NÂNG CAO KỸ NĂNG TRANH TỤNG CỦA LUẬT SƯ VIỆT NAM BÊN THỀM HỘI NHẬP
Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và hoà mình vào dòng chảy của xu thế toàn cầu hoá, pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật về luật sư nói riêng đã không ngừng hoàn thiện, sửa đổi bổ sung để tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc phát triển đội ngũ luật sư và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ luật sư; đồng thời tiếp tục thực hiện tốt Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đối với yêu cầu cấp bách đòi hỏi đất nước nhằm có một đội ngũ luật sư tài năng và đạo đức như lời của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã phát biểu tại Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW và triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW: “…Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà…đội ngũ luật sư cần xác định rõ vai trò, vị trí của mình để phấn đấu vươn lên không chỉ về trình độ nghề nghiệp mà còn cả trong việc giữ gìn đạo đức nghề nghiệp”. Điều đó cho thấy những vấn đề liên quan đến luật sư và tổ chức, hoạt động luật sư, đặc biệt là kỹ năng hành nghề của luật sư luôn được Đảng và nhà nước quan tâm. Theo đó, việc hành nghề của luật sư hôm nay đòi hỏi phải có sự nâng cao và đổi mới về kỹ năng hành nghề để bắt kịp những yêu cầu của tiến trình đổi mới và hội nhập. Một trong các vấn đề xin được đề cập để các luật sư chúng ta cùng suy nghĩ và trao đổi trong hội thảo hôm nay là nâng cao kỹ năng tranh tụng của luật sư Việt Nam bên thềm hội nhập.
Có thể nhận thấy rằng trong hệ thống tư pháp của Việt Nam hiện nay đã hình thành hai loại thủ tục tố tụng cơ bản và đặc thù – đó là tố tụng hình sự và tố tụng phi hình sự bao gồm tố tụng dân sự, kinh tế, lao động, hành chính. Điều này cho thấy khi hành nghề, các luật sư cũng tham gia tranh tụng dưới hai hình thức chủ yếu là tranh tụng trong các VAHS và tranh tụng trong các vụ án dân sự, kinh tế, lao động và hành chính (được gọi chung là tranh tụng trong các vụ án phi hình sự). Đối với việc luật sư tham gia tranh tụng trong các VAHS thì mục đích chủ yếu nhất và thường xuyên nhất là nhằm bào chữa cho hành vi phạm tội của bị cáo trên cơ sở đó để Toà án có sự ghi nhận về quan điểm của luật sư mà đưa ra một bản án có lợi cho bị cáo. Ngoài ra, các luật sư có thể tham gia tranh tụng trong các VAHS nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác bị xâm hại là cá nhân hay tổ chức. Tuy nhiên sự tham gia của các luật sư trong trường hợp này không đồng nhất với sự tham gia của luật sư trong các vụ án phi hình sự bởi vì cái đích của luật sư hướng tới trong quá trình tranh tụng ở các vụ án phi hình sự là quyền lợi cụ thể đương sự trên cở sở yêu cầu của đương sự cần được giải quyết trong vụ án đó. Mặc dù khác biệt như vậy nhưng các kỹ năng tranh tụng của luật sư trong vụ án hình sự hay phi hình sự đều có các bước tiến hành mang tính chuyên nghiệp và được mô thức hoá cao đối với các công việc trước khi tham gia phiên toà, trong và sau khi tham gia phiên toà các cấp.
