Luật sư Trần Minh Hùng: ‘Nếu Vinastas hoạt động sai chức năng thì nên đình chỉ’

 
Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh
   “Chức năng của Vinastas thành lập để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chứ không phải công bố sai chất lượng của các sản phẩm người tiêu dùng sử dụng, gây ảnh hưởng uy tín đến hoạt động kinh doanh, mất an toàn xã hội” – luật sư Trần Minh Hùng nhấn mạnh.

Về vấn đề đình chỉ hoạt động của Vinastas, trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, Hội Khoa học kỹ thuật về Tiêu chuẩn hoá chất lượng và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, tự nguyện, không vì mục đích lợi nhuận của những người hoạt động trong các lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.  

Mục đích của hội này là tập hợp, đoàn kết, giúp đỡ hội viên nâng cao trình độ nghề, xây dựng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam.

Như vậy, theo ông Hùng, với vị trí và vai trò như trên thì việc Vinastas ngang nhiên công bố chất lượng sản phẩm, cụ thể là công bố arsen trong nước mắm mà chưa có kết quả cụ thể cũng như chưa có ý kiến bằng văn bản của các cơ quan chuyên ngành nhà nước như Bộ Khoa học – Công nghệ (KH-CN), Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Bộ Công Thương là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

“Việc công bố chất lượng sản phẩm là việc của các cơ quan nhà nước. Bộ KH-CN có tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng; Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương.... đều có cơ quan kiểm tra và công bố, kể cả xuất xứ hàng hóa...” – ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, để xem hội này có phải bị đình chỉ hoạt động hay không thì các cơ quan có thẩm quyền cần xác minh xem có dấu hiệu vi phạm pháp luật, những hành vi ảnh hưởng đến môi trường sản xuất kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh hay không.

Các cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều tra đối với hội này là Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ KH-CN và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan cần xem xét, điều tra, xác minh xem việc hội này công bố như vậy nhằm mục đích gì và gây thiệt hại cho các tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh nước mắm thế nào để có thể đình chỉ hoạt động của Vinastas có căn cứ pháp lý.

Ông Hùng cho hay, các hội chỉ có thể được ủy quyền của các cơ quan nhà nước để thực hiện một hoạt động nào đó, nhưng vẫn chịu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước. Vì vậy, việc Vinastas công bố chất lượng của các sản phẩm thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố của mình vì hội này không đủ thẩm quyền và chức năng công bố.

Vị luật sư này cũng cho biết, việc tự nhiên công bố như vậy gây tác hại đến đời sống xã hội, hoạt động kinh doanh, gây hoang mang dư luận, gây thiệt hại trong lĩnh vực kinh doanh ngành nghề này thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chức năng của Vinastas thành lập để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chứ không phải công bố chất lượng của các sản phẩm người tiêu dùng sử dụng, gây ảnh hưởng uy tín đến hoạt động kinh doanh, mất an toàn xã hội.

“Do vậy, sau khi có kết luận cụ thể của cơ quan có thẩm quyền, nếu có bằng chứng hội này hoạt động sai chức năng, vi phạm pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền nên đình chỉ hoạt động của hội này” – ông Hùng nhấn mạnh.

Ngày 26.10, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn thông tin rằng cơ quan này đang tiến hành làm rõ xem Vinastas hoạt động có đúng tôn chỉ mục đích hay không. Nếu không đúng thì có thể đình chỉ hoạt động.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết các cơ quan có thẩm quyền bao gồm Bộ KH-CN với Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng; Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương cũng có cơ quan kiểm tra và công bố, kể cả xuất xứ hàng hóa. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phải báo cáo Chính phủ và Chính phủ đồng ý, Bộ Công thương ủy quyền thì mới được tham gia cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Vinastas công bố nước mắm nhiễm arsen thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về phát ngôn của mình.

Theo ông Tuấn, Vinastas phải hoạt động đúng điều lệ, tôn chỉ mục đích như bảo vệ hội viên và tham gia xây dựng chính sách… Còn việc hoạt động ngoài điều lệ phải dựa trên cơ sở được cơ quan chức năng ủy quyền.

Đại biểu quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng khẳng định hội này không có quyền công bố những thông tin về nước mắm như vừa qua vì nó thuộc quyền của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu vì quyền lợi người tiêu dùng, khi phát hiện ra vấn đề thì phải đề nghị cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc xử lý.

Ông Cương cho hay, việc công bố như vậy là không đúng quy định, vì người công bố chất lượng sản phẩm có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Do đó, cần phải xử lý nghiêm khắc Vinastas để làm gương.

Hoàng Long

Nguồn: Một thế giới

06:30 24/10/2016

Con trai chiếm nhà, bạo hành cha mẹ già

- Vì thương con nên dù bị lừa chiếm nhà, cụ Trình cũng không tố cáo. Tuy nhiên, gần đây cụ liên tục bị vợ chồng con trai bạo hành tinh thần nhằm đuổi vợ chồng cụ ra khỏi nhà.

Thương con trai không có vốn làm ăn, cụ ông Phạm Văn Trình (sn 1942, ngụ P.6, Q.8, TP.HCM) đã ủy quyền hai căn nhà cho con để thế chấp ngân hàng làm vốn. Không ngờ sau khi được ủy quyền, người con đã lén bán một căn nhà, căn còn lại sang tên cho vợ mình nhằm chiếm đoạt. Không những đoạt nhà, vợ chồng người con bất hiếu này còn bạo hành vợ chồng cụ trình đến mức họ không dám ở trong chính căn nhà của mình.

Lập mưu chiếm nhà cha mẹ?

Ngày 18/10, báo Phụ Nữ nhận được đơn cầu cứu của cụ Trình về việc vợ chồng cụ bị vợ chồng người con trai lập mưu chiếm đoạt hai căn nhà và bạo hành tinh thần. Cụ Trình cho biết, cụ có bốn người con, trong đó có ông Phạm Nhân Q. (SN 1979) không học hành đến nơi đến chốn, thời trẻ còn sa vào ma túy, đã nhiều lần đi cai nghiện tập trung. Năm 2006, sau khi cai nghiện về, ông Q. xin cha mẹ cưới vợ, hứa sẽ đoạn tuyệt với ma túy.

Thương con, cụ Trình lo chuyện cưới xin và trích lương hưu của mình mỗi tháng ba triệu đồng chu cấp cho con trai. Năm 2013, khi cụ Trình chuyển từ Q.3 về mua căn nhà số 1629/2A Phạm Thế Hiển (P.6, Q.8) an dưỡng tuổi già thì ông Q. nhiều lần đến năn nỉ cha mẹ ủy quyền căn nhà này cho mình để vay vốn ngân hàng làm ăn. Tin con, vợ chồng cụ Trình đã đồng ý làm giấy ủy quyền với điều kiện: ông Q. phải ký cam kết đến tháng 3/2015 sẽ hoàn tất việc thế chấp, trả lại nhà.

Tuy nhiên, đến thời hạn trên thì ông Q. tìm mọi cách trì hoãn. Đến đầu năm 2016, cụ Trình phát hiện căn nhà mình ủy quyền cho con trai đã được sang tên cho bà Nguyễn Thị T., SN 1982, vợ ông Q.

Cụ Trình bức xúc: “Tuy làm giấy ủy quyền cho con nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở vẫn do vợ chồng tôi đứng tên. Không hiểu bằng cách nào con trai tôi đã sang tên được căn nhà đó cho vợ nó. Chuyện vô lý như vậy mà UBND Q.8 vẫn cấp giấy chứng nhận vào ngày 29/1/2016”.

Cũng theo cụ Trình, đây không phải là lần đầu cụ bị con trai lừa gạt chiếm đoạt căn nhà. Năm 2014, cũng với chiêu trò tương tự, ông Q. đã lừa cụ Trình ủy quyền một căn nhà của cụ tại Tân Hiệp (Tiền Giang) rồi bán với giá 500 triệu đồng, chiếm đoạt luôn tiền bán nhà.

Con trai chiem nha, bao hanh cha me gia
Cụ Trình trình bày việc bị con trai chiếm nhà, bạo hành.

Ngày nào cũng mắng chửi, hăm dọa

Vì thương con nên dù bị lừa chiếm nhà, cụ Trình cũng không tố cáo. Tuy nhiên, gần đây cụ liên tục bị vợ chồng con trai bạo hành tinh thần nhằm đuổi vợ chồng cụ ra khỏi nhà.

Ngày 17/8, vợ chồng ông Q. đến xin cụ cho về sống chung trong căn nhà 1629/2A Phạm Thế Hiển. Cụ Trình không đồng ý thì ông Q. lấy lý do căn nhà do vợ mình đứng tên, buộc cụ phải chấp nhận. Không muốn gia đình xào xáo, cụ Trình đành chịu, nhường luôn căn phòng mình đang ở cho vợ chồng ông Q.

