VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CƠ BẢN DÀNH CHO CHỦ DOANH NGHIỆP VÀ GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH-CEO
05 VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CƠ BẢN DÀNH CHO CHỦ DOANH NGHIỆP VÀ GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH-CEO
Nhiều CEO và chủ doanh nghiệp nghỉ rằng chỉ cần bỏ tiền thuê một luật sư để xử lý mọi công việc pháp lý cho doanh nghiệp là bình an vô sự. Tuy nhiên, không phải lúc nào luật sư cũng ở bên cạnh CEO, chủ doanh nghiệp, luật sư cũng không phải là người ra quyết định thay CEO, chủ doanh nghiệp mà chỉ có thể cố vấn hoặc xử lý những vấn đề pháp lý theo yêu cầu cụ thể của khách hàng. Do vậy, đối với những người start-up (người khởi nghiệp) chưa có điều kiện tài chính tốt, hay những người có ý định thành lập doanh nghiệp và bản thân các CEO và chủ doanh nghiệp cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức pháp lý cơ bản để hạn chế những rủi ro trong kinh doanh và quyết định những vấn đề mang tính chiến lược, quan trọng để đưa doanh nghiệp cất cánh và phát triển.
Vậy những kiến thức pháp lý cơ bản dành cho CEO và chủ doanh nghiệp là gì?
Theo tôi, kiến thức pháp lý cơ bản nói riêng và kiến thức pháp luật nói chung là nhiều vô tận, ngay cả những luật sư, chuyên gia pháp luật hàng đầu cũng chưa chắc nắm hết được. Tuy nhiên, đối với một CEO/chủ doanh nghiệp thì có 05 vấn đề pháp lý sau đây theo tôi là cơ bản, quan trọng và cần thiết nhất bao gồm:
– Nắm được văn bản/tài liệu pháp lý quan trọng và không thể thiếu trong doanh nghiệp mình;
– Nắm vững các quyền và nghĩa vụ của một doanh nghiệp;
– Biết quản lý dòng tiền ra và dòng tiền vào của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
– Nắm được kiến thức pháp lý cơ bản về hợp đồng thương mại liên quan đến ngành nghề, lĩnh vực mà doanh nghiệp mình đang kinh doanh;
– Nắm và xác định được quyền hạn của người quản lý doanh nghiệp và lựa chọn mô hình tổ chức doanh nghiệp phù hợp cho doanh nghiệp mình.
Cụ thể những kiến thức pháp lý cơ bản cho CEO và chủ doanh nghiệp như sau:
THỨ NHẤT:Phải nắm được văn bản/tài liệu pháp lý quan trọng và không thể thiếu trong doanh nghiệp mình
Văn bản/tài liệu pháp lý của doanh nghiệp là thứ không thể thiếu của một doanh nghiêp nhằm xác định tư cách pháp nhân, địa vị pháp lý, tình trạng và hình hài doanh nghiệp. Vì sự quan trọng, nên Luật doanh nghiệp 2020 (tại Điều 11) đã quy định cụ thể những văn bản/tài liệu pháp lý của doanh nghiệp cần phải có và bắt buộc phải lưu giữ tại trụ sở công ty hoặc địa điểm khác được quy định trong Điều lệ công ty, cụ thể là những văn bản/tài liệu pháp lý sau:
– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
– Điều lệ doanh nghiệp;
– Sổ đăng ký thành viên, giấy chứng nhận phần vốn góp (áp dụng cho công ty TNHH từ hai thành viên trở lên, công ty hợp danh) hoặc sổ đăng ký cổ đông, cổ phiếu (áp dụng cho công ty cổ phần); biên bản góp vốn và định giá tài sản (nếu có);
– Các tài liệu pháp lý nội bộ của doanh nghiệp như phiếu biểu quyết, biên bản kiểm phiếu, biên bản họp, nghị quyết của hội đồng thành viên, đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị tùy theo loại hình doanh nghiệp; các quyết định của doanh nghiệp; các quy chế quản lý nội bộ khác của doanh nghiệp tùy theo loại hình doanh nghiệp;
– Các giấy tờ xác nhận quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp như giấy chứng nhận quyền sử dụng, sở hữu bất động sản, quyền sở hữu trí tuệ,…;
– Các giấy phép con, đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ văn bằng…;
– Sổ kế toán, chứng từ kế toán, báo cáo tài chính hằng năm;
– Các văn bản, thông báo, kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gửi đến hoặc làm việc với doanh nghiệp;
– Bản cáo bạch (nếu cóđể phát hành chứng khoán);
– Hợp đồng ký với đối tác và các chứng từ liên quan trong quá trình thực hiện hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ hoặc với khách hàng và đối tác khác (Mục đích là để theo dõi thực hiện hợp đồng, để cung cấp chứng cứ cho Tòa án và các bên có liên quan nhằm giải quyết tranh chấp phát sinh).