Hiện nay, bên cạnh hoạt động trợ giúp pháp lý tham gia các phiên toà hình sự theo sự chỉ định của Toà án trong các trường hợp pháp luật hình sự quy định, nhu cầu của bị can, bị cáo cũng như các đương sự cần đến sự giúp đỡ của luật sư trong các vụ án hình sự, phi hình sự ngày càng nhiều với những yêu cầu đa dạng, không giống nhau. Chúng ta biết rằng kỹ năng của luật sư khi bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng mà có thể đánh giá được sự thành công là những tác động và ảnh hưởng của luật sư xuyên suốt trong tiến trình tố tụng để duy trì quan điểm bào chữa, quan điểm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân luật sư, từ đó làm cho Toà án có quan điểm xét xử công bằng, nghiêm minh, tuyên án có lợi tối đa cho thân chủ của mình. Do vậy, trải qua các giai đoạn từ khi khách hàng tìm đến mình – chuẩn bị tham gia phiên toà – tham gia phiên toà xét xử các cấp và sau phiên toà thì luật sư cần lưu ý những vấn đề liên quan đến kỹ năng tranh tụng như sau:
I – NÂNG CAO KỸ NĂNG TRANH TỤNG CỦA LUẬT SƯ TRƯỚC KHI THAM GIA PHIÊN TOÀ
Trước khi tham gia phiên toà, kỹ năng tranh tụng của luật sư thể hiện trong giai đoạn này là một khâu quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với sự thành công của việc bào chữa hay bảo vệ quyền lơị cho khách hàng. Có rất nhiều công việc phải làm thông qua kỹ năng tác nghiệp, hành nghề của luật sư trong giai đoạn này. Tuy nhiên trong xu hướng tranh tụng hiện nay, chúng tôi chỉ có một vài ý kiến tham gia đối với một số vấn đề cần đổi mới sau đây:
Thứ nhất, hiện nay trình độ nhận thức pháp luật của khách hàng đã có sự thay đổi nâng cao hiểu biết hơn rất nhiều do những thay đổi và các điều kiện tác động của xã hội và cộng đồng. Điều này bắt buộc các luật sư phải chuyên môn hoá lĩnh vực tranh tụng của mình. Vẫn biết rằng người hành nghề luật sư cần am hiểu về mọi lĩnh vực pháp luật, nhưng trong xu hướng hội nhập hiện nay các vụ án hình sự và phi hình sự rất đa dạng, xuất hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống cho nên luật sư cần xác định cho mình lĩnh vực tranh tụng chuyên sâu để hành nghề. Bên thềm hội nhập, chúng ta cũng không thể đi khác với xu hướng hành nghề của các luật sư trên thế giới hiên nay. Luật sư của các nước theo hệ thống pháp luật Civil Law hay Common Law đều hành nghề theo hướng chuyên môn hoá một lĩnh vực cụ thể. Ở các nước đó chúng ta không xa lạ gì khi nghe đến tên gọi “luật sư hình sự”, “luật sư về thừa kế”, “luật sư về hôn nhân & gia đình”, “luật sư về ngân hàng”, “luật sư về chứng khoán”, “luật sư về bảo hiểm”, “luật sư về bất động sản”, thậm chí có “luật sư về bồi thường thiệt hại”, “luật sư chuyên về tai nạn giao thông”….Kỹ năng hành nghề đặc biệt là kỹ năng tranh tụng của luật sư sẽ tác động trực tiếp đến quyền lợi của thân chủ, bởi vậy chỉ khi luật sư nhận vụ việc có kiến thức chuyên sâu, hiểu biết tường tận, cập nhật được toàn bộ các các quy định pháp luật về một lĩnh vực cụ thể để ứng dụng chúng như một thói quen, bên cạnh đó là sự kết hợp kinh nghiệm bản thân thường xuyên tham gia tranh tụng trong các vụ án thuộc lĩnh vực cụ thể đó thì mới có thể cho phép người luật sư ấy được khách hàng đặt trọn niềm tin. Khi nhận vụ việc từ khách hàng, luật sư với kiến thức thức chuyên sâu, kinh nghiệm tranh tụng cũng đã phần nào giúp cho thân chủ nhìn thấy yêu cầu của họ sẽ được các cơ quan tư pháp giải quyết tới đâu trên cơ sở phân tích các quy định hiện hành, chưa kể đến các kỹ năng tác nghiệp với các chủ thể khác liên quan khi hành nghề. Mặt khác, khách hàng của luật sư hôm nay không chỉ dừng lại là những khách hàng mang quốc tịch Việt Nam mà họ còn là khách hàng mang quốc tịch của nhiều quốc gia khác. Do vậy, trong bối cảnh hiện nay, các luật sư cần chủ động, linh hoạt hoàn thiện mọi điều kiện hành nghề cần thiết cho bản thân để mở rộng đối tượng phục vụ cho mình, hướng tới phục vụ cho cả các khách hàng nước là cá nhân, tổ chức nước ngoài.