Ngày 13/9, khi cụ Trình vắng nhà thì con dâu là bà Nguyễn Thị T. đã phát sinh mâu thuẫn với mẹ chồng là cụ bà Phạm Thị Việt Thanh (SN 1943). Bà T. đập phá nhiều đồ đạc của cụ Thanh, khóa trái cửa không cho ai vào. Khi về nhà không thể vào được, cụ Trình phải cầu cứu cơ quan chức năng.

Cụ Trình nói: “Vợ tôi bị tai biến nằm liệt một chỗ đã nhiều năm nên nghe vợ bị con dâu đóng cửa nhốt, lại đập phá đồ đạc, tôi rất lo bà ấy bị kích động sẽ lên huyết áp, đành phải cầu cứu chính quyền. Khi công an và cán bộ tư pháp phường xuống, con dâu tôi mới chịu mở cửa cho tôi vào”.

Thế nhưng, ngay sau khi cán bộ phường ra về, vợ chồng con trai cụ Trình lại tiếp tục chửi mắng cha mẹ già và đập phá đồ đạc. Từ hôm đó đến nay, cụ Trình không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần bị vợ chồng con trai chửi mắng, đập phá đồ đạc và đuổi khỏi nhà. Cụ Trình nghẹn ngào: “Vợ chồng tôi đều từng tham gia kháng chiến, giờ về hưu chỉ muốn sống thanh thản những ngày cuối đời, không ngờ lại bị chính con trai mình bạc đãi. Đau lòng lắm nhưng tôi phải trình bày trước công luận để mong được cứu giúp”.

Bà Nguyễn Thị Bạch Nhật, cán bộ tư pháp P.6, Q.8, cho biết: “Vụ việc của gia đình cụ Trình đã được UBND phường mời lên hòa giải ba lần. Chức năng của chúng tôi chỉ dừng ở hòa giải, tư vấn. Chúng tôi đã tư vấn cho cụ Trình nhiều giải pháp, trong đó có cả việc khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết”.

Ngày 17/10 vừa qua, UBND P.6, Q.8 đã mời cụ Trình và vợ chồng ông Q. lên để hòa giải. Sau khi làm việc ở phường về, vợ chồng ông Q. lại tiếp tục đập phá và chửi bới, cũng không chịu lên UBND phường tiếp tục làm việc vào ngày hôm sau (18/10) theo giấy mời, cán bộ phường phải đến nhà lập biên bản. Cũng sau lần bạo hành này, vợ chồng cụ Trình không còn dám ở lại căn nhà của mình nữa, phải tá túc nhà người thân.

Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận định, nếu cụ Trình chỉ ủy quyền quản lý sử dụng căn nhà mà ông Q. lại chuyển nhượng cho vợ mình là trái quy định. Ngoài ra, nếu đã có cam kết là cụ Trình chỉ ủy quyền để ông Q. vay ngân hàng, thì việc sang tên cho vợ của ông Q. là đã làm cho ủy quyền này có dấu hiệu bị lừa dối.

Theo quy định giao dịch dân sự, trường hợp bị lừa dối thì cụ Trình có quyền khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng ủy quyền, hủy việc chuyển nhượng giữa ông Q. và bà T. Cụ Trình cũng có thể nhờ tòa án can thiệp hủy giấy chứng nhận sang tên theo quy định vì bị lừa dối.

“Ông Q. có dấu hiệu vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không còn tùy vào kết luận của cơ quan chức năng, nhưng theo những thông tin từ cụ Trình, ông Q. đã có dấu hiệu lừa dối ngay từ đầu, có cơ sở để cho rằng ông Q. đã có dấu hiệu của hành vi lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản”, luật sư Hùng nói.

Sơn Vinh - Thúy Quỳnh

Nguồn: Báo phụ nữ gia đình

Vụ CSGT Hà Nội bị đánh gãy răng: Sao hiện tượng chống người thi hành công vụ không dứt?

15/10/2016 12:00 Bản in
Bất bình khi lực lượng CSGT làm nhiệm vụ phải đối mặt với hành động côn đồ, chống người thi hành công vụ của người vi phạm, nhiều người đặt câu hỏi vì sao tình trạng này vẫn không dứt?

Như Infonet đưa tin, khoảng 7 giờ 10 phút ngày 13/10, tại  đầu nút giao thông Trường Chinh- Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội. Tổ công tác thuộc Đội CSGT số 3 đang làm nhiệm vụ phân luồng chống ùn tắc giao thông thì có một nam thanh niên điều khiển xe máy Honda Wave mang BKS 29S1-312.92 lưu thông hướng Trường Chinh- Ngã Tư Sở không đội mũ bảo hiểm.

Ngay sau đó, tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra hành chính theo đúng luật định. Không những không chấp hành mà nam thanh niên này tăng ga bỏ chạy. Đến chốt tiếp theo, một chiến sĩ CSGT khác tiếp tục dừng xe kiểm tra nhưng nam thanh niên này vẫn không chấp hành mà nhấn ga đâm thẳng vào người chiến sĩ CSGT.

Nam thanh niên 9x lao xe và đấm CSGT

Khi cả CSGT và nam thanh niên này cùng ngã xuống đường, bất ngờ nam thanh niên vùng dậy tung liên tiếp nhiều cú đấm vào mặt, khiến chiến sĩ CSGT bị gãy 2 răng cửa, mất rất nhiều máu.

Đây không phải lần đầu người vi phạm có hành vi chống đối lực lượng CSGT. Điều này là thực tế đáng báo động và đặt ra nhiều câu hỏi về ý thức chấp hành pháp luật của một số người dân và vấn đề tuyên truyền phổ biến pháp luật của các ngành.

 
 

Luật sư Trần Minh Hùng, Văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn luật sư Tp HCM) cho rằng: “Hiện nay, xảy ra nhiều tình trạng chống người thi hành công vụ, chống cảnh sát giao thông khi họ làm nhiệm vụ. Thực trạng này nói lên việc chấp hành pháp luật cũng như tình trạng giao thông vốn phức tạp ở Việt Nam.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư Tp HCM)

Các sự việc này đã để lại những hình ảnh không đẹp trong dư luận và có phần phản cảm. Tôi cho rằng sở dĩ có tình trạng này nhiều là do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mà ngành giao thông cho đến nay vẫn chưa khắc phục được. Những hành vi này không văn minh và thể hiện sự lạc hậu cho nên chúng ta cần có các biện pháp hữu hiệu hạn chế”.

Theo luật sư Hùng, tùy theo tính chất hành vi, mức độ vi phạm mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị xử lý hình sự về hành vi chống người thi hành công vụ theo quy định tại điều 257 Bộ luật hình sự - Tội chống người thi hành công vụ.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, luật sư Trần Minh Hùng chia sẻ, tình trạng này được báo chí và truyền thông đưa nhiều, nhưng nó vẫn tiếp tục xảy ra và thậm chí không giảm là do nhiều nguyên nhân cả từ người vi phạm và phía CSGT, do ý thức pháp luật, sự nghiêm túc và minh bạch của CSGT khi làm nhiệm vụ cũng là điều cần quan tâm, tuyên truyền pháp luật giao thông còn hạn chế, nhận thức về hành vi còn thấp, tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, sử dụng ma túy khi tham gia giao thông nên khi bị CSGT yêu cầu dừng thì không làm chủ được hành vi mà bất chấp tuân lệnh là xảy ra nhiều tại Việt Nam.

Bày tỏ quan điểm lên án hành động côn đồ của người vi phạm khi chống lại lực lượng CSGT, luật sư Hùng nhấn mạnh: “Dù gì theo tôi cũng không nên có hành vi chống người thi hành công vụ vì như vậy càng thể hiện ý thức mình còn kém và để lại những hậu quả pháp lý đáng tiếc. Nếu cho rằng mình bị oan sai thì vẫn được quyền khiếu nại lên cấp trên theo trình tự luật định không nên có những hành vi chống đối bằng vũ lực”. 

