Quyền chuyển đổi giới tính: Còn rất xa vời

06:00 09/09/2016

Theo số liệu từ Bộ Y tế, tính đến nay, tại Việt Nam đã có khoảng 4.000 -5.000 người thực hiện chuyển đổi giới tính. Những khảo sát gần đây cho thấy, người đồng tính ở Việt Nam có nhu cầu chuyển giới rất cao.

Một người trót sinh “nhầm giới tính” không chỉ khổ vì phải đối mặt với sự kỳ thị của xã hội, mà còn đau đớn bởi nỗi giằng xé nội tâm: công khai sống thật hay che giấu? Dù y học có thể can thiệp phần nào để giúp họ thực hiện “quyền chọn giới tính”, nhưng thực tế, quyền chọn lựa ấy vẫn còn rất xa vời. Theo số liệu từ Bộ Y tế, tính đến nay, tại Việt Nam đã có khoảng 4.000 - 5.000 người thực hiện chuyển đổi giới tính. Những khảo sát gần đây cho thấy, người đồng tính ở Việt Nam có nhu cầu chuyển giới rất cao.

Khát khao chuyển giới

Nguyễn Minh Quân (28 tuổi, Q.7, TP.HCM) luôn khao khát chuyển giới thành nữ. Sau hơn 5 năm công khai sống thật với giới tính của mình, Quân vẫn đang phải mang hình hài của đàn ông.

Quân tâm sự: “Đến tuổi trưởng thành, tôi ý thức rõ giới tính của mình và muốn được chuyển giới thành nữ. Vì thời điểm đó xã hội còn định kiến nặng nề với người đồng tính nên tôi luôn cố che giấu giới tính thật của mình. Những năm gần đây, cộng đồng có cái nhìn cởi mở hơn về vấn đề này, nên tôi đã công khai giới tính thật của mình. Tuy nhiên, từ chuyện công khai giới tính đến việc chuyển giới còn là một hành trình vô cùng khó khăn”.

Thanh L. (24 tuổi, Q.3, TP.HCM) tính toán: “Em đã tìm hiểu rất nhiều về việc chuyển giới. Muốn thực hiện phải ra nước ngoài. Những người làm văn phòng như em phải dành dụm hàng chục năm mới có đủ tiền làm phẫu thuật. Nếu pháp luật Việt Nam có quy định rõ ràng và cho phép các cơ sở y tế làm phẫu thuật chuyển giới, chi phí có thể sẽ rẻ hơn rất nhiều. Lúc đó, em mới có cơ hội thực hiện mong ước của mình”.

Hiện nay, do các cơ sở y tế ở Việt Nam chưa được phép làm phẫu thuật chuyển giới nên hầu hết các ca phẫu thuật đều phải ra nước ngoài thực hiện, chi phí khá cao. Trung bình, một ca phẫu thuật chuyển từ nữ sang nam khoảng 30.000 USD. Phẫu thuật từ nam sang nữ khoảng 35.000 USD. Đó là chưa tính các chi phí khác như thay đổi giọng nói, phẫu thuật thẩm mỹ, hormone…

BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, BV Bình Dân TP.HCM khẳng định: các BV lớn của Việt Nam hoàn toàn thực hiện được phẫu thuật chuyển giới. Tuy nhiên, phẫu thuật chuyển giới là phẫu thuật lớn, phức tạp, nên các BV cần có thời gian xây dựng quy trình bài bản.

Nếu Bộ Y tế ban hành quy định cụ thể, các BV sẽ có hành lang pháp lý để triển khai kỹ thuật chuyển giới. Thực tế, một số người có nhu cầu chuyển giới nhưng không đủ điều kiện kinh tế đã phải thực hiện ở những cơ sở không đảm bảo chuyên môn, rất dễ bị các biến chứng nguy hiểm như tăng men gan, tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ, cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch…

Quyen chuyen doi gioi tinh: Con rat xa voi
Ngày càng có nhiều người dân ủng hộ hôn nhân bình đẳng cho người đồng tính

“Nhiều người dù thực hiện chuyển giới ở nước ngoài, nhưng nếu không được tư vấn kỹ, sẽ có nguy cơ không còn khả năng có con sau khi phẫu thuật cắt bỏ tử cung, buồng trứng (hoặc tinh hoàn, dương vật) vì đã không lưu trữ trứng, tinh trùng… Người muốn chuyển giới phải suy nghĩ kỹ lưỡng vì sau khi thực hiện phẫu thuật thì không thể trả ngược lại cơ thể ban đầu”, BS Mai Bá Tiến Dũng cảnh báo.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), Việt Nam có khoảng 1,6 triệu người đồng tính, song tính và chuyển giới ở độ tuổi 15-59. Khoảng 78% trong số này mong muốn được phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Quyền chuyển giới đã được pháp luật thừa nhận, nhưng Việt Nam vẫn chưa ban hành Luật Chuyển đổi giới tính nên người đồng tính vẫn chưa thể thực hiện được ước mơ của mình.

“Quyền” treo “Lơ lửng”

Thực tế, dù pháp luật đã ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính, nhưng người muốn chuyển đổi giới tính vẫn gặp phải rất nhiều rào cản. Bộ luật Dân sự (sửa đổi) 2015 quy định, việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật, nên phải chờ đến khi có luật về chuyển đổi giới tính thì các cá nhân mới được thực hiện quyền này.

Ngày 1/1/2017 Bộ luật Dân sự (sửa đổi) mới có hiệu lực thi hành nhưng nếu đến thời điểm đó, vẫn chưa có luật chuyển đổi giới tính thì quyền này của người dân vẫn bị “treo”.

Do vướng những rào cản về luật pháp nên dù đã chuyển đổi giới tính nhiều năm nhưng N.Đ.T. (32 tuổi, chủ một chuỗi cửa hàng ở TP.HCM) vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn khi mang thân xác hoàn toàn khác với giới tính ghi trên giấy tờ của mình. T. cho biết:

 “Sau khi chuyển giới, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ đơn giản như đăng ký giấy phép kinh doanh ở UBND quận, khi tôi đưa CMND ra để đăng ký là chủ kinh doanh thì cán bộ đăng ký lúng túng không biết giải quyết thế nào. Cuối cùng, tôi phải nhờ người nhà đứng ra đăng ký kinh doanh giúp. Những việc như làm giấy tờ mua bán hay liên quan đến giới tính của tôi cũng đều rất phức tạp”.

 T. đã nhiều lần đến các cơ quan chức năng nộp đơn xin chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ, nhưng những nơi T. gửi đơn đều “bó tay” vì hiện chưa có quy định về việc người chuyển giới đổi tên.

Ông Lương Thế Huy, Giám đốc Quyền LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới) - Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường nhận định: “Hiện người chuyển giới ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do không được pháp luật thừa nhận về tên khác, gương mặt, thân hình khác…

Vấn đề nhiều người chuyển giới mong mỏi là được công nhận quyền về nhân thân, hộ tịch. Họ khát khao được đổi tên, giới tính, ảnh trong chứng minh nhân dân, hộ chiếu… ”.

Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, Việt Nam vẫn chưa cho phép chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính nên có nhiều điều bất cập cho chính những người này và cho xã hội. Họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, công việc, học tập do liên quan đến giấy tờ tùy thân, lý lịch tư pháp, chứng minh thư, hộ khẩu….

“Nhiều nước hiện đã cho chuyển đổi giới tính để phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Lượng người muốn chuyển giới đang ngày càng nhiều và cần được luật pháp bảo đảm cho họ có một cuộc sống bình thường, sống thật với con người của chính họ. Theo tôi, pháp luật cần sớm có những quy định rõ ràng về việc chuyển giới để bảo vệ quyền lợi cho những người chuyển giới và có nhu cầu chuyển giới” - luật sư Hùng chia sẻ.

Tại hội thảo định hướng xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế tổ chức ngày 29/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, Bộ đã được Quốc hội giao chủ trì xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính và đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan khởi thảo luật này.

Theo TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, khi xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, Bộ sẽ chú trọng “hiện thực hóa” quyền chuyển đổi giới tính của công dân. Những người đã chuyển giới tại các cơ sở hợp pháp (ngoài nước) cũng sẽ được chấp nhận xác định lại giới tính và tên trong lý lịch tư pháp. Dự kiến luật sẽ được đệ trình Quốc hội ngay trong nhiệm kỳ này

Văn Thanh - Sơn Vinh

Nguồn: Báo phụ nữ TPHCM

LINK BÁO:http://www.phunuonline.com.vn/xa-hoi/tin-tuc/quyen-chuyen-doi-gioi-tinh-con-rat-xa-voi-82610/ 

 

Long An: “Lộ” sai phạm vụ nạn nhân bị hiếp dâm kêu cứu có dấu hiệu “chìm xuồng”

(PL+) - Theo tố cáo của chị T.V, trong đêm bị tên Tùng hãm hiếp, người thân chị có gọi điện cho Công an huyện Tân Hưng báo tin nhưng cơ quan này bảo… ngày hôm sau mới xuống làm việc. Ngoài ra, diễn biến sự việc cho thấy, cán bộ điều tra của cơ quan chức năng huyện Tân Hưng không thực hiện theo quy định về Luật khiếu nại, tố cáo tội phạm.

Vụ việc chị N.T.T.V (SN 1988, ngụ ấp Rượng Lưới, xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) lên tiếng tố cáo bị đối tượng Phạm Văn Tùng (SN 1988, ngụ ấp Cái Môn, xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, Long An) hiếp dâm, được Pháp luật Plus thông tin khiến dư luận đặc biệt quan tâm những ngày qua. Điều đáng nói, sự việc có dấu hiệu “chìm xuồng”, không ít bạn đọc bày tỏ quan điểm và mong muốn Pháp luật Plus tiếp tục vào cuộc phản ánh làm rõ vụ việc.

Theo đơn tố cáo của chị T.V, Công an huyện Tân Hưng ngay từ đầu đã rất quan liêu trong việc tiếp nhận thông tin về tố giác tội phạm. Chị T.V phản ánh:“Ngay đêm 23/4/2016 (đêm chị T.V tố cáo bị tên Tùng hiếp dâm - PV), tôi đã gọi điện báo Công an huyện Tân Hưng, nhưng họ trả lời là không xuống. Họ bảo tôi cứ về đi, công an có nghiệp vụ, ngày mai sẽ xuống giải quyết…”.