Ngoài ra, bên cạnh việc chuyên môn hoá lĩnh vực pháp luật cụ thể để nâng cao kỹ năng tranh tụng, luật sư phải căn cứ vào lĩnh vực chuyên sâu hành nghề của mình là gì để đáp ứng yêu cầu cập nhật kiến thức pháp luật mới, đặc biệt là pháp luật quốc tế liên quan cũng như các kiến thức ngoại ngữ, tin học. Điều này sẽ giúp cho luật sư hướng tới cơ hội tham gia tranh tụng tốt tại các phiên toà của các vụ việc có yếu tố nước ngoài hay xét xử tại nước ngoài. Xu hướng hội nhập buộc các luật sư trẻ của chúng ta phải tự hoàn thiện đầy đủ các kiến thức chuyên môn cũng như khả năng ngoại ngữ, tin học để tự tin hành nghề, độc lập tranh tụng tại bất cứ đâu, cho dù nơi xét xử nằm ngoài biên giới Việt Nam. Chúng ta sẽ không thể có các luật sư tranh tụng các vụ kiện kinh doanh – thương mại giỏi trên thương trường quốc tế nếu luật sư của chúng ta không có khả năng ngoại ngữ lưu loát khi tranh tụng, không hiểu biết về quy tắc UNCITRAL, về pháp luật của WTO liên quan tới GATT, GATS, TRIMS, TRIPS…cũng như pháp luật của các nước có chủ thể tham gia tố tụng hữu quan . Ngày nay, hình ảnh nhiều luật sư sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng của công nghệ thông tin như truy cập Website, gửi nhận thư điện tử, truyền dữ liệu là hình ảnh, âm thanh…..không còn xa lạ với chúng ta khi nhìn thấy họ tác nghiệp và hành nghề. Vì vậy, việc đầu tiên để các luật sư nâng cao kỹ năng tranh tụng của mình trong các vụ án hình sự hay phi hình sự là yêu cầu chuyên môn hoá lĩnh vực tranh tụng, hoàn thiện kiến thức chuyên môn, khả năng ngoại ngữ và tin học trước khi tiếp nhận vụ việc từ khách hàng và chuẩn bị tham gia phiên toà.
Thứ hai, bên cạnh việc chuyên môn hoá lĩnh vực tranh tụng, giỏi chuyên môn, giỏi ngoại ngữ, tin học luật sư cần phải đổi mới kỹ năng tiếp xúc và làm việc với khách hàng khi nhận bào chữa hay bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ. Để làm được điều này, các VPLS cần giúp cho các luật sư các Form mẫu giấy tờ rõ ràng, mang tính chuyên nghiệp, đơn giản mà không mang nặng tính hành chính để giúp cho việc giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng được nhanh chóng, thuận tiện. Bên cạnh đó, cũng cần công khai Bảng tính mức thù lao, danh sách các luật sư được chuyên môn hoá trong từng lĩnh vực tranh tụng cụ thể, tiến trình tố tụng để giải quyết yêu cầu của khách hàng để khách hàng được biết trước khi ký Hợp đồng. Kỹ năng tiếp xúc khách hàng hiện nay buộc luật sư phải kết hợp và coi khách hàng như một người cộng sự trong quá trình giải quyết vụ việc của họ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc luật sư cần có sự nhận thức mới về quan hệ giữa luật sư với khách hàng. Đã qua đi cái thời mà khách hàng chẳng hiểu biết và cũng không cần biết về vụ việc, miễn là giao “trọn gói” cho luật sư thực hiện yêu cầu giúp đỡ pháp lý của mình. Tham gia tranh tụng hôm nay, luật sư chúng ta cần phải nhận thức là chúng ta đang “hợp tác” với khách hàng chứ không phải khách hàng đang “nhờ vả” chúng ta để chúng ta cho mình cái quyền quyết định mọi thứ không cần hỏi ý kiến khách hàng ngay cả khi họ là