LS Trần Minh Hùng tư vấn luật trên đài bình dương

An Lộc                             

PHÁT THANH TRỰC TIẾP TƯ VẤN PHÁP LUẬT
NGÀY 22/9/2023
CHỦ ĐỀ: TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Khách mời: LS TRẦN MINH HÙNG – ĐOÀN LS TP.HCM
Logo chương trình.
An Lộc mến chào quý vị và các bạn đang nghe chương trình Tư vấn pháp luật trực tiếp, chương trình này do Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương phối hợp với Đài PT-TH Bình Dương thực hiện. Được phát sóng trên tần số Fm 92,5 Mhz vào lúc 9 giờ 10 phút đến 10 giờ - thứ sáu hàng tuần.
Thưa quý vị! Thời gian qua, mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên thông tin, cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn, vụ án liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, vì nhẹ dạ cả tin, ham lời, nhiều người vẫn bị mắc lừa. Tội phạm ừa đảo chiếm đoạt tài sản hoạt động trong tất cả các lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, xuất khẩu lao động, làm giả con dấu, giấy tờ, tài liệu liên quan đến quyền sở hữu tài sản để cầm cố, thế chấp, mua bán nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, các đối tượng đã lợi dụng không gian mạng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản với phương thức tinh vi, đa dạng về cách tiếp cận nạn nhân…
Thưa quý vị! Trong chương trình Tư Vấn Pháp Luật hôm nay, với sự tham gia của LS Trần Minh Hùng– Đoàn LS TP.HCM chúng tôi sẽ trả lời tất cả những câu hỏi liên quan đến tội Lừa đảo chiếm đoạn tài sản… Ngay từ bây giờ, quý thính giả có thể gọi đến số 0274 – 3836.246 để được LS Trần Minh Hùng– Đoàn LS TP.HCM tư vấn, giải đáp những câu hỏi cho quý vị.
………….
Còn bây giờ sẽ là phần dành cho thính giả tham gia câu hỏi “Tìm hiểu về pháp luật”  để nhận 2 thẻ cào điện thoại, mỗi thẻ trị giá 100 ngàn đồng dành cho 2 thính giả trả lời đúng được chúng tôi lựa chọn ngẫu nhiên.

Câu hỏi tuần này là: Người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng đã trả lại tài sản hoặc đã bồi thường và người bị hại rút đơn kiện thì có bị khởi tố không?

  • Đáp án A: Có            (Đáp án đúng)
  • Đáp án B: Không    

Quý vị hãy nhanh tay gọi về số điện thoại 0274 – 3826.833 để tham gia nhé. Thính giả trúng thưởng, An Lộc sẽ công bố vào cuối chương trình. Xin được nhắc lại  số điện thoại để tham gia phần tìm hiểu về pháp luật đó là 0274 – 3826.833.
CHÀO ĐẦU

  1. Thưa LS, tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở nước ta diễn ra khá phức tạp. Theo LS thì trong những năm gần đây hoạt động của tội phạm này có gì khác trước?

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là sự bùng nổ của các nền tảng ứng dụng số, mạng xã hội, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng tăng nhanh cả về số vụ, tính chất và mức độ nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tài sản, bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống của nhân dân. Theo báo cáo của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong năm 2022, các lực lượng chức năng đã xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến và 12.935 vụ việc lừa đảo trực tuyến với 02 hình thức lừa đảo chính: Lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24,4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%). Có thể thấy rằng, tội phạm sử dụng công nghệ cao nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng đang diễn biến phức tạp với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt gây khó khăn trong quá trình phát hiện, đấu tranh phòng ngừa tội phạm này của các cơ quan chức năng.

  1. Lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản có chiều hướng gia tăng. Theo LS thì vì sao ngành chức năng, báo chí đã cảnh báo rất nhiều nhưng vẫn còn nhiều người bị lừa, thậm chí là lừa với số tiển rất lớn?