Điều 257. Tội chống người thi hành công vụ

1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm :

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

(Trích Bộ Luật hình sự hiện hành)

Hồng Chuyên

nguồn: infonet

Link báo: http://infonet.vn/vu-csgt-ha-noi-bi-danh-gay-rang-sao-hien-tuong-chong-nguoi-thi-hanh-cong-vu-khong-dut-post211478.info

Náo loạn sàn đầu tư ảo và tấn bi kịch của những người ôm mộng làm giàu

(Tamsugiadinh.vn) - Thấy sàn đầu tư lợi nhuận thu về hơn 100%, nhiều người dân đã gom góp tiền tiết kiệm, thậm chí vay nặng lãi để đầu tư. Đổi đời đâu chưa thấy, chỉ thấy các sàn đồng loạt đóng cửa, cuốn đi hàng chục ngàn tỷ đồng. Nạn nhân người thì tự tử, người thì thành đối tượng truy lùng của xã hội đen đến mức khiếp sợ phải bỏ nhà đi lang bạt.
Bambo tôn vinh những thủ lĩnh (đầu lai) đã lôi kéo được nhiều khách hàng

Tràn lan nhà đầu tư “khủng”

Trong khoảng nửa năm qua, Tây Nguyên trở thành điểm nóng về đầu tư qua mạng. Có rất nhiều người xưng là quản lý, chủ sàn hoặc đầu lai (người đứng đầu tổ chức các buổi thuyết giảng đầu tư qua mạng) về đây mở các buổi hội thảo, thuyết trình hoành tráng về hình thức đầu tư theo kiểu cho – nhận.

Thấy lợi nhuận hấp dẫn, nhiều người đã tham gia đầu tư. Sau 1, 2 lần thành công và thu về lợi nhuận khủng, họ liền rủ thêm bạn bè, anh em tập trung gom vốn đầu tư. Chỉ khi chủ sàn đóng băng, cho “sập sàn” thì mọi người mới biết mình bị lừa.

Được biết, có hàng chục sàn như sàn M5, FXTM4; M7 hay còn gọi là XBLG; S6; SROW.org; BSE365; ONE coin; D10; A8; Coinsi… hiện đã sập và cuốn đi hàng chục ngàn tỷ đồng của người dân.

Thế nhưng theo tìm hiểu của PV, hiện trên khắp địa bàn huyện Chư Sê, thị xã An Khê, huyện K’Bang và TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) vẫn đang tràn ngập những buổi hội thảo, thuyết trình về các sân chơi cho – nhận. Mục đích của những buổi thuyết giảng này là nhằm giới thiệu - tôn vinh những đầu lai, đánh bóng khoản thu nhập “khủng” mà các đầu lai này được hưởng, từ đó lôi kéo người tham gia.

Mới đây nhất trong tháng 8 vừa qua, hai sàn đầu tư cho - nhận B6, mmm.Bamboo… vừa tổ chức hội thảo hoành tráng tại một khách sạn sang trọng trên địa bàn TP. Pleiku. Không chỉ tung hoành trên địa bàn tỉnh Gia Lai, hai sàn này còn cho các đầu lai phát triển mở rộng thị trường, vươn “vòi bạch tuộc” đến các tỉnh thành khác như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương…

Được biết, những sàn đầu tư trên là do nhiều cá nhân lấy danh nghĩa là chuyên gia tài chính mở ra theo hình thức cho – nhận. Nguyên tắc của những sàn này là khách đến ngân hàng lập một tài khoản (còn gọi là ID), bỏ tiền vào đó hoặc đưa tiền cho đầu lai để lập mã giao dịch cho – nhận.

Sau đó chỉ cần ngồi ở nhà hoặc lang thang ở các quán cà phê sử dụng máy tính bảng để liên lạc và theo dõi thông tin thực hiện lệnh trên sàn. Sau khi đưa tiền 150 – 200 ngàn đồng cho đầu lai để kích pin và chờ có lệnh PH (tức là cho), người chơi sẽ chuyển tiền hoặc bitcoin đi rồi chờ GH về (tức là nhận). Cứ thế quay vòng, mỗi tháng vài lần kích pin.

Vị chi mỗi tháng không cần làm việc cũng thu về khoản lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần những người đi làm việc mỗi ngày. Còn các đầu lai nếu giới thiệu được một người đầu tư vào sàn của mình sẽ được chia 10% tiền hoa hồng trên tổng số tiền mà các nạn nhân bỏ ra.

Như tại sàn M5, mức đầu tư mỗi mã ID khi PH là 6,6 triệu đồng, chưa đầy 1 tháng thu về 8,8 triệu. Bị “hoa mắt” bởi lợi nhuận, rất nhiều người vốn chẳng hiểu gì về tài chính cũng rủ nhau gác bỏ công việc thường ngày, gom tiền đi đầu tư qua mạng. Đến khi M5 sập sàn thì những nạn nhân cho biết, số tiền mà người dân Gia Lai đã mất cho sàn này lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Trần Thiện Lâm – chủ sàn FXMT4 

Sàn mới sập gần đây nhất có tên là FXMT4.us (website fxmt4.us) do gã thanh niên trẻ tên Trần Thiện Lâm (SN 1990, quê Đồng Tháp, hiện ở quận Tân Bình, TP.HCM) làm chủ.

Sàn đầu tư của Lâm đặc biệt hơn các sàn khác là dùng đồng tiền bitcoin (một loại tiền giao dịch qua mạng có giá trị tương đương tiền mặt, có khả năng thanh toán cao) để đầu tư. Tính mức giá trung bình của đồng bitcoin qua các thời điểm tại sàn FXMT4 là trên 14 triệu đồng/1 bitcoin.

Sau 30 ngày, người chơi sẽ nhận về được giá trị khoảng 20,14 triệu đồng. Một mức lãi khủng khiếp mà ai cũng muốn đầu tư để sinh lời. Vì thế, sàn này nhanh chóng thu hút rất đông người tham gia, lên đến hàng ngàn người. Tuy nhiên, mới chỉ hoạt động được hai tháng, Lâm đã cho sập sàn, ôm trọn số tiền rồi lặn mất tăm.

Từ nguồn thông tin riêng, phóng viên đã tiếp cận được một số đầu mối quan trọng và có những thông tin liên quan đến đối tượng cầm đầu đường dây FXMT4 Trần Thiện Lâm. Chúng tôi có được những đoạn chát đối thoại giữa Trần Thiện Lâm với một người khác thể hiển rõ sự bàn bạc lập ra một đường dây đầu tư cho nhận mới để lừa gạt mọi người.

Trong đoạn chát này, Trần Thiện Lâm nói:“IT bên tôi viết khá tốt, FXMT4 tôi kêu tụi nó viết trong 15 ngày là xong. Đảm bảo không ai tra ra được là của Việt Nam. Tụi nó đảm bảo không hack, không bị lỗi”.

Người kia trả lời lại Lâm:“OK. Tôi tin ông, nhưng cẩn thận mấy thằng này. Sợ nó không trung thành quay lại đâm mình thôi. Ông gửi tôi bản hợp đồng IT nó viết phần mềm để tôi coi tiến độ của nó. Với lại bản hợp đồng tôi với ông”.

Trần Thiện Lâm tiếp tục thể hiện bản lĩnh: “OK. Để tôi gởi. Dự án lần này OK là tôi với ông mỗi người có mấy tỷ. Thằng Chung nó cũng hợp tác với tôi. Ông có muốn tham gia không? Tôi chia lại lợi nhuận của tôi cho ông? 20%...!. Anh em mình san bằng thiên hạ, tạo cơ đồ mới...”.

Trốn chạy khỏi sự truy đuổi của giang hồ

Nạn nhân của các sàn đầu tư ảo có đủ các thành phần từ trí thức như giáo viên, cán bộ về hưu cho đến những người nông dân nghèo vốn chỉ quanh năm bám mặt với ruộng, rẫy.

Không ít người vét hết gia sản, bán ruộng đất, thậm chí vay nóng với lãi suất cao để dốc tâm dồn lực vào những phi vụ đầu tư. Có nhiều người còn chơi nhiều sân để nhanh chóng gom cả vốn lẫn lời. Chỉ đến lúc các sàn đồng loạt sập dẫn đến hậu quả mất trắng tài sản, nợ nần chồng chất họ mới nghiệm ra mình “tham thì thâm”.

Để viết được loạt bài này, phóng viên đã phải mất rất nhiều thời gian tiếp cận các nạn nhân. Họ ngại tiếp xúc với báo chí một phần vì sợ gia đình, người thân, bạn bè biết được nên dị nghị, phần vì sợ “lộ”, các chủ nợ hoặc phía xã hội đen sẽ tìm kiếm, gây áp lực đòi tiền.

Anh T.C.N. (35 tuổi, ngụ huyện Chư Sê) cho biết:“Khoảng tháng 4/2016, tôi tham gia sàn M5. Bỏ số tiền hơn 46 triệu đồng mà hai vợ chồng tích cóp được, tôi mua 7 mã ID (mỗi mã 6,6 triệu đồng) nhưng chờ mãi không thấy tiền về.

Tìm đầu lai để nói chuyện thì điện thoại không liên lạc được. Sau đó, nhiều người cùng chơi cho tôi biết M5 đã bị sập sàn. Để gỡ vốn, đầu tháng 6/2016, tôi tiếp tục tìm tới sàn đầu tư khác là FXMT4, vừa mới mở được hơn một tháng.