Việc Công an huyện Tân Hưng sau khi tiếp nhận thông tin tố cáo của chị T.V thì hẹn… “ngày mai xuống giải quyết” là thực. Chị T.V bức xúc kể lại: “Sáng hôm sau, Công an huyện điện thoại mời tôi đến Công an xã để lấy lời khai. Lúc này, có ông Nguyễn Giải Phóng - Công an huyện Tân Hưng và ông Nguyễn Thanh Khúc – Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tân Hưng làm việc, lấy lời khai của tôi”.

Không chỉ chậm trễ trong việc tiếp nhận giải quyết thông tin tố cáo tội phạm, theo chị T.V, hai vị cán bộ này còn bàng quan, thiếu trách nhiệm trong khi giải quyết sự việc. “Trong quá trình làm việc, tôi có trình bày về những vết bầm, những chỗ sưng trên người do trong quá trình giằng co với Tùng gây ra nhưng không hiểu lý do gì ông Khúc lại phản bác. Ông Khúc cho rằng những dấu vết đó không phải do Tùng gây ra. Tôi yêu cầu được giám định và bác sĩ khám giám định nhưng ông Khúc không chịu và trả lời là không cần”, chị T.V nói.

Ngoài ra, chị T.V còn tố cáo việc hai vị cán bộ nói trên trong quá trình làm việc đã có những lời khiếm nhã, xúc phạm tới nhân phẩm, danh dự của chị. Chị T.V cho biết: “Trong buổi làm việc, ông Khúc có nhiều lời nói mỉa mai và xúc phạm tôi. Ông Khúc nói: Ly dị chồng 5-6 tháng rồi đúng không? Khao khát tình cảm nên đã đồng tình giao cấu phải không?”.

Cũng theo lời chị T.V, đến lượt ông Nguyễn Giải Phóng tiến hành lấy lời khai thì cũng có lời xúc phạm danh dự và nhục mạ chị: “Ông Phóng nói tôi không phải là người bị hại mà người bị hại là S.N, vợ Tùng. Nếu vợ Tùng thấy cảnh đó mà bị gì thì tôi sẽ là người bị xử lý". Tôi phủ nhận việc đồng ý với Tùng thì ông Phóng lại nói: “Nếu phụ nữ không muốn thì đàn ông không làm được, chỉ cần khép chân lại là xong”.

Cán bộ thừa nhận sai phạm

Chính những “tắc trách” của hai vị cán bộ này sau đó đã bị chị T.V khiếu nại lên cơ quan chức năng. Vì vậy, chiều ngày 9/5/2016 tại UBND xã Vĩnh Thạnh, trước sự có mặt của đại diện UBND xã, các ban ngành chức năng huyện Tân Hưng, đại diện cơ quan Công an huyện và Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Hưng đã phải tổ chức buổi xin lỗi công khai đối với chị T.V và gia đình chị. Trong biên bản ghi nhận, ông Nguyễn Thanh Khúc đã xin lỗi: “Trong quá trình phân công nhiệm vụ chưa khám xét đầy đủ thân thể cũng như các dấu vết có liên quan đến vụ việc xảy ra”. Còn ông Nguyễn Giải Phóng đã xin lỗi: “Đã để tồn tại thiếu sót trong quá trình làm việc, trong quá trình hỏi có làm ảnh hưởng đến uy tín chị T.V…”.

Ông Khúc và ông Phóng cười tại buổi xin lỗi chị T.V (ảnh do chị T.V chụp tại UBND xã)
Ông Khúc và ông Phóng cười tại buổi xin lỗi chị T.V (ảnh do chị T.V chụp tại UBND xã)

Như vậy, qua biên bản trên có thể thấy, ông Khúc và ông Phóng đã thừa nhận những thiếu sót, nói đúng hơn là sai phạm trong quá trình giải quyết thông tin tố cáo tội phạm của chị T.V. Hàng loạt vấn đề như: Hiện trường nhà đối tượng Tùng không được khám xét; những giấu vết trên người của chị T.V không được giám định; đối tượng Tùng không bị bắt để lấy lời khai ngay trong đêm xảy ra vụ việc; các bằng chứng là tin nhắn điện thoại được cho là của Tùng nhắn tới gia đình nạn nhân để “xin tha thứ”… không được xem xét… Có lẽ, chính những “thiếu sót” này đã ảnh hưởng đến bản chất vụ việc sau này, và kết quả là đối tượng Tùng không bị khởi tố (?!)

Liên quan đến sự việc, PV đã liên hệ tới Công an huyện Tân Hưng nhưng vị Trưởng công an là ông Nguyễn Văn Lành đã từ chối trả lời. Còn ông Nguyễn Văn Lên - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Hưng cho biết, trách nhiệm xử lý ông Nguyễn Giải Phóng thuộc về Viện kiểm sát nhân dân tỉnh.

Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Gia Đình - đoàn Luật sư TP HCM cho biết:

“Đây là một vụ việc mà sai sót nghiêm trọng thuộc về Cơ quan CSĐT Công an huyện và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tân Hưng, khi người dân báo về hành vi phạm tội thì không xuống hiện trường để lập biên bản ngay mà để sang ngày hôm sau mới lấy lời khai.

Khi lấy lời khai lại có những lời nói xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người bị hại và có dấu hiệu cố tình bao che cho hành vi phạm tội của ông Tùng.

Tại điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự quy định như sau: Nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố: 1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước chuyển đến. Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố kèm theo các tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền”.

Kỳ Anh

Nguồn: Báo pháp luật Việt nam.

Link báo:http://www.phapluatplus.vn/long-an-lo-sai-pham-vu-nan-nhan-bi-hiep-dam-keu-cuu-co-dau-hieu-chim-xuong-d23285.html 

Vụ "phao tin Trung Quốc mua hãng bia trên Facebook": Bài học cảnh báo!

"Hiện nay, nhiều người dân cứ nhầm tưởng lên mạng xã hội thích nói gì thì nói nên đã có nhiều phát biểu, bình luận xúc phạm, bôi nhọ uy tín, danh dự, vu khống nhiều tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của họ"- LS Trần Minh Hùng.

Theo thông tin từ Báo Tuổi trẻ, ngày 31/8, thông tin từ Sở Thông tin và truyền thông Nghệ An cho biết đã ra quyết định xử phạt hành chính anh Trần Tuấn Vĩnh, 26 tuổi, trú tại thị trấn Quỳ Hợp số tiền 12,5 triệu đồng vì đã cung cấp thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức. Anh Trần Tuấn Vĩnh là chủ của facebook Viet Dai đã đăng thông tin có nội dung bịa đặt: “Thương hiệu Bia Hà Nội bán cổ phần cho Trung Quốc: Công ty bia Hà Nội đã chính thức thừa nhận bán 73% cổ phần công ty cho đối tác Trung Quốc. Với số cổ phần trên thì mọi chính sách trong công ty đều do Trung Quốc nắm quyền. Sau khi công ty bị bán công nhân người Việt Nam làm việc cho công ty bia Hà Nội cũng bị sa thải và thay thế bằng người Trung Quốc.

Vừa qua lực lượng chức năng cũng đã bắt giữ một xe chở men bia Trung Quốc của công ty bia Hà Nội....".

Nội dung phao tin, bịa đặt sai sự thật đã bị phạt 12,5 triệu đồng. Ảnh NLĐ

Tổng Công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) gửi đơn tố giác đến Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an đề nghị điều tra thông tin sai sự thật trên mạng xã hội của Vĩnh.

Qua xác minh, ngày 30/8, Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An đã ra quyết định xử phạt hành chính Vĩnh 12,5 triệu đồng.

 

Sự việc này là lời cảnh báo đối với những người sử dụng mạng xã hội, không phải trên mạng xã hội thích nói gì thì nói. Để góp góc nhìn về pháp luật và cảnh báo đến cộng đồng về hiện tượng xúc phạm, vu khống tổ chức cá nhân trên mạng xã hội, PV Infonet có cuộc trao đổi với luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng văn phòng Luật sư Gia Đình, Đoàn luật sư Tp HCM) để hiểu rõ hơn về vụ việc.

Luật sư Trần Minh Hùng, Văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn luật sư Tp HCM)

Thưa luật sư, vụ việc lên Facebook bịa đặt thông tin làm ảnh hưởng đến uy tín của một hãng bia đã được xử lý. Nhìn từ góc độ luật pháp, luật sư có lưu ý gì với cộng đồng khi sử dụng mạng xã hội?

Hiện nay, nhiều người dân cứ nhầm tưởng lên mạng xã hội thích nói gì thì nói nên đã có nhiều phát biểu, bình luận xúc phạm, bôi nhọ uy tín, danh dự, vu khống đến nhiều tổ chức, cá nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của họ. Pháp luật không những điều chỉnh các hành vi, giao dịch trong cuộc sống thực hàng ngày mà các giao dịch trên mạng xã hội pháp luật vẫn điều chỉnh. Do vậy, khi người dân thực hiện bất kỳ hành vi nào trên mạng xã hội cũng cần suy nghĩ và xem xét xem hành vi của mình có bị pháp luật cấm hay không, hành vi của mình có ảnh hưởng đến quyền lợi người khác không

Nhiều người cho rằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Quan điểm của luật sư thế nào?

Hành vi có động cơ vụ lợi, trong việc bịa đặt thông tin, lan truyền thông tin bịa đặt về mặt hành chính đã được điều chỉnh cụ thể  tại Nghị Định 72/2013/NĐ- CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, cụ thể tại điều 5 của Nghị định đã quy định nghiêm cấm đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. 

Ngoài ra, Theo khoản 3 Điều 64 Nghị định số 174/2013/NĐ- CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng.

Tùy mức độ, tính chất hành vi, hậu quả mà cũng có thể bị xử lý về mặt hình sự về Tội vu khống.

