Điên đầu với thú nuôi: Xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm
Ái My - Bảo Ngọc
Cần sửa đổi các quy định của pháp luật để việc nuôi thú cưng không gây ảnh hưởng đến cuộc sống của những người xung quanh
Chị Phạm Thu Sương (22 tuổi, ngụ quận 5, TP HCM):
Tuân thủ quy định
Gia đình tôi rất yêu thú cưng và đang nuôi 1 con chó và 2 con mèo. Theo tôi, muốn nuôi thú cưng trong khu dân cư, khu chung cư thì phải tuân thủ quy định pháp luật và không nên gây ảnh hưởng đến cuộc sống của những người xung quanh.
Người nuôi thú cưng phải có trách nhiệm chăm sóc, vệ sinh cho thú cưng và cần phải nghĩ đến cảm nhận của hàng xóm.
Tôi nuôi thú cưng chủ yếu ở trong nhà, một vài buổi tối sẽ dắt chúng đi dạo, khi đi khỏi nhà tôi luôn trang bị các dụng cụ bảo hộ như dây dắt thú cưng, rọ mõm cho chó, balô cho mèo.
Tôi nghĩ một gia đình không nên nuôi quá nhiều chó, mèo, nhất là trong các khu dân cư đông đúc. Nuôi thú cưng là để bầu bạn và sống tình cảm hơn chứ không nên gây ảnh hưởng cho người khác.
Anh Trần Minh Triệu (26 tuổi, ngụ quận 8, TP HCM):
Gây nguy hiểm
Công việc của tôi là shipper, 1/3 thời gian trong ngày là chạy ngoài đường để giao hàng. Hằng ngày, tôi chạy qua nhiều tuyến đường ở TP HCM, thấy rất nhiều trường hợp nuôi chó thả rông gây nguy hiểm cho người đi đường.
Đã nuôi thú cưng trong khu dân cư thì phải chấp hành tốt các quy định và bảo đảm chất lượng môi trường sống cho cả thú cưng và những người dân xung quanh. Nuôi thú cưng mà thả rông không chỉ gây nguy hiểm cho chúng mà còn mất an toàn cho người khác.
Bà Châu Ngọc Minh (53 tuổi, ngụ quận 6, TP HCM):
Mất mỹ quan đô thị
Không chỉ thú cưng thả rông, phóng uế bừa bãi khiến người khác phiền hà mà tiếng chó sủa, mùi hôi thối bốc lên từ phân thải của thú cưng đã khiến người dân xung quanh phải điên đầu. Nghiêm trọng hơn, các vấn đề vệ sinh môi trường không được bảo đảm gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn các nguy cơ về dịch bệnh…
Chị Trần Thị Bích Ngân (33 tuổi, ngụ quận 1, TP HCM):
Rất bức xúc
Tôi là người yêu thú cưng và đã nuôi 1 chú chó trong suốt 5 năm tại chung cư nhưng chưa bao giờ xảy ra bất hòa với hàng xóm. Tôi thường xuyên đọc các thông tin về thú cưng và rất bức xúc với thực trạng một số người nuôi thú cưng nhưng thiếu trách nhiệm, nuôi thú cưng để trục lợi.
Có nhiều thông tin về việc nuôi thú cưng thiếu trách nhiệm đã xảy ra án mạng chết người. Cần cụ thể hóa hơn nữa các quy định về nuôi chó, mèo và xử lý các hành vi vi phạm thật mạnh để răn đe, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Nhà 190 Hoàng Diệu, quận 4, TP HCM nuôi rất nhiều chó bệnh, chó già trong căn hộ chừng 26 m2 suốt nhiều năm quaẢnh: ÁI MY
Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP HCM:
Ý thức kém
Lâu nay, chó mèo đã trở thành vật nuôi, thú cưng của rất nhiều gia đình Việt Nam. Tình trạng người dân bị chó cắn, mèo cào thường xuyên diễn ra trong suốt thời gian dài, sau đó lại dẫn đến tình trạng chó mèo phóng uế bừa bãi từ đường phố đến công viên rồi tiếp tục diễn ra tại các khu dân cư, tòa nhà chung cư gây bức xúc trong dư luận và các cư dân sinh sống xung quanh.
