thuận tình ly hôn: cả vợ và chồng đều mong muốn ly hôn
- Đơn phương ly hôn: ly hôn theo yêu cầu của một bên vợ hoặc chồng như trong trường hợp của bạn mình
Vì thủ tục ly hôn này sẽ mất kha khá thời gian (từ 3-6 tháng tuỳ từng trường hợp) nên tốt nhất bạn nên chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ nhất để tránh bị bỏ sót phải chạy đi chạy lại mất thời gian và gây mệt mỏi thêm cho quá trình vốn dĩ đã gây khá nhiều mệt mỏi cho cả hai bên.
Cách viết một mẫu đơn xin ly hôn hoàn chỉnh
Đơn xin ly hôn có thể đánh máy hoặc viết tay đều được toà án chấp nhận. Miễn là bạn viết đúng theo cấu trúc luật định.
Sau đây, tôi sẽ hướng dẫn các bạn chi tiết cách viết một đơn xin ly hôn theo đúng quy định hiện hành.
Phần mở đầu
Ở đây, bạn điền đầy đủ các thông tin cá nhân của bạn và vợ/chồng bạn. Phần này khá đơn giản giống như các loại giấy tờ thủ tục thông thường.
Về con chung
Đây là mục để khai báo về các con của bạn. Nêu hai người chưa có con chung thì chỉ cần ghi ngắn gọn là “Chưa có”. Còn nếu đã có con thì cần ghi đầy đủ thông tin liên quan đến bé gồm:
- Họ tên
- Ngày tháng năm sinh
Nguyện vọng và đề nghị về việc nuôi con. Phần này có thể do hai người thoả thuận trước với nhau, nếu dẫn tới thống nhất ý kiến thì ghi rõ vào đây. Còn nếu không thoả thuận được thì cũng ghi rõ là “không thoả thuận được về quyền nuôi con, trợ cấp nuôi con và đề nghị Toà giải quyết”.
Về tài sản
Trong trường hợp hai bạn tự thoả thuận được với nhau về việc phân chia tài sản thì ghi là: “Không có tài sản chung” hoặc “Tài sản chung, riêng do hai bên tự nguyện thỏa thuận không yêu cầu tòa án phân chia.”
Trong trường hợp hai bạn không thể thoả thuận được về việc chia tài sản như thế nào thì cần phải liệt kê toàn bộ số tài sản đang có, giá trị… và đề nghị toà phân chia theo pháp luật.
Phần nợ chung
Nếu hai bạn không có khoản nợ nào chung thì sẽ dễ dàng hơn, chỉ việc ghi là “Không có nợ chung”.
Còn nếu hai bạn có một hoặc một vài món nợ chung, hãy nhớ là phải liệt kê chi tiết trong đơn về:
- Món nợ là tiền hay tài sản, giá trị bao nhiêu
- Tên chủ nợ
- Thời hạn trả nợ
- Đề nghị phân định rõ ràng về nghĩa vụ trả nợ của vợ và chồng
Sau khi hoàn thiện toàn bộ số thông tin ở trên, bạn ký ghi rõ họ tên là hoàn thành.
Tải mẫu đơn xin ly hôn viết tay mới nhất
Dưới đây là một số mẫu đơn xin ly hôn mới nhất. Bạn muốn tải mẫu đơn nào vui lòng click chuột vào mẫu đơn đó để tải về:
Viết đơn xin ly hôn chỉ là bước đầu tiên của quá trình ly hôn. Để có thể tiến hành ly hôn một cách trôi chảy nhất, trước tiên bạn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm có những giấy tờ sau.
- Đơn xin ly hôn (trường hợp đơn phương ly hôn) hoặc đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (trường hợp thuận tình ly hôn). Đơn này bạn có thể đánh máy hoặc viết tay đều được.
- Giấy đăng kí kết hôn (bản chính).
- Bản sao chứng minh nhân dân của người đệ đơn (trường hợp đơn phương ly hôn) hoặc bản công chứng chứng minh nhân dân của vợ và chồng (trường hợp thuận tình ly hôn).
- Bản sao công chứng sổ hộ khẩu.
- Bản sao công chứng giấy khai sinh của con chung. Nếu bạn chưa có con thì không cần giấy này.
- Những chứng từ chứng minh tài sản chung của vợ chồng cần chia (nếu có).
Quá trình giải quyết thủ tục ly hôn như thế nào?
Nộp hồ sơ
Hồ sơ của bạn sau khi đã hoàn thành đầy đủ giấy tờ thì được nộp về Tòa án Nhân dân quận/huyện tại nơi cư trú và làm việc của vợ hoặc chồng (trường hợp thuận tình ly hôn) hoặc nơi cư trú của bị đơn (trường hợp đơn phương ly hôn).