Tuy nhiên, theo tôi những hành vi trên chỉ nên dừng mức xử phạt hành chính và cần tăng mức xử phạt để tạo tính răn đe cho người vi phạm. Riêng những người bị xúc phạm, bị vu khống, bị thiệt hại thì có thể được quyền yêu cầu bồi thường theo quy định của Bộ luật dân sự. Nhưng hiện nay việc bồi thường là thấp và người yêu cầu bồi thường phải chứng minh tổn thất nên rất khó khăn do vậy tôi nghĩ cần tăng mức bồi thường tổn thất lên so với quy định hiện tại. Chỉ nên xử lý về mặt hình sự khi gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn vi phạm...

Thực tiễn hoạt động nghề luật sư, ông có nhận thấy hiện tượng bịa đặt, bôi xấu nhau trên mạng xã hội diễn ra khá phố biến, không?

Tôi nhận thấy rất nhiều, vài năm trở lại đây tôi đã nhận bảo vệ cho nhiều thân chủ bị xúc phạm, bôi nhọ, nói xấu, vu khống trên facebook ở Tp HCM và các tỉnh lân cận.

Luật sư có lý giải gì về hiện tượng này?

Do mạng xã hội cũng mới vào Việt Nam cũng chưa phải lâu và do đủ mọi tầng lớp đều được sử dụng miễn phí và công nghệ phát triển như hiện nay nên từ thành thị đến nông thôn ở Việt nam hầu như ai cũng sử dụng mạng xã hội. Do nhận thức còn chưa cao, ý thức pháp luật còn thấp, chưa biết coi trọng quyền nhân thân, danh dự người khác, tư tưởng sống "lệ làng", hay do tính cách người Việt chúng ta hay nói là "nhiều chuyện" hay xen vào chuyện người khác còn ăn sâu trong tư tưởng nhiều người Việt nên chưa nhận thức hết được hành vi của mình trên mạng xã hội.

Do công nghệ phát triển quá nhanh, nhiều người Việt thích ứng không kịp nên đã không biết cách sử dụng mạng xã hội cho thích hợp, không hiểu hết chức năng và tác dụng của mạng xã hội có tính chất lan truyền, chia sẽ... đến nhiều người, cộng đồng...

Theo luật sư, cần làm gì để giảm bớt tình trạng bất tuân pháp luật trong hoạt động trên mạng xã hội?

Theo tôi trước tiên cần hoàn thiện các quy định pháp luật, cần quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi vi phạm trên mạng xã hội. Thẩm quyền và chức năng của cơ quan nhà nước khi xử phạt các hành vi này.

Cần tăng mức chế tài, tăng số tiền xử phạt để tạo tính răn đe cho người vi phạm.

Quan trọng nhất chúng ta phải có nhiều buổi tuyên truyền pháp luật tại các trường học, khu phố, xóm, thôn, ủy ban...để tuyên truyền và phổ biến kiến thức pháp luật cũng như ý thức, nhận thức sử dụng mạng xã hội của người dân. Cần nâng cao nhân cách của học sinh, sinh viên trong nhà trường qua việc giáo dục, dạy dỗ các em từ lúc nhỏ hình thành một nhân cách biết tôn trọng người khác, tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác để tạo cho các em một cách sống lành mạnh, chấp hành pháp luật và tôn trọng con người.

Xin cảm ơn luật sư!

Hồng Chuyên

nguồn: báo điện tử infonet

link báo: http://infonet.vn/vu-phao-tin-trung-quoc-mua-hang-bia-tren-facebook-bai-hoc-canh-bao-post207957.info

Đằng sau những vụ đặt chuyện tung tin gây sốc để câu view

(PLO) – Kỳ công dựng nên những câu chuyện lâm ly, phi thường, lay động lòng người nhưng hoàn toàn là “ảo” để câu lấy sự ngưỡng mộ, tán thưởng của đám đông, trục lợi từ cộng đồng đang là cái mốt, ngày càng tràn lan.
 

Số đông người trong xã hội hiện nay đều có sử dụng mạng xã hội. Ở đó, họ gặp gỡ, giao lưu với rất nhiều người, từ thân thiết đến sơ sài, đến cả những người chẳng biết là ai. Nhóm “bạn” đông đảo ấy vô hình trung tạo nên một ảo tưởng cho chủ thể rằng mình có rất nhiều người quan tâm, theo dõi. Dần dần, họ hình thành một nhu cầu thể hiện, cần phải có những câu chuyện gây sốc để chia sẻ, những sự kiện thật đặc biệt để khoe khoang, những thông tin có một không hai để nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của bạn “ảo”.

Những câu chuyện hư cấu không có điểm dừng đang dần lan rộng, biến tướng, thậm chí bất chấp vi phạm pháp luật dựng lên chỉ để “câu like”.

Săn được quái vật để nổi tiếng

Ngày 2-3, tài khoản FaceBook Tung Nguyen của Phan Thanh Tùng (25 tuổi, Vĩnh Phúc) đăng ảnh về một con vật lạ có màu xám tro, đầu dẹp, có 4 chân, nằm trên một chiếc mâm rất…Việt Nam. Cộng đồng mạng nhanh chóng truyền đi thông tin thanh niên ở Vĩnh Phúc đã bắt được “quái vật” lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam.

Hình ảnh con vật lạ đăng trên facebook củaTung Nguyen

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc, nếu chỉ nhìn qua hình ảnh, loài động vật này giống với con kỳ giông ở Nhật Bản, là loại sinh vật vô cùng quý hiếm. "Rất có thể đó là con cá cóc Nhật Bản. Nếu đúng con vật này ở Việt Nam thì sẽ có giá trị lớn về mặt khoa học. Đó chính là lý do chúng tôi đã vào cuộc xác minh”, ông Tâm nói.

Các cơ quan chức năng đã vào cuộc, tìm gặp Tùng, thậm chí ông Tâm còn đưa ra mức thưởng là 1.000 USD để Tùng cung cấp thông tin về con vật lạ. Chi cục Kiểm lâm tỉnh này cũng ngỏ ý giúp Tùng có công việc ổn định. Tuy nhiên, đáp lại sự hồ hởi của các nhà khoa học, sự quan tâm của nhà chức trách và sự hào hứng của công chúng trước sự kiện đặc biệt, câu trả lời họ nhận được là con số 0.

Kết quả điều tra của công an huyện Bình Xuyên chỉ rõ hai bức ảnh "quái vật" được Tùng đăng Facebook vốn chỉ là hình Tùng lấy được trên mạng, chứ không phải là loại động vật có thật xuất hiện ở địa phương. Bản thân Tùng cũng không biết con vật đó là gì, của ai.

Dàn dựng clip bắt cá tầm khủng “lừa” thực khách

Trong những ngày đầu tháng 4, nhiều trang mạng đăng tải hình ảnh, kèm một đoạn video clip vô cùng ấn tượng về thanh niên bắt được hai con cá tầm cỡ “khủng” trên suối thôn Long Lanh, xã Đạ Chais (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng).

Trong clip, thanh niên có tên là Cil Múp Ha Quyên bày tỏ sự vui mừng khi bắt được cặp cá tầm thiên nhiên, mỗi con nặng đến 20 kg, dài hơn 1m. Cặp cá này được một nhà hàng ở TP.HCM mua lại với giá 1,5 triệu/kg. Ông L.N.H, chủ hai nhà hàng mua cá, cũng xuất hiện trong clip, chia sẻ sự hồ hởi vì mua được hàng độc về phục vụ khách hàng.

Hình trong clip quay bắt cá tầm từ dưới suối

Sự xuất hiện của cặp cá tầm khủng trong môi trường thiên nhiên gây ấn tượng mạnh với cộng đồng mạng. Thế nhưng ngày 13-4, ông Cao Xuân Thịnh,Trưởng công an xã Đạ Chais, đưa ra lời khẳng định không hề có chuyện bắt được cùng lúc hai con cá tầm "khủng" ở địa phương, và Ha Quyên (làm thuê cho trại nuôi cá Vạn Phát) đã được mời lên trụ sở Công an xã Đạ Chais để làm rõ.

Theo lời khai của Ha Quyên, đây là hai con cá do ông Nguyễn Văn Tiến (chủ trại nuôi cá Vạn Phát- thôn Long Lanh) giao cho anh để thả trong hồ nuôi. Đến ngày 11- 4, nhóm người mua cá từ TP.HCM lên (trong nhóm có một phóng viên) đã nhờ Ha Quyên cùng một người nữa đưa hai con cá thả xuống suối cạn để “đóng” cảnh bắt cá dưới suối. Tất cả những lời Ha Quyên nói trong clip là do người quay phim hướng dẫn, Quyên được ông H. chủ nhà hàng cho 500.000 đồng để uống cà phê.

Trao đổi với báo chí, anh Tiến cho biết chuyện bắt được cá là không có thật, “những người đến từ TP.HCM họ tự quay phim chụp hình thôi”.

Theo UBND xã Đạ Chais, trên địa bàn xã hiện có 5 trang trại nuôi cá nước ngọt (chủ yếu là cá tầm và cá hồi), trong đó Viện Nghiên cứu thuỷ sản 3 (Long Lanh) có nuôi cá lớn nặng 30-40 kg để sản xuất cá giống.

Ha Quyên trả lời tại trụ sở công an xã

Tung tin sốc giả, thu lợi quảng cáo

Ngày 9-4, mạng xã hội dậy sóng với bản tin ghê rợn từ facebook Phạm Anh Tuấn: “Rạng sáng ngày 9-4, sau ký túc xá Đại học Công nghiệp Hà Nội, nhiều bạn sinh viên thất kinh khi phát hiện ra em PTA, sinh viên năm thứ nhất khoa DL - Sư phạm - bị hiếp dâm, chết lõa thể trước đó tầm 6-7 ngày”. Tin này sau đó lan truyền cực kì chóng mặt trên mạng xã hội.

Để tránh tâm lí hoang mang, ngay lập tức, cơ quan chức năng và các nhà báo đi xác minh vụ việc. Sau nhiều ngày điều tra, Công an quận Bắc Từ Liêm thông báo rằng đó chỉ là tin đồn thất thiệt.

Hình ảnh đáng sợ về vụ cưỡng bức bị lan truyền như vũ bão

Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50 - CATP Hà Nội) xác minh được chủ nhân tài khoản facebook “Phạm Anh Tuấn” nhưng người này cho biết mình đã ngưng sử dụng facebook từ lâu vì bị hack.