những người trình độ văn hoá thấp, thiếu hiểu biết pháp luật. Cho nên, luật sư trong quá trình trao đổi với khách hàng cần thông tin thường xuyên về tình hình công việc luật sư đang thực hiện, đặc biệt cần phải làm cho khách hàng nhận diện bản chất của vụ việc một cách trung thực, rõ ràng. Đối với những thông tin không cần thiết có ý kiến của khách hàng hoặc được xử lý trên cơ sở luật định, cần thông qua trợ lý luật sư hoặc tự mình luật sư có thể gửi thư điện tử, fax thông báo cho họ biết; còn đối với các thông tin mới phát sinh cần có sự trao đổi trực tiếp và luật sư cần biết ý kiến, quan điểm chính thức của khách hàng thì bắt buộc luật sư phải mời khách hàng tới làm việc tại VPLS để thống nhất theo quy định của pháp luật trong việc giải quyết vụ án. Cuộc sống hôm nay trong điều kiện của nền kinh tế thị trường đa thành phần, mối quan hệ giữa luật sư và khách hàng trở nên rất nhạy cảm bởi một bên yêu cầu dịch vụ pháp lý và một bên thực hiện dịch vụ ấy. Nếu chúng ta không có sử đổi mới nhận thức về quan hệ của chúng ta với khách hàng và không làm tốt tinh thần “hợp tác” của mối quan hệ ấy trên cơ sở luật định thì khó tránh khỏi các vụ khách hàng khiếu nại, khởi kiện luật sư, yêu cầu luật sư bồi thường thiệt hại…mà không cần biết luật sư có lỗi hay không hoặc có hay không thiệt có thực tế!
Thứ ba, một vấn đề nữa cần được đặt ra để nâng cao kỹ năng tranh tụng của luật sư hiện nay là đổi mới phương pháp nghiên cứu Hồ sơ vụ án và đánh giá chứng cứ có trong hồ sơ. Xuất phát từ yêu cầu của thân chủ mà luật sư xác định trọng tâm công việc cho mình để tham gia tranh tụng và đi vào nghiên cứu hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, luật sư cần phải biết rút ngắn thời gian nghiên cứu hồ sơ tại cơ quan Toà án bằng việc vận dụng các phương tiện kỹ thuật như dùng máy ảnh kỹ thuật số, máy scan để tăng khoảng thời gian nghiên cứu sâu hơn tại VPLS hoặc gia đình khi có điều kiện. Khi nghiên cứu hồ sơ, đòi hỏi các luật sư của chúng ta hôm nay phải có sự thay đổi về đánh giá chứng cứ. Trong tố tụng hình sự, các cơ quan và những người tiến hành tố tụng giữa vai trò chính trong việc thu thập chứng cứ, còn trong tố tụng phi hình sự (tố tụng dân sự, tố tụng kinh tế, tố tụng lao động, tố tụng hành chính) thì đương sự lại giữ vai trò chính trong việc thu thập và cung cấp chứng cứ cho cơ quan và người tiến hành tố tụng. Do vậy, bằng kỹ năng của mình luật sư cần phải nhận diện đúng về chứng cứ và nguồn chứng cứ được các bên cung cấp trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, tránh tình trạng tư duy sai lầm về tố tụng “án tại hồ sơ”. Luật sư không đọc hồ sơ để viết Bài bào chữa hay Bản luận cứ bảo vệ quyền lợi cho thân chủ, mà luật sư phải nhận thức đọc hồ sơ để biết mình phải làm gì cho thân chủ, để chủ động đưa ra các kiến nghị với cơ quan tiến hành tố tụng khi cần thiết, để phiên toà xét xử không chỉ mang tính thủ tục và hình thức mà phải diễn ra trên cơ sở tranh luận công khai tại phiên toà mới có thể ra đời một bản án hay quyết định công bằng, đúng pháp luật, bảo vệ tối đa quyền lợi của thân chủ chúng ta.