Vì vậy, nếu chưa có hoặc có nhưng chưa đầy đủ thì doanh nghiệp phải làm và lưu trữ theo quy định của pháp luật nêu trên.
Việc duy trì và lưu giữ những văn bản/tài liệu pháp lý nêu trên là vô cùng quan trọng để thực hiện nhiều mục đích khác nhau cho doanh nghiệp, ví dụ như để vay vốn ngân hàng, để nộp cho cơ quan nhà nước, Tòa án khi bị kiểm tra, thanh tra và tranh chấp (nếu có); để có cơ sở nâng cao giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp; để chứng minh doanh nghiệp kinh doanh minh bạch; và cuối cùng là để doanh nghiệp được định giá cao và bán được giá tốt (nếu muốn bán).
THỨ HAI:Nắm vững các quyền và nghĩa vụ của một doanh nghiệp
Luật doanh nghiệp 2020 có quy định rất cụ thể quyền của doanh nghiệp (Điều 7) và nghĩa vụ của doanh nghiệp (Điều 8); Khi nắm được quyền thì chủ doanh nghiệp, CEO thoát khỏi tâm lý lo sợ trong kinh doanh, mạnh dạn và chủ động hơn trong việc điều hành kinh doanh.
Theo đó,doanh nghiệp có các Quyền cơ bản gồm: Tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm;Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh;Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn;Tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng;Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu;Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động;Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh; được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ;Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp;Từ chối yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật;Khiếu nại, tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật;Quyền khác theo quy định của pháp luật.
Vì là quyền, nên doanh nghiệp muốn thực hiện hay không thực hiện là quyền của doanh nghiệp, không thực hiện quyền thì cũng không ảnh hưởng gì đến việc kinh doanh.
Tuy nhiên, đối vớiNghĩa vụcủa doanh nghiệpthì chỉ cần doanh nghiệp không thực hiện, không tuân thủ thì trước sau gì cũng gặp rủi ro, thậm chí là rủi ro rất lớn và ảnh hướng tới sự sống còn của doanh nghiệp và mất rất nhiều thời gian và tiền bạc để giải quyết.
Theo đó, Điều 8 Luật doanh nghiệp 2020 quy định các nghĩa vụ của doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện bao gồm:
–Đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
– Thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, báo cáo và nghĩa vụ khác theo quy định của luật doanh nghiệp.
– Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.
– Tổ chức công tác kế toán, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
– Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật; không phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động trong doanh nghiệp; không ngược đãi lao động, cưỡng bức lao động hoặc sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.
– Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Nếu doanh nghiệp chủ quan, lơ là và không thực hiện các nghĩa vụ nêu trên, thì hậu quả về lâu dài mà doanh nghiệp có thể phải nhận là bị thanh tra, kiểm tra, bị xử phạt hành chính, buộc phải khắc phục vi phạm, bị khách hàng/đối tác tẩy chay sản phẩm, dịch vụ, bị kiện tụng, bị mất uy tín, đặc biệt hơn nữa có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự ví dụ như tội trốn thuế, trốn đóng bảo hiểm,…
THỨ BA:Biết quản lý dòng tiền ra và dòng tiền vào của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật
Dòng tiền của doanh nghiệp thể hiện sức khỏe của doanh nghiệp, theo đó dòng tiền gồm có dòng tiền vào (do góp vốn, nhận tiền thanh toán, khai thác hoa lợi từ tài sản,…) và dòng tiền ra (chi phí duy trì doanh nghiệp, chi trả lương, thanh toán cho đối tác, rút vốn,…). Theo đó, dòng tiền vào hoặc ra đều thông qua hai nơi là quỹ tiền mặt và tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp. Chính vì vậy, chủ doanh nghiệp và CEO cần phải có kiến thức kết hợp giữa kiến thức pháp lý và kiến thức tài chính, kế toán cơ bản để có thể quản lý tốt dòng tiền.