Thời gian qua, không ít người dân đã bị lừa đảo bởi tội phạm công nghệ cao thông qua nhiều thủ đoạn tinh vi. Để ngăn chặn tình trạng này, lực lượng chức năng đã và đang đẩy mạnh công tác đấu tranh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mỗi người dân cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng, tránh bị “sập bẫy” của kẻ xấu.
Đây là thủ đoạn lợi dụng công nghệ kỹ thuật cao để thực hiện hành vi lừa đảo. Tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện bằng hình thức cố ý sử dụng tri thức, kỹ năng, công cụ, phương tiện công nghệ thông tin ở trình độ cao tác động trái pháp luật đến thông tin số được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống máy tính, xâm phạm đến trật tự an toàn thông tin, gây tổn hại lợi ích của Nhà nước, quyền và các lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Với phương thức lừa đảo trên, tội phạm thực hiện hành vi lừa đảo nhanh chóng và khi bị phát hiện thì ít để lại dấu vết.
Ngoài ra, một phần nguyên nhân còn là do người dân vẫn chưa được cập nhật đầy đủ và sớm về các hình thức lừa đảo. Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, Cục An toàn thông tin cho rằng, việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số một cách bền vững.
Tội phạm công nghệ được huấn luyện, tố chức phạm tội cá nhân ở nước ngoài, đánh vào tâm lý lòng tham, đánh bắt tâm lý bị nạn….ăn cắp thông tin cá nhân…..làm cho việc điều tra tuy tìm khó…..

  1. Câu hỏi dự phòng: Chào luật sư.. Em có tìm hiểu trên mạng về một trang page tư vấn vay tiền. Và em bị lừa số tiền 38 triệu em muốn hỏi nếu em muốn kiện họ thì em phải cần những gì. Và có điều kiện như thế nào để đâm đơn kiện ạ ?

Trước thực trạng các vụ lừa đảo vay tiền qua app ngày càng phức tạp cả về thủ đoạn và số vụ lừa đảo, Bộ Công an đã đưa ra khuyến cáo người dân cần tìm hiểu xem app vay tiền đó thuộc sở hữu của công ty nào, có đầy đủ các thông tin gồm: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả,…). Sau đó, cần tìm hiểu xem lãi suất cho vay có nằm trong giới hạn quy định của Bộ luật Dân sự (không quá 20%/năm) không? App vay tiền có yêu cầu khách hàng phải cho phép truy cập vào danh bạ, truy cập tài khoản mạng xã hội của mình hay có yêu cầu phải đóng phí bảo hiểm hay không?... Ngoài ra, trong quá trình đăng ký vay, không thực hiện vay trên nhiều app khác nhau.
Khi không may trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo vay tiền qua app hoặc khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn, giải quyết kịp thời.
Theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2017, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm gồm:
- Cơ quan điều tra;
- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
- Viện kiểm sát các cấp;
- Các cơ quan, tổ chức khác: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.
Như vậy, khi bị lừa đảo hoặc nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay đến một trong các cơ quan nêu trên để được giải quyết kịp thời.

  1. Tội phạm lừa đảo qua không gian mạng có nhiều phương thức tinh vi, đa dạng về cách tiếp cận nạn nhân, vậy thì LS có cảnh giác đến người dân?