PC 50 sau đó đã xác định được Ngô Bá Sơn và Vũ Văn Bằng, là hai kẻ đứng sau gây ra vụ việc. Hai người này sử dụng những tài khoản bị hack, sau đó từ trang http://dyn.*** , tạo ra hàng trăm tên miền có dạnghttp://******.dyndns.**với mục đích đăng tin sai sự thật lên các nhóm (group) Facebook có nhiều thành viên. Thông tin gồm những vụ việc giật gân, gây chú ý như giết người, hiếp dâm… để “câu view”, nhằm hưởng tiền từ dịch vụ quảng cáo của Google.

Tính đến ngày 23-4, Sơn và Bằng đã thu được tổng cộng hơn 20 triệu đồng với 2,5 triệu lượt xem.

Biến cháu ruột thành con tử tù

Chấn động nhất là câu chuyện lấy nước mắt cô gái T.T.B.Trâm (22 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) đăng trên facebook cá nhân tên T.B.T về đứa con của tử tù hôm 11-4.

Trâm đăng tin, ảnh về một bé gái xinh xắn, chỉ chừng hơn một tuổi, bị bỏ rơi trước cửa nhà cô. Kèm theo vài bộ áo nhỏ, chiếc khăn gói bé chỉ có 1,6 triệu đồng tiền mặt. Câu chuyện trở nên “kịch tính” hơn khi sau đó Trâm cho biết mình liên tiếp nhận được thư và đồ dùng gửi đến từ cha của đứa bé.

Nội dung các bức thư này khiến người ta phải bật khóc vì thương cảm bởi cha bé là một tử tù, sắp phải thi hành án và cầu xin gửi con lại cho Trâm nuôi giúp. Trâm đã chụp hình hai bức thư để đăng facebook, làm bằng chứ.

Trâm liên tục chia sẻ thông tin tìm cha bé và khẳng định sẽ nhận bé làm con nuôi. Cô gái trẻ nhận được hàng ngàn lượt like, trở nên nổi tiếng vì nghĩa cử cao đẹp. Cộng đồng mạng cũng bày tỏ tình cảm bằng cách gửi quà tặng đến cho đứa bé.

Ảnh bé gái "con tử tù" và Trâm

Sự việc chỉ được làm rõ khi báo chí tìm đến địa phương nơi Trâm đang sống. Các nhân chứng quan trọng, trong đó, ông Lại Văn Vang (trưởng ấp 1, xã Vĩnh Lộc B) khẳng định: “Chúng tôi không nhận được tin có đứa bé bị bỏ rơi trước cửa nhà gia đình này chứ đừng nói đến việc nó là con của tử tù”. Tại nhà ông Vang, anh Linh (CA Khu phố) cũng làm rõ:"Tôi không hề nhận được một trình báo nào liên quan đến đứa bé bị bỏ rơi trước cửa nhà ai cả".

Người cuối cùng xác minh đây chỉ là chuyện “hoang tưởng” là bà Trần Thị Ngọc T., mẹ ruột Trâm. Bà cho biết bé gái là con ruột của con trai bà, cháu ruột Trâm. Tất cả câu chuyện về đứa con tử tù, những bức thư “thống thiết” đều là do Trâm dựng lên để…đùa vui.

Trước đó, Trâm cũng chính là người từng chia sẻ câu chuyện "Chặn đường đòi cướp nội tạng ở Sài Gòn" vào tháng 3. Chuyện này đã được chính quyền địa phương xác minh là không có thật, nhưng Trâm cũng đã kịp “thu gom” hàng trăm ngàn lượt like và hơn 70 ngàn người chia sẻ trên facebook.

Xử phạt vì vi phạm pháp luật

Các hành vi tung tin giả, ngụy tạo căn cứ nêu trên đều đã vi phạm pháp luật ở nhiều cấp độ khác nhau.

Trường hợp cô ruột biến cháu thành “con tử tù”, theo luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình - Đoàn luật sư TP. HCM) cho biết các các trang mạng xã hội của cá nhân, tổ chức khi sử dụng phải tự chịu trách nhiệm về nội dung tin đăng vì đó là các trang mang tính cộng đồng. Tùy mức độ vi phạm, tính chất của hành vi mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, mức phạt tối đa có thể lên tới 100.000.000 đồng.

Trong vụ việc cá tầm nuôi biến thành cá thiên nhiên, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng luật Giải Phóng) cho biết hành vi dàn dựng cảnh để quay clip như vậy có thể xem là quảng cáo và hành vi dựng clip là vi phạm Luật Quảng cáo, có thể bị xử phạt hành chính, buộc bồi thường thiệt hại.

Cụ thể, căn cứ vào điểm a khoản 5 điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP, hành vi quảng cáo sai sự thật về hàng hóa, dịch vụ sẽ bị xử phạt từ 50 – 70 triệu đồng và buộc cải chính thông tin. Ở một khía cạnh khác, luật sư Phùng Thanh Sơn (Công ty Luật TNHH Thế Giới Luật Pháp) cho biết chủ nhà hàng này đã vi phạm Luật Cạnh tranh và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Vì lan truyền thông tin thất thiệt, hai đối tượng Bằng và Sơn cũng đã bị bắt với tội danh “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet” theo điều 226 Bộ luật Hình sự.

*

* *

Hình ảnh giả về thông tin người nổi tiếng gặp nạn khiến các "nạn nhân" bất đắc dĩ giật mình, đính chính

Ngoài những hành vi trên, người sử dụng mạng xã hội còn có nhiều chiêu trò gây chú ý khác như đăng tin nhặt được món tiền lớn, đào được cổ vật ,thành tích giết người; tin người nổi tiếng gặp nạn, chết; khoe quà khủng…để câu nước mắt, nụ cười hay sự ngưỡng mộ từ những người mà chính họ cũng không biết mặt. Rốt cuộc, những con người thật đang tự biến mình thành ảo khi cố công kêu gọi, mụ mị vì trông đợi phản ứng từ cộng đồng ảo. Không ít người muốn trục lợi từ những việc làm này để rồi cái giá phải trả là ngộ nhận giá trị bản thân đánh mất chính mình, sa vào vòng lao lý, không trở thành gì khác ngoài một kẻ phạm tội.

An Khương (tổng hợp) 

Nguồn: báo pháp luật TPHCM

Link báo:http://plo.vn/ban-doc/dang-sau-nhung-vu-dat-chuyen-tung-tin-gay-soc-de-cau-view-554779.html

Long An: Nghi vấn cán bộ điều tra bao che tội phạm?

(NB&CL) Chị N.T.T.V (SN 1988, ngụ huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) gửi đơn đến báo NB&CL cùng một số cơ quan chức năng tố cáo Phạm Văn Tùng (SN 1988, ngụ ấp Cái Môn, xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng – Long An) đã dùng vũ lực, đe dọa và hiếp dâm chị nhưng Công an huyện và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tân Hưng không khởi tố.

Nhận tin tố giác, sao không giám định, khám nghiệm?

Theo trình bày của chị V: Vào khoảng 19h tối, ngày 23/4/2016, chị đến nhà vợ chồng Phạm Văn Tùng (cả 3 người đều là bạn thân từ nhỏ) để đòi tiền. Lúc này, Tùng bảo chờ vợ về rồi nói chuyện, đồng thời mời chị V xuống nhà bếp uống bia. Chị V cho biết, trong khi uống bia, Tùng hay nói đến những chuyện “dâm ô” của Tùng. Chị V yêu cầu Tùng không nói chuyện tế nhị nên Tùng mới chịu dừng. Được một lúc, chị V thấy mệt, định ra về nên nhắc Tùng điện cho vợ về nói chuyện. Sau khi ra ngoài gọi điện, Tùng vào lấy thêm bia để “dụ” chị uống. Một lúc sau, khi chị V đi vệ sinh xong, chuẩn bị ra về thì bị Tùng ôm chặt, khống chế và đòi quan hệ. Chị V phản ứng quyết liệt, vùng vẫy chống cự, tát vào mặt Tùng và nói: “Mày buông tao ra, tao mày là bạn sao mày dám làm vậy?”… Chị V cho biết, chị liên tục chống cự thì Tùng dọa sẽ bóp cổ chết nếu chị la. “Tùng quá hung hãn làm tôi rất sợ… Sau khi cưỡng hiếp tôi trên giường, do tôi cố chống cự đẩy Tùng ra và có sự giằng co nên tôi bị rơi xuống đất. Khi rơi xuống đất, Tùng tiếp tục cưỡng hiếp tôi…” – chị V bàng hoàng kể lại.

1-tin nhan cua Tung
Tin nhắn của Phạm Văn Tùng cho anh chị V.

Do Tùng khóa trái cửa trước nên khi vợ và mẹ ruột Tùng về mở cửa sổ phía sau nhà mới phát hiện. Lúc này, Tùng mới ngưng hành vi đồi bại của mình…

Ngay sau đó, chị V đã đến Công an xã Vĩnh Thạnh để trình báo vụ việc. Công an xã Vĩnh Thạnh ghi lời khai ngay trong buổi tối hôm đó. Riêng ông Tùng sau khi hiếp dâm tôi đã bỏ trốn nên công an xã không lấy lời khai ngay lúc đó được. Chị V cho biết: Sáng hôm sau, công an huyện điện thoại mời chị đến công an xã để lấy lời khai. “Tôi yêu cầu được bác sĩ khám giám định nhưng ông Khúc trả lời là không cần… Không chỉ vậy, trong buổi làm việc, ông Khúc có nhiều lời nói mỉa mai và xúc phạm tôi. Sau đó đến lượt ông Nguyễn Giải Phóng – Công an huyện Tân Hưng cũng có những lời nói xúc phạm danh dự và nhục mạ tôi, phản bác những tố cáo của tôi. Cả ông Khúc và ông Phóng đã hù dọa và yêu cầu tôi phải làm đơn bãi nại… Đơn bãi nại của tôi do ông Phóng chỉ đạo một công an viên đọc cho tôi viết chứ tôi cũng không nhớ rõ nội dung đó là gì” – chị V bức xúc.

Xin lỗi rồi…không khởi tố!