Thứ tư, một vấn đề tác động đến kỹ năng tranh tụng của luật sư là nhận thức của luật sư về đường hướng giải quyết yêu cầu của thân chủ. Bên cạnh việc tuân thủ đúng quy định pháp luật nội dung và hình thức để giải quyết vụ việc thì luật sư cần có nhận thức của chính mình về đường hướng giải quyết yêu cầu khách hàng đặt ra. Luật sư tham gia tranh tụng hôm nay phải nhận thức và đổi mới tư duy về quyền con người – bởi quyền con người luôn được tôn trọng và ngày một nâng cao cho dù thân chủ chúng ta là bị cáo, người bị hại hay các đương sự. Do vậy, đối với việc tham gia tranh tụng trong VAHS luật sư đừng quá lệ thuộc vào kết luận điều tra, cáo trạng hay quyết định đưa vụ án ra xét xử của Toà án mà có tư duy làm sao để bảo vệ thân chủ tối đa – hãy quyết định đường hướng giải quyết vụ việc trong nhận thức của luật sư trên cơ sở luật định mặc dù trước đó đã có những chứng cứ buộc tội, bất lợi cho thân chủ. Còn trong tố tụng phi hình sự, xu hướng hiện đại cho thấy các vụ án đều hướng đến vấn đề hoà giải mà không cần tới việc xét xử của Toà án. Do vậy, đối với tranh tụng phi hình sự, bên cạnh việc quan tâm và bảo vệ lợi ích tối đa cho thân chủ luật sư phải nhận diện đúng yêu cầu của thân chủ, bản chất của vụ việc để có sự đánh giá khách quan và hướng thân chủ đến với hoà giải nếu điều đó cũng là mong muốn của thân chủ, hoặc thân chủ không mong muốn nhưng việc xét xử sau này sẽ bất lưọi cho họ nếu căn cứ theo quy định pháp luật…Chúng tôi cho rằng một xã hội dân sự có nền tư pháp dân chủ, văn minh là xã hội không phải có thật nhiều các bản án được tuyên thấu tình, đạt lý mà phải là xã hội ít tranh chấp, nếu có tranh chấp thì trước tiên phải được giải quyết bằng con đường hoà giải mà các bên vẫn đạt được quyền lợi cho mình chứ không chỉ tưu duy theo lối quyền lợi của mình chỉ có thể đạt được khi có bản án có hiệu lực của cơ quan Toà án. Chúng tôi muốn gợi ý để các luật sư tranh tụng phi hình sự quan tâm và đổi mới nhận thức về vấn đề này. Điều này cũng là xu hướng chung hiện nay được giới luật sư của các nước đang phát triển coi trọng và áp dụng.