Để phòng tránh rủi ro, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân luôn đề cao cảnh giác và nhận biết một số dấu hiệu lừa đảo của các đối tượng. Đồng thời thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội. Không nên chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số thẻ ngân hàng, mã OTP, không chuyển tiền cho người khác khi chưa xác thực.  Theo đó, người dân cần hết sức cảnh giác, khi phát hiện các dấu hiệu, thông tin liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần kịp thời thông báo cho cơ quan công an gần nhất hoặc gọi điện thoại về đường dây nóng của Công an.
Đồng thời, khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. Trước những thông tin không nên vội vàng chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của các đối tượng mà trao đổi với người thân, bạn bè và thông báo ngay với lực lượng công an gần nhất để chủ động phòng ngừa, đấu tranh…
Ngoài ra, nạn nhân có thể gọi đến đường dây nóng của cơ quan Công an để tố giác tội phạm:
- Đối với người dân tại TP. Hồ Chí Minh: Số đường dây nóng là 08.3864.0508
- Công an Thành phố Hà Nội khuyến cáo người dùng internet có thể trực tiếp gửi các đường link, tình huống lừa đảo trực tuyến hoặc nghi ngờ là lừa đảo đến địa chỉ:
+ Đường dây nóng 113 và trang Facebook của Công an thành phố Hà Nội, địa chỉ: https://www.facebook.com/ConganThuDo;
+ Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053;
+ Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam: https://canhbao.ncsc.gov.vn./#!/
Thưa quý vị! Việc cập nhật những thông tin mới nhất về hành vi lừa đảo chiếm đoạt là một trong những điều cần thiết. Đây là hành vi phạm tội đáng bị xã hội bởi không chỉ gây tổn thất cho nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự xã hội. Nhưng trong trường hợp người bị hại đã nhận được bồi thường rút đơn kiện thì người phạm tội có bị khởi tố không? Trước khi tiếp tục câu hỏi với LS Trần Minh Hùng – Đoàn LS TP.HCM, mời quý vị nghe tiểu phẩm ngắn sau nhé.
TIỂU PHẨM.

  1. Thưa LS, việc bị chính người quen lừa xảy ra khá phổ biến… và trong tiểu phẩm mà chúng ta nghe thì người mẹ rất lo lắng vì con trai mình bị khởi tố. Nhưng có thắc mắc là vì sao đã bồi thường đủ số tiền con trai mình lừa và người bị lừa cũng đã rút đơn kiện nhưng vì sao con trai chị vẫn bị khởi tố?

Theo Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2021) thì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không được liệt kê vào các tội khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Vì vậy, dù người phạm tội đã trả hết số tiền cho người bị hại và bị hại đã rút đơn kiện nhưng cơ quan điều tra vẫn sẽ tiến hành khởi tố theo đúng quy định về tố tụng hình sự.

  1. Trong tiểu phẩm thì 2 nhân vật có nhắc đến tình tiết giảm nhẹ. Vậy với yội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng được quy định như thế nào?

Căn cứ Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau:
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.
Việc đã trả hết số tiền chiếm đoạt cho bị hại và được bị hại rút đơn kiện là hành vi tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả nên đây được xem là tình tiết giảm nhẹ trong vụ án hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Như vậy, tùy vào các yếu tố nhân thân, sự hối lỗi về hành vi, bị cáo thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ được xem xét gỡ tội, làm nhẹ tội. Ngoài ra, khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án
Theo khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như sau:
“Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
d) Phạm tội có tính chất côn đồ;
l) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
2. Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.”
Theo quy định nêu trên thì tuỳ thuộc vào tình hình hồ sơ vụ án để xác định những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

  1. Tài sản mà người hàng xóm bị lừa là 1 cái xe máy trị giá 50 triệu, vậy nếu bị khởi tố thì mức hình phạt được quy định như thế nào?

 Căn cứ  khoản 2, điều 174 BLHS quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
Do đó, trường hợp này có thể bị khởi tố khung 2 với mức hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

  1. Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì số tiền lừa đảo bao nhiêu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Theo quy định trên, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2.000.000 đồng là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác dưới 2.000.000 đồng thuộc một trong các trường hợp sau thì cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội sau chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
+ Tội cướp tài sản
+ Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
+ Tội cưỡng đoạt tài sản
+ Tội cướp giật tài sản
+ Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
+ Tội trộm cắp tài sản
+ Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
+ Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

Còn bây giờ sẽ là phần dành cho thính giả tham gia câu hỏi “Tìm hiểu về pháp luật”  để nhận 2 thẻ cào điện thoại, mỗi thẻ trị giá 100 ngàn đồng dành cho 2 thính giả trả lời đúng được chúng tôi lựa chọn ngẫu nhiên.
Câu hỏi tuần này là: Người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng đã trả lại tài sản hoặc đã bồi thường và người bị hại rút đơn kiện thì có bị khởi tố không?

