Luật Sư Chuyên Hình Sự

Các Điều Kiện Để Được Giảm Nhẹ Tội

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Luật Sư Chuyên Hình Sự

 

Công việc chính và kỹ năng thực hiện :

6.2.1.1. Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm (điểm a khoản 1 Điều 46 BLHS)

  • «Ngăn chặn tác hại của tội phạm» là khi tội phạm đã được thực hiện và người phạm tội tự mình hoặc có sự tác động của khách quan nên đã bằng những khả năng có thể để ngăn chặn không cho tác hại của tội phạm xảy ra.
  • «Làm giảm bớt tác hại của tội phạm» là khi tội phạm đã được thực hiện, tác hại của tội phạm đang xảy ra và người phạm tội tự mình hoặc có sự tác động khách quan nên đã bằng những khả năng có thể để không cho tác hại của tội phạm xảy ra lớn hơn.
  •  Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào thái độ của người phạm tội (tự mình hay có sự tác động, bắt buộc của người khác…); thực tế tác hại của tội phạm đã được ngăn chặn, được làm giảm bớt…
  • Trong trường hợp cụ thể cần phân biệt giữa «tác hại» và «thiệt hại» để xác định đúng và áp dụng đúng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự  cụ thể.

6.2.1.2. Người phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả (điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS)

  • Đây là trường hợp tội phạm đã gây ra thiệt hại, gây ra hậu quả.
  • Người phạm tội phải tự nguyện (không do ép buộc, cưỡng chế) sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả. Cũng được coi là tự nguyện nếu do người khác tác động (khuyên bảo) hay theo yêu cầu của người bị thiệt hại mà người phạm tội sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả.
  • «Sửa chữa» là sửa lại, chữa lại những cái bị làm hư hỏng do hành vi phạm tội gây ra.
  • «Bồi thường» là bồi thường bằng tài sản cho những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
  •  «Khắc phục hậu quả» là khắc phục tác hại của tội phạm gây ra mà không thể sửa chữa hoặc bồi thường bằng tài sản được.
  • Trong một số trường hợp cụ thể cũng được áp dụng tình tiết giảm nhẹ «người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả» được hướng dẫn tại mục 1 Nghị quyết số 01/2006/NQ- HĐTP ngày 12- 5- 2006.
  • Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào tính tự nguyện; hiệu quả của việc sửa chữa, khắc phục hậu quả; mức độ bồi thường thiệt hại…

6.2.1.3. Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (điểm c khoản 1 Điều 46 BLHS).

  •  Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phối hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội (Điều 15 BLHS).

6.2.1.4 Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết (điểm d khoản 1 Điều 46 BLHS).

  • Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết là vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây ra một thiệt hại, nhưng thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của thiệt hại cần được ngăn ngừa (Điều 16 BLHS).

6.2.1.5. Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra (điểm đ khoản 1 Điều 46 BLHS)

  • Phải có hành vi trái pháp luật (không đòi hỏi phải là trái pháp luật nghiêm trọng) của người bị hại hoặc người khác. Người khác ở đây thường là người thân thích với người bị hại.
  • Hành vi trái pháp luật đó xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người phạm tội hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thân thích của người phạm tội.
  • Chỉ áp dụng tình tiết này khi có đấy đủ cả hai điều kiện «phải có hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra» và «hành vi trái pháp luật đó xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người phạm tội hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thân thích của người phạm tội».
  • Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào ai là người có hành vi trái pháp luật; hành vi trái pháp luật đó xâm phạm đến ai; mức độ nghiêm trọng của hành vi trái pháp luật…

6.2.1.6. Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra (điểm e khoản 1 điều 46 BLHS)

  • Phải do (không phải là lợi dụng) hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà phạm tội.
  • Hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không phải do người phạm tội tự gây ra. Hoàn cảnh đặc biệt khó khăn này có thể do thiên tai, địch hoạ hoặc do nguyên nhân khác gây ra (có thể do người khác gây ra).
  • Chỉ áp dụng tình tiết này khi có đấy đủ hai điều kiện «phải do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà phạm tội» và «Hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không phải do người phạm tội tự gây ra».
  • Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào mức độ, hoàn cảnh khó khăn và khả năng khắc phục của người phạm tội.

6.2.1.7. Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn (điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS).

  • Chưa gây thiệt hại là khi tội phạm đã được thực hiện, nhưng thiệt hại không xảy ra ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội. Cần phân biệt với phạm tội chưa đạt (Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội).
  • Gây thiệt hại không lớn là khi tội phạm đã được thực hiện, nhưng thiệt hại xảy ra nhỏ hơn thiệt hại mà người phạm tội mong muốn và ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội.

6.2.1.8. Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng (điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS)

  • Phạm tội lần đầu là từ trước tới nay chưa phạm tội lần nào (Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xoá án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này).
  • Phải thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Trường hợp ít nghiêm trọng bao gồm trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng (tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù) và trường hợp phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nhưng vị trí, vai trò của người phạm tội ít nghiêm trọng (thường là trong trường hợp phạm tội đồng phạm).
  • Chỉ áp dụng tình tiết này khi có đầy đủ cả hai điều kiện «phạm tội lần đầu» và «thuộc trường hợp ít nghiêm trọng».

6.2.1.9.  Phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức (điểm i khoản 1 Điều 46 BLHS).

  • «Bị người khác đe doạ» là bị người khác dọa trừng phạt nếu làm trái ý họ, tạo cho người phạm tội nỗi lo sợ về một tai hoạ có thể xảy ra, và để tránh tai hoạ đó người phạm tội đã phải thực hiện tội phạm.
  • «Bị người khác cưỡng bức» là bị người khác dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác buộc người phạm tội đã phải thực hiện tội phạm.
  • Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào tính chất, mức độ thủ đoạn đe doạ, cưỡng bức của người khác và hoàn cảnh, điều kiện tránh mối đe doạ, cưỡng bức đó.

