Xử lý ra sao với dàn siêu xe liên quan tới vụ Phan Công Khanh lừa đảo?
(Dân trí) - "Nếu cơ quan điều tra nhận thấy việc trả lại dàn siêu xe không làm ảnh hưởng tới quá trình giải quyết vụ án, số phương tiện này sẽ được trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp sau thời gian tạm giữ".
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Phan Công Khanh (tức Khanh Super, SN 1994, ở quận 7, TP.HCM) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Liên quan tới vụ án, Mohamach Da Pha (27 tuổi, nhân viên showroom Khanh Super) bị khởi tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan chức năng, chị L.N.T.H. (32 tuổi, ở TP.HCM) có nhu cầu bán xe McLaren nên nhờ Phan Công Khanh bán hộ. Sau khi nhận xe từ chị H., Khanh giao Mohamach Da Pha đem xe của chị H. đi cầm với giá 2 tỷ đồng. Biết Khanh mang xe đi cầm cố, chị H. làm đơn tố giác tội phạm gửi đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM.
Mở rộng điều tra, công an xác định có nhiều người tới trình báo về việc bị Khanh cùng đồng phạm chiếm đoạt tài sản. Trong đó, anh P. (ở Kiên Giang) tố cáo bị Khanh mượn siêu xe Brabus 800 rồi đem bán lại cho một người đàn ông ở TP.HCM với giá 24,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Khanh còn nợ nhiều người các khoản tiền khác nhau như tiền mua hoa tặng khách hàng khi mua xe, tiền thuê xe cầu, tiền nhôm kính sửa chữa, xây dựng showroom để khai trương.
Quá trình giải quyết tố giác, cơ quan điều tra đã tạm giữ 8 siêu xe liên quan tới các hành vi phạm tội của Khanh và Pha. Theo quy định của pháp luật, những chiếc xe này có thể được xử lý ra sao?
https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/1020/2023/07/25/phancongkhanhsieuxe-1690109115638-1690267068705.jpg 1.5x, https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/1360/2023/07/25/phancongkhanhsieuxe-1690109115638-1690267068705.jpg 2x" data-ll-status="loaded" data-adbro-processed="true" style="cursor:default">Những chiếc xe liên quan đến các "phi vụ" lừa đảo của Phan Công Khanh (Ảnh: Công an cung cấp).
Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, theo Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm; vật là đối tượng của tội phạm; tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Trong vụ án này, 8 chiếc siêu xe được xác định là tài sản liên quan tới các hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Khanh và Pha, là tài sản mang dấu vết tội phạm, có giá trị chứng minh tội phạm và có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án nên được coi là vật chứng trong vụ án. Theo nguyên tắc bảo quản vật chứng, số phương tiện này sau khi bị tạm giữ sẽ được niêm phong, đưa về trụ sở cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra.
Về việc xử lý vật chứng, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định nếu vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy. Nếu vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước còn nếu là vật không có giá trị sử dụng hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu, tiêu hủy.
Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng có các quyền sau: Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng sau đó được xác định không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó; Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án, thi hành án; Bán hoặc tiêu hủy vật chứng thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản và Giao cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật đối với vật chứng là động vật hoang dã, thực vật ngoại lai.
Từ những căn cứ pháp lý trên, luật sư Hùng nhìn nhận trong vụ án liên quan tới Khanh, ngoài 8 chiếc siêu xe, số tiền mà bị can chiếm đoạt được cũng sẽ là vật chứng vụ án. Trước mắt, cơ quan chức năng sẽ tạm giữ số phương tiện nói trên cũng như phong tỏa tài khoản, đóng băng số tiền mà Khanh có được từ hành vi lừa đảo của bản thân.
Trong quá trình điều tra, đối với 8 chiếc siêu xe, cơ quan điều tra sẽ trả lại số tài sản này cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp của phương tiện nếu xét thấy không ảnh hưởng tới việc xử lý vụ án, thi hành án. Còn đối với số tiền mà Khanh chiếm đoạt được, sau khi cơ quan chức năng thu hồi thì sẽ xử lý bằng cách trả lại cho người bị hại hoặc xung công quỹ nếu đó là số tiền bất hợp pháp.
"Trong các vụ án về tội phạm xâm phạm quyền sở hữu, việc thu hồi tài sản là chính sách quan trọng; đặc biệt là các vụ án liên quan đến nhóm tội phạm tham nhũng chức vụ. Trong các vụ án này, phần lớn trách nhiệm dân sự được tòa án tuyên buộc các bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào khi tài sản bị kẻ phạm tội xâm hại cũng thu hồi được. Điều kiện để thu hồi được đó là phải xác định tài sản đó là vật chứng của vụ án hình sự. Có thu hồi được vật chứng thì mới thu hồi được tài sản.
Đối với những tài sản mà người phạm tội đã chiếm đoạt thì buộc người phạm tội phải trả lại cho chủ sở hữu; hoặc người quản lý hợp pháp khi tài sản đó còn nguyên giá trị. Trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản thì sung công quỹ Nhà nước.
Trong trường hợp tài sản mà người phạm tội đã chiếm đoạt và sử dụng hoặc tiêu thụ hoặc gây hư hỏng thì người phạm tội phải sửa chữa phục hồi; hoặc bồi thường cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp theo quy định của pháp luật", luật sư Hùng bình luận.
Hoàng Diệu
LS TRẦN MINH HÙNG