Nộp chi phí cho toà án
Sau khi nhận đơn ly hôn và hồ sơ hợp lệ từ bạn, Tòa án sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, lúc này bạn có trách nhiệm tự giác đi nộp số tiền mà Toà thông báo tại Cục Thi hành án quận/huyện, sau đó nộp lại biên lai cho Tòa án.
Thụ lí giải quyết
Trường hợp đơn phương ly hôn: Tòa án tiến hành giải quyết theo thủ tục chung và ra Bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án.
Trường hợp thuận tình ly hôn: Tòa án sẽ mở phiên hòa giải trong 15 ngày, nếu trong 07 ngày kể từ ngày hòa giải ko có tác dụng thì Tòa quyết định công nhận thuận tình ly hôn, tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và ra quyết định giải quyết vụ án.
Lại nói về hoà giải, thực ra từ lúc bắt đầu thông báo ly hôn bạn sẽ trải qua kha khá lần hoà giải. Trước tiên là hoà giải của vợ hoặc chồng nếu bạn đơn phương viết đơn, tiếp đến là hoà giải của bố mẹ và người thân hai bên, rồi hoà giải của tổ dân phố, hoà giải của anh chị em bạn bè… Hoà giải không thành công thì Toà tiếp tục xét xử.
Thời hạn xét xử
Và phần xét xử này cũng khá là phức tạp, thời hạn sẽ là từ 3 đến 6 tháng từ ngày thụ lí vụ án
Nếu trong một điều kiện lý tưởng là vợ chồng thuận tình ly hôn và có chung ý kiến về việc phân chia tài sản, quyền nuôi con… các phiên xét xử sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.Ngược lại trong trường hợp hai vợ chồng có mẫu thuẫn lớn, không thể thống nhất được ý kiến, tranh giành tài sản, tranh giành quyền nuôi con… thì thời gian xét xử lại phải kéo dài hơn.
Ly hôn là tình huống ngoài mong muốn của tất cả chúng ta. Vậy nên bạn rất cần tỉnh táo và cố gắng suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng nhé. Hy vọng thông tin trong bài viết hữu ích và giảm bớt khó khăn cho bạn trong quá trình tìm hiểu về thủ tục ly hôn khá rắc rối này.
Bạn đã sẵng sàng cho việc ly hôn chưa?
Em muốn ly hôn nhưng em sợ…
Em không biết là mình có nên ly hôn hay không nữa chị ơi!
Theo chị thì như tình trạng của em đã nên ly hôn hay chưa? Có cứu vãn được không chị?
…
Đó chỉ là một vài trong số rất nhiều câu hỏi mà khách hàng hỏi tôi. Đôi khi họ hỏi với mong muốn có một câu trả lời, nhưng đôi khi họ hỏi chỉ để giãi bày, để được lắng nghe.
Khi nhắc tới việc ly hôn, phần đông đều nghĩ tới ngoại tình, bạo hành, nghiện ngập bia rượu, cãi vã đánh đập chà đạp nhau… Nhưng còn có rất nhiều nguyên nhân khác dẫn tới quyết định này, đó là tình cảm không còn mà chẳng cần có người thứ ba nào xen vào, đó là không cảm thấy hạnh phúc khi ở bên nhau, đó là sự “hờ hững” dành cho nhau – sống cùng một nhà nhưng không nhìn về cùng một hướng, không thể thấu hiểu hay chia sẻ với nhau…
Dù là lý do gì thì tôi chắc hẳn bạn cũng như các khách hàng của tôi sẽ cảm thấy một chút “sợ hãi” khi trong đầu thoáng nghĩ tới hai từ LY HÔN. Trong phạm vị một bài viết, tôi không thể đưa ra lời khuyên tốt nhất cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo 6 dấu hiệu mà tôi đưa ra dưới đây để xác định xem bạn đã sẵn sàng cho việc rời bỏ người bạn đời của mình hay chưa.
Sự thờ ơ
Sẵn sàng: Sự thờ ơ là dấu hiệu mạnh mẽ nhất đe doạ mỗi quan hệ vợ chồng. Khi bạn nhận thấy mình thiếu quan tâm hoặc hoàn toàn không quan tâm, không còn sự cảm thông đối với vợ hoặc chồng của mình, đây là một dấu hiệu rõ ràng và quan trọng cho thấy kết nối tình cảm của hai bạn đã bị tê liệt và có thể cắt đứt bất cứ lúc nào.
Chưa sẵn sàng: Tuy nhiên, nếu bạn thấy mình vẫn còn bị ảnh hưởng bởi hành động của người kia và bạn cảm thấy cần phải “giúp đỡ” họ, hoặc ít nhất là cần làm một điều gì đó. Tin tốt là cuộc hôn nhân của bạn chưa sẵn sàng để đặt dấu chấm hết. Còn quan tâm là còn tình cảm.
