Theo Thông tư số 33/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực từ ngày 5/12 tới đây, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (sổ đỏ) sẽ ghi đầy đủ những thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất.

Trước đó, Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chỉ quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 5: Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi "Hộ ông" (hoặc "Hộ bà"), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số của giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình đã được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT.

Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.

Trường hợp chủ hộ gia đình hay người đại diện khác của hộ gia đình có vợ hoặc chồng cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi cả họ tên, năm sinh của người vợ hoặc chồng đó.

Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên - Môi trường ra đời đã sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT (ngày 19/5/2014), quy định: “Đối với hộ gia đình sử dụng đất thể hiện các thông tin “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình và cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình.

Sau đó ghi thêm “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với… (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)”.

Sự thay đổi này ngay lập tức đã tạo nên nhiều ý kiến trái chiều trong công luận. Xung quanh vấn đề này, PV báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TPHCM.

- Dưới góc nhìn luật pháp, ông có bình luận như thế nào về sự thay đổi này, thưa ông?

Theo tôi, quy định như vậy là không cần thiết bởi việc quy định như vậy chỉ làm phức tạp thêm thủ tục hành chính, rườm rà kéo dài và làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của chủ sử dụng đất.

Hơn nữa, việc thêm tên các thành viên trong gia đình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là bất cập, không thực tế, chưa phù hợp pháp luật và dễ phát sinh tranh chấp.

Theo đó, tài sản được tạo lập bởi cha mẹ. Điều này đã được quy định cụ thể trong Luật Hôn nhân gia đình, Luật Dân sự...Nếu con cái có sự đóng góp thì mới nên đưa vào, nếu không có thì chỉ nên đưa tên cha mẹ. Tài sản của cha mẹ nếu cha mẹ chết thì phát sinh quyền thừa kế đối với các con (nếu có).

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng việc thêm, tên các thành viên trong gia đình theo quy định của Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT là việc làm không cần thiết và sẽ tạo ra nhiều rối ren.

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng việc thêm, tên các thành viên trong gia đình theo quy định của Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT là việc làm không cần thiết và sẽ tạo ra nhiều rối ren.

Tài sản của cha mẹ thì cha mẹ được quyền định đoạt tài sản của mình, việc thêm các thành viên khác vào chỉ làm phát sinh thêm thủ tục nhiêu khê, phiền hà và hạn chế quyền sử dụng của cha mẹ.

Thậm chí nếu đưa tên các con vào trong giấy chứng nhận sẽ phải xác định công sức đóng góp của từng thành viên. Đây là điều không khả thi và không thể làm được vì có nhiều trường hợp các con không có đóng góp thì liệu có ghi vào hay không? Do vậy, không cần phải ghi tên các thành viên trong giấy chứng nhận.

Thêm vào đó, việc thêm tên này còn hạn chế quyền của chủ sử dụng mà pháp luật công nhận. Bởi chủ sử dụng khi muốn chuyển nhượng, chuyển quyền hay thực hiện các quyền đối với thửa đất thì đều phải thông qua các thành viên khác trong khi thực tế các thành viên này không có sự đóng góp gì và đây là điều khó chấp nhận.

- Trên thực tế, Thông tư này được xem là một trong những giải pháp để loại bỏ tình trạng lừa đảo trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Tôi cho rằng lập luận này không khả thi bởi để có thể loại bỏ tình trạng lừa đảo trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì giải pháp quan trọng là cần phải hoàn thiện cơ quan hành chính nhà nước, nâng cao nghiệp vụ và vai trò của cơ quan quản lý đất đai, cơ quan công chứng….

Cơ quan tố tụng và cơ quan điều tra cần hoàn thiện nâng cao vai trò phòng chống tội phạm của mình chứ không thể nói việc thêm tên thành viên gia đình vào sổ đỏ là để loại bỏ tình trạng lừa đảo vì như vậy không khác gì chúng ta thua tội phạm, không có biện pháp chuyên nghiệp phòng chống tội phạm…

- Chỉ còn ít ngày nữa là thông tư này sẽ đi vào thực tế cuộc sống. Ông đánh giá như thế nào về tác động của Thông tư này?

Nếu đi vào cuộc sống sẽ dễ phát sinh tranh chấp liên quan đến Hộ gia đình, tranh chấp liên quan đến việc xác định phần đóng góp của thành viên trong gia đình, gây bất công bằng cho người chủ sử dụng đất đóng góp thật sự vì tài sản chủ yếu là của cha mẹ, nếu con không có công sức thì không thể đứng là thành viên.

Sự thay đổi này cũng làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng của chủ sở hữu dưới mọi hình thức vì làm gì cũng phải thông qua các thành viên và lúc này thủ tục hành chính sẽ thêm phức tạp, kéo dài và hết sức rườm ra. Đó là còn chưa nói đến việc nhiều thành viên trong gia đình chưa đủ 18 tuổi thì việc thêm bớt tên rất nhiều thủ tục và phiền hà cho chính người dân và cơ quan nhà nước.

Hơn nữa, khi ghi các thành viên vào thì nếu việc chuyển nhượng diễn ra cũng dễ phát sinh tranh chấp các thành viên trong gia đình về công sức của từng thành viên mà các bên không thỏa thuận hay không xác định được.

- Xin cảm ơn ông!