LS Trần Minh Hùng Bào Chữa Về Tội Cố Ý Gây Thương Tích
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc lập- Tự do- Hạnh phúc.
BÀI BÀO CHỮA CHO BỊ CÁO ĐẶNG SINH VÀ LƯỢNG MINH TIẾN
Tôi: LS TRẦN MINH HÙNG- TRƯỞNG VPLS GIA ĐÌNH, ĐOÀN LS TPHCM, xin bào chữa cho bị Đặng Sinh và Lượng Minh Tiến bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Xuyên Mộc truy tố về tội Cố ý gây thương tích theo khoản 2, điều 104 Bộ luật hình sự như sau:
Nội dung bào chữa cho bị cáo Tiến:
Theo Tiến thì vào khoảng 13h 30 ngày 03 tháng 12 năm 2016 tại Bàu Đen xã Bưng Riềng khu vực trồng cao su thuộc Phân trường Lâm nghiệp tỉnh BRVT. ông Tiến chạy thuê chở tràm cho ông Hàn có đi ngang qua lô cao su thuộc phân trường nói trên, lúc đang đi ngang qua khu vực trồng cao su, có hai người đàn ông đi 1 chiếc xe máy chạy đến chặn đầu xe Tiến lại và đòi bắt Tiến và bắt xe Tiến, hỏi tại sao bắt thì 02 ông này cho rằng bảo vệ Phân Trường nhưng ông Tiến không thấy mặc quần áo hay thẻ bảo vệ. Tiến có nói: “Tôi chỉ chở thuê Tràm không làm gì tôi sẽ chạy đường khác về không về lại đường này nữa nếu các anh không cho, tôi đã chạy 1 lần trước đó mà không thấy ai nhắc nhở cấm gì”, hai người đó là ông Phan Việt Hùng và 1 người đi chung là anh Đạt vẫn tiếp tục đòi bắt Tiến và đe dọa Tiến, Tiến đã trả lời: “em đang đi trên đường mòn từ xưa đến nay, con đường này tư xưa đến này có sẵn, anh không có quyền bắt Tôi. Hơn nữa con đường này không thấy ghi bảng cấm vào, cấm đi”, theo Tiến thì lúc này 2 anh chạy đến nắm tay Tiến và lôi Tiến xuống xe, hai anh liên tục đánh vào người và mặt Tiến và khống chế, khóa tay Tiến ra phía sau gần 1 tiếng đồng hồ.
Tiến đã van xin năn nỉ thả nhưng họ không đồng ý và vẫn tiếp tục khống chế và ép Tiến xuống đất làm thở không được và đau cả người… 1 lúc sau hai anh đã đồng ý thả Tiến và Tiến đã gọi cho cho Thành là cháu Tiến nhờ cháu gọi cho công an xã Bưng Riềng ( anh Hận) vào chứng kiến và lập biên bản, nhưng anh Hận không vào và cháu Lượng Công Thành (SN 1989) đã điện thoại cho mấy ông cậu vào để can ngăn sự việc ( Lượng Văn Cường SN 1970, Lượng Văn Hùng SN 1968, Lượng Minh Tuấn SN 1975, Bùi Văn Cường SN1965, Đặng Sinh SN 1985) và Tiến kể lại sự việc cho anh Lượng Văn Cường nghe. Lúc các anh đến thì giữa các bên có cãi nhau rất kịch liệt, ông Hùng vẫn tỏ ra thách thức anh em Tiến, lúc này phía bên ông Hùng cũng có thêm 2 người vào. Tiến có nói với mấy anh em là ông Phan Việt Hùng và anh Đạt đã đánh Tiến nên Lúc này anh Phan Việt Hùng bỏ chạy và Tiến chạy theo, đánh vài cái bằng tay không , anh Phan Việt Hùng nói:” tụi bay không được quyền đánh Tao”, trong lúc dằng co xô xát cháu Sinh đã lấy đoạn tre làm nhà chòi của quán đánh anh Phan Việt Hùng và ông Hùng lấy tay đỡ. Anh Lượng Văn Hùng can kêu Tiến và Sinh không đánh nữa và đã bỏ về….
Vào khoản 15h cùng ngày Tiến và anh Lượng Văn Cường có lên UBND xã Bưng Riềng trình báo, anh Luận công an viên tiếp Tiến và anh Lượng Văn Cường, nhưng 1 lúc sau anh Luận gọi một anh khác cũng là công an viên ra lập biên bản vụ việc trình báo của Tiến chứ không như kết luận điều tra là công an mời các bị cáo lên làm việc.