Tôi chuyển tiền cho đầu lai mua giùm 13 mã (đồng bitcoin) với giá 11 triệu đồng/1 bitcoin. Tổng số tiền là 143 triệu đồng. Thế nhưng, sàn này cũng bị sập, chỉ còn lại khoản nợ mà tôi đã phải đi vay nóng với khoản lãi hơn 25%/tháng. Khủng khiếp quá, đổi đời đâu chẳng thấy, chỉ thấy không trả được nợ thì đổi mạng với dân xã hội đen mà thôi”.

Một đầu lai đang chờ Lâm cất số tiền mà một số nạn nhân vừa nộp tiền cho gã

Vợ chồng bà Nông Thị Nàng (62 tuổi, cán bộ hưu trí, ngụ huyện K’Bang) cũng đang phải ôm khoản nợ vay nóng bên ngoài hơn 100 triệu đồng.

Theo tìm hiểu thì sau khi về hưu, hai vợ chồng làm ăn thua lỗ nên khi nghe mọi người nói về việc đầu tư qua các sàn này, vợ chồng bà tham gia để mong gỡ gạc lại. Ai ngờ đâu, giờ đây lâm cảnh nợ nần, các đối tượng xã hội đen đòi nợ, suy nghĩ nhiều nên bà Nàng phải nhập viện cấp cứu mấy ngày nay.

Theo tìm hiểu thì được biết, trên địa bàn huyện K’Bang và thị xã An Khê là hai nơi có nhiều nạn nhân bị dụ dỗ tham gia vào các sân chơi cho – nhận này nhất. Lượng người tham gia tại hai địa bàn này lên đến vài ngàn người. Số tiền mà những người này bị mất ít nhất cũng là hàng trăm triệu đồng, cao là cũng phải cả tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (30 tuổi, ngụ thị xã An Khê) tiết lộ: “Nói chi đâu xa, trong gia đình em thôi cũng đã mất hơn 4 tỷ đồng khi đầu tư vào sân chơi cho - nhận M5. Trong đó, dì ruột em mất hơn 3 tỷ đồng, còn lại gia đình em cũng mất hơn 1 tỷ đồng.

Lúc đầu tiên tham gia vào sân chơi này, cả dì em và gia đình em được lời nhiều nên hô hào đồng loạt dốc hết vốn liếng, thậm chí đi vay mượn, cắm đất, cắm nhà để tiếp tục tái đầu tư, những mong sẽ có được khoản lời tiền tỷ chỉ trong vòng một thời gian ngắn. Ai ngờ, lần tái đầu tư này đã cuỗm đi hết số tiền lời trước đó và toàn bộ số vốn hơn 4 tỷ đồng kia khiến cho hai gia đình lâm cảnh nợ nần”.

Sau khi mất tiền ở sàn M5, phía gia đình chị Hằng thấy Trần Thiện Lâm về đây giới thiệu là chủ đường dây FXMT4 và lấy mạng sống của mình ra chịu trách nhiệm đối với người chơi nếu tham gia vào đường dây của hắn.

Mọi người trong gia đình chị Hằng tiếp tục lập nhóm rồi vay mượn thêm tiền đầu tư vào sàn của Lâm với tổng số 224,5 bitcoin (khoảng gần 3,2 tỷ đồng). “Đúng là thành tỷ phú đâu không thấy, chỉ thấy mọi người trong gia đình mình hiện giờ thành con nợ tiền tỷ rồi đó”, chị Hằng nói trong xót xa.

Cũng là một nạn nhân của những sàn đầu tư ảo, chị Đoàn Thị Anh Thư (ngụ thị xã An Khê) nói như khóc:“Tôi là một tiểu thương, chưa tham gia một sân chơi cho - nhận nào. Chỉ đến khi Trần Thiện Lâm về đây thuyết trình tôi mới tin tưởng và tham gia.

Trần Thiện Lâm trong buổi thuyết trình

Ngoài tiền của mình, vay mượn thêm bên ngoài, tôi còn huy động mọi người trong gia đình cùng tham gia vào nữa nên tổng số tiền mà tôi mất và phải chịu trách nhiệm lên tới hơn 750 triệu đồng.

Giờ tôi không còn gì mà mỗi tháng phải đóng lãi đến hơn 40 triệu đồng, trong khi tiền lời buôn bán mỗi tháng chỉ được có vài triệu đồng. Giờ tôi bị chồng chửi mắng, đòi đuổi ra khỏi nhà và còn phải trốn chui trốn nhủi khi chủ nợ cứ truy tìm”.

Tương tự là trường hợp của anh Nguyễn Thành Nhân, một giáo viên trên địa bàn huyện K’Bang. Do đồng lương giáo viên của anh trước đây không đủ trang trải cuộc sống nên khi thấy các sàn đầu tư ảo này có lợi nhuận cao, anh đã đầu tư vào đó hơn 200 triệu đồng.

Toàn bộ số tiền này là do anh đi vay nóng của các đối tượng giang hồ với lãi suất cắt cổ. Khi các sàn đầu tư ảo đồng loạt sập cũng là lúc anh mất hết toàn bộ số tiền đã bỏ ra, anh còn bị giang hồ đe dọa đòi lấy cả mạng sống nếu không trả nợ cho chúng.

Đường cùng, anh phải bỏ đi khỏi huyện K’Bang để trú một nơi khác nhằm đảm bảo an toàn cho tính mạng của mình. Tuy nhiên, đám giang hồ kia nào có buông tha, chúng thường xuyên nhắn tin, gọi điện đe dọa đến sự an toàn của vợ và con anh hiện vẫn đang sinh sống trên địa bàn.

Đã từng bị giang hồ đánh cho bầm giập vì không kịp trả tiền lãi cắt cổ cho chúng, bà Trần Thị Kim Phượng (52 tuổi, ngụ huyện Chư Sê) nhớ lại: “Sau khi bị mất hàng trăm triệu đồng vì đầu tư vào sân chơi FXMT4, tôi chưa kịp xoay xở tiền để đóng tiền lãi vay nóng cho nhóm giang hồ.

Vì vậy ngày 20/8, tôi bị một nhóm giang hồ chặn đường rồi đấm đá bầm giập, máu me đầy người, mặt mũi thì sưng vù. Trước khi bỏ đi, bọn chúng tuyên bố nếu không nhanh chóng trả chúng cả tiền gốc và lãi thì chúng sẽ lấy luôn mạng sống của tôi. Tôi giờ hoang mang quá độ, đi đến đâu cũng phải lấy khăn bịt kín mặt để tránh cho bọn chúng nhận ra”.

Dấu hiệu lừa đảo rất rõ

Về các sân chơi cho – nhận, Luật sư Trần Minh Hùng – Đoàn Luật sư TP.HCM, Trưởng văn phòng Luật sư Gia Đình nêu ý kiến: “Theo tôi, với việc huy động vốn dựa trên mô hình đa cấp dưới hình thức cho – nhận bằng tiền Việt Nam hoặc tiền đô la hoặc đồng tiền ảo Bitcoin khi lập các trang web sàn giao dịch là có dấu hiệu lừa đảo.

Trong đó, các đối tượng điều hành các trang web này sau khi thấy số lượng người tham gia đông với số tiền đã lớn thì bất ngờ đóng cửa hoặc tự đánh sập trang web để những người đã chuyển tiền đi không nhận lại được tiền. Như vậy, hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng của người dân đã mất trắng theo kẻ cầm đầu đường dây này.

Những người này đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và chuyển giao tài sản (tiền). Dấu hiệu bắt buộc của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.

Nếu có hành vi gian dối mà không có hành vi chiếm đoạt (chỉ chiếm giữ hoặc sử dụng), thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người có hành vi gian dối trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép hoặc tội sử dụng trái phép tài sản.

Sàn B6 tổ chức tiệc tùng hoành tráng sau khi đã thuyết giảng xong

Về giá trị tài sản chiếm đoạt: Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ hai triệu đồng trở lên. Nếu dưới hai triệu đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

Về mặt ý chí của người phạm tội lừa đảo bao giờ cũng nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản trước khi thực hiện hành vi lừa đảo. Ý thức chiếm đoạt phải có trước thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn gian dối bao giờ cũng phải có trước khi tiến hành giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội.

Căn cứ theo thông tin nêu trên cũng như căn cứ vào mặt khách quan của tội phạm thì tôi cho rằng hành vi của những người chủ đường dây trên đã có dấu hiệu cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 139 Bộ luật hình sự.

Các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, giải quyết và xử lý theo luật định, yêu cầu người vi phạm phải trả lại tiền cho các nạn nhân. Nếu không giải quyết triệt để thì nhiều người sẽ tiếp tục là nạn nhân của các hình thức lừa đảo công khai và chuyên nghiệp này”.