II – NÂNG CAO KỸ NĂNG TRANH TỤNG KHI THAM GIA PHIÊN TOÀ
Kỹ năng tranh tụng của luật sư trong giai đoạn tham gia phiên toà là kết quả của kỹ năng tranh tụng được chuẩn bị chu đáo từ giai đoạn trước. Có thể nói, không có quá nhiều vấn đề về kỹ năng tranh tụng của luật sư cần bàn đến trong giai đoạn này bởi vì chủ yếu luật sư phải giải quyết tốt công việc của mình theo một trình tự tố tụng tại Toà án được pháp luật quy định. Tuy nhiên, trong bối cảnh đổi mới và hội nhập của đất nước, xu hướng cải cách tư pháp được Đảng và nhà nước quan tâm và quyết tâm thực hiện, chúng tôi xin được trao đổi đôi điều về kỹ năng tranh tụng của luật sư như sau:
Một là, về vấn đề hoãn phiên toà. Chúng tôi cho rằng kỹ năng tranh tụng của luật sư giỏi không nằm ở việc có thể tìm biện pháp để đưa ra nhiều lý do vắng mặt của đương sự, của luật sư….để xin hoãn phiên toà, vì sớm muộn thì phiên toà vẫn được tiến hành theo quy định pháp luật và quyền lợi của thân chủ mình vẫn được thể hiện bằng việc tuyên án của Toà án. Vấn đề hoãn phiên toà sẽ gây tốn kém thời gian, vật chất, công sức cho rất nhiều chủ thể trong đó có luật sư chúng ta. Do vậy, chúng tôi muốn các luật sư trẻ ý thức hơn về vấn đề này để phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng làm sao cho phiên toà sớm được tiến hành, không phải hoãn đi hoãn lại nhiều lần. Đây là trách nhiệm của luật sư chúng ta và trong bối cảnh đổi mới của đất nước hôm nay, mong rằng vấn đề này sẽ được giới luật sư chúng ta ghi nhận khi thực hiện kỹ năng tranh tụng của mình trong giai đoạn tham gia phiên toà.
Hai là, vấn đề tranh luận tại phiên toà. Như đã đề cập trên đây về vấn đề phải loại bỏ tư duy sai lầm của luật sư về vấn đề “án tại hồ sơ” khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, nay xin trở lại với vấn đề đó bởi giữa việc nghiên cứu và đánh giá chứng cứ trong hồ sơ với kỹ năng tranh luận tại phiên toà có mối liên hệ rất mật thiết. Nói như vậy không có nghĩa coi việc nghiên cứu quy định pháp luật, nghiên cứu hồ sơ vụ án là phụ mà chúng tôi chỉ muốn đề cập tới vấn đề làm sao để các luật sư đừng quá lệ thuộc vào hồ sơ vụ án, không chuẩn bị tốt cho mình kỹ năng phần tranh luận công khai tại phiên toà. Xu hướng tranh tụng gần đây và đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập WTO buộc chúng ta phải tuân thủ các cam kết quốc tế và pháp luật quốc tế, chắc chắn vấn đề tranh tụng công khai tại phiên toà sẽ là con đường xác định sự công bằng, lẽ phải để tuyên án. Do vậy, các luật sư trẻ cần phải tích cực tham gia, tham dự các phiên toà nhiều hơn để đúc kết kinh nghiệm cho mình; đồng thời ngoài việc lập sẵn cho mình kế hoạch xét hỏi, cần biết dự đoán các vấn đề cần tranh tụng công khai tại phiên toà trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ kết hợp với quan điểm bào chữa/bảo vệ của luật sư. Để làm được điều này, các luật sư trẻ cần phải giành thời gian để tự hùng biện quan điểm bào chữa hay bảo vệ của mình đối với yêu cầu của thân chủ. Kỹ năng nói, tốc độ nói, giọng nói, phong thái, tư thế đi lại tại phiên toà là những vấn đề bắt buộc luật sư phải quan tâm và xử lý tốt mới giúp luật sư tự tin. Xu hướng hiên nay, các luật sư phải đặc biệt quan tâm nhiều hơn kỹ năng của mình đối với phần tranh luận công khai tại phiên toà. Do vậy bài bào chữa hay bản luận cứ nên để dưới dạng “mở” có thể thay đổi linh hoạt cho phù hợp với diễn biến phiên toà chứ không nên theo cách chuẩn bị cổ điển “đóng” bằng cách viết sẵn để đọc và trình bày trước Hội đồng xét xử. Luật sư của các nước theo pháp luật Common Law mặc dù chịu sự điều chỉnh rất lớn của các “án lệ” trước đó, nhưng không vì thế mà họ không thể hiện tốt kỹ năng tranh luận để bảo vệ tối đa cho thân chủ mình, trái lại tại các phần tranh luận luật sư luôn là người chủ động, điều khiển phần tranh luận theo đúng mục tiêu cần đạt tới của mình. Điều này có ý nghĩa quyết định đối với việc thuyết phục Hội đồng xét xử tuyên một bản án có lợi cho thân chủ mình hơn là việc ngồi để hoàn chỉnh Bài bào chữa/Bài bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.