6.2.1.10. Phạm tội do lạc hậu  (điểm k khoản 1 Điều 46 BLHS).

  • «Lạc hậu» là không theo kịp đà tiến bộ, đà phát triển chung.
  • Chỉ áp dụng tình tiết «phạm tội do lạc hậu» nếu lạc hậu đó là do nguyên nhân khách quan đưa lại, như do đời sống xã hội nên không hiểu biết hoặc kém hiểu biết về pháp luật, không được học tập, không có điều kiện thực tế để nhận biết các đúng sai trong cuộc sống…

6.2.1.11. Người phạm tội là phụ nữ có thai (điểm l khoản 1 Điều 46 BLHS).

  • Phải là phụ nữ đang có thai khi thực hiện tội phạm. Nếu khi phạm tội người phụ nữ không có thai, mà khi bị xét xử bị cáo có thai thì không áp dụng tình tiết này, mà tuỳ từng trường hợp cụ thể chỉ có thể áp dụng quy định tại Điều 35 BLHS đối với phụ nữ có thai khi xét xử. Trong trường hợp đặc biệt cũng có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ đối với phụ nữ có thai khi xét xử, nhưng phải ghi rõ trong bản án và áp dụng khoản 2 Điều 46 BLHS.
  • Người phụ nữ phải chứng minh là mình có thai khi phạm tội. Trong trường hợp chưa có đủ căn cứ để kết luận người phụ nữ có thai khi phạm tội thì phải căn cứ vào kết luận của cơ quan chuyên môn y tế hoặc kết luận giám định.
  • Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào thời kỳ mang thai, ảnh hưởng của tình trạng thai nhi đến việc thực hiện tội phạm của bị cáo.

6.2.1.12. Người phạm tội là người già (điểm m khoản 1 Điều 46 BLHS).

  • «Người già» được xác định là người từ 70 tuổi trở lên (tiểu mục 2.4 mục 2 Nghị quyết số 01/2006/NQ- HĐTP).
  • Trong một số trường hợp đặc biệt dù người phạm tội là người từ 70 tuổi trở lên, nhưng cũng không nên áp dụng tình tiết này (thông thường là các tội xâm phạm tình dục của người phụ nữ).
  • Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khoẻ và tội phạm đã thực hiện.

6.2.1.13. Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình (điểm n khoản 1 Điều 46 BLHS).

  • Phải là người có bệnh, tức là có bệnh lý nào đó theo quy định trong y sinh học.
  • Bệnh đó là nguyên nhân làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của người phạm tội (trong trường hợp chưa có đủ căn cứ để kết luận thì phải có kết luận của cơ quan chuyên môn y tế hoặc kết luận giám định).
  • Chỉ áp dụng tình tiết này khi có đầy đủ cả hai điều kiện «người phạm tội phải có bệnh» và «bệnh đó là nguyên nhân là nguyên nhân làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của người phạm tội».
  • Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào tình trạng bệnh tật, mức độ hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của người phạm tội.

6.2.1.14. Người phạm tội tự thú (điểm o khoản 1 Điều 46 BLHS)

  • «Tự thú» là tự mình nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình, trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội. Người nào bị bắt, bị phát hiện về một hành vi phạm tội cụ thể, nhưng trong quá trình điều tra tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội khác của mình mà chưa bị phát hiện, thì cũng được coi là tự thú đối với việc tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội của mình mà chưa bị phát hiện.
  • Cần phân biệt tự thú» với đầu thú». «Đầu thú» là có người đã biết hành vi phạm tội của người phạm tội, nhưng biết không thể trốn tránh được nên người phạm tội đến cơ quan có thẩm quyền trình diện. Nếu là «đầu thú» thì chỉ được áp dụng khoản 2 Điều 46 BLHS để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.

6.2.1.15. Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải (điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS).

  • Thành khẩn khai báo là trường hợp người phạm tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã khai đầy đủ và đúng sự thật tất cả những gì liên quan đến hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện.
  • Ăn năn hối cải là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm, người phạm tội thể hiện sự cắn rứt, dày vò lương tâm về tội lỗi của mình không chỉ bằng lời nói mà còn phải bằng những hành động, việc làm cụ thể để chứng minh cho việc mình muốn sửa chữa, cải tạo thành người tốt; bù đắp những tổn thất, thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra.
  • Mức độ giảm nhẹ của việc thành khẩn khai báo phụ thuộc vào sự thành khẩn được thực hiện ở giai đoạn tố tụng nào và ý nghĩa thiết thực của sự thành khẩn trong việc giải quyết vụ án; mức độ giảm nhẹ của sự ăn năn hối cải phụ thuộc vào mức độ ăn năn hối cải của người phạm tội, những hành động, việc làm cụ thể chứng minh cho sự ăn năn hối cải đó.

6.2.1.16. Người phạm tội tích cực giúp đỡ cơ quan có trách nhiệm phát hiện và điều tra tội phạm (điểm q khoản 1 Điều 46 BLHS).

  • Tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện và điều tra tội phạm là có thái độ chủ động, giúp đỡ nhằm tạo ra những sự biến đổi, thay đổi nhanh hơn trong việc phát hiện và điều tra tội phạm.
  • Tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện và điều tra tội phạm thường được thể hiện bằng việc cung cấp những thông tin, tài liệu, bằng chứng có ý nghĩa thiết thực cho việc phát hiện và điều tra tội phạm; chỉ nơi cất giấu tang vật, nơi người phạm tội khác đang trốn tránh; cung cấp thông tin về tội phạm khác, người phạm tội khác không liên quan đến mình…
  • Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào tính chủ động, mức độ tích cực giúp đỡ; giá trị của những thông tin, tài liệu, bằng chứng mà người phạm tội đã cung cấp; hiệu quả của những hành vi giúp đỡ của người phạm tội.