Khoản 2 đến 3 ngày sau Tiến có thuê cháu Thành vào tiếp tục chở tràm cho nhà ông Hàn vì lí do Tiến bị đánh hôm rồi còn đau nên không thể chở tràm được, Tiến chạy xe máy vào con đường xảy ra vụ việc vừa rồi để đi vào coi tràm cháu Thành chở , thì Tiến phát hiện thấy 1 cây cao su ngã đỗ, và có chạy về trình báo với trưởng công an xã là anh Tu với anh Luận vô xác minh hiện trường, anh Vũ là an ninh của huyện cũng có mặt buổi hôm đó, chụp hình lại.
Khoảng 5 ngày sau anh Lượng Văn Hùng với anh Lượng Văn Cường có thay mặt Tiến đến nhà anh Phan Việt Hùng để thăm sức khỏe và có chút quà gửi anh bồi bổ nhưng anh Phan Việt Hùng từ chối không nhận. Và tiếp tục mấy lần sau Tiến vẫn nhờ anh Lượng Văn Cường để qua thăm nom xin lỗi về vụ đánh nhau nhưng vẫn bị cự tuyệt không chấp nhận lời xin lỗi của Tiến. Và lần gần vào ngày 25 tháng 02 năm 2017 Tiến đi một mình vào nhà anh Phan Việt Hùng gặp vợ và con anh Hùng, anh Phan Việt Hùng không có ở nhà, Tiến đã nói chuyện xin lỗi vợ con anh Phan Việt Hùng, nhờ chị nói giúp anh Phan Việt Hùng bỏ qua vì chuyện nóng nảy xảy ra xô xát không ai muốn, và Vợ của anh Phan Việt Hùng cũng đã đồng ý chuyển lời lại giúp cho tồi về việc này.
Sự việc xảy ra xô xát ngày ngày 03 tháng 12 năm 2016 bên nào cũng có lỗi, con đường mòn nhiều người đi thì Tiến đi chỉ đi chở Tràm thuê cho ông Hàn - ông Hàn làm chứng sự việc Tiến chạy chở thuê Tràm, con đường này nhiều người đi và chính Cáo trạng kết luận đây là con đường mòn nhiều người đi tạo thành lối mòn việc ông Hùng và ông Đạt tự đòi bắt xe ông Tiến là không có căn cứ sau đó xưng là bảo vệ nhưng không mặc quần áo bảo vệ và không đưa thẻ nên ông Tiến cũng không biết 02 ông này có phải bảo vệ không mà đòi bắt Tiến, đè Tiến xuống rồi đánh Tiến, Tiến không vi phạm luật sao lại đánh ghè Tiến xuống đất và khóa tay Tiến ra phía sau cả tiếng đồng hồ làm Tiến rất bức xúc và bị kích động rõ rệt. Tiến đã vào con đường này 1 lần trước đó sau đó quay lại đi lần thứ 2, vậy sao lần 1 không yêu cầu Tiến ra mà cho Tiến đi lần 2? Con đường thì không có bảng cấm, biển hiệu gì, trong khi Theo luật giao thông đường bộ thì nếu là đường cấm thì phải có biển hiệu cấm (điều 10, k4, điểm a Luật giao thông đường bộ đã quy định rõ. Ông Hùng, ông Đạt đã có lỗi trước và làm cho Tiến bị kích động rất nhiều dù Tiến đã cố gắng kiếm chế. Liệu ông Hùng, Đạt có được phân công trực làm bảo vệ hôm đó không khi Tiến yêu cầu cung cấp thẻ bảo vệ cho Lâm Trường thì 02 ông này không cung cấp được, Tiến không biết họ là ai? Con đường vào Lâm Trường này là con đường mòn đã có từ lâu đời và nhiều người dân ra vào đây liên tục không bị cấm và không hề có bảng cấm? Sau sự việc xảy ra với Tiến thì Công ty này mới đưa cây rào sơ sài lại để buổi xác minh hiện trường ghi là có cây để ngang. Theo từ điển tiếng việt thì đường mòn là đường do nhiều người đi lại nhiều lần mà hình thành, có từ lâu không được làm mới. Như vậy, con đường này đã có từ xưa, ai cũng đi ngang qua và chính cáo trạng Viện kiểm sát cũng thừa nhận. Vậy tại sao Kết luận điều tra cho rằng Nguyên nhân xảy ra vụ án trên do lỗi của Tiến tự ý điều khiển xe máy cày đi sai vào giữa 2 hàng cây....đây là điều hết sức mâu thuận và kết tội Tiến thiếu căn cứ.