Theo đó, để quản lý tốt dòng tiền theo quy định của pháp luật, chủ doanh nghiệp phải nắm được mấy vấn đề sau:
1) Phải minh bạch dòng tiền chi tiêu của doanh nghiệp
Chủ doanh nghiệp bắt buộc phải biết được khoản chi dùng nào là của doanh nghiệp và minh bạch với các khoản chi dùng của cá nhân chủ doanh nghiệp, CEO. Nếu chi dùng cho mục đích của doanh nghiệp thì phải có sự ghi chép đầy đủ, có hóa đơn và chứng từ lưu giữ và hạch toán cụ thể; Nếu không minh bạch và thực hiện đúng sẽ có vướng mắc về kê khai và quyết toán thuế, không được khấu trừ về thuế.
2) Bất kỳ khoản tiền nào vào và ra khỏi doanh nghiệp đều phải có lý do hợp pháp, có đủ hóa đơn, chứng từ và phải hạch toán đúng theo sổ sách kế toán theo quy định của pháp luật
Thông thường các chủ doanh nghiệp và CEO sẽ không gặp khó khăn trong việc kiểm soát và quản lý dòng tiền vào. Tuy nhiên, liên quan đến các khoản tiền ra và việc chi tiêu như thế nào là hợp lý và để được khấu trừ thuế TNDN thì không phải chủ doanh nghiệp/CEO nào cũng biết và thực hiện đúng luật.
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 9 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, Luật thuế sửa đổi và Khoản 1 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
– Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; khoản chi cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp; khoản chi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
– Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật;
– Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT)khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong đó, khoản chi thực tế được hiểu là chi tiền lương hợp lý, chi phí khấu hao hợp lý, chi phí thuê nhà/văn phòng hợp lý, chi phí công tác phí hợp lý, chi phí khác cho người lao động hợp lý, chi phí lãi vay, chi phí tài trợ, chi phí phòng chống bệnh tật, an ninh quốc phòng,….
3) Theo quy định trên, thì số tiền thanh toán từng lần từ 20.000.000 đồng trở lên phải thanh toán không dùng tiền mặt và phải có hóa đơn GTGT và hóa đơn bán hàng thì mới hợp lệ, trừ trường hợp bên dưới
4) Một số khoản thanh toán trên 20.000.000 đồng, không thể có hóa đơn và có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản những phải lập bảng kê theo mẫu và thực hiện theo hướng dẫn của luật bao gồm:
– Mua hàng hóa là nông sản, hải sản, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra;
– Mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra;
– Mua đất, đá, cát, sỏi của hộ gia đình, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra;
– Mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt;
– Mua đồ dùng, tài sản, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra;
– Mua hàng hóa, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm).
Hiện nay cơ quan thuế và các ngân hàng đã có sự kết nối liên thông với nhau. Thực tế cơ quan thuế không khó để kiểm tra dòng tiền ra và dòng tiền vào của doanh nghiệp nhằm đánh giá việc chấp hành các quy định về thuế của doanh nghiệp. Do vậy, nếu không muốn bị vướng mắc, thì doanh nghiệp chỉ còn cách thực hiện đúng quy định nêu trên của pháp luật.