6.2.1.17. Người phạm tội đã lập công chuộc tội (điểm r khoản 1 Điều 46 BLHS).

  • «Đã lập công chuộc tội» là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm cho đến khi bị xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm), người phạm tội không những ăn năn hối cải, tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm do họ thực hiện, mà họ còn có những hành động giúp đỡ các cơ quan có thẩm quyền phát hiện, ngăn chặn các tội phạm khác, tham gia phát hiện tội phạm, bắt kẻ phạm tội, có hành động thể hiện sự quên mình vì lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích chính đáng của người khác… được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng hoặc chứng nhận (mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ- HĐTP).
  • Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào công trạng của người phạm tội và việc lập công chuộc tội đó ở giai đoạn tố tụng nào.

6.2.1.18. Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác (điểm s khoản 1 Điều 46 BLHS).

  • «Người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác» là người được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, bằng lao động sáng tạo hoặc có sáng chế, phát minh có giá trị hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sỹ thi đua (mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ- HĐTP).
  • Thành tích xuất sắc này thường là người phạm tội phải có được trước khi phạm tội.
  • Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào thành tích; hình thức khen thưởng; giá trị của sáng chế, phát minh; danh hiệu thi đua được công nhận ; số lần được khen thưởng...

6.2.1.19. Ngoài các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1, thì Tòa án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng cần chú ý:

  • Phải ghi rõ trong bản án tình tiết được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
  • Chỉ được áp dụng khoản 2 Điều 46 BLHS (mức độ giảm nhẹ thấp hơn các tình tiết quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS).
  • Các tình tiết được coi là các tình tiết giảm nhẹ khác được hướng dẫn tại điểm c mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ- HĐTP, như  sau:

- Vợ,  chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, người mẹ Việt Nam anh hùng, nghệ sỹ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước:

- Bị cáo là thương binh hoặc có người thân thích như vợ, chồng, cha, mẹ, con (con đẻ hoặc con nuôi), anh, chị, em ruột là liệt sỹ;

- Bị cáo là người tàn tật do bị tai nạn trong lao động hoặc trong công tác, có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Người bị hại cũng có lỗi;

- Thiệt hại do lỗi của người thứ ba;

- Gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo;

- Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khoẻ của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản;

- Phạm tội trong trường hợp vì phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu.

- Ngoài ra, khi xét xử, tuỳ từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

6.2.1.20. Cần chú ý là: “các tình tiết giảm nhẹ đã được BLHS quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt (khoản 3 Điều 46 BLHS).

Trân trọng

LS TRẦN MINH HÙNG -  TRƯỞNG VĂN PHÒNG LUẬT SƯ GIA ĐÌNH

Luật Sư Chuyên Bào Chữa Hình Sự Tại TPHCM

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Luật Sư Chuyên Hình Sự

1. Tranh chấp hợp đồng

  • Thẩm định và rà soát những rủi ro pháp lý đối với các hợp đồng đã ký kết và các văn bản khác liên quan đến hợp đồng (Phụ lục hợp đồng, Biên bản thanh lý hợp đồng, Thoả thuận chấm dứt hợp đồng…)
  • Dự thảo các hợp đồng kinh tế, hợp tác, phân phối, chuyển nhượng, đầu tư, lao động
  • Tham gia trong quá trình đàm phán hợp đồng với đối tác, khách hàng, nhà cung cấp và các bên buôn bán, cho thuê
  • Đại diện doanh nghiệp xử lý các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng
  • Tư vấn về vấn đề thu hồi nợ

3. Lao động

  • Rà soát tính pháp lý của hợp đồng lao động trong quá trình giao kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn hợp đồng
  • Xây dựng các Nội quy, Quy chế lao động và Thoả ước lao động tập thể
  • Thực hiện các thủ tục liên quan đến lao động nước ngoài như: Giấy phép lao động, Visa, Thẻ tạm trú
  • Tư vấn các thoả thuận đào tạo và soản thảo hợp đồng đào tạo
  • Tư vấn các hình thức, trình tự xử lý kỷ luật lao động, chấm dứt hợp đồng lao động  và yêu cầu bồi thường thiệt hại
  • Tham gia, tư vấn giải quyết các tranh chấp lao động

4. Thuế, kế toán, hải quan

  • Phối hợp với Bộ phận Kế toán của doanh nghiệp thực hiện các quy định của luật thuế, kế toán
  • Xây dựng các quy trình nhằm kiểm soát các khoản chi phí hoạt động, chi phí đầu tư, mua sắm tài sản cố định;
  • Tư vấn các thủ tục hải quan: xuất nhập khẩu, xuất nhập khẩu tại chỗ, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập…
  •  Đại diện doanh nghiệp khiếu nại các quyết định của cơ quan chức năng

5. Thủ tục hành chính

  • Thực hiện các thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, điều chỉnh dự án đầu tư (bổ sung ngành nghề, thay đổi trụ sở, người đại diện theo pháp luật…)
  • Thực hiện các thủ tục liên quan đến người lao động nước ngoài: cấp Giấy phép lao động, Visa, Thẻ tạm trú, đăng ký mã số thuế cá nhân
  • Tư vấn, thực hiện các thủ tục thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh, bổ sung quyền phân phối, xuất nhập khẩu

6. Văn bản pháp lý

  • Xây dựng hệ thống lưu trữ các văn bản pháp luật chi phối các hoạt động của doanh nghiệp
  • Cập nhật các thông tin chính sách nhà nước, thay đổi của pháp luật  ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp
  • Hướng dẫn các phòng ban, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp trong việc áp dụng quy định pháp luật
  • Hoàn thiện các thủ tục pháp lý, giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp
  • Cung cấp các biểu mẫu cần thiết cho hoạt động của doanh nghiệp

7. Hỗ trợ doanh nghiệp

  • Tư vấn, hỗ trợ cho các đơn vị, bộ phận trực thuộc trong công ty các kiến thức về pháp luật và tuân thủ pháp luật
  • Hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình làm việc với cơ quan chức năng
  • Dịch thuật các văn bản liên quan đến pháp lý theo yêu cầu của doanh nghiệp

Luật Sư Bảo Vệ Cho Trẻ Em Bị Hiếp Dâm

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Luật Sư Chuyên Hình Sự

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

BÀI BẢO VỆ CHO BỊ HẠI...........................

