“Bỗng nhiên” thành… Giám đốc!
Chị Võ Thị H.O (sinh năm 1992, thường trú quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) cho biết, sau hơn 20 ngày làm đủ các loại giấy tờ gửi các cơ quan chức năng, nhưng đến nay chị vẫn không được giải quyết, gỡ bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh của mình.
“Thực sự cho đến giờ, sau khi bỗng dưng trở thành giám đốc của một công ty “ma”, tôi cũng không biết tiếp tục liên hệ cơ quan nào để giải quyết vụ việc của mình”, chị H.O. bày tỏ.

Vụ việc của chị H.O. bắt đầu vào chiều ngày 13/3/2025, khi chuẩn bị lên chuyến bay PN6524 của Hãng hàng không West Air dự kiến xuất cảnh đi Trung Quốc lúc 18h45 thì bị Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lập biên bản về việc tạm hoãn xuất cảnh theo đề nghị của Chi cục Thuế quận 4, TP Hồ Chí Minh. Lý do là vì chị H.O. liên quan đến Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tấn Hoàng Võ (có mã số thuế 0314498139, địa chỉ tại đường Đoàn Văn Bơ, phường 13, quận 4).
“Lúc đó tôi cũng không biết tại sao lại bị tạm hoãn xuất cảnh. Sau đó, tôi được giải thích rằng tôi bị tạm hoãn xuất cảnh theo thông báo của Chi cục Thuế quận 4 do liên quan đến công ty kia. Nhưng trước đó, tôi cũng không nhận được bất kỳ thông báo nào của cơ quan thuế và các đơn vị liên quan; đến tận bây giờ tôi vẫn không biết mình nợ thuế bao nhiêu mà bị tạm hoãn xuất cảnh”, chị H.O. bức xúc kể lại.
Bị tạm hoãn xuất cảnh, mất tiền, lỡ công việc, chị H.O. đã đến Chi cục Thuế quận 4 và các cơ quan liên quan trình bày, kiến nghị nhưng không có kết quả. Trong đó, chị đã đến Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (nay là Sở Tài chính) để trình báo, đề nghị hủy đứng tên người đại diện pháp luật Công ty Tấn Hoàng Võ.
Trong công văn trả lời, Sở này cho biết, Công ty Tấn Hoàng Võ đổi tên người đại diện pháp luật là chị H.O. vào ngày 22/12/2023. Trước đó, công ty này có tên là Công ty TNHH Tư vấn Doanh nghiệp Y & M do 2 người khác thành lập năm 2017. Đồng thời, Sở đề nghị chị H.O. liên hệ Cơ quan Công an có thẩm quyền để xem xét, xử lý nhằm xác định nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo hay không.
“Qua thông tin ngày thành lập doanh nghiệp, tôi không hiểu được vì thời điểm đó chứng minh thư của tôi đã được thu hồi để làm căn cước công dân mới. Tôi đến địa chỉ công ty ghi trên giấy tờ thì thấy đây là công ty “ma”. Sở đã trả lời bằng văn bản, tôi đã liên hệ các cơ quan để trình báo nhưng vẫn chưa được giải quyết”, chị O. cho biết.
Được biết, đến ngày 21/3, Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh đã có công văn gửi Công an thành phố. Theo đó, Sở này cung cấp hồ sơ của Công ty Tấn Hoàng Võ và đơn phản ánh của chị H.O. đề nghị Cơ quan Công an điều tra xác minh việc làm giả mạo hồ sơ để có cơ sở giải quyết kiến nghị của chị H.O… Tuy nhiên, cho đến nay, mọi chuyện vẫn chưa có hồi kết.
Tương tự, bà N.T.T. (sinh năm 1978, giáo viên ở huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) cũng tá hỏa nhận biên bản tạm hoãn xuất cảnh khi ra sân bay làm thủ tục đi du lịch Trung Quốc. Lý do vì bà T. đang đứng tên giám đốc một công ty ở tận TP Đà Nẵng và nợ thuế 64 triệu đồng.
Quá bất ngờ trước sự việc, bà T. trình bày với nhân viên an ninh sân bay rằng bà đang là giáo viên nhưng không được giải quyết. Bà T. được hướng dẫn liên hệ Cục Thuế TP Đà Nẵng để hỏi rõ sự việc.