THỨ TƯ:Nắm được kiến thức pháp lý cơ bản về hợp đồng thương mại liên quan đến ngành nghề, lĩnh vực mà doanh nghiệp mình đang kinh doanh
Là chủ doanh nghiệp hoặc CEO, thì việc tiếp cận và ký kết hợp đồng là một công việc rất thường xuyên, chiếm khá nhiều thời gian và gồm nhiều công đoạn như việc soạn thảo, đàm phán, sửa đổi, ký kết, thực hiện và thanh lý hợp đồng. Vì vậy, chủ doanh nghiệp bắt buộc phải có kiến thức pháp lý cơ bản về hợp đồng nói chung và hợp đồng về lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp đó nói riêng thì mới hạn chế được rủi ro trong kinh doanh.
Có rất nhiều loại hợp đồng khác nhau và mỗi loại hợp đồng khác nhau thì luật điều chỉnh cũng khác nhau, tương ứng với mỗi loại hình kinh doanh khác nhau: Ví dụ, có 02 loại hợp đồng thông dụng nhất là “hợp đồng mua bán” và “hợp đồng dịch vụ”, theo đó Bộ luật dân sự và Luật thương mại là hai luật điều chỉnh chủ yếu của hai loại hợp đồng này, tương ứng với loại hình kinh doanh của các doanh nghiệp làm thương mại và dịch vụ. Một số hợp đồng khác như hợp đồng xây dựng, hợp đồng về bất động sản, hay hợp đồng bảo hiểm,… thì đều có luật chuyên ngành điều chỉnh cụ thể.
Những vấn đề pháp lý cơ bản về hợp đồng bao gồm:
*Nắm và hiểu rõ đối tác ký hợp đồng với mình là ai?
Để không bị lừa hoặc bị lợi dụng thì việc đầu tiên cần làm là kiểm tra tư cách pháp lý của đối tác bằng cách tìm hiểu thông tin về chủ thể, đối tác mà mình sẽ ký hợp đồng. Theo đó, đối với cá nhân bắt buộc phải xem CMND/CCCD. Đối với pháp nhân thì phải xem giấy phép đăng ký thành lập, địa chỉ, số điện thoại, email, website, vốn điều lệ, người đại diện theo pháp luật, ngành nghề kinh doanh, …. Mục đích của việc tìm hiểu là để xác định người ký, người thực hiện và người chịu trách nhiệm là ai trong hợp đồng sẽ ký với công ty mình.
* Khi ký hợp đồng thì phải đảm bảo hợp đồng mình đặt bút ký không bị vô hiệu
Theo đó, để không bị vô hiệu thì hợp đồng phải có đủ 03 điều kiện căn cứ Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 là:
– Chủ thể tham gia hợp đồng phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với hợp đồng được xác lập;
Nghĩa là chủ thể tham gia hợp đồng là cá nhân thì phải còn sống, đủ tuổi, nhận thức bình thường và không bị mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự (không bị điên, tâm thần); là tổ chức thì phải được thành lập hợp pháp, có tư cách pháp nhân, đang tồn tại và hoạt động bình thường.
– Chủ thể tham gia hợp đồng hoàn toàn tự nguyện;
Tức các bên tham gia hợp đồng phải tự nguyện không bị ép buộc, không bị lừa dối, de dọa,..;
– Mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;
Điều cấm của luậtlà những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.Đạo đức xã hộilà những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
Ngoài ra, tùy vào loại hợp đồng mà pháp luật quy định phải tuân theo hình thức nhất định như phải lập thành văn bản, phải được công chứng hoặc chứng thực.
Chủ doanh nghiệp/CEO phải tự đánh giá và nắm được các căn cứ nêu trên để đảm bảo hợp đồng khi ký không bị vô hiệu. Còn nếu khi ký mà hợp đồng vô hiệu thì hợp đồng đó sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm hợp đồng được ký. Do đó việc ký và thực hiện một hợp đồng vô hiệu sẽ tiềm ẩn rủi ro pháp lý rất lớn cho doanh nghiệp.
* Phải nắm được vấn đề mấu chốt của hợp đồng trước khi ký
Mấu chốt của hợp đồng thường là vấn đề thương mại liên quan đến giá cả, tiền hoặc việc chuyển giao tài sản liên quan đến việc kinh doanh của mình.