            Tôi luật sư Trần minh Hùng - VPLS Gia Đình - Đoàn luật sư TP.HCM là luật sư bảo vệ cho bị hại Lê Thị Hồng Yến đưa ra quan điểm bảo vệ đến Hội đồng xét xử xem xét khi quyết định như sau:

            Về trách nhiệm hình sự:

            Đề nghị HĐXX xét xử bị cáo Đặng Hữu Công nghiêm minh bảo đảm tính răn đe và thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật vì những lý do sau:

Chúng ta biết rằng trẻ em là những người được pháp luật và xã hội bảo vệ đặc biệt, Bộ luật hình sự đã dành nguyên một chương 10 để điều chỉnh đối với người chưa thành niên. Điều đó thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với trẻ em và trẻ em là những đối tượng được bảo vệ đặc biệt.

            Bị cáo phạm tội thuộc vào tình tiết tăng nặng TNHS theo quy định tại điểm h, điều 48 Bộ luật hình sự:

            Cụ thể tại điều 48 - BLHS quy định như sau:

            "Phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người ở trong tình trạng không thể tự vệ được hoặc đối với người lệ thuộc mình về mặt vật chất,  tinh thần, công tác hoặc các mặt khác".

            Theo Điều 1 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì “Trẻ em quy định trong Luật này là công dân Việt Nam dưới mười sáu tuổi”. 

            Bị cáo Công - Người thực hiện hành vi phạm tội phải chịu tình tiết tăng nặng TNHS “Phạm tội đối với trẻ em” nếu hậu quả của tội phạm xác định được đối tượng bị tội phạm tác động là trẻ em, mà không phụ thuộc vào việc trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội có nhận thức được đối tượng bị tội phạm xâm hại là trẻ em hay không phải là trẻ em. Có nghĩa là, người bị tội phạm xâm hại là trẻ em có nằm trong hay nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội đều không ảnh hưởng gì đến việc định tội danh, định khung hình phạt hay áp dụng tình tiết tăng nặng khi quyết định hình phạt là “Phạm tội đối với trẻ em”.

            Phạm tội đối với trẻ em không phải là tình tiết chỉ thuộc ý thức chủ quan của người phạm tội mà còn mang tính khách quan, ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội. Người phạm tội khi thực hiện tội phạm có thể biết rõ đối tượng bị tội phạm tác động là trẻ em, có thể họ không biết nạn nhân là trẻ em hoặc có thể họ không quan tâm nạn nhân là trẻ em hay không phải là trẻ em. Tội giao cấu với trẻ em (khoản 1 Điều 115 BLHS), Tội dâm ô vớ trẻ em tại điều 116... cho dù người phạm tội không biết đối tượng bị giao cấu đang dưới 16 tuổi hoặc chưa đủ 13 tuổi, đến khi các cơ quan tiến hành tố tụng kết luận mới biết được điều đó thì không ảnh hưởng gì đến việc định tội danh. Do vậy, không cần người phạm tội phải nhận thức được hoặc buộc họ phải nhận thức được đối tượng mà mình xâm phạm là trẻ em thì mới coi là phạm tội đối với trẻ em, mà chỉ cần xác định được nạn nhân là trẻ em thì người phạm tội phải chịu tình tiết tăng nặng TNHS là “Phạm tội đối với trẻ em”.

            Đảng và Nhà nước ta luôn có những chính sách quan tâm, ưu tiên đối với trẻ em - thế hệ cần được xã hội bảo vệ và đối xử một cách đặc biệt. Nhưng hiện nay, thực trạng phạm tội đối với trẻ em vẫn xảy ra ngày càng nhiều, đặc biệt là các tội liên quan đến tệ nạn xã hội (mại dâm) và các tội phạm xâm phạm về tình dục. Để trừng trị và ngăn chặn tình trạng này, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chính sách, biện pháp, trong đó nghiêm khắc nhất là biện pháp hình sự. Với mục đích nhằm trừng trị nghiêm khắc những người có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, ngăn ngừa, răn đe, giáo dục đối với những người có ý định phạm tội đối với trẻ em, Luật Hình sự đã coi tình tiết “Phạm tội đối với trẻ em” là một tình tiết tăng nặng TNHS so với các trường hợp phạm tội khác.

            Phạm tội đối với trẻ em là trường hợp người phạm tội đã có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm và các quyền khác của trẻ em theo quy định của pháp luật.

            Bị cáo Công với trình độ học vấn 9/12 đủ nhận thức hết hành vi phạm tội của mình đối với trẻ em.

            Khi thực hiện hành vi từ dâm ô đáng ra bị cáo phải ngừng ngay hành vi của mình nhưng sau đó bị cáo lại chứng nào tật đó tiếp tục thực hiện hành vi giao cấu với bị hại thể hiện sự coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm người khác (cụ thể ở đây là trẻ em), coi thường quy tắc đạo đức xã hội, vi phạm truyền thống tốt đẹp của Việt nam.

            Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, phạm nhiều tội, phạm tội đối với trẻ em nhưng cơ quan tố tụng thị xã Bình Long vẫn cho bị cáo được áp dụng biện pháp tại ngoại là chưa bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, không có tính răn đe và dễ phát sinh các hành vi phạm tiếp theo của bị cáo Công, chỉ khi mẹ bị hại ngăn cản và phát hiện thì Công mới ngừng hành vi phạm tội, nếu không Công có thể vẫn tiếp tục phạm tội. Cơ quan tố tụng đã không bắt tạm giam bị cáo Công để ngăn ngừa hành vi của Công có thể tiếp tục xảy ra là không bảo đảm quy định của bộ luật tố tụng dân sự hiện hành. Việc tạm giam với mục đích để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người đó sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng đã không thực hiện đúng quy định này.

            Căn cứ Tại Điều 92 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về điều kiện và thủ tục bảo lĩnh (bảo lãnh) như sau:

“1. Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.

            Căn cứ việc bị cáo phạm tội dâm ô, giao cấu với trẻ em, phạm nhiều tội nhưng vẫn cho tại ngoại là không bảo đảm đúng theo quy định pháp luật., gây bứ xúc và hoang mang cho dư luận nơi bị hại đang sinh sống.