Nguồn: TamSuGiaDinh.vn

Link: http://tamsugiadinh.vn/tin-tuc/nao-loan-san-dau-tu-ao-va-tan-bi-kich-cua-nhung-nguoi-om-mong-lam-giau-tsgd15699

Hàng nghìn xe máy, ô tô chìm nghỉm ở bãi trông giữ xe: Ai bồi thường ai?

27/09/2016 14:06 
“Khi xây dựng bãi giữ xe, bên giữ xe bắt buộc phải biết trường hợp Tp.HCM thường xuyên ngập để có các biện pháp chống ngập cho bãi giữ xe và trường hợp này là khắc phục được chứ không phải bất khả kháng", Luật sư Trần Minh Hùng nói.
Theo thông tin từ báo điện tử Infonet, rạng sáng 27/9, nước ngập tại bãi giữ xe khoảng 500 m2 nằm trên đường Nguyễn Siêu (phường Bến Nghé, quận 1) vẫn đang được xử lý. Trước đó, sau trận mưa lịch sử vào chiều tối ngày 26/9, hàng nghìn xe máy bị chìm nghỉm trong dòng nước khiến các chủ xe khổ sở, đợi chờ. Tại bãi xe, các xe dường như ngập trắng trong nước, một vài chiếc lô nhô cặp kính chiếu hậu.

Đây chỉ là một ví dụ với rất nhiều bãi gửi xe máy, ô tô ở Tp HCM bị rơi vào tình trạng này.

Rất nhiều xe ở bãi giữ xe bị ngập nước (Ảnh Nguyễn Tuấn)

Vậy, hàng nghìn xe máy, ô tô chìm trong nước tại các bãi gửi xe, ai là người chịu trách nhiệm? Có thể coi là trường hợp bất khả kháng trong luật không? Để giải đáp những băn khoăn của người dân, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với các luật sư về vấn đề này. Dưới đây là bài trả lời của luật sư Trần Minh Hùng, Văn phòng luật sư Gia Đình (Đoàn luật sư Tp HCM).

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn luật sư Tp HCM

Thưa luật sư, ngày hôm qua, Tp HCM chỉ trong một trận mưa gây ngập kinh hoàng. Những hình ảnh xót xa với hàng nghìn xe máy, ô tô tại các bãi gửi giữ xe bị chìm trong nước. Nhiều người sẽ đặt câu hỏi ai phải "chịu thiệt" trong câu chuyện này?

 

Nếu ở các bãi giữ xe thì theo tôi giữa chủ sở hữu xe và bên giữ xe đã có một thỏa thuận gửi xe. Như vậy, nếu có thỏa thuận gửi giữ tài sản thì khi bị hư hỏng thì phát sinh trách nhiệm bồi thường theo quy định. Trách nhiệm ở đây có thể là chủ đầu tư, đơn vị nhận giữ xe, cá nhân, tổ chức bên nhận giữ xe tùy bãi giữ xe đó do ai quản lý, nhận thầu, làm chủ... giữa các bên phát sinh trách nhiệm theo hợp đồng gửi giữ tài sản theo như quy định tại điều 559 Bộ luật dân sự.

Theo quy định của pháp luật thì trách nhiệm của người nhận trông giữ xe sẽ như thế nào?

Theo quy định tại Điều 562 Bộ luật dân sự 2005 quy định về nghĩa vụ của bên giữ tài sản như sau:

Bên giữ tài sản có các nghĩa vụ sau đây:  Bảo quản tài sản như đã thoả thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ; Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản, nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi; Báo kịp thời bằng văn bản cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí; Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì bên giữ xe phải chịu trách nhiệm bồi thường các thiệt hại cho bên gửi xe khi để xảy ra hư hỏng xe.

Có thể coi việc ngập do triều cường là trường hợp bất khả kháng để miễn trừ trách nhiệm được không?

Theo tôi việc mưa và ngập xảy ra thường xuyên ở TP.HCM nên không thể cho đây là trường hợp bất khả kháng để miễn trừ trách nhiệm. Khi xây dựng bãi giữ xe, bên giữ xe bắt buộc phải biết trường hợp TP.HCM thường xuyên ngập để có các biện pháp chống ngập cho bãi giữ xe và trường hợp này là khắc phục được chứ không phải bất khả kháng, thực tế có nhiều bãi giữ xe xây dựng, thiết kế không bao giờ ngập được. Theo quy định tại điều 161 Bộ luật dân sự hiện hành quy định về trường hợp bất khả kháng như sau:

 "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ dân sự của mình".

Do vậy, trường hợp ngập do mưa, triều cường không phải là trường hợp bất khả kháng theo quy định trên để được miễn trừ trách nhiệm.

Vậy theo luật sư nên xử lý thế nào, ai là người có trách nhiệm chính trong trường hợp này?

Tùy mỗi bãi giữ xe mà bên giữ xe có thể là chủ đầu tư, bên nhận thầu, bên thuê lại. Cần xác định bên giữ xe là bên nào thì lúc này mới xác định được trách nhiệm bồi thường. Vấn đề này cũng không khó chủ sở hữu tài sản chỉ cần xem trên giấy gửi giữ xe, hợp đồng gửi giữ xe sẽ xác định bên giữ xe là ai.

Tôi cho rằng những người gửi xe bị thiệt hại nên khởi kiện yêu cầu bên giữ xe phải bồi thường các thiệt hại cho mình theo như quy định trên. Chủ sở hữu xe khi xe bị hư hỏng có thể mời ủy ban phường, cơ quan liên quan, thừa phát lại để lập vi bằng là xe bị hư hỏng vì bị ngập nước nơi bãi giữ xe... để làm bằng chứng khởi kiện cho mình.

 
Cảm ơn luật sư!
........................................................................................................................................................

 

Hồng Chuyên (thực hiện)

Nguồn: báo điện tử infonet

Link báo đầy đủ tại: http://infonet.vn/hang-nghin-xe-may-o-to-chim-nghim-o-bai-trong-giu-xe-ai-boi-thuong-ai-post210067.info

Người phụ nữ sống lề đường 16 năm kêu cứu

16:36 21/09/2016

(Pháp luật) - Do bị anh trai lấy căn nhà thừa kế nên bà quý phải ra đường mưu sinh. Suốt 16 năm ròng, bà kêu cứu đòi lại công bằng cho mình nhưng không có kết quả. Hiện cuộc sống của bà quý hết sức khốn cùng.

Do bị anh trai lấy căn nhà thừa kế nên bà quý phải ra đường mưu sinh. Suốt 16 năm ròng, bà kêu cứu đòi lại công bằng cho mình nhưng không có kết quả. Hiện cuộc sống của bà quý hết sức khốn cùng.

Ngày 31/8, báo Phụ Nữ tiếp nhận đơn kêu cứu của bà Trần Thị Quý (SN 1963, ngụ P.Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM) về việc bị anh ruột chiếm căn nhà do cha mẹ để lại, khiến 16 năm qua bà phải sống ngoài đường.

Theo trình bày của bà Quý, năm anh em bà sống chung với bố mẹ trong căn nhà mặt tiền diện tích 124,6m2 trên đường Nguyễn Văn Quá (KP.1, P.Đông Hưng Thuận, Q.12). Về sau các anh em bà lập gia đình và ở riêng, chỉ còn bà ở lại phụng dưỡng cha mẹ già. Đến năm 1988, cha mẹ bà Quý lần lượt qua đời, để lại căn nhà cho bà đứng tên làm chủ hộ.

Sau đó , đột nhiên anh trai bà là ông Trần Văn H. (SN 1960) về xin bảo lãnh cho nhập hộ khẩu vào sống chung, bà Quý đồng ý: “Lúc trước ông H. trốn nghĩa vụ quân sự, đi tỉnh khác sống, nên bị cắt hộ khẩu. Tôi nghĩ có anh em sống gần gũi với nhau là điều hạnh phúc nên đồng ý”.

Nguoi phu nu song le duong 16 nam keu cuu
Bà Quý trình bày sự việc với phóng viên

Theo lời kể của bà Quý, khi gia đình anh trai về sống chung nhà thì xảy ra mâu thuẫn. Do công việc mưu sinh, bà Quý và chồng thường ở ngoài đường, rất ít khi về nhà. Tuy nhiên, cứ mỗi lần về nhà, chị dâu (vợ ông H.) lại tìm cách chửi bới, gây khó dễ. Người chị này còn đối xử không tốt với hai con trai của bà Quý nên bà chán nản.

Đến năm 2013, cảm thấy không thể ở cùng chị dâu, bà Quý dọn ra ngoài sinh sống. Sống lây lất ngoài đường hai năm, bà Quý muốn quay về lại căn nhà mình đứng tên chủ hộ, nhưng ông H. không cho bà vào nhà. Bà đã nhờ chính quyền địa phương can thiệp, nhưng nhiều lần khiếu nại vẫn không có kết quả.