Trước những việc làm bất thường trên, chị V đã làm đơn khiếu nại. Ngày 09/5/2016, tại UBND xã Vĩnh Thạnh, đại diện chính quyền gồm có Trưởng Công an huyện, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện, Chủ tịch UBND xã cùng có mặt, chứng kiến và ghi nhận việc công khai xin lỗi của ông Phóng và ông Khúc với chị V. Tại buổi làm việc, ông Phóng đã thừa nhận và công khai xin lỗi chị V và gia đình về những tồn tại, thiếu sót trong quá trình làm việc, làm ảnh hưởng đến uy tín của chị V. Về ông Khúc cũng thừa nhận và xin lỗi chị V và gia đình vì trong quá trình làm nhiệm vụ chưa khám xét đầy đủ các dấu vết có liên quan đến vụ việc…

2-tin nhan cua vo Tung
Tin nhắn của vợ Tùng cho chị V.

Tuy nhiên, đến ngày 4/7/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Hưng lại ra văn bản số 08/TB- CQCSĐT, thông báo không khởi tố vụ án vì “chưa đủ căn cứ xác định có tội phạm xảy ra”…

Chị V tiếp tục khiếu nại thì ngày 04/8/2016, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Hưng ra quyết định số 01/QĐ-CQCSĐT (QĐ 01) với nội dung giữ nguyên TB 08.

Chị V tiếp tục khiếu nại QĐ 01 thì ngày 11/8/2016, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tân Hưng ra Quyết định số 11/QĐ-VKS-KT với nội dung giữ nguyên quyết định trên với lý do: “Phạm Văn Tùng đã thực hiện hành vi giao cấu với V, nhưng trong quá trình Tùng thực hiện V không thể hiện sự chống cự rõ ràng và thái độ chống đối không dứt khoát…”.

Chị V bức xúc: “Viện Kiểm sát đã viện dẫn lời khai trong lúc tôi thiếu sự ổn định tinh thần nên kể lại và miêu tả không đầy đủ sự việc. Những hành động phản ứng chống cự, van xin, nài nỉ của tôi với Tùng đã không được xem xét. Tôi là con gái, lại có bia thì làm sao chống cự nổi Tùng là con trai, có men và ham muốn trong người, Tùng lại có mưu đồ sẵn…”.

Trao đổi với PV, Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Gia Đình – đoàn Luật sư TP HCM cho biết: “Đây là một vụ việc mà sai sót nghiêm trọng thuộc về Cơ quan CSĐT Công an huyện và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tân Hưng khi người dân báo về hành vi phạm tội thì không xuống hiện trường để lập biên bản ngay mà để sang ngày hôm sau mới lấy lời khai. Khi lấy lời khai lại có những lời nói xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người bị hại và có dấu hiệu cố tình bao che cho hành vi phạm tội của ông Tùng. Với những chứng cứ chị Vân cung cấp và lời khai của nhân chứng, kết hợp với hiện trường nơi xảy ra vụ việc thì tôi cho rằng đủ cơ sở khởi tố vụ án, khởi tố bị can…”

Báo NB&CL sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Nguyên Pháp – Bảo Hà

Nguồn: Nhà báo và Công Luận

Link báo: http://congluan.vn/nghi-van-can-bo-dieu-tra-bao-che-toi-pham/

Vụ thuê chặt chân tay mình lấy 3,5 tỷ bảo hiểm: Xử lý thế nào?

Các luật sư đã có những phân tích, nêu ý kiến xung quanh việc xử lý hành vi thuê người chặt chân tay mình để lấy 3,5 tỷ đồng tiền bảo hiểm.

Có bị truy cứu hình sự?

Vụ việc Lý Thị N (trú ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã thuê người chặt chân tay của chính mình, giả bị tàu hỏa cán đứt để đòi bảo hiểm nhân thọ chi trả hơn 3 tỷ đồng đang khiến dư luận bàng hoàng.

Trao đổi với chúng tôi luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VP Luật sư Chính Pháp, Hà Nội) cho rằng, có thể nói rằng vụ việc tự chặt tay chân để đòi tiền bảo hiểm nhân thọ là vụ việc gây chấn động trong dư luận và đây là vụ việc chưa có tiền lệ tại nước ta.

"Trên thế giới, đặc biệt tại những nước phát triển thì việc mua bảo hiểm như trên là rất phổ biến.

Nhưng ở nước ta, có lẽ nhiều người sẽ không thể tưởng tượng nổi là tại sao lại có người coi rẻ tính mạng, sức khỏe của mình như vậy, sẵn sàng đánh đổi để được nhận tiền bảo hiểm nhân thọ.

Rất may là vụ việc này đã được phát hiện sớm và đang được cơ quan công an kịp thời xử lý", luật sư Cường nói.

Theo luật sư Cường, quy định pháp luật hiện hành về lĩnh vực bảo hiểm thì có bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện (bảo hiểm nhân thọ thuộc loại bảo hiểm tự nguyện).

Với những loại bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế… thì người vi phạm sẽ bị xử lý hành chính.

Còn đối với các loại bảo hiểm tự nguyện khác như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm nghề nghiệp… thì được điều chỉnh bởi luật dân sự.

Nếu hành vi vi phạm hợp đồng bảo hiểm thì sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự, nếu bên nào gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Nếu hành vi vi phạm hợp đồng bảo hiểm như gian dối, làm giả tài liệu nhằm chiếm đoạt tài sản... có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với người vi phạm theo các tội danh xâm phạm quyền sở hữu hoặc tội danh xâm phạm về trật tự quản lý hành chính quy định trong BLHS hiện hành.

Khoản 10, Điều 3, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành quy định: Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm.

"Trong trường hợp này thì bảo hiểm sẽ không phát sinh do người mua bảo hiểm là N. đã thuê người tự chặt tay chân của mình nên sẽ không được nhận tiền bảo hiểm, nạn nhân sẽ phải tự mình gánh chịu hậu quả.

Ngoài ra, hành vi tự chặt tay, chân mình như vậy để thực hiện hành vi gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác còn có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Cường nói.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Còn luật sư Nguyễn Tiến Long (Hà Nội) cũng cho hay, qua thông tin từ Công an quận Bắc Từ Liêm thì hành vi của chị N. và anh D. đã được cơ quan công an phát hiện kịp thời nên chưa xảy ra hậu quả đối với công ty bảo hiểm.

Hành vi của N. là dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong vụ án này, anh D. là đồng phạm tích cực. Tuy nhiên do bị phát hiện sớm nên việc chiếm đoạt tài sản của chị N. chưa diễn ra, hành vi này không cấu thành tội phạm.

"Nếu như hành vi của N. thành công, phía công ty bảo hiểm tiến hành thanh toán khoản bảo hiểm thì từ thời điểm N nhận được tiền, hành vi của N sẽ được coi là dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Còn hành vi này đã được ngăn chặn kịp thời, tuy nhiên, tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng, cơ quan điều tra sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự", luật sư Long nói.

Thuê người gây thương tích cho minh sẽ bị xử lý như thế nào?

Luật sư Cường cho biết thêm, đối với hành vi tự gây thương tích cho mình thì pháp luật hình sự hiện hành chưa có chế tài đối với hành vi trên.

Tuy nhiên, đối với hành vi thuê người gây thương tích cho mình thì tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm, người được thuê có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi Cố ý gây thương tích cho người khác theo quy định tại Điều 104 BLHS.

"Trong vụ việc trên cần giám định thương tích của chị N., nếu thương tích không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 điều 104 BLHS (dưới 11%) thì vụ việc này không thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại ( điều 105 BLHS).

Khi đó cơ quan tiến hành tố tụng hoàn toàn có thể xem xét trách nhiệm hình sự của người kia về tội cố ý gây thương tích (gây thương tích thuê) theo quy định tại Điều 104 BLHS", luật sư Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo luật sư Cường, các quy định cũng chưa cụ thể chi tiết về loại tội phạm này, do đó, sắp tới cần hoàn thiện các quy định pháp luật, nếu cần thiết có thể ban hành thêm các tội phạm cụ thể về lĩnh vực này để răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm trong tương lai.

Cũng trao đổi với chúng tôi, đại diện Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cũng cho biết, trên thế giới cũng đã có những vụ việc như thế này, tuy nhiên, ở Việt Nam thì đây là lần đầu tiên xảy ra. Đây là hành vi cố ý và tinh vi, xảo quyệt.

Trong vụ việc này, hiện cơ quan công an đang vào cuộc điều tra, làm rõ và với trường hợp này, thì các công ty bảo hiểm sẽ từ chối bồi thường, còn nếu người này đã cố tình chiếm đoạt tiền bảo hiểm thì sẽ đề nghị cơ quan công an điều tra, khởi tố vụ án.

Trao đổi với PV, Luật sư Trần Minh Hùng – Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: "Việc cơ quan chức năng phát hiện hành vi chị N. thuê người hủy hoại một phần thân thể mình khiến chị không nhận được tiền bảo hiểm, mà còn đẩy chị N. vào thiệt thòi về nhiều mặt, mất cả uy tín và danh dự cho mình. Đồng thời, hành vi này cũng khiến chị vi phạm pháp luật".

Cũng theo ông Hùng, do sự việc bị phát hiện ngăn chặn kịp thời, nên chị N. chưa chiếm đoạt được tiền của công ty bảo hiểm. Vì vậy, hành vi của người này chưa đến mức phải xử lý về mặt hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà chỉ có dấu hiệu gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.

Theo đó, người nào Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng. Trường hợp gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

"Tuy nhiên, vì Bộ luật Hình sự 2015 chưa có hiệu lực thi hành, do đó không thể áp dụng điều luật này để xử lý chị N về hành vi trên. Việc xác định có hay không hành vi phạm tội trong vụ việc này sẽ được cơ quan chức năng điều tra, xác minh cụ thể.", luật sư Hùng nói thêm.

Riêng Doãn Văn D. là người được chị N. thuê dùng hung khí gây thương tích đã đủ 18 tuổi, phải nhận thức được hành vi của mình. Việc dùng hung khí tác động vào vùng chân, tay của chị N. gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người này.

Dù chị N. có thuê hay bất cứ động cơ mục đích nào khác, thì thanh niên cũng phải chịu trách nhiệm về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo quy định tại điều 104 Bộ luật hình sự. Kể cả tỷ lệ thương tật của chị N. dưới 11%.