Sau khi cung cấp mã số thuế cá nhân để kiểm tra, Cục Thuế TP Đà Nẵng cho hay thông tin cá nhân của bà đang đứng tên Giám đốc Công ty HALLE (đường Trung Lương 18, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) và đang nợ thuế. Công ty HALLE có vốn điều lệ 1 tỷ đồng với hai thành viên góp vốn.
Đáng nói, thực tế địa chỉ đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH HALLE trên đường Trung Lương 18 là một ngôi nhà của người dân. Chính vị chủ nhà này cũng bất ngờ vì nhà mình bỗng nhiên biến thành trụ sở công ty.
Và “quy trình” bà T. liên hệ, giải quyết cũng phiền phức tương tự như chị H.O kể trên. Đáng nói, theo lời chia sẻ của bà T., vào tháng 4/2023, bà từng làm mất căn cước công dân và đã trình báo Công an để xin cấp lại. Bà cũng khẳng định chưa hề nhận được bất kỳ thông báo nào về việc nợ thuế trong thời gian qua. Mới đây, nhà trường thực hiện kê khai thuế, quyết toán thuế thu nhập cá nhân cũng không phát hiện việc bà bị nợ thuế…
Anh Ngô Hoàng V. (sinh năm 1988, ngụ phường Hiệp Thành, quận 12) cũng bị mạo danh thành lập công ty. Anh cho biết ngày 8/9/2022, anh nhận nhiều cuộc gọi từ các ngân hàng chào mời “tạo tài khoản ngân hàng số đẹp cho công ty”. Từ đây, anh mới phát hiện mình làm giám đốc, người đại diện pháp luật cho Công ty TNHH Xây dựng - Vận chuyển Vạn Niên (mã số thuế 0317463455, trụ sở đặt tại tòa nhà IPC, quận 7, TP Hồ Chí Minh) dù anh không ủy quyền hay ký bất cứ giấy tờ nào liên quan đến doanh nghiệp này…
Hành trình đi tìm văn bản xác nhận của anh V. ở nhiều cơ quan liên quan kéo dài hơn 1 năm, nhưng đến nay đã có kết quả khi chiều 8/4, Đội Thuế liên huyện quận 7 - Nhà Bè đã có văn bản thông báo hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh đối với anh…
Đăng ký thành lập doanh nghiệp đang quá dễ dàng, sơ sài?
Các trường hợp trên không phải cá biệt bị mạo danh thành lập công ty, mà từng có rất nhiều trường hợp tương tự. Theo Công văn của Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh gửi Công an TP Hồ Chí Minh ngày 24/3/2025, để giải quyết về trường hợp của chị Võ Thị H.O đã kể trên, cơ quan này viện dẫn Điều 4 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định: Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp tự kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo.
Cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của doanh nghiệp xảy ra trước và sau khi đăng ký doanh nghiệp…

Tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP lại quy định: “Cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp nộp thêm hồ sơ hoặc giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và Nghị định này”…
Theo nhận định của Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, những điều khoản kể trên cho thấy hiện nay việc đứng tên thành lập công ty quá dễ dàng, sơ sài, thủ tục nhanh gọn đã tạo điều kiện cho nhiều đối tượng lợi dụng sơ hở pháp luật đã lấy cắp thông tin cá nhân của các nạn nhân để làm giả hồ sơ thành lập công ty, bởi chúng chỉ cần tự kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp...
Hơn nữa, theo quy định hiện hành, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp có thể thực hiện hoàn toàn trực tuyến. Người đăng ký chỉ cần bản scan căn cước công dân, mã số thuế cá nhân và một chữ ký số, tất cả đều có thể dễ dàng làm giả, hoặc mạo danh nếu thông tin cá nhân bị lộ lọt. Hệ thống không yêu cầu gặp mặt đối chiếu trực tiếp, cũng không có bước xác minh sinh trắc học, dẫn tới tình trạng hàng loạt người bỗng trở thành “giám đốc bất đắc dĩ”.
Về mặt pháp lý, người đứng tên doanh nghiệp là người đại diện chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của công ty. Do vậy, chỉ cần kẻ gian điều hành doanh nghiệp để trốn thuế, buôn bán hóa đơn hoặc chiếm đoạt, người bị mạo danh có thể đối diện với các hệ lụy nghiêm trọng, từ cưỡng chế tài sản, cấm xuất cảnh cho đến nguy cơ bị điều tra hình sự.
