Quan Điểm LS Trần Minh Hùng Về Tội Đánh Bạc
Tội đánh bạc được quy định tại Điều 248 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 thì giá trị tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc là từ 2.000.000 đồng (2 triệu đồng) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn theo Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 thì giá trị tài sản dùng để đánh bạc đã thay đổi từ 2 triệu đồng lên 5.000.000 đồng (5 triệu đồng), cụ thể điều luật quy định như sau:
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Áp dụng Nghị quyết số: 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội tình tiết có lợi cho bị can bị cáo: Điều 1
1.Kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2016, Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 (sau đây gọi là Bộ luật hình sự năm 2015) được áp dụng như sau:
a) Tất cả các điều khoản của Bộ luật hình sựnăm 2015được áp dụng đểkhởi tố,điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 ngày01tháng7năm 2016;
b) Các điều khoản của Bộ luật hình sựnăm 2015xóa bỏ một tội phạm, xóabỏ một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt,xóaán tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt,xóaán tích;
Áp dụng quy định mới, với hành vi đánh bạc dưới 5 triệu đồng, ngày 29/3, TAND Tối cao ra Công văn 80/TANDTC-PC hướng dẫn xử lý như sau. Người thực hiện hành vi đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật dưới 5 triệu đồng, thuộc một trong các trường hợp: chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc tổ chức đánh bạc; chưa bị kết án về tội đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc; đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc nhưng đã được xóa án tích sẽ bị xử lý theo hai hình thức.
Từ ngày 9/12/2015 đến hết 30/6/2016, nếu vụ án đang trong giai đoạn xét xử thì tòa án phải mở phiên tòa và căn cứ Điều 25 Bộ luật hình sự 1999 miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
Từ 1/7/2016, nếu hành vi vi phạm mới bị phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử thì áp dụng Bộ luật hình sự 2015 để tuyên bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật Hình sự, “đánh bạc trái phép” là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.
Khi xác định trách nhiệm hình sự với người đánh bạc thì không tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ từng lần để xem xét. Cụ thể như sau:
a) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (dưới 2.000.000 đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật hình sự, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm) thì người đánh bạc không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Đánh bạc;
b) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của lần đánh bạc nào bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đánh bạc đối với lần đánh bạc đó;
c) Trường hợp đánh bạc từ hai lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự;
d) Trường hợp đánh bạc từ 5 lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) và lấy tiền, hiện vật do đánh bạc mà có làm nguồn sống chính thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết định khung “có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 248 của Bộ luật hình sự.
Như vậy, số tiền hoặc giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự (mức tối thiểu là từ 2.000.000 đồng trở lên). Việc xác định chính xác số tiền này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định tội. Về nội dung này, Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP quy định: “Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc” bao gồm:
a) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc;
b) Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc;
c) Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.
Như vậy, ngoài tiền và hiện vật sử dụng để chơi bạc (được trực tiếp tại chiếu bạc), những tài sản trên người gồm cả tiền và hiện vật bị cơ quan chức năng thu giữ mà “có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc” thì cũng sẽ được xác định là tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc. Nếu tổng số tiền thu được trực tiếp tại chiếu bạc cùng với số tiền, hiện vật thu giữ trên người (và chứng minh được là sẽ sử dụng để đánh bạc) từ 2.000.000 đồng trở lên thì bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đánh bạc theo quy định tại Điều 248 Bộ luật Hình sự; số tiền, hiện vật này sẽ bị tịch thu sung quỹ Nhà nước.
Căn cứ theo quy định trên thì cơ quan công an được quyền kiểm tra trong người của những người con bạc.
Việc cơ quan công an còng tay người đánh bạc khi họ không chống đối, đánh đập họ là điều pháp luật cấm. Không có bất kỳ quy định nào cho phép công an được đánh người. Hơn nữa, theo quy định pháp luật một người chưa bị coi là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực của tòa án nên khi chưa có bất kỳ bản án nào tuyên án họ có tội thì họ vẫn là công dân bình thường và chưa được coi họ là tội phạm.
Trong mọi trường hợp việc đánh đập hay bắt giữ người khác trái pháp luật là điều pháp luật cấm, tình trạng này dẫn tới dễ bị oan sai, ép cung, nhục hình. Đây là hành vi rất khó chấp nhận và cần xử lý nghiêm những cán bộ có hành vi sai trái nêu trên.