Bà Quý làm đơn kiện “chia tài sản chung” ra TAND Q.12. Sau nhiều ngày thấp thỏm chờ đợi, bà Quý vui mừng nhận được quyết định xét xử của tòa án. Tuy nhiên, ngay sau đó, tòa quyết định đình chỉ vụ án. Bà Quý cho biết: “Khi tôi đến dự xét xử thì phiên tòa không diễn ra như dự định. Ông thẩm phán gọi tôi vào phòng và bảo tôi ký vào đơn bãi nại thì sẽ được 6m2 đất trong ngôi nhà. Khi tôi hỏi vị trí đất ở đâu thì ông thẩm phán cho biết là phần đất tôi được chia nằm ở phía sau gần nhà vệ sinh. Khi được chia đất phải bỏ tiền mua lối đi riêng… Thấy việc chia như vậy là bất công nên tôi không đồng ý ký vào đơn bãi nại. Liền sau đó thẩm phán lại ra quyết định đình chỉ vụ án”.

Bà Quý kháng cáo lên TAND TP.HCM. Tuy nhiên, 10 ngày sau bà nhận được thông báo với nội dung, tòa phúc thẩm đồng ý với quyết định đình chỉ vụ án của TAND Q.12 vì thời hiệu khởi kiện đã hết. Được biết, sau phán quyết của tòa án (năm 2009) ông H. đã đến UBND Q.12 đăng ký và được cấ p giấy chứng nhận quyền sử dụng đất căn nhà nói trên. Bà Quý tiếp tục gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng để xin cứu xét.

Tuy nhiên, từ đó đến nay vụ việc của bà vẫn chưa có hồi âm. Theo luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình - Đoàn Luật sư TP.HCM), điều 645 Bộ luật Dân sự quy định thời hiệu khởi kiện để yêu cầu chia tài sản thừa kế là 10 năm. Như vậy, cha mẹ bà Quý chết năm 1998 mà hơn 10 năm sau bà Quý mới đi kiện là đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế.

Tuy nhiên, trong đơn kiện bà Quý không kiện về chia thừa kế mà kiện chia tài sản chung, nên việc tòa án đình chỉ vụ án vì hết thời hiệu khởi kiện là không có cơ sở. “Tại điểm 2.4 điều 2 mục I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán TANDTC thì “trường hợp hết thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế nêu trên nhưng nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại nghị quyết thì di sản đó sẽ trở thành tài sản chung của các đồng thừa kế”.

Như vậy, nếu bà Quý đủ điều kiện chia tài sản chung được quy định tại Nghị quyết số 02 và khởi kiện chia tài sản chung thì tòa án phải giải quyết theo quy định. Chỉ có thời hiệu khởi kiện để yêu cầu chia di sản thừa kế chứ không có thời hiệu yêu cầu chia tài sản chung”, luật sư Hùng cho hay.

Cũng theo luật sư Hùng, việc UBND Q.12 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông H. là trái quy định của pháp luật, xâm hại đến lợi ích của các đồng thừa kế. Bà Quý có quyền làm đơn yêu cầu UBND Q.12 thu hồi và hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì nhà đất trên là do cha mẹ để lại chưa chia, ông H. không có quyền xin giấy chứng nhận khi chưa làm thủ tục thừa kế và chưa được các bên thừa kế đồng ý.

Sơn Vinh

Nguồn: báo phụ nữ tphcm

link nguồn: http://www.phunuonline.com.vn/xa-hoi/phap-luat/nguoi-phu-nu-song-le-duong-16-nam-keu-cuu-83498/

Lập "hụi ma" lừa 16 tỷ của dân nghèo

06:15 21/09/2016

Bằng cách dựng nên “hụi ma”, bà Trúc đã lôi kéo được 54 người dân ở địa phương tham gia với số tiền lên đến 16 tỷ đồng nhưng đến nay, bà này vẫn ung dung sống ngoài vòng pháp luật… 

Trót tham gia vào đường dây “hụi ma” của bà Trúc, 54 người dân ở P.Tân Bình, TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương hiện đang lâm vào cảnh khốn đốn: có người tán gia bại sản, mẹ chết không có tiền làm đám tang; có người thì bị người thân hắt hủi… dù số tiền bà Trúc chiếm đoạt của 54 người dân lên đến hơn 16 tỷ đồng nhưng đến nay, bà này vẫn ung dung sống ngoài vòng pháp luật…

Khóc ròng

Sáng 20/9, sau khi nhận được thông báo của Công an TX.Dĩ An rằng nội dung 54 người dân tố giác bà Nguyễn Ngọc Trúc (SN 1973) và ông Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1975) là tranh chấp dân sự, không có dấu hiệu phạm tội... hàng chục người dân bị lừa bởi đường dây “hụi ma” của vợ chồng bà Trúc đã gọi điện cầu cứu báo Phụ Nữ TP.HCM.

Trong hoàn cảnh khốn cùng, nhiều người cho biết, họ quá túng quẫn và mất lòng tin với cách giải quyết vụ việc của cơ quan chức năng. Trong tiếng nấc nghẹn, bà Nguyễn Thị Thắm (SN 1960, ngụ P.Tân Bình, TX.Dĩ An) kể, bà sống bằng nghề chăn nuôi heo. Cần cù tích góp, đến năm 2012, bà dành dụm được vài trăm triệu đồng để sau này an dưỡng tuổi già.

Trong thời gian này, bà Trúc thường xuyên lui tới nhà và rủ rê bà Thắm tham gia đường dây hụi của bà ta để kiếm tiền lời hàng tháng. Đến tháng 6/2012, bà Thắm đã mang tổng cộng 645 triệu đồng tham gia vào đường dây hụi của bà Trúc.

Bà Thắm cho hay: “Bà Trúc lập đến 100 dây hụi với rất đông người tham gia, nhưng ngay từ đầu, bà ấy đã bộc lộ rõ ý đồ chiếm đoạt tiền của chúng tôi. Bà Trúc ghi hàng loạt tên giả vào dây hụi để hàng tháng mở hụi; đến ngày khui hụi thì bà Trúc viết giấy ghi tên của những “hụi viên ma” này bỏ trước vào dây hụi để họ bắt (nhận) hụi trước, các hụi viên đến sau như chúng tôi không thể nào bắt được hụi”.

Lap
Đại diện 54 người dân trong đường dây “hụi ma” đến Công an TX.Dĩ An nhận thông báo kết luận vụ việc

Bằng cách dựng nên “hụi ma” như trên, bà Trúc đã lôi kéo được 54 người dân ở địa phương tham gia với số tiền lên đến 16 tỷ đồng. Đến tháng 1/2014, khi nhiều người dân đến nhà bà Trúc đòi tiền hụi thì bà này tuyên bố đã vỡ hụi và không có tiền chi trả. Đến khi người dân trình báo vụ việc lên cơ quan chức năng yêu cầu can thiệp thì bà Trúc tìm cách tẩu tán tài sản cho người thân của chồng mình.

Theo bà Thắm, khi vụ việc được đưa ra chính quyền địa phương thì bà Trúc hứa sẽ bán nhà đất để trả nợ. Sau đó, bà Trúc có ra UBND P.Tân Bình để làm “giấy xác nhận tình trạng bất động sản để thế chấp vay vốn”. Tuy nhiên, sau đó vợ chồng bà Trúc lại tẩy xóa giấy tờ này, chuyển thành “giấy xác nhận tình trạng bất động sản để sang nhượng”.

Từ giấy tờ tẩy xóa này, bà Trúc đã sang nhượng toàn bộ nhà đất cho ông Võ Văn Tân (ngụ TX.Dĩ An). Được biết, giữa ông Tân và chồng của bà Trúc có quan hệ anh em nên việc sang tên như trên khiến nhiều người đặt nghi vấn là bà Trúc đã tẩu tán tài sản.

Bức xúc trước việc làm của Trúc, những nạn nhân trong đường dây “hụi ma” đã làm đơn khởi kiện vợ chồng bà này ra TAND TX.Dĩ An. Tại bản án số 48/2014/DS-ST, tòa án đã buộc vợ chồng bà Trúc trả lại tài sản cho các bị hại. Tuy nhiên, đến khi bản án có hiệu lực thì Chi cục Thi hành án dân sự TX.Dĩ An không thể thi hành án vì vợ chồng bà Trúc không còn tài sản.

Tan nát gia đình vì "hụi ma"

Được biết, nhiều người dân địa phương đã bán đất, cầm cố tài sản... để tham gia vào đường dây hụi của bà Trúc với nguyện vọng có thêm chút tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, đến nay, toàn bộ số tiền trên đã mất trắng khiến họ vô cùng khốn đốn.