Dĩ nhiên chó, mèo không có lỗi mà lỗi chủ yếu xuất phát từ ý thức quá kém của người nuôi. Kém đến mức nuôi chó, mèo nhưng lại không xử lý chất thải mà xả thẳng trực tiếp ra môi trường làm cho khu vực xung quanh thường xuyên nồng nặc mùi chất thải, gây ô nhiễm môi trường.
Theo quy định của Luật Chăn nuôi, vật nuôi bao gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi. Pháp luật nghiêm cấm việc chăn thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư theo quy định tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 30/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, chó, mèo không phải là gia súc, gia cầm mà được liệt kê vào nhóm danh mục động vật khác theo quy định tại phụ lục II Thông tư 23/2019/TT-BNN-PTNT.
Do đó, hành vi nuôi chó, mèo trong khu chung cư, đô thị không bị nghiêm cấm. Hiện nay, pháp luật chỉ có các quy định chung chung, chưa cụ thể về việc nuôi chó mèo trong khu dân cư, số lượng tối đa là bao nhiêu, các hình thức xử phạt hành chính, xử lý các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh, bảo vệ môi trường và trách nhiệm của người chủ nuôi trong việc nuôi chó, mèo…
Một số địa phương viện lý do chưa có quy định pháp luật cụ thể, khó xử lý nên để cho tình trạng nuôi chó, mèo tràn lan, phóng uế bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân xung quanh là bất hợp lý. Chính quyền địa phương cần có các biện pháp xử lý, kiến nghị cấp trên để đưa ra hướng xử lý phù hợp, không để kéo dài việc nuôi thú cưng gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.
Căn cứ theo khoản 2, mục 2, phụ lục 15 ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-Bộ NN-PTNT quy định trách nhiệm của chủ nuôi là phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, khu dân cư; xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh; nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh; chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh dại theo quy định…
Hiện nay, cần có các quy định cụ thể về việc nuôi chó, mèo trong khu dân cư để có thể đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp, đồng thời cần nâng mức chế tài để đủ sức răn đe đối với các chủ nuôi thiếu ý thức, gây ảnh hưởng tới những người xung quanh.
Đối với vụ việc ở quận 4 đang gây bức xúc dư luận nhiều năm qua, cần có quy định cụ thể về số lượng chó mèo tối đa được nuôi. Số lượng chó lên đến gần 100 con thì rất khó để được xem là nuôi thú cưng, trường hợp này cần phải xác định có phải là chăn nuôi hay không để có thể áp dụng các luật liên quan như Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm… để có thể đưa ra hướng xử lý triệt để.
Luật sư Trương Văn Tuấn, Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn:
Nâng cao ý thức trách nhiệm của người nuôi thú cưng
Để có thể nuôi chó tại các khu dân cư, chung cư, người nuôi cần bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ theo luật định. Trường hợp không thực hiện thì tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm, chủ nuôi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm b, c khoản 1, điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về hành vi "Thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng" hoặc "Để vật nuôi xâm lấn lòng đường, vỉa hè, vườn hoa, sân chơi, đô thị, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị" với mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng.
Trường hợp để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì chủ nuôi có thể bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng theo quy định tại điểm c, khoản 2, điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2, điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 3, điều 2, Nghị định 04/2020/NĐ-CP, trường hợp chủ nuôi không tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng thì có thể bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng.
Tuy việc nuôi chó, mèo tại các khu dân cư, chung cư đã và đang được đặt trong khuôn khổ luật định nhưng tình trạng nuôi chó gây ra những phiền toái, ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân tại khu dân cư, chung cư là điều không thể phủ nhận.
Do đó, để việc nuôi chó, mèo nói riêng mà rộng hơn là nuôi thú cưng tại các khu dân cư, chung cư nói chung đạt được hiệu quả và đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, các cơ quan có thẩm quyền nên xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan đến việc nuôi thú cưng nói chung và tại khu chung cư nói riêng.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, phương pháp nuôi thú cưng có hiệu quả. Ban quản trị khu chung cư cần ban hành cụ thể nội quy, quy định về quản lý việc nuôi thú cưng của các hộ dân, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về nuôi thú cưng. Hơn hết, người nuôi cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm của mình và có biện pháp phù hợp để quản lý vật nuôi nhằm sử dụng nhà, chung cư, an toàn, văn minh, sạch sẽ.
LS TRẦN MINH HÙNG