Cơ quan điều tra Công an huyện Xuyên Mộc kết luận Tiến phạm tội theo khoản 2, điều 134 và áp dụng điểm o, a là chưa đúng, và cho rằng Tiến phạm tội với vai trò là đồng phạm xúi dục, kích động là chưa đúng.
Cụ thể điểm o, khoản 2, điều 134 là “Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”
Trong khi Theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước 2009, quy định tại điều 3, khoản 1 như sau: “Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án”.
Luật cán bộ, công chức 2008 quy định.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Luật này quy định về cán bộ, công chức; bầu cử, tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức; nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức và điều kiện bảo đảm thi hành công vụ.
Điều 2. Hoạt động công vụ của cán bộ, công chức
Hoạt động công vụ của cán bộ, công chức là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan.
Điều 4. Cán bộ, công chức
1. Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
2. Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
3. Cán bộ xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội; công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Căn cứ quy định trên như vậy, ông Hùng chỉ là nhân viên bảo vệ của Công ty, không phải là cán bộ công chức thi hành công vụ theo Luật cán bộ công chức và Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước nên không thể quy kết ông Tiến phạm tội thuộc trường điểm O.
Ngoài ra, ông Tiến không dùng hung khí nguy hiểm mà cũng không đánh ai bị thương nên cũng không thể kết tội Tiến theo điểm a điều 134 là dùng hung khí nguy hiểm là không chính xác.
Khoản 2 Điều 2 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 có quy định về người xúi giục như sau:
"Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.”
Như vậy ông Sinh trên 18 tuổi, đủ năng lực hành vi dân sự không thể ông Tiến kích động hay dụ dỗ, thú đẩy được với chỉ 1 câu nói “đánh đi rồi tính sau” thì không thể kết tội Tiến với vai trò đồng phạm là người xúi dục như cáo trạng và kết luận điều tra. Hành vi xúi giục phải trực tiếp, nghĩa là kẻ xúi giục phải nhằm vào một hoặc một số người nhất định. Việc kêu gọi, hô hào mà không hướng tới những người xác định thì không phải là hành vi xúi giục.
Hành vi xúi giục phải cụ thể, nghĩa là phải nhằm gây ra việc thực hiện tội phạm nhất định. Việc truyền bá, phổ biến, gieo rắc những tư tưởng xấu cho một người hoặc một số người và khiến những người này đi vào con đường phạm tội cũng không phải là hành vi xúi giục trong đồng phạm .
Về mặt chủ quan, cần xác định người xúi giục cần có ý định rõ ràng thúc đẩy người phạm tội. Những người có lời nói hoặc việc làm có thể gây ảnh hưởng đến việc phạm tội của người khác nhưng không có ý định thúc đẩy người này phạm tội thì cũng không phải là người xúi giục.
Không phải cứ có nhiều người tham gia là đồng phạm, mà nhiều người tham gia đó phải cố ý cùng thực hiện một tội phạm, nếu có nhiều người phạm tội nhưng không cùng thực hiện một tội phạm thì không gọi là đồng phạm. Tiến không gây thương tích cho ai, không cầm hung khí, không chỉ đạo Sinh đánh ai hay hô Sinh đánh, mà chỉ hô chung chung nên không thể là đồng phạm.
Đồng phạm giản đơn: là tất cả những người cùng thực hiện một tội phạm đều là người thực hành, Tiến không thực hiện hành vi gây thương tích nên không thể là đồng phạm giản đơn.
Tiến không gọi ông Sinh mang cây đến đánh ông Hùng, ông Đạt vậy tại sao xử ký hình sự Tiến? Tiến chỉ đánh ông Hùng bằng tay không và chưa bị thương tích gì thì làm sao Tiến có thể là đồng phạm tội cố ý gây thương tích? Tại sao ông Hùng, Đạt đánh, bắt, giữ Tiến trước hàng tiếng đồng hồ thì không xem xét lỗi của những người này.
Tiến yêu cầu thực nghiệm điều tra theo quy định pháp luật nhưng không được cơ quan tố tụng chấp nhận trong khi vụ án cần phải thực nghiệm điều tra mới khách quan.