Tùy theo kết quả giám định tỉ lệ thương tật của chị N. mà D. có thể bị phạt cải tạo không giam giữ 3 năm, hoặc phạt từ từ sáu tháng đến ba năm. Việc D. có phải bồi thường hay không tùy theo yêu cầu chị N. đối với anh ta.

Luật sư Hùng cho biết tính tới thời điểm này, ngoài hành vi của chị N. thì ở Việt Nam chưa từng có trường hợp nào mà người mua bảo hiểm cố tình gây ra thương tích để nhận được tiền bồi thường. Có thể chị N. đã quá túng quẫn nên mới thực hiện hành vi trên.

Theo SoHa.

Link báo: http://6giosang.com/vu-thue-chat-chan-tay-minh-lay-35-ty-bao-hiem-xu-ly-the-nao-531562.html

Vụ “đâm cổ chó gây phẫn nộ ở Hà Nội”: Cả 2 đều coi thường pháp luật?

Đó là nhận định của luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư Tp HCM) quanh câu chuyện mà cộng đồng mạng chia sẻ đầy phẫn nộ về hành động “dùng dao đâm vào cổ chó giữa đường phố Hà Nội”.
Theo tường thuật của cư dân mạng, báo chí dẫn lại, khoảng 9 giờ 30 phút tối 21/8, tại chân cầu Nguyễn Chí Thanh đã xảy ra một sự việc như sau: Chú chó Dobermann được chủ xích theo xe đạp điện, thường xuyên dắt đi dạo ở khu vực này. Khi chủ và chó đang đi trên đường thì bỗng dưng có một chú chó ta (không đi cùng chủ) chạy đến cắn nhau với chó Dobermann. Thấy vậy, anh chủ nhờ mọi người tách 2 con ra, sau khi tách được, chó ta chạy về nhà. Những người xung quanh tưởng mọi chuyện đã dừng ở đó…

"Nào ngờ chỉ một lúc sau, chủ của chó ta bất ngờ lao đến. Người này cầm dao đâm thẳng vào cổ con Dobermann khiến chú chó đau đớn kêu la. Xong việc, người này bỏ đi để lại con chó giãy giụa bên vũng máu và người chủ hoảng loạn gào khóc. Anh mất bình tĩnh đến nỗi số điện thoại của người nhà cũng không còn nhớ, chỉ luôn miệng nhờ mọi người gọi xe đưa chó đi cấp cứu”, Facbooker Như Mai thuật lại câu chuyện mình chứng kiến.

Ảnh chú chó trước khi bị đâm vào cổ (Ảnh Facbooke Như Mai)

Câu chuyện không phải chỉ là “đánh chó không ngó chủ” nữa mà nó trở thành đề tài bàn tán đầy phẫn nộ của cộng đồng mạng về chuyện con người có thể hành xử “lạnh lùng” đến vậy dù là đối với con vật. Nhìn từ góc độ pháp luật, đây còn có thể coi là hành vi xâm phạm tài sản của người khác, vi phạm pháp luật.

Trao đổi với PV Infonet, Luật sư Trần Minh Hùng (Hãng luật Gia Đình, Đoàn luật sư Tp HCM) cho rằng: “Người thực hiện hành vi đã không nhận thức được hành vi và quy định của pháp luật. Hành vi của người thực hiện hành vi đâm chú chó dù không bị xử lý hình sự thì có thể vẫn phải bồi thường thiệt hại cho chủ chó theo quy định của bộ luật dân sự. Việc xác định ranh giới dân sự, hành chính và hình sự rất mong manh và chứa đựng nhiều rủi ro.

 

Người thực hiện những hành vi này tùy tính chất, mức độ của hành vi, động cơ, mục đích, nguyên nhân mà có thể bị xử lý về mặt hình sự về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản hoặc hủy hoại tài sản, tài sản ở đây được hiểu là chú chó.

Qua vụ việc trên cũng nhắc nhở chúng ta việc trông nom, nuôi thú vật phải tuân theo quy định pháp luật không được để vật nuôi của mình ra đường mà không thực hiện các biện pháp phòng ngừa, xích dây... theo quy định của Bộ luật dân sự nếu để vật nuôi gây thiệt hại cho người khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường”.

Theo quan điểm của Luật sư Hùng, căn cứ vào diễn biến vụ việc, căn cứ nguyên nhân, mục đích và động cơ thực hiện hành vi thì hành vi của  người đâm chó, chú chó chưa chết, căn cứ hậu quả, điều kiện thực hiện hành vi, nhận thức thì tôi cho rằng chưa tới mức xử lý về mặt hình sự, chưa đủ yếu tố cấu thành tội hủy hoại tài sản.

Theo quy định tại điều 104 tội hủy hoại tài sản thì người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Lý giải về việc tại sao người dân lại phẫn nộ về hành động máu lạnh của người đâm vào cổ con chó. Luật sư Hùng cho rằng: “Chú chó là một con vật cưng, thân thiết của mỗi nhà, khi bị người khác đâm thì ai cũng tỏ vẻ giận dữ và lên án. Tuy nhiên, hành vi người đâm chó không được hiểu là xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng con chó để xử phạt mà chỉ được hiểu là nếu có thì chỉ là hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mà thôi. Tuy nhiên, chủ chó có quyền khởi kiện yêu cầu người thực hiện hành vi bồi thường theo quy định Bộ luật dân sự. Ngoài ra cơ quan có thẩm quyền có thể xử phạt hành chính người thực hiện hành vi này về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản hoặc hành vi gây rối trật tự công cộng...”

Mặt khác, cũng theo Luật sư Hùng, bản thân người chủ của chó cũng có lỗi, theo Điều 625 Bộ luật Dân sự thì “Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường”.

Nếu hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện người chủ vật nuôi ra tòa án để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người nuôi chó có hành vi thả rông chó ở khu dân cư hoặc dắt chó đi cùng mà không có dây xích, không có rọ mõm (đối với con dữ) thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

“Người dân không nên thực hiện những hành vi xâm phạm đến quyền lợi của người khác, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác mà pháp luật bảo vệ cho chủ sở hữu, cụ thể ở đây là đánh đập, giết các con súc vật, vật nuôi của người khác vì có thể sẽ bị xử lý về hành hi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Không nên đưa chó, mèo, vật nuôi ra nơi công cộng, đường giao thông mà thả rông ở khu dân cư hoặc dắt chó đi cùng mà không có dây xích, không có rọ mõm vì nếu vật nuôi gây nguy hiểm thiệt hại cho người khác thì chủ chó, vật nuôi phải chịu trách nhiệm”- Luật sư Hùng nhấn mạnh.

Nhân Chi 

Nguồn: infonet

Link báo: http://infonet.vn/vu-dam-co-cho-gay-phan-no-o-ha-noi-ca-2-deu-coi-thuong-phap-luat-post207171.info

Nếu CSGT làm đúng luật, không có lý do gì để sợ người dân giám sát

Theo luật sư Trần Minh Hùng
, nếu không cho người dân quyền giám sát thì vô tình đã hạn chế quyền của người dân mà Hiến pháp đã quy định. Còn CSGT làm đúng luật, đúng chuyên đề, kế hoạch và nhiệm vụ được giao thì không có vấn đề gì phải sợ việc người dân yêu cầu xuất trình kế hoạch.

Tại buổi lễ ra quân đợt cao điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông chào mừng Ngày truyền thống Công an nhân dân, Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9 do Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội tổ chức, thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (C67, Bộ Công an) cho biết CSGT không phải xuất trình kế hoạch vì việc ra đường xử lý vi phạm đã được các cấp có thẩm quyền cho phép. Trên ngực cảnh sát giao thông có bảng tên, biển hiệu đàng hoàng nên người dân không được yêu cầu chuyện đó. Họ không có quyền đó.

"Khi xử lý vi phạm ngoài đường phải cứng rắn, kiên quyết đấu tranh với những trường hợp vi phạm. Khi giải thích không nghe, chống đối là phải cưỡng chế ngay", Cục trưởng Hà nói.

Về việc này, báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Minh Hùng (Công ty Luật Gia đình).

- Thưa ông, theo quy định của pháp luật, người dân có quyền yêu cầu CSGT xuất trình kế hoạch khi xử phạt hay không? Ông bình luận gì khi thiếu tướng Trần Sơn Hà cho rằng người dân không có quyền kiểm tra kế hoạch của CSGT?

- Luật sư Trần Minh Hùng: Hiện nay thì tôi chưa thấy có quy định chi tiết cụ thể nào quy định người dân không có quyền kiểm tra kế hoạch của CSGT và cũng không thấy có quy định cụ thể nào nào quy định người dân có quyền kiểm tra kế hoạch của CSGT.

Tuy nhiên theo quy định tại tại khoản 2 điều 14 Thông tư số 01/2016 của Bộ Công an quy định về kiểm soát thông qua các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như sau: Khi đã ghi nhận được hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của người và phương tiện tham gia giao thông qua các phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, cán bộ thực hiện hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm soát phải lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo quy định.

Trường hợp người vi phạm yêu cầu được xem hình ảnh, kết quả ghi, thu được về hành vi vi phạm thì phải cho xem ngay nếu đã có hình ảnh, kết quả ghi thu được tại đó. Khi chưa có ngay hình ảnh, kết quả ghi, thu được, cảnh sát hướng dẫn người vi phạm xem hình ảnh, kết quả ghi thu được khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị.

Theo tôi, khi bị xử phạt hay bị dừng phương tiện nếu người bị dừng phương tiện không thấy mình vi phạm, có sự nghi ngờ không minh bạch thì người dân vẫn được yêu cầu kiểm tra kể hoạch của CSGT.

Như vậy sẽ bảo đảm được tinh thần dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Hơn nữa việc kiểm tra này cũng để chứng minh cho CSGT đó đang làm nhiệm vụ, chuyên đề được giao theo như quy định tại điều 12, khoản 2 thông tư số 01/2016 của Bộ Công an, tránh trường hợp giả danh CSGT...