            Tại điều 7 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định các hành vi nghiêm cấm như sau:

Điều7.Các hành vi bị nghiêm cấm

Nghiêm cấm các hành vi sau đây:

..............................................................................................

“Dụ dỗ, lừa dối, dẫn dắt, chứa chấp, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm; xâm hại tình dục trẻ em...”

Điều 56 của Luật này quy định:

Điều56.Trẻ em bị xâm hại tình dục

“Trẻ em bị xâm hại tình dục được gia đình, Nhà nước và xã hội giúp đỡ bằng các biện pháp tư vấn, phục hồi sức khoẻ, tinh thần và tạo điều kiện để ổn định cuộc sống.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện biện pháp giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn và tố cáo hành vi xâm hại tình dục trẻ em”

            Được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 20 tháng 11 năm 1989, Công ước Quốc tế Quyền Trẻ em là một văn kiện quyền con người mang đậm tính nhân văn và được nhiều nước phê chuẩn nhất trên thế giới. Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế Quyền Trẻ em vào ngày 20 tháng 2 năm 1990. Từ sau khi phê chuẩn Công ước, Nhà nước Việt Nam có rất  nhiều nỗ lực trong việc thực  hiện Công ước, như  nâng cao  nhận  thức  về  quyền  trẻ  em; làm hài hoà giữa Công ước Quyền trẻ em và luật pháp quốc gia; đẩy  mạnh  quản lý nhà nước về trẻ em; tăng cường nguồn lực đầu tư cho trẻ em và đặc biệt là ngày càng quan tâm đến vai trò của chính trẻ em và người chưa thành niên

            Từ những căn cứ và các văn bản pháp lý nêu trên nêu trên, Đề nghị Tòa án xét xử cần căn cứ vào các tình tiết tăng nặng TNHS, hành vi nguy hiểm của bị cáo, phạm nhiều tội, coi thường sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, xâm phạm đến quy tắc đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc để có 1 hình phạt nghiêm khắc đủ sức răn đe đối với bị cáo, trấn an dư luận, tránh gây bức xúc cho dư luận đang rất bức xúc về hành vi của bị cáo Công, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm tính pháp chế XHCN.

Vì vậy, đề nghị HĐXX áp dụng khi hình phạt cao nhất khi lượng hình đối với bị cáo Công, đối với tội dâm ô đối với trẻ em, yêu cầu tuyên xử bị cáo 3 năm tù giam. Tội giao cấu đối với trẻ em yêu cầu tuyên xử bị cáo 5 năm. Tổng cộng mức hình phạt chung mà bị cáo phải chấp hành là: 8 năm tù giam.

Về trách nhiệm dân sự đối với tội dâm ô và giao cấu với trẻ em.

            Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 quy định về các tội dâm ô với trẻ em, tội giao cấu với trẻ được quy định tại Chương 12 - Phần các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.

            Người phạm tội trong trường hợp này phải bồi thường thiệt hại cho bị hại về mặt tinh thần, vật chất theo quy định tại Nghị quyêt số 03/2006/NQ-HĐTP và BLDS 2005.

a/.  Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm đối với tội dâm ô, bao gồm:

3.1 Chi phí hợp lý để hạn chế, 3.1. khắc phục thiệt hại bao gồm: chi phí cần thiết cho việc thu hồi ấn phẩm có nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị thiệt hại; chi phí cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; tiền tàu, xe đi lại, thuê nhà trọ (nếu có) theo giá trung bình ở địa phương nơi thực hiện việc chi phí để yêu cầu cơ quan chức năng xác minh sự việc, cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng; chi phí tổ chức xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại và các chi phí thực tế, cần thiết khác để hạn chế, khắc phục thiệt hại (nếu có).
3.2. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
3.3. Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
 Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị xâm phạm. Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm trước hết do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường”.

b/. Căn Điều 609 BLDS 2005 quy định Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm đối với tội giao cấu với trẻ em.

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
 
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
 
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
 
2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”

            Căn cứ theo Nghị quyết số 99/2015/QH13 quy định mức lương cơ sở là: 1.210.000 đồng/tháng.

            Yêu cầu mức bồi thường như sau:

            Từ a + b = 12.100.000 đồng + 36.300.000 đồng = 48.400.000 đồng.

            Việc bồi thường phải được bồi thường ngay khi án có hiệu lực pháp luật.

            Trân trọng cảm ơn HĐXX.

                                                TP.HCM, ngày   tháng   năm 2016

                                                            Luật sư Trần Minh Hùng

Luật Sư Bào Chữa Về Tội Mua Bán Trái Phép Chất Ma Túy

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Luật Sư Chuyên Hình Sự

Căn cứ vào Điều 194 Bộ luật hình sự năm 1999 đã sửa đổi, bổ sung năm 2009 có quy định về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy như sau:
 

1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
 

a) Có tổ chức;
 

b) Phạm tội nhiều lần;
 

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
 

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
 

đ) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
 

e) Sử dụng trẻ em vào việc phạm tội hoặc bán ma tuý cho trẻ em;
 

g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ năm trăm gam đến dưới một kilôgam;
 

h) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ năm gam đến dưới ba mươi gam;
 

i) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ mười kilôgam đến dưới hai mươi lăm kilôgam;
 

k) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ năm mươi kilôgam đến dưới hai trăm kilôgam;
 

l) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ mười kilôgam đến dưới năm mươi kilôgam;
 

m) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ hai mươi gam đến dưới một trăm gam;
 

n) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ một trăm mililít đến dưới hai trăm năm mươi mililít;
 

o) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản 2 Điều này;
 

p) Tái phạm nguy hiểm.
 

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:
 

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ một kilôgam đến dưới năm kilôgam;
 

b) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ ba mươi gam đến dưới một trăm gam;
 

c) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ hai mươi lăm kilôgam đến dưới bảy mươi lăm kilôgam;
 

d) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ hai trăm kilôgam đến dưới sáu trăm kilôgam;
 

đ) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ năm mươi kilôgam đến dưới một trăm năm mươi kilôgam;
 

e) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ một trăm gam đến dưới ba trăm gam;
 

g) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ hai trăm năm mươi mililít đến dưới bảy trăm năm mươi mililít;
 

h) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản 3 Điều này.
 