  • Đáp án A: Có            (Đáp án đúng)
  • Đáp án B: Không    

Quý vị hãy nhanh tay gọi về số điện thoại 0274 – 3826.833 để tham gia nhé. Thính giả trúng thưởng, An Lộc sẽ công bố vào cuối chương trình. Xin được nhắc lại  số điện thoại để tham gia phần tìm hiểu về pháp luật đó là 0274 – 3826.833.

  • Câu hỏi dự phòng: Tôi có thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị A với tổng giá trị là 750 triệu đồng. Sau khi thực hiện hành vi, tôi bị cơ quan công an bắt giữ. Sau khi bị bắt, tôi đã hoàn trả toàn bộ số tiền tôi đã chiếm đoạt và bà A cũng đã rút đơn không yêu cầu khởi tố tôi nữa. Vậy trong trường hợp trên, tôi có phải đi tù không? Xin cảm ơn!

Theo Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2021) thì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không được liệt kê vào các tội khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Vì vậy, dù người phạm tội đã trả hết số tiền cho người bị hại và bị hại đã rút đơn kiện nhưng cơ quan điều tra vẫn sẽ tiến hành khởi tố theo đúng quy định về tố tụng hình sự.

  1. Mẹ tôi có giao dịch về việc mua đất rẫy giá 700 triệu đồng, vì tin tưởng chỗ quen biết cô T nên hai bên đã thiết lập hợp đồng (có giấy tờ viết tay) như sau: Cô T bán đất với giá 700 triệu đồng, hai bên đã xem đất chốt giá, sau đó Cô T đề nghị mẹ tôi đưa tiền cọc 200 triệu đồng hẹn 1 tuần sẽ giao sổ đỏ đất và mẹ tôi sẽ đưa đủ tiền khi giao xong giấy tờ đất. Nhưng ngay ngày hôm sau cô T đã đến nhà và đòi đưa thêm 300 triệu đồng để lấy sổ đỏ ra do sổ đỏ đó bị cô T đem thế chấp vay ngân hàng, sự việc vỡ lở mẹ tôi đã đi tìm hiểu nguồn gốc đất đó, được biết là đất đó là của chủ khác chỉ là cô T xiết nợ và chiếm đoạt luôn đất và cùng sổ đỏ. Sau đó cô T có nhiều hành vi mập mờ muốn lừa đảo chiếm đoạt luôn số tiền của mẹ tôi, vì sổ đỏ đó là sổ đỏ mang tên Cô T chỉ là giả mạo để lừa đảo. sau này mẹ tôi biết được có thêm hai người cũng bị lừa đảo mua bán rẫy lấy tiền cọc và không giao đất, y như mẹ tôi, có nghĩa là (trên cùng 1 mảnh đất, hành vi đã thực hiện lại 3 lần với 3 chủ khác nhau để lừa đảo chiếm đoạt tài sản). Nhờ LS tư vấn cho trường hợp của tôi?