Cáo trạng khi kết tội Tiến theo khoản 2, điều 104 là chưa áp dụng những tình tiết có lợi cho người bị buộc tội. Cụ thể Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13......... Mà theo đó:
-Tại khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết này quy định:“Tiếp tục áp dụng Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 37/2009/QH12); Bộ luật tố tụng hình sự số 19/2003/QH11; Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự số 23/2004/PL-UBTVQH11 (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Pháp lệnh số 30/2006/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 09/2009/PL-UBTVQH12); Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ban hành Quy chế về tạm giữ, tạm giam (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 98/2002/NĐ-CP và Nghị định số 09/2011/NĐ-CP của Chính phủ) cho đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành.”.
-Tại điểm b khoản 4 Điều 1 của Nghị quyết 144/2016/QH13 có quy định:“Áp dụng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Nghị quyết số 109/2015/QH13 tại điểm a khoản này;”.
Theo những quy định này, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự hiện nay, các cơ quan tiến hành tố tụng phải đồng thời áp dụng quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 và những quy định có lợi cho người bị buộc tội quy định trong BLTTHS năm 2015.
Căn cứ quy định trên thì khi giải quyết phải áp dụng điều luật mới với khung hình phạt tại khoản 2, điều 134 là có lợi cho bị can bị cáo nên phải áp dụng quy định có lợi cho bị can bị cáo.
Như vậy, kết luận điều tra và Cáo trạng không thống nhất nhau khi kết luận điều tra thì áp dụng luật mới để kết tội Tiến còn Cáo trạng thì áp dụng luật cũ để truy tố Tiến. Đây là điều không thống nhất và áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án là chưa đúng.
Kết luận điều tra số 53/KLĐT chưa đúng với lời trình bày Tiến, cụ thể:
Ông Hùng và ông Đạt khi đánh Tiến không mặc trang phục bảo vệ mà chỉ mặc áo bình thường như Tiến đã khai nhiều lần, Công an huyện Xuyên Mộc vẫn ghi 02 ông mặc trang phục là không đúng.
Khi Tiến đi vào khu này không có bất kỳ cây cao su nào gãy như bản kết luận điều tra nêu.
Ông Hùng không có giải thích gì mà ngay sau khi thấy Tiến đã đánh và vặt tay Tiến ra phía sau cùng với ông Dũng.
Tiến không thách thức, đạp xe như kết luận điều tra nêu. Bởi nếu bước lên máy cày cầm tay Tiến lôi xuống thì làm sao Tiến có thể đạp ga xe bỏ chạy, đây là điều mâu thuẫn của bản kết luận điều tra.
Kết luận cho rằng bị cáo gọi cho Thành báo bị đánh gọi cho ông Hàn báo bị đánh là sai chưa đúng. Tại các bản khai Tiến kêu gọi cho Thành để nhờ Thành kêu công an ra vì Tiến không có số ông Hận công an xã.
Việc kết luận cây cao su bị bánh xe đè lên là không có trong hiện trường, kết luận điều tra lại đưa vào. Khi Tiến đi xe vào không có bảng cấm, không có cây ngăn mà sau khi sự việc xảy ra thì mới đưa cây ngăn lại.
Lúc Tiến báo với ông Hàn vì Tiến nghe ông Hùng nói là bảo vệ thì nói lại như thế chứ không biết họ có phải bảo vệ hay không như kết luận điều tra nêu.
Ở hiện trường ngay khi xảy ra va chạm không có bất ký cây cao su nào hư hỏng hay gãy như kết luận điều tra. Công an huyện Xuyên Mộc không thực nghiệm điều tra, không khám nghiệm hiện trường và không lập biên bản quả tang và không biết gì về vụ việc nhưng lại kết luận dựa trên lời khai là chưa có căn cứ, và chưa bảo đảm theo đúng trình tự tố tụng hình sự.
Không có căn cứ nào chứng minh ông Đạt, Hùng khai đúng nhưng kết luận điều tra khẳng định lời khai 2 ông này là chính xác. Như vậy là trái quy định về luật tố tụng về lời khai, chứng cứ khi buộc tội.
Nếu nói ông Hùng, Đạt không đánh Tiến sao Tiến phải uống thuốc, Tiến khám bệnh và có hóa đơn uống thuốc, khám bệnh, chụp X-Quang Tiến cung cấp cho Công an huyện Xuyên Mộc.
Việc Công ty Lâm Nghiệp MTV BRVT cung cấp cho Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Xuyên Mộc 2 cái áo bảo vệ là không đúng sự thật khách quan vụ án, vì đây là không phải chứng cứ thu thập được tại buổi xảy ra ẩu đã mà mãi sau này công ty tự đưa lên, ai dám chắc đây là chiếc áo ông Hùng, Đạt mặc vì Tiến không thấy họ mặc chiếc áo, Tiến chưa thấy nhận dạng chiếc áo bao giờ. Lịch làm việc (lịch trực) sau này công ty tự cung cấp cho cơ quan điều tra thì cũng khó xem xét chấp nhận theo như quy định về thu thập chứng cứ. Vì các chứng cứ này chưa được giám định chữ ký, chữ viết và thời gian viết, thời gian ký...có lùi lại hay không?