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
 

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ năm kilôgam trở lên;
 

b) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ một trăm gam trở lên;
 

c) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ bảy mươi lăm kilôgam trở lên;
 

d) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ sáu trăm kilôgam trở lên;
 

đ) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ một trăm năm mươi kilôgam trở lên;
 

e) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ ba trăm gam trở lên;
 

g) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ bảy trăm năm mươi mililít trở lên;
 

h) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản 4 Điều này.
 

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Hành vi mua bán trái phép chất ma túy là hành vi mua bán chất ma túy trái pháp luật để kiếm lời. Tại khoản 1 Điều 194 không quy định rõ mua bán chất ma túy với số lượng bao nhiêu thì sẽ cấu thành tội mua bán trái phép chất ma túy. Tuy nhiên tại điểm m khoản 2 Điều 194 quy định “ các chất ma túy ở thể rắn có trong lượng từ hai mươi gam đến dưới một trăm gam” sẽ bị phạt tù từ 7 năm đến mười lăm năm. Do vậy căn cứ vào quy định của pháp luật cho thấy, khi có hành vi buôn bán ma túy nhằm mục đích kiếm lời hoặc mang ma túy ra trao đổi ngang giá sẽ phạm tội mua bán trái phép chất ma túy mà không cần biết mua bán với số lượng bao nhiêu. Bởi vậy, anh bạn mua bán với số lượng chưa đầy 1gam ma túy sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo khoản 1 Điều 194 Bộ luật hình sự quy định trên, bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Luật Sư Bào Chữa Tội Cố Ý Gây Thương Tích

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Luật Sư Chuyên Hình Sự

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

BÀI BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CHO BỊ HẠI

          Tôi luật sư Trần Minh Hùng - Văn phòng luật sư Gia Đình, thuộc Đoàn luật sư TP.HCM là luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại Trần Văn Túc.

Tôi trình bày những quan điểm bảo vệ như sau:

          I/. Về mặt hình sự và thủ tục.

          Căn cứ theo quy định Điều 51 BLTTHS quy định về người bị Người bị hại

1. Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra.

2. Người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền:

a) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

b) Được thông báo về kết quả điều tra;

c) Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này;

d) Đề nghị mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm bồi thường;

đ) Tham gia phiên toà; trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên toà để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;

e) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; kháng cáo bản án, quyết định của Toà án về phần bồi thường cũng như về hình phạt đối với bị cáo.

Bị hại không nhận được bản kết luận điều tra, không nhận được bản cáo trạng cũng như thông báo về kết quả điều tra để khiếu nại về kết luận điều tra và cáo trạng.

Đề nghị HĐXX xem xét về mặt tố tụng, vì đây có dấu hiệu vi phạm tố tụng. Điều này đã làm hạn chế quyền khiếu nại của người bị hại.

          Đề nghị tòa án làm rõ và nếu cần thiết trả hồ sơ để điều tra bổ sung xem có đồng phạm hoặc phạm tội có tổ chức hay không? có bỏ lọt tội phạm không? Phạm tội có tổ chức là trường hợp đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm (Khoản 3 Điều 20 BLHS). Trong vụ án này tôi cho rằng ở giai đoạn điều tra hồ sơ điều tra chưa chặt chẽ, nhiều vấn đề chưa được làm rõ trong hồ sơ, cụ thể:

Không xác minh số điện thoại chồng bà Loan là Sơn đã điện thoại cho những ai từ khoảng 21h đến 22h đêm xảy ra sự việc đánh nhau.

Tại bản hỏi cung ngày 4/3/2016 bút lục số 224 Tuấn khai Sơn không điện thoại cho Tuấn nhưng tại sao vợ Sơn là Loan tại bản hỏi cung ngày 6/1/2015 lại khai là 21h45h thì Tuấn có gọi cho Loan ? như vậy vấn đề này chưa được làm rõ và mâu thuẫn trong lời khai của bà Loan. Bản hỏi cung ghi lời khai ngày 4/11/2015 (BL 103) Loan khai không biết Tuấn Mập nhưng bản hỏi cung ghi lời khai ngày 6/1/2016 Loan lại Khai là Tuấn mập gọi cho Loan lúc 21h45 phút nhưng Loan để điện thoại nhà Dì Loan? Như vậy tại  sao Loan khai không quen biết Tuấn nhưng sao Tuấn lại có số điện thoại Loan? vấn đề này cũng chưa được làm rõ trong quá trình điều tra và tại sao Tuấn gọi cho Loan để làm gì?

Giai đoạn điều tra cơ quan điều tra không xác minh số thiện thoại Sơn có gọi cho Trọng không?

Việc chỉ lập biên bản kiểm tra điện thoại Trọng, Loan vào lúc 23h ngày 5/1/2015 và xem cuộc gọi Trọng gọi cho những ai là chưa khách quan, không có sức thuyết phục vì có thể bị xóa vì vụ việc xảy ra từ khoảng 21h đến 22h mà 223h mới kiểm tra điện thoại thì các đương sự có thể đã xóa hết vì thời gian đã hơn 1 tiếng đồng hồ. Do vậy cần xác minh tại tổ chức cung cấp dịch vụ mạng điện thoại là thời điểm 21h đến 22h đêm xảy ra vụ đánh nhau thì Sơn, Tuấn, Trọng, Loan đã gọi cho những ai thì mới khách quan, thuyết phục.

Loan khai 21h30 gọi cho Sơn, tại sao gọi? Nhưng 21h45 Loan lại nói Tuấn gọi mà để điện thoại ở nhà Dì? đây là điều mâu thuẫn vì mới gọi điện thoại cho Sơn 21h30 mà sao 21h45 lại để ở nhà Dì?