Ba là, về Bài bào chữa hay Bài luận cứ bảo vệ quyền lợi cho thân chủ. Chúng tôi cho rằng xã hội hôm nay là xã hội pháp quyền, do vậy pháp luật vẫn là mục tiêu tối thượng buộc các chủ thể tố tụng phải hướng tới và tuân thủ. Xu hướng trình bày luận cứ bào chữa hay bảo vệ quyền lợi cho thân chủ hiện nay nên được luật sư trình bày đơn giản, ngắn gọn, mạch lạc dựa trên các căn cứ pháp luật, chứng cứ của hồ sơ vụ án, các tình tiết mới cũng như kết quả tranh luận tại phiên toà. Do vậy luật sư không nên đề cập qua nhiều tới phạm trù đạo đức, tình cảm con người để lấy đó làm lý lẽ gỡ tội hay bảo vệ quyền lợi cho thân chủ mình. Luật sư vẫn quan tâm tới việc chia xẻ với khách hàng nhưng không thể coi đó là cơ sở lập luận gỡ tội hay bảo vệ khách hàng. Để làm được điều này đòi hỏi các luật sư phải ý thức được vấn đề quyết định để gỡ tội hay bảo vệ quyền lợi cho thân chủ mình là các cơ sở pháp lý chứ không tranh tụng theo hướng “tình cảm” con người.
Cuối cùng, về văn phong diễn đạt của luật sư trình bày tại phiên toà. Đây cũng là một vấn đề tuy nhỏ những khá ảnh hưởng tới uy tín tranh tụng của luật sư. Nhà văn Ciceron khi biên tập cuốn sách “những bài viết hay nhất” được Nhà xuất bản xã hội tại Paris, Pháp xuất bản năm 1925 có đưa ra các yêu cầu về văn phong là 05 tiêu chuẩn: trong sáng, ngắn gọn, phù hợp, rõ ràng và dễ chấp nhận. Thiết nghĩ văn phong pháp lý của luật sư chúng ta trước tiên phải đảm bảo các yêu cầu chung đó bên cạnh các yêu cầu đặc thù của nghề luật như không dùng câu từ trìu tượng, không dùng ngôn ngữ đời thường hay dung văn phong cảm thán, khoa trương. Chúng tôi có điều kiện tham gia tranh tụng tại khá nhiều phiên toà hình sự và không ít lần được nghe một số luật sư trẻ trình bày luận cứ gỡ tội với cách gọi hơi thái quá, chẳng hạn “Vị đại diện VKS kính mến” hay “Hội đồng xét xử công minh”, “Bà hội thẩm tài ba” hay có những luật sư đưa ra nhận định rằng “lập luận của vị đại diện VKS là vô cùng trong sáng, vô tư…”!(?) …Thú thực lời lẽ của luật sư đó khi trình bày cho người nghe cảm giác thấy khó nghe và phản cảm bởi khi ở phiên toà, chúng ta hành nghề luật và hãy biết nói với nhau bằng luật và chỉ có vậy mới khẳng định được kỹ năng tranh tụng của luật sư. Để nâng cao kỹ năng tranh tụng của luật sư tại phiên toà, thiết nghĩ cũng cần lưu tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề mà chúng tôi đề cập trên đây.
III – NÂNG CAO KỸ NĂNG TRANH TỤNG SAU PHIÊN TOÀ
Phần cuối, chúng tôi muốn đề cập tới kỹ năng của luật sư sau phiên toà – đây cũng là một nội dung rất có ý nghĩa và làm nổi bật vai trò cũng như kỹ năng tranh tụng của luật sư.