Điều chỉnh cảm xúc
Sẵn sàng: Nếu cảm thấy mình trở nên tự nhận thức được và có thể xử lý và điều chỉnh cảm xúc của bạn theo một cách phù hợp và lành mạnh, đây chính là một dấu hiệu cho thấy bạn đã sẵn sàng để ly dị. Nếu cảm xúc của bạn không hề bị ảnh hưởng hoặc chịu sự chi phối bởi hành động của người kia, bạn đã sẵn sàng.
Chưa sẵn sàng: Cảm xúc thật sự rất khó để kiểm soát nếu chúng ta không tự nhận thức được. Khi một cuộc hôn nhân đang bước vào thời kì rắc rối, bạn có thể cảm thấy như trái tim mình vỡ vụn và bạn luôn ở trong tình trạng cảm xúc bất ổn, đau đớn… Nếu bạn không thể kiểm soát phản ứng của bạn trước người kia tức là hai bạn vẫn còn sự kết nối và việc cần làm lúc này không phải là ly hôn.
Sự kính trọng
Sẵn sàng: Nếu bạn đã bắt đầu thông cảm cho “cái tôi” của người kia, mặc dù trước đó có thể chính bạn đã phải chịu nhiều bất công, cuộc hôn nhân của bạn có thể đang bị đe dọa rồi đấy.
Chưa sẵn sàng: Nghe có vẻ hơi ngược đời một chút. Nhưng sự thật là các cặp vợ chồng mất sự tôn trọng dành cho nhau thì lại thường chưa sẵn sàng để tách rời nhau. Sau một thời gian dài phải chịu đau đớn và tổn thương, chúng ta sẽ chỉ tập trung vào sự tồn tại của mình và không thèm để ý tới người kia nữa. Về bản chất, họ chính là đối thủ. Nếu bạn đang “nhốt” mình trong quan điểm này thì bạn chưa thực sự sẵn sàng để bắt đầu một cuộc ly dị đâu.
Trung thực
Sẵn sàng: Bạn bắt đầu trung thực với bản thân và thậm chí là chấp nhận lỗi lầm của chính bạn. Ly hôn là bắt đầu một cuộc hành trình của sự trung thực, với mình, với người kia.
Chưa sẵn sàng: Trong khoảnh khắc của sự tức giận, bạn sẽ bộc lộ cảm xúc của mình một cách tự nhiên. Tuy nhiên, khi cơn giận đi qua và cảm xúc của bạn trở lại bình thường, hãy nghĩ xem bạn đang thực sự cảm thấy như thế nào? Nếu vẫn còn thấy “giận”, vẫn chưa thể trung thực với cảm xúc của bản thân thì bạn chưa sẵn sàng đâu. Bạn vẫn đang cố chấp.
Tầm ảnh hưởng
Sẵn sàng: Điều này cũng tương tự như sự thờ ơ đối với người kia hoặc cuộc hôn nhân của bạn. Khi chồng hoặc vợ của bạn trở nên không quan trọng với bạn -“anh làm gì mặc anh, đi đâu thì đi, về lúc nào thì về” – đây là một dấu hiệu rõ ràng rằng cuộc hôn nhân của bạn đang ở trong tình trạng nguy hiểm.
Chưa sẵn sàng: Tuy nhiên, nếu bạn thấy nội tâm mình vẫn còn đang tranh cãi và xung đột với hàng tá những lập luận về người kia, đó là bởi bạn vẫn còn chấp nhận sự ảnh hưởng từ họ. Cho dù là tích cực hay tiêu cực, bạn có thể vẫn còn vướng víu với những suy nghĩ và niềm tin của bạn dành cho họ.
Sẵn sàng lên kế hoạch
Sẵn sàng: Là khi bạn bắt đầu nghĩ về cuộc sống không có chồng hoặc vợ với một cái nhìn thực dụng. Bạn tính toán đến nhu cầu, tình cảm, khả năng tài chính… khi sống độc thân. Một dấu hiệu rõ ràng hơn nữa là bạn tính đến việc thông báo như thế nào cho các con biết về việc ly hôn của bố mẹ.
Chưa sẵn sàng: Nếu bạn tưởng tượng tới việc thông báo cho các con về những gì sắp xảy ra và cảm thấy khá hoang mang, nếu bạn không thể nào lên được kế hoạch tiếp theo cho cuộc đời mình sẽ sống ra sao, tiền bạc thế nào… Nghĩa là bạn vẫn đang sợ, bạn chưa thực sự sẵn sàng cho biến động quá lớn này.
Trân trọng