Trong trường hợp này, theo thông tin bạn cung cấp, cô T đã làm giả sổ đỏ nhằm lừa dối mẹ bạn để mẹ bạn mua mảnh đất. Mẹ bạn đã đồng ý mua và đưa cho cô T 200 triệu tiền đặt cọc. Như vậy, hành vi của cô T đã cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Số tiền cô T lừa đảo chiếm, chiếm đoạt của mẹ bạn là 200 triệu đồng. Do đó, cô T có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 điều 174 BLHS với mức phạt là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

  1. Thời hạn khởi tố đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là bao nhiêu ngày?

 Theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau::
“Điều 147. Thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:
a) Quyết định khởi tố vụ án hình sự;
b) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
c) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
2. Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.
Chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh quy định tại khoản này, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.”
Như vậy, khi có tố giác của mẹ bạn, cơ quan điều tra có nghĩa vụ kiểm tra, xác minh nguồn tin để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác. Trong trường hợp vụ việc phức tạp cần nhiều thời gian thì thời hạn để ra quyết định khởi tố hay không có thể kéo dài hơn, nhưng không được quá 2 tháng. Khi cơ quan điều tra ra quyết định về việc giải quyết  tố giác, mẹ bạn sẽ được thông báo về kết quả giải quyết.

  1. Trong trường hợp nếu người lừa đảo không chịu hầu tòa và trốn nghĩa vụ phải trả cho người bị hại  thì sẽ xét xử ra sao? 

Trong trường hợp vụ án được đưa ra xét xử tại tòa, căn cứ theo quy định tại Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:
“Điều 290. Sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa
1. Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.
Nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.
2. Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp:
a) Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả;
b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;
c) Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận;
d) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử...”
Do đó, khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì cô T phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án, nếu vắng mặt không có lý do chính đáng sẽ bị áp giải, nếu vắng mặt có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa, nếu cô T trốn tránh thì sẽ bị truy nã và vụ án bị tạm đình chỉ. Trường hợp cô T bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo khác thì vụ án sẽ được tạm đình chỉ cho đến khi cô T khỏi bệnh. Tòa án có thể xét xử vắng mặt cô T trong trường hợp cô T trốn tránh và việc truy nã không có kết quả; cô T đang ở nước ngoài và không thể về triệu đập đến phiên tòa được; sự văng mặt của cô T không trở ngại cho việc xét xử và cô T đã được chuyển giao giấy triệu tập hợp lệ.
Sau khi xét xử và có bản án quyết định của Tòa án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cô T, mẹ bạn có quyền làm đơn đề nghị được nhân lại số tiền đã bị lừa đảo. Theo quy định của pháp luật, trong thời hạn quy định, cô T sẽ phải thi hành án, trả lại số tiền đã lừa đảo cho mẹ bạn. Trong trường hợp hết thời hạn quy định, cô T có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì sẽ bị cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành án.

  1. Nếu người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới 16 tuổi thì pháp luật quy định như thế nào?

 Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự về tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì đối với tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", chủ thể của tội phạm có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.
Vì vậy, tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thì chủ thể của tội này không phải là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi mà chỉ có người từ đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
Vì vậy, người dưới 16 tuổi sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này do vẫn chưa đủ 16 tuổi. Tuy nhiên người đó vẫn bị xử lý theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan.

  1. Khuyến cáo của LS?

Thực tế cho thấy, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản luôn chiếm tỷ lệ cao trên tổng số tội phạm. Bên cạnh đó, đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản có xu hướng cấu kết thành ổ nhóm tội phạm, có tổ chức thành đường dây với nhiều đối tượng tham gia tại nhiều địa phương khác nhau và có yếu tố nước ngoài.
Qua nhiều vụ việc cho thấy, người bị hại không còn tập trung vào người cao tuổi, phụ nữ trung niên nhẹ dạ cả tin, một bộ phận người dân thiếu kiến thức về kinh tế, trình độ khoa học ở khu vực nông thôn mà ngày càng đa dạng về độ tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp, khu vực sinh sống...
Một nguyên tắc khác người dân cần lưu ý là thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội và tuyệt đối không cho mượn, thuê các giấy tờ cá nhân liên quan, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết. Đối với các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, nhất là chuyển tiền qua Internet Banking, Mobile Banking, khi phát hiện hoạt động tội phạm người dân cần thông báo cơ quan công an để tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết. Cơ quan công an cũng đề nghị người dân cảnh giác khi cài “app” vay tiền, bởi một là phải chịu lãi suất cao cùng việc đòi nợ theo kiểu “tín dụng đen”, hai là dính vào những đường link cài “app” lừa đảo.
Ngoài ra, khi cài app qua kho ứng dụng, các app vay tiền đều đòi hỏi người cài đặt cho truy cập danh bạ điện thoại, từ đó sẽ có cơ sở tìm ra những người liên lạc thường xuyên và không chỉ gửi tin nhắn đe dọa đến người vay, mà có thể những người trong danh bạ cũng bị vạ lây. Tuyệt đối không bấm vào các đường link do đối tượng gửi đến và hướng dẫn đóng thuế thu nhập hoặc nạp tiền để tăng hạn mức rút tiền…

