Thẩm Quyền Giải Quyết Tranh Chấp Của Tòa Án
Thứ nhất, về thẩm quyền tòa án theo cấp
Khoản 3 Điều 33 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2005 quy định: “Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện”.
Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 7 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP có giải thích đương sự ở nước ngoài bao gồm các trường hợp sau:
“a) Đương sự là người nước ngoài không định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam có mặt hoặc không có mặt ở Việt Nam vào thời điểm tòa án thụ lý vụ án dân sự;
…”
Như vậy, tuy bạn ở nước ngoài, nhưng theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam, vụ tranh chấp quyền thừa kế của gia đình bạn vẫn được Tòa án Việt Nam thụ lý.
Khoản 1 Điều 34 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định: “Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Toà án nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:...
c) Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 33 của Bộ luật này.…”
Từ đây có thể thấy, vụ việc tranh chấp quyền thừa kế của gia đình bạn sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thụ lý và giải quyết.
Thứ hai, về thẩm quyền theo lãnh thổ:
Tại Điểm c Khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: "Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản".
Như vậy, trong trường hợp của gia đình bạn, vì là tranh chấp tài sản thừa kế là ngôi nhà và quyền sử dụng đất. Vì vậy, chị gái bạn có thể gửi đơn lên tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có bất động sản (nơi có căn nhà) để yêu cầu giải quyết.