* Phải nắm rõ được quyền và có khả năng thực hiện được nghĩa vụ của mình trong mỗi hợp đồng khi ký
Thông thường, trong hợp đồng quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia, nếu không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình trong hợp đồng thì tranh chấp sẽ xảy ra và công việc kinh doanh gặp rủi ro, doanh nghiệp mất uy tín.
*Phải lường trước được các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng
Rủi ro trong việc thực hiện hợp đồng rất đa dạng, có thể là do bất khả kháng, trở ngại khách quan, do một bên không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng, do thay đổi chính sách, pháp luật, thiên tai,… Mục đích của việc thấy trước các rủi ro này nhằm để các bên thỏa thuận và ràng buộc cụ thể trong hợp đồng nhằm hạn chế tối đa rủi ro phát sinh nếu có.
*Khi doanh nghiệp thường xuyên sử dụng một mẫu hợp đồng để ký với nhiều khách hàng/đối tác khác nhau, thì nên nhờ luật sư soạn một hợp đồng mẫu cho doanh nghiệp, và sẽ thống nhất áp dụng mẫu này trong doanh nghiệp mình nhằm hạn chế tối đa rủi ro.
THỨ NĂM:Nắm và xác định được quyền hạn của người quản lý doanh nghiệp và lựa chọn mô hình tổ chức doanh nghiệp phù hợp cho doanh nghiệp mình
Về mô hình tổ chức doanh nghiệp, quyền hạn của người quản lý doanh nghiệp đã được luật doanh nghiệp quy định cụ thể. Tuy nhiên, luật doanh nghiệp cũng cho phép chủ doanh nghiệp tự đặt ra và xây dựng mô hình tổ chức doanh nghiệp, quyền hạn của người quản lý doanh nghiệp theo ý muốn của chủ doanh nghiệp, miễn là không trái với luật doanh nghiệp. Theo đó, tùy vào nhu cầu và loại hình doanh nghiệp (gồmdoanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên, từ hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh) mà chủ doanh nghiệp có thể xây dựng mô hình tổ chức doanh nghiệp và xác định quyền hạn của người quản lý doanh nghiệp cho phù hợp cho doanh nghiệp của mình và phù hợp với pháp luật.
Có bốn vấn đề cơ bản về phần này mà một CEO và chủ doanh nghiệp phải nắm bao gồm:
1) Biết được chủ sở hữu doanh nghiệp là những ai?
Chủ sở hữu doanh nghiệp được hiểu ngắn ngọn là những người bỏ vốn ra và thực hiện việc đăng ký thành lập doanh nghiệp nhằm đầu tư kinh doanh, bao gồm: Các cổ đông đối với công ty cổ phần; thành viên góp vốn đối với công ty TNHH từ hai thành viên trở lên; chủ sở hữu công ty đối với công ty TNHH một thành viên; chủ doanh nghiệp tư nhân; thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh. Theo đó, quyền năng của chủ doanh nghiệp là quyền tối cao nhất trong doanh nghiệp, có vai trò quyết định lớn nhất trong doanh nghiệp.
2) Người quản lý doanh nghiệp là những ai?
Tùy vào loại hình doanh nghiệp, mà luật doanh nghiệp đã quy định cụ thể về người quản lý doanh nghiệp gồm: Chủ doanh nghiệp tư nhân; thành viên hợp danh; chủ tịch Hội đồng thành viên; thành viên Hội đồng thành viên; chủ tịch công ty; chủ tịch Hội đồng quản trị; thành viên Hội đồng quản trị; giám đốc hoặc tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty. Quyền hạn của những người quản lý doanh nghiệp đã được luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty quy định.
3) Về lựa chọn mô hình tổ chức doanh nghiệp
Tùy vào loại hình doanh nghiệp muốn thành lập, mà chủ doanh nghiệp có thể lựa chọn mô hình doanh nghiệp cụ thể như sau:
* Doanh nghiệp tư nhân gồm có: Chủ doanh nghiệp tư nhân (là người đại diện theo pháp luật); giám đốc quản lý được thuê (nếu muốn) và chức vụ khác (nếu có);
* Công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu có thể chọn một trong hai mô hình bao gồm có:a)Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên;b)Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên.