Thưa quý vị! Những năm gần đây, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho Nhà nước và người dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Để ngăn chặn loại tội phạm này, bên cạnh sự vào cuộc đấu tranh quyết liệt của lực lượng chức năng, mỗi người dân cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh "sập bẫy" các đối tượng lừa đảo. Đến đây thì thời gian dành cho Chương trình Tư vấn Pháp Luật Trực Tiếp xin tạm dừng. AL và những người thực hiện chương trình xin chào và hẹn gặp. Chương trình tư vấn PL trực tiếp  được phát vào 9 giờ 10 phút thứ Sáu hàng tuần trên tần số Fm 92,5 MHz của Đài PT-TH Bình Dương. AL Xin chào và hẹn gặp lại.

LS TRẦN MINH HÙNG
Rate this item
(0 votes)
Ls. Trần Minh Hùng

Luật sư Trần Minh Hùng là một trong những luật sư sáng lập văn phòng luật, giàu kinh nghiệm về kiến thức và thực tiễn đã dành nhiều thắng lợi vụ kiện, luật sư Hùng luôn coi trọng chữ TÂM của nghề luật sư và trách nhiệm đối với xã hội nên đã được nhiều hãng báo chí, truyền thông, Đài tiếng phỏng vấn nhiều lĩnh vực quan trọng liên quan đến đời sống.

 Luật sư Trần Minh Hùng được nhiều hãng truyền thông, báo chí trong nước  tin tưởng với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn trên VOV Giao Thông – Đài tiếng nói Việt Nam, Báo pháp luật TP.HCM, HTV, ĐÀI truyền hình Vĩnh Long, Báo đời sống và pháp luật, báo Đời sống và tuổi trẻ, báo Dân Trí, Báo VNxpress, Báo Soha, Kênh 14, Một thế giới, Báo tin tức Việt nam– Các tạp chí như Tiếp Thị Gia Đình, Báo điện tử, báo Infonet,  VTC NEW, Báo Mới, Báo gia đình Việt nam, Báo ngày nay, Báo người lao động, Báo Công an nhân dân, Kiến thức ngày nay, Báo Gia đình và xã hội, Tầm nhìn…là đối tác tư vấn luật của các hãng truyền thông này và luôn mang lại niềm tin cho khách hàng và ghi nhận sự đóng góp của chúng tôi cho xã hội...

Website: luatsuthanhpho.com

Giới Thiệu Luật Sư Trần Minh Hùng

link s75  

Với phương châm đặt chữ "Tâm" của nghề lên hàng đầu, chúng tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào sự công bằng và bảo vệ công lý cho xã hội. Là hãng luật uy tín thường xuyên tư vấn luật trên HTV, VTV, THVL, ANTV, VTC, SCTV, TH Cần Thơ, Đồng Nai và trên các tờ báo uy tín... Chúng tôi chuyên tư vấn, bào chữa cho khách hàng, thân chủ trên mọi lĩnh vực đất đai, thừa kế, hình sự, doanh nghiệp, ly hôn, công nợ, lao động, hợp đồng....

 

                                   LS TRẦN MINH HÙNG 


Hotline:0972238006