Tiếp xúc với chúng tôi, anh Phạm Văn Cang (SN 1972, ngụ P.Tân Bình) cho biết, gia đình anh thuộc diện khó khăn ở địa phương. Thời gian trước, để có tiền lo cho con ăn học và nuôi mẹ già bị nằm liệt một chỗ, anh phải bán một miếng đất. Trong thời gian này, Trúc thường xuyên lui tới rủ anh tham gia vào đường dây hụi và mượn toàn bộ số tiền 447 triệu đồng mà anh bán đất và dành dụm được.

Anh Cang cho hay: “Lúc mượn tiền, bà Trúc hứa là trong một năm sẽ trả tiền cho tôi; do chỗ quen thân nên tôi đồng ý cho mượn. Nhưng đến hẹn, bà Trúc tìm nhiều cách quỵt tiền”. Cũng theo anh Cang, trong những năm cho mượn tiền và tham gia vào đường dây hụi của bà Trúc, kinh tế gia đình anh trở nên rất khốn đốn.

Năm ngoái, khi mẹ anh qua đời, anh có đến nhà bà Trúc yêu cầu bà này trả lại tiền để anh mai táng cho mẹ nhưng bà Trúc vẫn nhất quyết không trả. “Tôi phải đi mượn tiền để mai táng cho mẹ. Đến nay, tiền mượn không đòi được, lại thêm một khoản nợ không biết khi nào trả nổi. Hiện gia đình tôi vô cùng khốn khổ, tôi không biết tới đây có đủ tiền lo cho con đi học không nữa” - anh Cang nghẹn ngào.

Còn bà Nguyễn Thị Bảy (SN 1969, ngụ P.Tân Bình), do tin tưởng cho bà Trúc mượn tiền nên cho đến nay gia đình bà lâm vào cảnh xào xáo, vợ chồng ly thân, không nhìn mặt nhau. Theo bà Bảy, bà và bà Trúc là hàng xóm với nhau nên hai gia đình hay qua lại trò chuyện.

Nhiều lần, bà Trúc tâm sự với bà là đang cần một số tiền để xây biệt thự, nhà nghỉ để làm tăng giá trị căn nhà, sau đó bán lại nên nhờ bà Bảy cho vay. Tin tưởng bà Trúc, bà Bảy đã lén chồng lấy toàn bộ số tiền trong nhà và đi cầm giấy tờ đất vay mượn bên ngoài số tiền 1 tỷ 914 triệu đồng đưa cho bà Trúc mượn.

Tuy nhiên, sau đó bà Trúc thất hứa, không trả tiền khiến bà Bảy lâm vào cảnh khốn đốn. “Sau khi biết chuyện, chồng tôi phải bán đất để chuộc giấy tờ nhà và trả số nợ mà tôi đã mượn của người ta. Sau lần đó đến nay, vợ chồng tôi như sống ly thân với nhau, chồng tôi vì quá giận mà không nhìn mặt tôi nữa. Gia đình tôi tan nát cũng chỉ vì bà Trúc, nhưng hiện nay bà Trúc vẫn sống xa hoa, đầy đủ nhờ vào số tiền mồ hôi nước mắt của chúng tôi. Nhiều lần thấy bà Trúc chạy ô tô, váy đầm đi du lịch, nghỉ dưỡng mà tôi ứa nước mắt”.

Giống như bà Bảy, bà Tống Thị Trang (SN 1963, ngụ P.Tân Bình) cũng gom góp tiền của mình và các con với tổng cộng hơn 776 triệu đồng tham gia vào đường dây hụi của bà Trúc. Đến khi vỡ nợ, cả gia đình bà khốn đốn, bà Trang không dám nhìn mặt con vì đã trót giao toàn bộ tài sản của các con dành dụm được cho Trúc.

54 người dân ở P.Tân Bình nằm trong đường dây “hụi ma” của vợ chồng bà Trúc hầu hết đều là người dân lao động, có hoàn cảnh khó khăn, do tin lời dụ dỗ của bà Trúc nên đã đi vay mượn, cầm cố tài sản tham gia vào đường dây “hụi ma”. Đến nay, cuộc sống của họ rất khốn khổ.

Tuy nhiên, theo người dân địa phương, hiện tại Trúc đang ở trong một căn biệt thự lớn, sống hết sức xa hoa. Khi người dân đến đòi tiền và dọa sẽ trình báo công an về hành vi lừa đảo của mình thì bà Trúc lớn tiếng thách thức.

Chỉ là tranh chấp dân sự?

Sau khi lực lượng thi hành án của TX.Dĩ An “bất lực”, những người dân bị bà Trúc lừa đã làm đơn tố cáo hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” qua hình thức chơi hụi lên Công an tỉnh Bình Dương.

Sau đó, ngày 6/8/2015, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã có văn bản chuyển đơn tố giác đến Công an TX.Dĩ An để đơn vị này thụ lý, giải quyết. Mãi cho đến ngày 20/9/2016, Cơ quan CSĐT Công an TX.Dĩ An mới gửi cho người dân “phiếu thông báo và chỉ dẫn” kết luận: nội dung đơn tố giác (do bà Nguyễn Thị Thắm đại diện đứng đơn) đối với bà Trúc là tranh chấp dân sự, không có dấu hiệu phạm tội.

Ngoài ra, Cơ quan CSĐT cũng kết luận, việc bà Trúc sửa chữa đơn xác nhận của UBND P.Tân Bình từ “vay vốn ngân hàng” thành “sang nhượng” để chuyển nhượng đất cho ông Tân không cấu thành tội phạm. Công an đề nghị bà Thắm tiếp tục khởi kiện ra TAND TX.Dĩ An để hủy hợp đồng chuyển nhượng.

Để làm rõ thêm một số tình tiết của bảng thông báo này, cùng ngày, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Công an TX.Dĩ An nhưng đại diện đơn vị này cho biết là đang đi vắng và sẽ trả lời sau.

Liên quan đến vụ việc, ông Đặng Văn Năm, Chủ tịch UBND P.Tân Bình cho biết: “Việc vợ chồng bà Trúc nợ tiền của người dân địa phương diễn ra từ vài năm nay. Trước đây, địa phương cũng đã đem vụ việc ra hòa giải nhưng vợ chồng bà Trúc nợ rất nhiều tiền của người dân và không có khả năng chi trả. Hiện tại, vụ việc đang được công an và tòa án giải quyết”.

Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình (TP.HCM) khẳng định, Công an TX.Dĩ An cho rằng việc tranh chấp giữa những người cho vay với bà Trúc là tranh chấp dân sự là chưa thỏa đáng.

Vì việc chơi hụi là một giao dịch dân sự mà pháp luật cho phép, nhưng thực tế, bà Trúc dùng thủ đoạn gian dối ngay từ đầu để cố ý chiếm đoạt tài sản người khác bằng cách ghi khống số người vào dây hụi, ghi hàng loạt tên giả vào dây hụi để hàng tháng mở hụi. Khi đến ngày khui hụi thì bà Trúc viết giấy ghi tên của những người giả này bỏ trước để họ “bắt hụi” trước.

Bằng cách dựng nên “hụi ma” này, bà Trúc đã chiếm đoạt một số tiền lớn rồi tuyên bố vỡ hụi. Hành vi này theo tôi đã có dấu hiệu của tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điều 140 Bộ luật Hình sự. Hình phạt của tội này thấp nhất là ba tháng tù và cao nhất đến chung thân.

Cũng theo luật sư Hùng, việc chơi hụi cần minh bạch và công khai giữa các hụi viên; khi chủ hụi có hành vi lừa đảo để chiếm đoạt hụi của hội viên thì nên nghiêm khắc xử lý về mặt hình sự.

Luật sư Hùng cũng nhắn nhủ người dân: “Khi tham gia hụi, các thành viên cần tìm hiểu kỹ về nhau và tìm hiểu về uy tín, khả năng tài chính của chủ hụi cũng như các hụi viên để tránh bị lừa dối. Khi tham gia dây hụi, nên lập văn bản rõ ràng, có chữ ký của các bên và cần có quy định cụ thể trong từng dây hụi, quyền và nghĩa vụ, nguyên tắc hốt hụi... để bảo đảm quyền lợi cho mình”.

Sơn Vinh

Nguồn: Báo phụ nữ TPHCM

Link báo: http://www.phunuonline.com.vn/xa-hoi/tin-tuc/lap-hui-ma-lua-16-ty-cua-dan-ngheo-83426/

 

Xem link báo tuổi trẻ và clip theo link bên dưới

http://tv.tuoitre.vn/tin-moi/20160919/nem-bom-xang-vao-doan-cuong-che-ca-gia-dinh-lanh-an/22942.html

 
 
TIN MỚI19/09/2016

Ném bom xăng vào đoàn cưỡng chế, cả gia đình lãnh án

Sáng 19-9-2016, TAND tỉnh Đồng Tháp đã mở phiên tòa xét xử 3 bị cáo Nguyễn Thị Chúc cùng Nguyễn Văn Cứng là chồng bị cáo Chúc và Nguyễn Văn Lem là con bị cáo Chúc, ở xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp về hành vi Chống người thi hành công vụ.