* Công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu gồm có: Chủ tịch công ty kiêm nhiệm giám đốc hoặc tổng giám đốc hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, chức vụ khác thì theo nhu cầu.
* Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lêngồm có: Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát; trường hợp có ít hơn 11 thành viên, có thể thành lập Ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị công ty. Quyền, nghĩa vụ, tiêu chuẩn, điều kiện và chế độ làm việc của Ban kiểm soát, Trưởng Ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định.
* Đối với công ty cổ phần gồmcó: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát.
* Đối với công ty hợp danh gồmcó: Hội đồng thành viên bầu một thành viên hợp danh làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, đồng thời kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty nếu Điều lệ công ty không có quy định khác.
Ngoài những chức danh được quy định theo mô hình hoạt động như trên theo luật doanh nghiẹp, chủ doanh nghiệp có quyền đặt ra những chức danh khác phù hợp với nhu cầu hoạt động của công ty nhưphó giám đốc, phó tổng giám đốc, trưởng phòng,giám đốc lĩnh vực nhưgiám đốc tài chính, giám đốc marketing,giám đốc nhân sự,… tùy theo nhu cầu của doanh nghiệp.
4) Xác định và xây dựng quyền hạn cụ thể
Việc lựa chọn mô hình hoạt động, xây dựng các chức danh như trên phải gắn với quyền hạn và nghĩa vụ theo luật doanh nghiệp quy định. Trường hợp luật doanh nghiệp không quy định, thì chủ sở hữu công ty có quyền quyết định bằng văn bản để xác định và xây dựng quyền hạn cụ thể cho mỗi chức danh, vị trí trong doanh nghiệp của mình. Do vậy, việc phân cấp, phân quyền trong công ty nhằm để công ty hoạt động có trật tự, tránh chồng chéo, tránh lạm quyền và gây ra sự quá tải, cồng kềnh trong công ty.
Ví dụ, cùng là ký hợp đồng nhưng có công ty thì tổng giám đốc ký, nhưng công ty khác lại là Chủ tịch hội đồng quản trị ký, công ty khác thì là Phó giám đốc ký, giám đốc kinh doanh ký, trưởng chi nhánh ký, trưởng phòng kinh doanh ký,… Câu hỏi là ai ký thì đúng pháp luật? Theo quy định của pháp luật, người ký có thẩm quyền là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Tuy nhiên, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có thể phân quyền bằng văn bản cụ thể cho người khác hoặc các chức danh khác trong công ty ký thay theo quy định của pháp luật. Muốn biết người đại diện theo pháp luật của một doanh nghiệp là ai? thì có thể tra cứu trên Công thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo website:https://dangkykinhdoanh.gov.vn
Chúng tôi là hãng luật tổng hợp nhiều đội ngũ luật sư giỏi, luật gia, thạc sỹ, chuyên viên, cộng tác viên có trình độ cao, năng lực chuyên môn cao, có kinh nghiệm, kiến thức hiểu biết rộng, kỹ năng tư vấn chuyên nghiệp, đặc biệt có trách nhiệm và đạo đức trong nghề nghiệp. Chúng tôi quan niệm Luật sư là nghề cao quý- cao quý vì nghề luật sư là nghề tìm công bằng và công lý cho xã hội. Luật sư bảo vệ cho những nạn nhân, tội phạm, và những người bị oan sai. Nghề luật sư là nghề rất nguy hiểm và khó khăn dù bào chữa, bảo vệ cho bất kỳ ai thì luật sư luôn gặp nguy hiểm vì sự thù hằn của bên đối lập. Do vậy để làm được luật sư thì phải có tâm, có đạo đức, có tài năng và phải đam mê nghề nghiệp, yêu nghề, chấp nhận có khăn, hy sinh và chấp nhận nguy hiểm. Nếu sợ nguy hiểm, sợ ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống của mình và gia đình thì rất khó hành nghề luật sư đúng nghĩa. Niềm vui của luật sư là khi giải oan được cho thân chủ, giúp được cho thân chủ, đem lại công bằng, công lý cho thân chủ nhằm góp phần đem lại công bằng cho xã hội.