- Nếu người dân không được kiểm tra kế hoạch của CSGT thì có phải họ đã bị tước đi quyền giám sát được quy định trong Hiến pháp?

- Tại khoản 2, điều 8 Hiến pháp 2013 quy định như sau: "Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền".

Ngoài ra, tại điều 6 Hiến pháp cũng quy định: "Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước".

Như vậy, nếu không cho người dân quyền này thì vô hình trung đã hạn chế quyền giám sát của người dân mà Hiến pháp đã quy định như trên.

- Có ý kiến cho rằng nhiều người vi phạm hoạnh họe, đòi kiểm tra ngược CSGT nên không cần trao cho dân việc giám sát kế hoạch của CSGT. Ông nghĩ sao về điều này?

- Trong thực tế, có nhiều người vi phạm quay lại làm khó CSGT, cù nhầy. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ quan điểm nếu CSGT làm đúng luật, chuyên đề, kế hoạch và nhiệm vụ được giao thì không vấn đề gì phải lo sợ việc người dân yêu cầu xuất trình kế hoạch. Nếu ai yêu cầu thì mình vẫn xuất trình, đưa họ kiểm tra không vấn đề gì.

- Nếu không được giám sát CSGT, những hệ lụy nào sẽ xảy ra? Nhiều người lo ngại tình trạng giả danh, lừa đảo, lạm quyền…

- Đúng vậy, nếu không cho người dân quyền giám sát sẽ dẫn đến tình trạng nhiều người giả danh cảnh sát để lừa đảo mà thực tế hiện nay đã có. Dẫn đến tình trạng lạm quyền hoặc xử phạt hay dừng phương tiện ở bất kỳ địa điểm hay thời gian nào.

Hơn nữa không không phải mọi CSGT đều có quyền dừng phương tiện để kiểm tra. Chỉ người nào được giao nhiệm vụ, thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát thì mới có quyền dừng phương tiện để kiểm tra và chỉ được dừng phương tiện thuộc một trong 5 trường hợp quy định tại khoản 2, điều 12 của Thông tư số 01/2016 do Bộ Công an quy định. Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:

a) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;

b) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;

c) Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng cảnh sát giao thông hoặc Trưởng công an cấp huyện trở lên;

d) Có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;

đ) Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

Ngoài ra, tại khoản 1, điều 12, Thông tư số 01/2016/TT-BCA cũng quy định về nguyên tắc dừng xe để kiểm tra là: "Việc dừng phương tiện phải bảo đảm các yêu cầu sau: a) An toàn, đúng quy định của pháp luật; b) Không làm cản trở đến hoạt động giao thông; c) Khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật".

- Xin cảm ơn ông.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Luật Tiếp cận thông tin 2016 có quy định rõ những thông tin mà công dân không được tiếp cận gồm:

1. Thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật. Khi thông tin thuộc bí mật nhà nước được giải mật thì công dân được tiếp cận theo quy định của luật này.

2. Thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ.

Việc kiểm tra kế hoạch của CSGT không nằm trong bí mật nhà nước, không thuộc phạm vi cấm tiếp cận của công dân.

Trí Lâm (thực hiện)

Nguồn: Một thế giới

Link báo: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/neu-csgt-lam-dung-luat-khong-co-ly-do-gi-de-so-nguoi-dan-giam-sat-40747.html

Người dân có quyền kiểm tra giấy tờ của CSGT không?

Hiện nay đang có nhiều ý kiến trái chiều về câu nói “người dân không có quyền kiểm tra giấy tờ, phương tiện của CSGT” của Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an).

Như Infonet đưa tin, ngày 15/8, tại buổi tổ chức ra quân đợt cao điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông mừng Quốc khánh 2/9 và ngày truyền thống Công an nhân dân do Phòng Cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội) tổ chức, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông đã phát biểu: "Các chiến sỹ CSGT ra đường xử lý vi phạm được các cấp có thẩm quyền cho phép, trên ngực có bảng tên, biển hiệu, có thẻ đàng hoàng nên người dân yêu cầu kiểm tra kế hoạch, chuyên đề hay kiểm tra tem kiểm định của máy bắn tốc độ là không đúng, họ không có quyền như vậy”.

Câu nói này đã thu hút sự chú ý và tạo tranh luận của nhiều người với câu hỏi: Dân có quyền kiểm tra giấy tờ của Cảnh sát giao thông hay không?

Nguoi dan co quyen kiem tra giay to cua CSGT khong? - Anh 1

CSGT xử lý vi phạm giao thông

Ngay trong giới luật sư cũng có ý kiến trái chiều nhau về vấn đề này. Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư Tp HCM) cho rằng: “Về nguyên tắc khi người vi phạm bị xử phạt thì người vi phạm được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền chứng minh lỗi người vi phạm, được xem, biết và kiểm tra các chứng cứ này. Nếu người dân không có được những quyền cơ bản này sẽ dẫn đến lạm quyền, phạt không có căn cứ, vô tội vạ”.

Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư TpHCM) lại cho rằng: “Đúng là trao cho người dân cái quyền được kiểm tra ngay tức khắc, ngược lại CSGT là hơi bất tiện và dễ bị người dân lạm dụng. Nhưng, nếu không trao cho người dân cái quyền này thì CSGT có nhiều cơ hội hơn để lạm quyền. Vì vậy, cần phải nghĩ đến một hình thức khác, mà có muốn cả 2 bên cũng không thể “lạm” được”. Theo luật sư Hưng người dân có quyền tố cáo kịp thời và khiếu nại sau đó, không nên để tình trạng ai vi phạm cũng “kiểm tra ngược” CSGT”.

Để có cái nhìn đa chiều về vấn đề này, Infonet đăng tải nội dung 2 luồng ý kiến. Dưới đây là cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư Tp HCM).

Nguoi dan co quyen kiem tra giay to cua CSGT khong? - Anh 2

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư TpHCM)

Thưa luật sư Nguyễn Kiều Hưng, theo ông, nội dung Thiếu tướng Trần Sơn Hà (Cục trưởng Cục CSGT) nói như trên có đúng tinh thần "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" không?

Tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" được thể hiện và thực hiện bằng nhiều hình thức trên nguyên tắc phù hợp với quy định của pháp luật và không gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác. Đúng là trao cho người dân cái quyền được kiểm tra ngay tức khắc, ngược lại CSGT là hơi bất tiện và dễ bị người dân lạm dụng. Nhưng, nếu không trao cho người dân cái quyền này thì CSGT có nhiều cơ hội hơn để lạm quyền. Vì vậy, cần phải nghĩ đến một hình thức khác, mà có muốn cả 2 bên cũng không thể “lạm” được.

Theo quy định tại Thông tư 01/2016 của Bộ Công an có 5 trường hợp CSGT được dừng xe, trong đó có trường hợp phải có kế hoạch tuần tra, hoặc theo chuyên đề, hoặc theo mệnh lệnh. Người dân có được biết giấy tờ này không?

Về nguyên tắc là được biết, nhưng biết lúc nào và trong trường hợp nào thì chưa có quy định cụ thể.

Nếu không cho người dân xem, lực lượng CSGT làm thế nào để đảm bảo cán bộ chiến sĩ có thẻ, có trang phục, có biển tên làm nhiệm vụ không được phân công?

Khi phát hiện có dấu hiệu nghi vấn CSGT đang thực hiện nhiệm vụ sai quy định, quy trình, người dân có đầy đủ các quyền của mình để biết điều đó. Đó là quyền tố cáo đến thanh tra của ngành công an, quyền yêu cầu CSGT ghi trong biên bản các thông tin cần thiết như tên, chức vụ, số hiệu biển tên, ngày giờ, địa điểm nơi phát hiện vi phạm và lập biên bản. Khi các thông tin này được ghi nhận trong biên bản, thì người dân có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện CSGT ra tòa.

Bên cạnh đó, chuyện CSGT giả cũng không phải là chưa từng xảy ra, vậy cứ có biển tên, thẻ tuần tra kiểm soát là không cho người dân kiểm tra thì có phòng ngừa được vấn đề này không?

Theo tôi, có thể phòng ngừa, bằng cách gọi ngay cho đường dây nóng của công an địa phương hoặc thanh tra của ngành công an, khi có nghi vấn.

Tuy nhiên, cũng có hiện tượng, người vi phạm là hoạnh họe, đòi kiểm tra ngược CSGT. Vậy theo luật sư, cần cơ chế giám sát thế nào để người dân cứ vi phạm là hoạnh họe đòi kiểm tra lại cảnh sát giao thông?

Tôi đồng ý là không nên trao cho người dân quyền kiểm tra ngược lại CSGT ngay tức khắc, mà CSGT và các hoạt động tuyên truyền cần hướng dẫn người dân quyền tố cáo kịp thời, quyền khiếu nại sau đó.

Xin cảm ơn luật sư!

Nguoi dan co quyen kiem tra giay to cua CSGT khong? - Anh 3

Luật sư Trần Minh Hùng, Hãng luật Gia Đình (Đoàn luật sư Tp HCM)

“Người dân có quyền được biết giấy tờ này là có cơ sở và người xử phạt phải cung cấp cho người vi phạm, tránh lạm quyền”

Luật sư Trần Minh Hùng (Hãng luật Gia Đình, Đoàn luật sư Tp HCM) nêu ý kiến: "Theo tôi việc Thiếu tướng Trần Sơn Hà nói "người dân yêu cầu kiểm tra kế hoạch, chuyên đề hay kiểm tra tem kiểm định của máy bắn tốc độ là không đúng, họ không có quyền như vậy" là chưa có cơ sở và chưa bảo đảm quyền chứng minh, cung cấp chứng cứ của người vi phạm.

Về nguyên tắc khi người vi phạm bị xử phạt thì người vi phạm được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền chứng minh lỗi người vi phạm, được xem, biết và kiểm tra các chứng cứ này. Nếu người dân không có được những quyền cơ bản này sẽ dẫn đến lạm quyền, phạt không có căn cứ, vô tội vạ. Như vậy, sẽ gây bức xúc, không thuyết phục cho người vi phạm khi không cho người dân những quyền cơ bản như được yêu cầu chứng minh lỗi, cung cấp chứng cứ có lỗi, được xem xét, kiểm tra các công cụ, máy móc hỗ trợ xử phạt của CSGT.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 01/2016 của Bộ Công an quy định về kiểm soát thông qua các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như sau: Khi đã ghi nhận được hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của người và phương tiện tham gia giao thông qua các phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, cán bộ thực hiện hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm soát phải lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo quy định.