Tiến chưa bao giờ thấy người nhà đến thì chỉ tay vào ông Hùng kêu Đặng Sinh đánh bao giờ, Tiến khai nhiều lần tại cơ quan điều tra nhưng kết luận điều tra vẫn cho rằng Tiến chỉ đạo Đặng Sinh đánh ông Hùng là sai sự thật, không đúng sự thật.
Tiến không gọi gia đình đến đánh ông Hùng và ông Đạt như bản kết luận điều tra, điều này rõ ràng có Thành cháu Tiến biết là Tiến gọi kêu Công an xã tới nhưng Kết luận điều tra lại cho là Tiến kêu người nhà đến.
Tiến không yêu cầu ông Hùng bồi thường, như Tiến đã khai là Tiến cũng bị uống thuốc bị đau nhức do ông Hùng, Đạt đánh nhưng thấy chỉ bầm dập vết thương không nặng nên không yêu cầu bồi thường nhưng kết luận điều tra lại kết luận Tiến yêu cầu bồi thường hết sức vô lý.
Hành vi của Tiến không cấu thành tội phạm, lỗi xo xát một phần lớn cho ông Phan Việt Hùng và ông Đạt đánh bắt, giữ trái pháp luật Tiến trước, không có bảng cấm đi vào đường cao su. Tiến không cầm hung khí, không gây bất kỳ thương tích nào cho ông Hùng, ông Đạt, Tiến không điện thoại cho ông Sinh kêu ông Sinh cầm cây đánh người, Tiến chỉ đánh tay không và không gây thương tích gì cho ông Hùng, vết thương ông Hùng là do Đặng Sinh cầm cây gây nên. Hành vi ông Tiến là do bị kích động, do lỗi trái pháp luật của ông Hùng, Đạt.
Từ các căn cứ trên tôi yêu cầu tuyên hành vi bị cáo Tiến không cấu thành tội phạm, không đồng phạm của tội cố ý gây thương tích như Cáo trạng truy tố Tiến.
Nội dung bào chữa cho bị cáo Sinh:
Đặng Sinh phạm tội nhưng do bộc phát, không có bàn bạc từ trước, chỉ nghe nói Tiến bị đánh nên sẵn đang làm quán thì lấy cây chạy ra xem. Khi nghe Tiến bị đánh thì bức xúc mà đánh Hùng, Đạt mà thôi.
Sinh có nhiều tình tiết giảm nhẹ kính mong HĐXX cho Sinh được hưởng án treo.
Điều 46. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;
g) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
h) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
p) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
Khi quyết định hình phạt, Tòa án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.
Tại Điều 47 quy định về Quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật như sau:
“Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật này, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật; trong trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật, thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.”
Ngoài ra, tại khoản 2, điều 46 Bộ luật Hình sự quy định:
“Khi quyết định hình phạt, Tòa án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.”
Quy định này được hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2000 của HĐTP TANDTC quy định tại khoản 5, điểm c quy định các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ như như:
“- Người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt (ông Hùng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt).
- Gia đình bị cáo khắc phục, bồi thường.”
- Căn cứ Điều 60 quy định về Án treo như sau:
“Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.
Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.”
- Căn cứ theo quy đinh tại Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn, chỉ cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Bị xử phạt tù không quá ba năm, không phân biệt về tội gì;
b) Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; chưa có tiền án, tiền sự; có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng;
c) Có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng, trong đó có ít nhất là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của BLHS. Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng, thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên;
d) Nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm…
Ngoài ra, Bị cáo có cha tham gia quân đội, gia đình khó khăn nuôi nhiều con nhỏ, là lao động chính....
Căn cứ vào các quy định trên, tôi kính mong HĐXX cho bị cáo Đặng Sinh được hưởng án treo với thời gian thử thách ngắn nhất để bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật.
Xin chân thành cảm ơn hội đồng xét xử và chấp nhận nội dung bào chữa của tôi.
Trân trọng cảm ơn.
Ngày 27/9/2017
LS TRẦN MINH HÙNG
Bài bào chữa này của LS TRẦN MINH HÙNG giúp cho 2 bị cáo được hưởng án treo.