Luật sư Trần Minh Hùng là một trong những luật sư sáng lập văn phòng luật, giàu kinh nghiệm về kiến thức và thực tiễn đã dành nhiều thắng lợi vụ kiện và quan trọng luật sư Hùng luôn coi trọng chữ Tâm của nghề luật sư và trách nhiệm đối với xã hội nên đã được nhiều hãng báo chí, truyền thông, Đài truyền hình, Đài tiếng nói Việt nam phỏng vấn nhiều lĩnh vực quan trọng liên quan đến đời sống. Luật sư Trần Minh Hùng được nhiều hãng truyền thông, báo chí trong nước tin tưởng với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn trên VOV Giao Thông – Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình cáp VTC, Đài truyền hình TP.HCM (HTV), Đài truyền hình Việt Nam (VTV), Truyền hình SCTV, THĐN, Truyền hình Quốc Hội VN, Truyền hình Công an ANTV, Đài truyền hình Vĩnh Long, Đài phát thanh kiên giang, Đài Bình Dương... và các hãng báo chí trên cả nước, được các tổ chức, trường Đại học Luật TP.HCM mời làm giám khảo các cuộc thi Phiên tòa giả định với Đại học cảnh sát, mời làm chuyên gia ý kiến về các sự kiện……là đối tác tư vấn luật của các hãng truyền thông này và luôn mang lại niềm tin cho khách hàng và ghi nhận sự đóng góp của chúng tôi cho xã hội...là luật sư bào chữa, tư vấn cho nhiều vụ án đỉnh điểm, quan trọng báo chí đưa tin, người dân quan tâm như vụ Ngân hàng Navibank liên quan Huyền Như Viettinbank, các vụ Giết Người do mâu thuẫn hát karaoke tại Bình Chánh, Bào chữa chủ tịch Huyện Đông Hòa, Vụ cướp 35 tỷ Long Thành- Dầu Dây, Bào chữa bị cáo Huân không đeo khẩu trang mùa Covit, Vụ Nữ sinh Tân Bình bị cắt tai, bảo vệ cho MC Trấn Thành, Bào chữa, bảo vệ vụ "Bác sĩ khoa rút ống thở", Bảo vệ cho người cho thuê nhà vụ Công ty Thế giới Di Động không trả tiền thuê nhà mùa dịch covid, Tư vấn cho nghệ sĩ Thương Tín, bảo vệ vụ đổ xăng đốt 10 người tại TPHCM, các vụ Hiếp dâm, Dâm ô, Lừa Đảo, cưỡng đoạt, cướp, gây thương tích, tham ô, mua bán ma túy, cố ý làm trái, bào chữa vụ án cựu Cảnh sát Buôn Lậu và các bị cáo kiên quan, bào chữa vụ khai thác cát Cần giờ- Tiền Giang, bào chữa vụ chiếm đoạt tiền công nghệ của nước Úc của bị can về công nghệ, bào chữa vụ Mua bán khẩu trang mùa covid, bào chữa nhiều vụ án ma túy, bào chữa vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn của tổ chức tín dụng... .… và các vụ án khác về dân sự, kinh tế, thừa kế, đất đai, lao động, hành chính, doanh nghiệp.… luôn mang lại niềm tin cho khách hàng cũng như sự đóng góp tích cực sự công bằng, đi tìm công lý không biết mệt mỏi cho xã hội của luật sư chúng tôi..…là hãng luật tư vấn luật cho nhiều công ty Việt Nam và nước ngoài trên cả nước luôn mang lại niềm tin cho khách hàng cũng như sự đóng góp tích cực sự công bằng, đi tìm công lý không biết mệt mỏi cho xã hội của luật sư chúng tôi.
Trân trọng cảm ơn.
ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
VPLS GIA ĐÌNH (Luật sư Thành Phố)