Trao đổi với PV Luật sư Trần Minh Hùng – Công ty Luật Gia đình cho hay, trước khi Trịnh Xuân Thanh trốn thì chưa có quyết định, bản án hay văn bản nào ban hành tuyên Trịnh Xuân Thanh có tội hay vi phạm pháp luật hình sự. Đồng thời cũng chưa có bất kỳ quyết định nào cấm xuất cảnh đối với ông Thanh và cũng chưa có quyết định nào của cơ quan có thẩm quyền cấm ông Thanh xuất cảnh nên ngăn chận ông Thanh xuất cảnh là điều không khả thi và không phù hợp pháp luật.

Ngoài ra, cho đến lúc này chưa biết chính xác ông Thanh trốn ở đâu, ở nước ngoài hay tại Việt nam, còn sống hay đã chết và nếu trốn nước ngoài thì bằng con đường nào nên rất khó để quy trách nhiệm cho cơ quan công an.

Về việc thu hồi tài sản của Trịnh Xuân Thanh, Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng năm 2003 mà Việt Nam đã phê chuẩn ngày 3.7.2009 có quy định về công tác phòng, chống tội phạm, hình sự hóa tội phạm tham nhũng; thu hồi tài sản bị thất thoát….đã có quy định cụ thể nên nếu ông Thanh có tẩu tán sài sản bất hợp pháp ra nước ngoài vẫn có thể bị thu hồi.

Ngoài ra, căn cứ vào các Hiệp định Tương trợ tư pháp giữa Việt nam và nước sở tại (nếu có) thì việc thu hồi sẽ càng bảo đảm đúng quy định và xác suất thu hồi được tài sản là rất cao. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản là việc không hề đơn giản và khó khăn do vướng mắc thủ tục cũng như quy định nước sở tại và pháp luật Việt nam cũng như pháp luật quốc tế.

Link báo đầy đủ: http://tuoitre24h.vn/soc-ly-dac-biet-giup-trinh-xuan-thanh-dao-tau-toan.html

Vụ CSGT cẩu cả xe lẫn nữ tài xế: Việc khởi kiện là bình thường và văn minh!

"Việc khởi kiện là bình thường và văn minh. Tuy nhiên, thời gian và công sức bỏ ra để kiện tụng và tính khả thi của vụ kiện làm cho nhiều người đắn đo, lưỡng lự" - Ls Trần Minh Hùng nhận định.

Theo các báo, sáng 13/9, chị Hà lái ôtô 7 chỗ trên quốc lộ 51. Đến ngã ba Tân Cang, thuộc xã Phước Tân, TP Biên Hòa (Đồng Nai), xe này vượt đèn vàng.

Lúc này, tổ CSGT thuộc Trạm kiểm soát giao thông Ngã 3 Thái Lan ra hiệu lệnh dừng xe để báo lỗi. Sau đó, chị Hà cho ôtô bỏ chạy khiến CSGT phải dùng xe đặc chủng truy đuổi.

Chạy được 2 km, nữ tài xế cho xe rẽ vào công ty bên quốc lộ 51 (địa bàn xã Tam Phước, Biên Hòa) và bị lực lượng áp sát. Tại đây, giữa chị và lực lượng chức năng bất đồng quan điểm dẫn đến sự việc lùm xùm.

Đến 9h cùng ngày, nhà chức trách buộc phải cẩu xe vi phạm cùng tài xế Hà (ngồi trong xe) về trạm xử lý.

Theo lực lượng chức năng, nữ tài xế không chấp hành tín hiệu giao thông (vượt đèn vàng), không chấp hành hiệu lệnh CSGT, không xuất trình được giấy tờ xe, không mang bảo hiểm xe, không mang bằng lái, không có đăng kiểm xe.

Tuy nhiên, trả lời báo chí mới đây, chị Hà cho rằng CSGT đã xử phạt không chính xác và tuyên bố sẽ khiếu nại và kiện những CSGT này.

Để góp một góc nhìn về pháp luật, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Minh Hùng, Hãng luật Gia Đình (Đoàn luật sư Tp HCM) về vấn đề này.

 Thưa luật sư, theo dõi vụ nữ đại gia ngồi trên xe trong lúc CSGT cẩu xe ô tô mà họ cho là vi phạm về trụ sở, luật sư có suy nghĩ gì?

 Dù chưa biết sự việc cụ thể này thế nào, ai đúng ai sai nhưng khi đọc được những thông tin này tôi cảm thấy có gì đó cả 02 bên đều có những hành vi quá mức cần thiết và trông rất phản cảm. Một bên có thể vì cố thủ cứ ngồi sẵn trong xe còn một bên có thể vì thấy người kia ngồi trong xe vận động không được nên cẩu cả xe và người. Tôi có cảm nghĩ như các bên không ai nghe ai và giải quyết vụ việc theo trình tự pháp luật mà mạnh ai người đó làm.

 Hiện nay, trên báo chí chị Hà tuyên bố sẽ kiện CSGT. Liệu đây có phải là vụ việc đình đám đầu tiên mà người vi phạm tuyên bố kiện CSGTkhông, thưa luật sư?

 Việc khiếu nại các quyết định của Cơ quan hành chính mà cụ thể là Cảnh sát giao thông tôi nghĩ không phải ít mà thực tế đã có khiếu nại nhiều về các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người dân tùy từng hành vi khác nhau. Tuy nhiên, việc khởi kiện các quyết định hành chính thì ít vì nhiều lý do như mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực vi phạm giao thông không nhiều so với công sức bỏ ra đi kiện nên nhiều người dân cũng ít khi kiện tụng trong khi việc kiện tụng hành chính rất nhiêu khê, khó khăn. Còn việc tuyên bố kiện tụng về mặt hành chính theo tôi cũng nhiều người tuyên bố như thế nhưng sau đó thấy được sự gian nan kiện tụng nên họ cũng bỏ cuộc.

 Có ý kiến cho rằng việc kiện quyết định hành chính là bình thường và văn minh, luật sư nghĩ sao?

 Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này, việc khởi kiện là bình thường và văn minh. Tuy nhiên, thời gian và công sức bỏ ra để kiện tụng và tính khả thi của vụ kiện làm cho nhiều người đắn đo, lưỡng lự. Tâm lý chung của người dân là ngại đụng chạm và va chạm cơ quan nhà nước huống gì kiện hành chính là kiện các tổ chức, cá nhân cơ quan nhà nước nên người dân cũng có tâm lý e ngại.

 Vậy thủ tục sẽ như thế nào, thưa luật sư?

 Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình, người khiếu nại có quyền khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính, cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính. 

Luật sư đánh giá gì về kết quả vụ kiện nếu nó diễn ra?

 Do tôi chưa có chứng cứ, hình ảnh, video, người làm chứng vụ việc này nên chưa thể đưa ra tính khả thi và kết quả của vụ kiện.

Tuy nhiên, nếu vụ kiện được diễn ra thì tôi cho rằng đây cũng là vụ kiện bình thường như bao vụ kiện hành chính khác.

Người bị xử phạt cho rằng mình bị oan, bị xâm phạm quyền lợi thì được quyền khiếu nại, khởi kiện để được pháp luật bảo vệ khi thấy mình có căn cứ và đầy đủ chứng cứ đó cũng là quan điểm tiến bộ và thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Việc khiếu nại, khởi kiện khi có căn cứ cũng để thể hiện không phải lúc nào cơ quan hành chính cũng thực hiện đúng hành vi của mình.

Xin cảm ơn luật sư!

Hồng Chuyên (thực hiện)

Nguồn: infonet

Link báo: http://infonet.vn/infonet-post209183.info

Giới Thiệu Luật Sư Trần Minh Hùng

link s75  

Với phương châm đặt chữ "Tâm" của nghề lên hàng đầu, chúng tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào sự công bằng và bảo vệ công lý cho xã hội. Là hãng luật uy tín thường xuyên tư vấn luật trên HTV, VTV, THVL, ANTV, VTC, SCTV, TH Cần Thơ, Đồng Nai và trên các tờ báo uy tín... Chúng tôi chuyên tư vấn, bào chữa cho khách hàng, thân chủ trên mọi lĩnh vực đất đai, thừa kế, hình sự, doanh nghiệp, ly hôn, công nợ, lao động, hợp đồng....

 

                                   LS TRẦN MINH HÙNG 


Hotline:0972238006