Cơ quan công an chưa làm rõ tại sao Tuấn gọi cho Loan? mục đích, động cơ, nguyên nhân lý do tại sao Tuấn gọi cho Loan để làm gì?

Biên bản kiểm tra số điện thoại đêm 5/1/2015 chỉ xác minh Trọng gọi cho ai mà không xác Minh Loan gọi cho ai? không lập biên bản thu điện thoại Tuấn, Sơn để xác minh những người này gọi cho ai?

Việc chỉ lập biên bản thu điện thoại Trọng, Loan và xem cuộc gọi không là chưa khách quan, không có sức thuyết phục và chưa làm rõ bản chất và sự thật của hành vi. vì có thể bị xóa, cần xác minh tại tổ chức cung cấp mạng dịch vụ điện thoại  mới khách quan, chính xác, có căn cứ.

Cần làm rõ động cơ, mục đích Tuấn đánh ông Túc? không thể không hằn thù gì mà đánh ông Túc bị thương tật tới 52%? quá côn đồ và coi thường pháp luật không?

Căn cứ bản kết luận giám định số 191TgT.15 ngày 23/3/2015 của Trung tâm pháp y TP.HCM thì ông Túc bị thương 52% do vật tày tác động, rõ ràng vật tày sao lại kêu té bị thương? Tuấn khai đấm bị thương? 1 cú cùi chỏ không thể để lại thương tích như vây? Bản kết luật giám định kết luận ông Túc bị” chấn thương đầu mặt gây rách da môi trên trái, vỡ sọ trán phải, vỡ bờ trên ngoài ô mắt phải, gãy xương chính mũi, tụ máu trong não thùy trán phải...các vết thương do vật tày gây ra...”. . Như vậy nếu cho rằng ông Túc bị té xuống đường sao bị thương trên trán phải chứ không chính giữa trán? rõ ràng chưa làm rõ về việc Tuấn có dùng cây gậy 3 khúc đánh ông Túc không? bởi khi ngã theo quán tính sẽ ngã sấp chứ không thể ngã nghiêng, bằng chứng ngã sấp là ông Túc bị rách môi, mặt, mũi, còn vết thương nặng bên phải xuất huyết não trán phải không thể do ngã gây ra mà do Tuấn gây ra.

Với những tình tiết trên nhưng cơ quan điều tra, viện kiếm sát không tiến hành thực nghiệm điều tra là không bảo đảm làm rõ sự thật khách quan vụ án, không làm rõ được hành vi phạm tội của bị cáo Tuấn là đánh bằng tay không hay dùng hung khí?

Theo quy định tại Điều 153 BLTTHS quy định về Thực nghiệm điều tra như sau:

1. Để kiểm tra và xác minh những tài liệu, những tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án, Cơ quan điều tra có quyền thực nghiệm điều tra bằng cách cho dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc mọi tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Khi thấy cần, có thể đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ.

2. Khi tiến hành thực nghiệm điều tra, phải có người chứng kiến. Trong trường hợp cần thiết, người bị tạm giữ, bị can, người bị hại, người làm chứng cũng có thể tham gia.

Không được xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người tham gia việc thực nghiệm điều tra.

3. Trong trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát có thể tiến hành thực nghiệm điều tra. Việc thực nghiệm điều tra được tiến hành theo quy định tại Điều này.

Ông Túc cao hơn Tuấn, vậy làm sao bị cáo Tuấn có thể dùng cùi chỏ đánh vào mặt ông Túc được, Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân quận Bình Thạnh kết luận Tuấn đánh ông Túc bằng khuỷu tay là không có sức thuyết phục, cáo trạng kết luận ông Túc thách thức và chửi Tuấn càng không có cơ sở, vì Túc không biết Tuấn sao phải thách thức và chưỉ? Cáo trạng nêu Tuấn đánh ông Túc ngất xíu bỏ đi, Tuấn bỏ chạy chứ không phải bỏ đi.

Do không thực nghiệm điều tra nên đã không xác định được Tuấn đánh ông Túc bằng hung khí hay là tay không?

các bị hại khác khai đều bị đánh, xịt hơi cay? điều này đều chưa được điều ra, làm rõ cụ thể.

Cần phải có một mức hình phạt nghiêm khắc đối với Tuấn, căn cứ theo điều 48 BLHS bị cáo Tuấn có những tình tiết tăng nặng TNHS như:

Phạm tội có tính chất côn đồ (điểm b điều 48 khoản 1), k) Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; h) Phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người ở trong tình trạng không thể tự vệ được hoặc đối với người lệ thuộc mình về mặt vật chất,  tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;

Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khi lượng hình bị cáo Tuấn để bảo đảm đủ sức răn đe, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.

II/. Về trách nhiệm dân sự:

          Mức bồi thường đối với người gây thiệt hại cho người khác về sức khoẻ mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

          Theo quy định tạiĐiều 609 BLDS 2005thì người gây thiệt hại cho sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại cho người đónhững chi phísau:

- Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:

+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

- Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

          Căn cứ Nghị quyết số 03/2006 quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Tòa án nhân dân tối cao.

          Yêu cầu tòa án giải quyết bồi thường các khoản sau:

1/. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

 Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khoẻ cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ... để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).

Bệnh viện nhân dân gia định:

 610.148 đồng (đính kèm biên lai thu tiền phí, viện phí số 0063660)

500.000 đồng (đính kèm biên lai thu tiền phí, viện phí số 0063637)

Tổng cộng: 1.110.148

Bệnh viện Chợ Rẫy:

756.579 đồng (Biên lai thu tiền phí, lệ phí số 0585057)

Bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng, cụ thể:

Phiếu thu số NT 149374 số tiền: 5.619.807 đồng, Phiếu thu NT 149376 số tiền: 326.740 đồng, Bảng kê khám chữa bệnh nội trú ngày 19/1/2015 số tiền: 13.941.844 đồng, Bảng kê khám chữa bệnh nội trú ngày 19/1/2015 số tiền: 457.700 đồng, Bảng kê khám chữa bệnh ngoại trú ngày 24/1/2015 số tiền: 843.600 đồng, Phiếu thu khám chữa bệnh ngày 24/1/2015: 60.000 đồng

Tổng cộng:15.303.144 đồng

Công ty CPDV Y Tế Ký Thuật Cao thống Nhất:

Phiếu thu ngày 24/1/2015: 650.000 đồng

Bệnh Viện 115:

Phiếu thu ngày 13/7/2015: 527.776, Chẩn đoán hình ảnh 858.000 đồng, thăm dò chức năng: 30.000 đồng, thuốc, dịch truyền: 745.880 đồng, xét nghiệm: 665.000 đồng.