Trước hết, nói về Biên bản phiên toà. Hiện nay trong công cuộc cải cách tư pháp, các cơ quan và những người tiến hành tố tụng đã có nhiều cố gắng để giải quyết các vụ việc một cách cẩn trọng, công minh và phù hợp. Theo đó, các công việc và thủ tục hành chính của họ có hướng mở hơn, không cứng nhắc, lệ thuộc như trước. Biên bản phiên toà là một trong những văn bản cho phép những người tham gia tố tụng khẳng định quyền của mình. Luật sư Việt Nam chúng ta ít có thói quen xem và bổ sung, kiến nghị sửa đổi Biên bản phiên toà, trong khi đối với luật sư các nước khác đây là văn bản quan trọng nhất khẳng định các quyền còn lại của thân chủ họ sau khi tuyên án. Bởi vậy, theo xu hướng hội nhập hôm nay, chúng tôi muốn trao đổi vấn đề nay để các luật sư chúng ta, đặc biệt là các luật sư trẻ mới hành nghề cần phát huy tối đa quyền của những người tham gia tố tụng để xin phép Toà án xem Biên bản phiên toà sau khi tuyên án. Hãy làm cho nó trở thành thói quen để buộc những người tiến hành tố tụng phải tuân thủ và bảo đảm việc ghi Biên bản phiên toà một cách trung thực, đầy đủ tránh ảnh hưởng tới lợi ích của thân chủ chúng ta.
Sau cùng, xin được bàn về quan hệ của luật sư với thân chủ sau phiên toà, các luật sư trẻ cần chú ý kỹ năng tiếp xúc khách hàng không chỉ giới hạn trong khuôn khổ công việc luật sư thực hiện trên cơ sở Hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký mà luật sư còn phải lưu tâm tới yếu tố tình cảm con người, lòng yêu thương đồng loại. Luật sư có kỹ năng tranh tụng giỏi hôm nay không chỉ là luật sư giỏi luật, bào chữa/bảo vệ hay, thuyết phục được Toà án ra bản án công bằng đảm bảo quyền lợi cho thân chủ mình mà luật sư còn phải biết chia xẻ với khách hàng sau xét xử. Về mặt pháp lý, Hợp đồng dịch vụ pháp lý được thanh lý đồng nghĩa với việc luật sư hoàn thành trách nhiệm của mình với thân chủ nhưng về mặt tình cảm, hợp đồng ấy còn đọng lại nơi khách hàng những ấn tượng về luật sư. Do vậy, nếu luật sư có thể hướng dẫn cho họ biết cách làm đơn kháng cáo, hướng dẫn cách thăm nuôi cho gia đình họ, tôn trọng và bảo đảm việc giữ bí mật cho khách hàng, giới thiệu những đồng nghiệp là các luật sư giởi chuyên sâu trong các vấn đề mới phát sinh mà luật sư nhận thấy mình không đáp ứng tốt được yêu cầu mới của thân chủ…thì chắc chắn quan hệ giữa luật sư chúng ta và khách hàng sẽ bền lâu và họ luôn coi chúng ta là người đầu tiên họ tìm đến khi cần giúp đỡ về các vấn đề pháp lý. Do vậy, trước những thay đổi của xã hội chúng ta bên thềm hội nhập, việc nâng cao kỹ năng tranh tụng của luật sư không chỉ ở góc độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề mà còn phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của luật sư với thân chủ ngay cả khi đã hoàn thành công việc luật sư đằng sau phiên toà. Điều này chỉ có thể đạt được trên cơ sở tôn trọng truyền thống đạo đức con người Việt Nam, có tình thương đồng loại và ý thức cộng đồng của luật sư. Nói điều này có thể ai đó sẽ nghĩ là sáo rỗng, nhưng thực tế cuộc sống đặt ra cho chúng ta phải nhận thức để hành động như vậy, bởi lẽ không luật sư nào mong muốn khách hàng quay lưng lại với luật sư và không có luật sư nào đang tâm quay lưng lại với khách hàng, cho dù họ là ai.
SOURCE: ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
LS TRẦN MINH HÙNG