Trường hợp người vi phạm yêu cầu được xem hình ảnh, kết quả ghi, thu được về hành vi vi phạm thì phải cho xem ngay nếu đã có hình ảnh, kết quả ghi thu được tại đó. Khi chưa có ngay hình ảnh, kết quả ghi, thu được, cảnh sát hướng dẫn người vi phạm xem hình ảnh, kết quả ghi thu được khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị.

Ngoài ra, căn cứ theo khoản 2, điều 12 của thông tư này quy định Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:

a) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;

b) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;

c) Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên;

d) Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;

đ) Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

Căn cứ theo các quy định trên thì việc người dân có quyền được biết giấy tờ này là có cơ sở và người xử phạt phải cung cấp cho người vi phạm, tránh lạm quyền, tránh không đi làm nhiệm vụ mà vẫn xử phạt bất cứ thời gian và địa điểm nào...

Hồng Chuyên (thực hiện)

Nguồn: infonet

http://www.baomoi.com/nguoi-dan-co-quyen-kiem-tra-giay-to-cua-csgt-khong/c/20114051.epi

Tranh cãi: Dân có quyền kiểm tra giấy tờ của Cảnh sát giao thông?

17/08/2016 13:24 
Câu nói “người dân không có quyền kiểm tra giấy tờ, phương tiện của CSGT” do Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) đang có những quan điểm trái chiều nhau.

 Như Infonet đưa tin, ngày 15/8, tại buổi tổ chức ra quân đợt cao điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông mừng Quốc khánh 2/9 và ngày truyền thống Công an nhân dân do Phòng Cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội) tổ chức, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông đã phát biểu: "Các chiến sỹ CSGT ra đường xử lý vi phạm được các cấp có thẩm quyền cho phép, trên ngực có bảng tên, biển hiệu, có thẻ đàng hoàng nên người dân yêu cầu kiểm tra kế hoạch, chuyên đề hay kiểm tra tem kiểm định của máy bắn tốc độ là không đúng, họ không có quyền như vậy”.

Câu nói này đã thu hút sự chú ý và tạo tranh luận của nhiều người với câu hỏi: Dân có quyền kiểm tra giấy tờ của Cảnh sát giao thông hay không?

CSGT xử lý vi phạm giao thông

Ngay trong giới luật sư cũng có ý kiến trái chiều nhau về vấn đề này. Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư Tp HCM) cho rằng: “Về nguyên tắc khi người vi phạm bị xử phạt thì người vi phạm được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền chứng minh lỗi người vi phạm, được xem, biết và kiểm tra các chứng cứ này. Nếu người dân không có được những quyền cơ bản này sẽ dẫn đến lạm quyền, phạt không có căn cứ, vô tội vạ”.

Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư TpHCM) lại cho rằng: “Đúng là trao cho người dân cái quyền được kiểm tra ngay tức khắc, ngược lại CSGT là hơi bất tiện và dễ bị người dân lạm dụng. Nhưng, nếu không trao cho người dân cái quyền này thì CSGT có nhiều cơ hội hơn để lạm quyền. Vì vậy, cần phải nghĩ đến một hình thức khác, mà có muốn cả 2 bên cũng không thể “lạm” được”. Theo luật sư Hưng người dân có quyền tố cáo kịp thời và khiếu nại sau đó, không nên để tình trạng ai vi phạm cũng “kiểm tra ngược” CSGT”.

Để có cái nhìn đa chiều về vấn đề này, Infonet đăng tải nội dung 2 luồng ý kiến. Dưới đây là cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư Tp HCM).

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư TpHCM)

Thưa luật sư Nguyễn Kiều Hưng, theo ông, nội dung Thiếu tướng Trần Sơn Hà (Cục trưởng Cục CSGT) nói như trên có đúng tinh thần "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" không?

Tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" được thể hiện và thực hiện bằng nhiều hình thức trên nguyên tắc phù hợp với quy định của pháp luật và không gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác. Đúng là trao cho người dân cái quyền được kiểm tra ngay tức khắc, ngược lại CSGT là hơi bất tiện và dễ bị người dân lạm dụng. Nhưng, nếu không trao cho người dân cái quyền này thì CSGT có nhiều cơ hội hơn để lạm quyền. Vì vậy, cần phải nghĩ đến một hình thức khác, mà có muốn cả 2 bên cũng không thể “lạm” được.

Theo quy định tại Thông tư 01/2016 của Bộ Công an có 5 trường hợp CSGT được dừng xe, trong đó có trường hợp phải có kế hoạch tuần tra, hoặc theo chuyên đề, hoặc theo mệnh lệnh. Người dân có được biết giấy tờ này không?

Về nguyên tắc là được biết, nhưng biết lúc nào và trong trường hợp nào thì chưa có quy định cụ thể.

Nếu không cho người dân xem, lực lượng CSGT làm thế nào để đảm bảo cán bộ chiến sĩ có thẻ, có trang phục, có biển tên làm nhiệm vụ không được phân công?

Khi phát hiện có dấu hiệu nghi vấn CSGT đang thực hiện nhiệm vụ sai quy định, quy trình, người dân có đầy đủ các quyền của mình để biết điều đó. Đó là quyền tố cáo đến thanh tra của ngành công an, quyền yêu cầu CSGT ghi trong biên bản các thông tin cần thiết như tên, chức vụ, số hiệu biển tên, ngày giờ, địa điểm nơi phát hiện vi phạm và lập biên bản. Khi các thông tin này được ghi nhận trong biên bản, thì người dân có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện CSGT ra tòa.

Bên cạnh đó, chuyện CSGT giả cũng không phải là chưa từng xảy ra, vậy cứ có biển tên, thẻ tuần tra kiểm soát là không cho người dân kiểm tra thì có phòng ngừa được vấn đề này không?

Theo tôi, có thể phòng ngừa, bằng cách gọi ngay cho đường dây nóng của công an địa phương hoặc thanh tra của ngành công an, khi có nghi vấn.

Tuy nhiên, cũng có hiện tượng, người vi phạm là hoạnh họe, đòi kiểm tra ngược CSGT. Vậy theo luật sư, cần cơ chế giám sát thế nào để người dân cứ vi phạm là hoạnh họe đòi kiểm tra lại cảnh sát giao thông?

Tôi đồng ý là không nên trao cho người dân quyền kiểm tra ngược lại CSGT ngay tức khắc, mà CSGT và các hoạt động tuyên truyền cần hướng dẫn người dân quyền tố cáo kịp thời, quyền khiếu nại sau đó.

Xin cảm ơn luật sư!

Luật sư Trần Minh Hùng, Hãng luật Gia Đình (Đoàn luật sư Tp HCM)

Luật sư Trần Minh Hùng (Hãng luật Gia Đình, Đoàn luật sư Tp HCM):

“Người dân có quyền được biết giấy tờ này là có cơ sở và người xử phạt phải cung cấp cho người vi phạm, tránh lạm quyền”

Theo tôi việc Thiếu tướng Trần Sơn Hà nói "người dân yêu cầu kiểm tra kế hoạch, chuyên đề hay kiểm tra tem kiểm định của máy bắn tốc độ là không đúng, họ không có quyền như vậy" là chưa có cơ sở và chưa bảo đảm quyền chứng minh, cung cấp chứng cứ của người vi phạm.

Về nguyên tắc khi người vi phạm bị xử phạt thì người vi phạm được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền chứng minh lỗi người vi phạm, được xem, biết và kiểm tra các chứng cứ này. Nếu người dân không có được những quyền cơ bản này sẽ dẫn đến lạm quyền, phạt không có căn cứ, vô tội vạ. Như vậy, sẽ gây bức xúc, không thuyết phục cho người vi phạm khi không cho người dân những quyền cơ bản như được yêu cầu chứng minh lỗi, cung cấp chứng cứ có lỗi, được xem xét, kiểm tra các công cụ, máy móc hỗ trợ xử phạt của CSGT.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 01/2016 của Bộ Công an quy định về kiểm soát thông qua các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như sau: Khi đã ghi nhận được hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của người và phương tiện tham gia giao thông qua các phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, cán bộ thực hiện hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm soát phải lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo quy định.

Trường hợp người vi phạm yêu cầu được xem hình ảnh, kết quả ghi, thu được về hành vi vi phạm thì phải cho xem ngay nếu đã có hình ảnh, kết quả ghi thu được tại đó. Khi chưa có ngay hình ảnh, kết quả ghi, thu được, cảnh sát hướng dẫn người vi phạm xem hình ảnh, kết quả ghi thu được khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị.

Ngoài ra, căn cứ theo khoản 2, điều 12 của thông tư này quy định Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:

a) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;

b) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;

c) Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên;

d) Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;

đ) Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

Căn cứ theo các quy định trên thì việc người dân có quyền được biết giấy tờ này là có cơ sở và người xử phạt phải cung cấp cho người vi phạm, tránh lạm quyền, tránh không đi làm nhiệm vụ mà vẫn xử phạt bất cứ thời gian và địa điểm nào...

Hồng Chuyên (thực hiện)

Nguồn: infonet

Link Nguồn: http://infonet.vn/tranh-cai-dan-co-quyen-kiem-tra-giay-to-cua-canh-sat-giao-thong-post206569.info

Giới Thiệu Luật Sư Trần Minh Hùng

link s75  

Với phương châm đặt chữ "Tâm" của nghề lên hàng đầu, chúng tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào sự công bằng và bảo vệ công lý cho xã hội. Là hãng luật uy tín thường xuyên tư vấn luật trên HTV, VTV, THVL, ANTV, VTC, SCTV, TH Cần Thơ, Đồng Nai và trên các tờ báo uy tín... Chúng tôi chuyên tư vấn, bào chữa cho khách hàng, thân chủ trên mọi lĩnh vực đất đai, thừa kế, hình sự, doanh nghiệp, ly hôn, công nợ, lao động, hợp đồng....

 

                                   LS TRẦN MINH HÙNG 


Hotline:0972238006