Tổng cộng: 3.306.650 đồng

+ Tiền taxi đi về của bệnh nhân:

- Taxi đi từ BVND Gia Định đến BV Chợ Rẫy: 200.000 đồng (lần 1)

- Tiền Taxi  chuyển viện từ BV Chợ Rẫy đến BV chỉnh hình và Phục hồi chức năng: 200.000 đồng

- Tiền đưa bệnh nhân về nhà từ : 200.000 đồng

- Taxi đưa bệnh nhân tái khám BV chỉnh hình và Phục hồi chức năng: 200.000 đồng.

- đưa về nhà: 200.000 đồng

- Taxi đưa bệnh nhân đến BV 115: 200.000 đồng.

- Taxi đưa bệnh nhân về nhà từ BV 115: 200.000 đồng

- Taxi đưa bệnh nhân tái khám BV 115: 200.000 đồng

- Tiền đưa bệnh nhân về nhà: 200.000 đồng

Tổng cộng: 1.800.000

+ Toa thuốc Pradaxa 150mg 2.022.000 đồng/tháng, cụ thể:

Thuốc Pradaxa đã uống theo các hóa đơn sau:

Hóa đơn bán lẽ nhà thuốc Long Châu ngày 13/7/2015: 2.022.000 đồng

Hóa đơn bán lẽ nhà thuốc Long Châu ngày 13/8/2015: 2.022.000 đồng

Hóa đơn bán lẽ nhà thuốc Long Châu ngày 13/9/2015: 2.022.000 đồng

Hóa đơn bán lẽ nhà thuốc Long Châu ngày 1/10/2015: 2.004.000 đồng

Hóa đơn bán hàng nhà thuốc Long Châu ngày 2/11/2015: 2.022.000 đồng

Hóa đơn bán hàng nhà thuốc Long Châu ngày 5/12/2015: 2.022.000 đồng

Hóa đơn bán hàng nhà thuốc Long Châu ngày 2/1/2016: 2.034.000 đồng

Hóa đơn bán hàng nhà thuốc Long Châu ngày 1/2/2016: 2.016.000 đồng

Hóa đơn bán hàng nhà thuốc Long Châu ngày 2/3/2016: 876.200 đồng

Hóa đơn bán hàng nhà thuốc Long Châu ngày 14/3/2016: 1.135.600 đồng

Hóa đơn bán hàng nhà thuốc Long Châu ngày 4/4/2016: 2.004.000 đồng

Hóa đơn bán hàng nhà thuốc Long Châu ngày 24/5/2016: 2.010.000 đồng

Hóa đơn bán hàng nhà thuốc Long Châu ngày 30/5/2016: 2.004.000 đồng

Hóa đơn bán hàng nhà thuốc Long Châu ngày 1/7/2016: 2.004.000 đồng

Tổng cộng: 26.197. 800 đồng

Tiền bồi dưỡng sức khỏe cho bệnh nhân trong 17 tháng (tính từ lúc Bị cáo Tuấn đánh ông Túc cho đến : 17 x 3.000.000 đồng/tháng,  tức 1 ngày 100.000 đồng. Tổng chi phí: 30.000.000 đồng. Số tiền này không có hóa đơn do mua đồ ăn bên ngoài chợ.

Tổng cộng:51.000.000 đồng

Các chi phí trên chỉ tạm tính đến ngày tòa án xử sơ thẩm vì hiện nay ông Túc đang điều trị và đang uống thuốc.

2/.  Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

+ Tiền taxi đi về của bệnh nhân và người phục vụ:

- Chi phí cho 2 người nuôi bệnh và bệnh nhân: chi phí đi lại, tiền taxi, xăng xe: 3.000.000 đồng.

- 02 người mất thu nhập:

Trần Thị Thúy Hằng: 150.000 đồng/ngày x 22 ngày = 3.300.000 đồng ?(làm nghề tự do).

- Trần Thị Thúy Hiền: 200.000 đồng/ngày x 300 ngày = 60.000.000 đồng (làm nghề tự do).

Tổng cộng: 66.300.000 dồng.

3/. Tiền bị tổn thất về tinh thần:

 30 tháng lương tối thiểu theo luật định:

Theo Nghị Định Số: 99/2015/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng có hiệu lực ngày 1/1/2016. Theo quy định tại điều 3 Nghị định thì  Mức 1.210.000.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I , thuộc TP.HCM.

Như vậy: 30 x 3.500.000 đồng  = 105.000.000 đồng.

Tổng từ 1 + 2 + 3 = 271.424.327 đồng. Yêu cầu bị cáo Tuấn và những người liên quan chịu trách nhiệm bồi thường khoản tiền này cho ông Túc.

Xin cảm ơn HĐXX

                                       

LUẬT SƯ TRẦN MINH HÙNG

Giới Thiệu Luật Sư Trần Minh Hùng

link s75  

Với phương châm đặt chữ "Tâm" của nghề lên hàng đầu, chúng tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào sự công bằng và bảo vệ công lý cho xã hội. Là hãng luật uy tín thường xuyên tư vấn luật trên HTV, VTV, THVL, ANTV, VTC, SCTV, TH Cần Thơ, Đồng Nai và trên các tờ báo uy tín... Chúng tôi chuyên tư vấn, bào chữa cho khách hàng, thân chủ trên mọi lĩnh vực đất đai, thừa kế, hình sự, doanh nghiệp, ly hôn, công nợ, lao động, hợp đồng....

 

                                   LS TRẦN MINH HÙNG 


Hotline:0972238006