LS Trần Minh Hùng Tư Vấn Về Lưu Ý Khi Đặt Cọc Mua Bán Nhà Đất
Làm sao để bảo đảm đặt cọc khi mua bán nhà đất an toàn?
Theo quy định tại Điều 358 Bộ luật Dân sự năm 2005, hợp đồng đặt cọc chỉ cần lập thành văn bản phù hợp với quy định của pháp luật là đã có hiệu lực pháp luật mà không cần bắt buộc phải công chứng.
Vì vậy, để hạn chế rủi ro khi ký hợp đồng đặt cọc mua bán nhà, trước hết Ông/Bà cần kiểm tra tình trạng pháp lý của căn nhà, cụ thể là căn nhà có đủ điều kiện để bán hay không.
Theo đó, căn cứ Điều 91 và Điều 92 Luật Nhà ở năm 2005, nhà ở tham gia giao dịch mua bán, chuyển nhượng phải có đủ các điều kiện sau đây:
Có giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở theo quy định của pháp luật;
Không có tranh chấp về quyền sở hữu;
Không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bên bán nhà ở phải là chủ sở hữu nhà ở hoặc người đại diện theo quy định của pháp luật về dân sự và có năng lực hành vi dân sự.
Ông/Bà nên yêu cầu người bán cung cấp đầy đủ bản sao (có công chứng mới nhất) của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của ngôi nhà nêu trên cùng hộ khẩu, chứng minh nhân dân của người bán (của cả vợ chồng nếu người bán đã có vợ, chồng), đồng thời, đến UBND cấp xã nơi có đất yêu cầu cung cấp các thông tin về nhà ở như nêu trên để kiểm tra điều kiện nhà ở bán trước khi đặt cọc.
Khi đặt cọc, Ông/Bà cần phải lập hợp đồng đặt cọc, trong đó quy định rõ trách nhiệm của bên bán nếu vi phạm, yêu cầu bên bán trả lại tiền đặt cọc và một khoản tiền tương đương số tiền đặt cọc (hoặc một số tiền lớn hơn) ngay lập tức trong trường hợp bên bán không thực hiện đúng cam kết.
Tốt nhất nên nhờ các luật sư tư vấn và soạn các loại hợp đồng này nhằm bảo đảm quyền lợi các bên.
Trân trọng.