Việt Kiều Nhờ Đứng Tên Dùm Nhà Ở Việt Nam Có Kiện Đòi Được Không?
Xin Luật sư cho tôi hỏi là tôi có cho người anh đứng dùm tên căn nhà tại đường Trần Quang Khài, quận 1 giờ tôi muốn kiện đòi lại có được không?
Tôi xem báo chí, đài truyền hình thấy Luật sư Trần Minh Hùng trả lời báo chí, trên đài truyền hình miễn phí nên tôi mạn phép xin hỏi.
Kính mong Qúy luật sư giúp đỡ.
Trân trọng
Chào bạn
Vấn đề bạn hỏi chúng tôi trả lời như sau:
Thứ nhất: Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai:
a. Trong trường hợp thửa đất đang tranh chấp nêu trên đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013.Điều 203 Khoản 1 Luật Đất đai 2013 quy định:
“Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;”
Theo đó, bạn có quyền yêu cầu UBND cấp xã hòa giải. Trong trường hợp UBND cấp xã hòa giải không thành bạn có quyền khởi kiện dân sự tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
b. Trong trường hợp thửa đất đang tranh chấp nêu trên đã không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013. Điều 203 Khoản 2 Luật Đất đai 2013 quy định: “2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;”
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của UBND, Điều 203 Khoản 3 Điểm b quy định: “3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau: b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;”
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án,
Điều 30 Khoản 1 Điểm c Luật Tố tụng hành chính 2010 quy định:
“1. Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Toà án cấp tỉnh) giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:
c) Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó;”
Như vậy, trường hợp thửa đất đang tranh chấp nêu trên nếu không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013, bạn có quyền lựa chọn giải quyết tại UBND Tỉnh hoặc tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Thứ hai : Về đại diện theo ủy quyền
Theo quy định tại khoản 2, Điều 139, Bộ luật Dân sự 2005, thì “Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.”
Theo các điều 142, 143 của Bộ luật Dân sự 2005 quy định như sau:
“Điều 142. Đại diện theo uỷ quyền
1. Đại diện theo uỷ quyền là đại diện được xác lập theo sự uỷ quyền giữa người đại diện và người được đại diện.
2. Hình thức uỷ quyền do các bên thoả thuận, trừ trường hợp pháp luật quy định việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản.
Điều 143. Người đại diện theo uỷ quyền
1. Cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể uỷ quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Như vậy, nếu đáp ứng đủ các điều kiện như bên, em rể của bạn được phép nhận ủy quyền tham gia giải quyết các tranh chấp về đất đai, nhà ở nêu trên
Thứ 3: Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người VN định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Luật Đất Đai 2013 đã mở rộng quyền cho người VN định cư ở nước ngoài. Theo điều 186: Điều 186. Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam
1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này;
b) Chuyển quyền sử dụng đất ở khi bán, tặng cho, để thừa kế, đổi nhà ở cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để ở; tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở cho Nhà nước, cộng đồng dân cư, tặng cho nhà tình nghĩa theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 174 của Luật này. Trường hợp tặng cho, để thừa kế cho đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở;
c) Thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam;
d) Cho thuê, ủy quyền quản lý nhà ở trong thời gian không sử dụng.
3. Trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều này thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định sau đây:
a) Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế được đứng tên là bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; b) Trong trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất thì người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 179 của Luật này và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho;
c) Trong trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính.
Trân trọng cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến hãng luật chúng tôi, nếu chưa hỏi bạn có thể tiếp tục hỏi để chúng tôi tư vấn cụ thể cho bạn hơn.