Trong khi đó, các nạn nhân hầu hết đều có điểm chung là họ không hề hay biết mình bị lợi dụng thông tin cá nhân, có thể từ việc giấy tờ bị mất, cầm cố, hoặc khi nộp hồ sơ online, để các đối tượng xấu dùng thành lập doanh nghiệp “ma”.
Cũng theo Luật sư Trần Minh Hùng, nhiều nạn nhân bị oan đã kêu cứu khắp nơi để gỡ bỏ lệnh tạm hoãn xuất cảnh. Nhưng việc kêu cứu này gặp nhiều khó khăn do hiện nay thủ tục hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh chưa có quy định cụ thể, chưa phân định thẩm quyền cụ thể.
“Tôi cho rằng chỉ cần khi những nạn nhân bị lấy cắp thông tin thành lập công ty, họ yêu cầu cơ quan chức năng giám định chữ ký mà chữ ký không phải của họ và hoặc có các chứng cứ khác cung cấp họ không ký hồ sơ đăng ký thành lập công ty thì cơ quan đăng ký kinh doanh phải thu hồi giấy phép và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền gỡ bỏ lệnh tạm hoãn xuất cảnh. Như vậy sẽ bảo đảm được quyền lợi cho các nạn nhân nhanh chóng và hiệu quả”, luật sư Trần Minh Hùng nêu ý kiến.
Ngoài ra, khi tạm hoãn xuất cảnh một ai đó, cơ quan ra quyết định cũng nên gửi cho người bị tạm hoãn xuất cảnh, liên lạc qua điện thoại, gửi mail cho họ biết để nếu họ cảm thấy là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, làm giả giấy tờ thì họ sẽ liên hệ cơ quan chức năng để khiếu nại, khởi kiện nhằm hủy giấy phép, hủy bỏ lệnh tạm hoãn xuất cảnh… tránh phải đến khi ra sân bay mới biết thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công việc, cuộc sống của họ.
Theo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh (hiện là Chi cục Thuế khu vực 2), quy định về tạm hoãn xuất cảnh thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, người nộp thuế thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm thông báo cho cơ quan quản lý xuất cảnh, nhập cảnh về cá nhân, người nộp thuế.
Và trước khi có thông báo cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để tạm hoãn xuất cảnh thì cơ quan thuế đã có thông báo đến tận nơi và có hồi báo, tiến hành các biện pháp cưỡng chế. Do đó, theo quy định thì chỉ cần nợ thuế cho dù nợ số thuế ít hay nhiều nếu vi phạm không chấp hành thì sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.
Với những trường hợp bỗng nhiên trở thành giám đốc doanh nghiệp như trên, cơ quan thuế, cơ quan hải quan sẽ phối hợp với lực lượng chức năng vào cuộc xác minh. Nếu cơ quan chức năng xác định trường hợp bị giả mạo thông tin, cá nhân đó sẽ được gỡ đề xuất tạm hoãn nhập cảnh, đồng thời cơ quan chức năng sẽ truy cứu trách nhiệm đối với người người giả mạo để lập hồ sơ doanh nghiệp…
Theo luật sư Trần Minh Hùng, những vụ việc trên cũng đặt ra nghi vấn về bảo mật thông tin cũng như việc cấp giấy phép kinh doanh mà không xác minh thực tế. Để phòng tránh việc bị mạo danh, người dân cần thực hiện các biện pháp bảo mật thông tin cá nhân chặt chẽ.
Trước hết, người dân nên kiểm tra thông tin cá nhân trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để kịp thời phát hiện nếu bị đăng ký làm đại diện pháp luật trái phép. Đồng thời, cần hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân như căn cước công dân, địa chỉ, số điện thoại trên mạng xã hội hoặc các nền tảng không tin cậy.
Khi cung cấp giấy tờ tùy thân để vay vốn, đăng ký dịch vụ, cần yêu cầu đơn vị tiếp nhận cam kết bảo mật thông tin. Ngoài ra, việc giám sát lịch sử tín dụng cá nhân trên các trang thông tin tín dụng quốc gia cũng góp phần giúp phát hiện sớm các giao dịch bất thường.
Bên cạnh đó, người dân cũng cần cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn lạ yêu cầu cung cấp mã OTP, thông tin cá nhân liên quan đến đăng ký doanh nghiệp hoặc nghĩa vụ thuế mà mình không thực hiện.