Đánh chết vịt vào phá lúa: Luật sư nói bên nào cũng có lỗi
TTO - Vụ 3 người thuộc tổ bảo vệ tự quản của thôn Đông Lôi, xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng dùng gậy xua đuổi khiến 101 con vịt bị chết đang được dư luận quan tâm.
Nhiều ý kiến cho rằng vịt vào phá lúa có thể gây thiệt hại lớn cho chủ ruộng lúa. Vậy trong vụ việc này các bên có lỗi như thế nào và có thể bị xử lý ra sao?
Có dấu hiệu hình sự
Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng cả hai bên là các thành viên tổ bảo vệ tự quản lẫn chủ vịt đều có lỗi.
Ba thành viên tổ bảo vệ tự quản của thôn Đông Lôi đã có lỗi khi dùng gậy xua đuổi, dẫn đến 101 con vịt bị đánh chết. Theo luật sư, có nhiều biện pháp để ngăn chặn đàn vịt phá ruộng lúa, chứ không thể đánh chết vịt là tài sản của người khác.
Nếu 101 con vịt bị đánh chết có giá trị từ 2 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ... thì bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Trong vụ án, cơ quan chức năng cũng cần giám định thiệt hại của ruộng lúa. Đồng thời, xác định ý thức chủ quan của chủ vịt là cố ý hay vô ý để vịt vào phá lúa. Nếu chủ vịt cố ý để vịt vào phá lúa và thiệt hại ruộng lúa từ 2 triệu đồng trở lên thì chủ vịt có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Nếu chủ vịt không trông coi, để vịt vào phá lúa của người khác thì đây là lỗi vô ý. Chủ vịt có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng theo quy định tại khoản 2, điều 5 nghị định 167/2013 do để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại điều 603 Bộ luật dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác.
Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán gây thiệt hại, chủ sở hữu phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Như vậy, chủ ruộng lúa có thể yêu cầu chủ vịt bồi thường dân sự theo quy định pháp luật.
Có thể giải quyết bằng thương lượng
Còn luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng tính chất hành vi đánh chết vịt thì có dấu hiệu của tội hủy hoại tài sản.
Tuy nhiên, luật sư Hùng đánh giá các góc độ lỗi, nguyên nhân, hậu quả, thiệt hại và mối quan hệ hành vi và hậu quả cũng như tập quán thì không cần khởi tố, mà các bên nên giải quyết với nhau bằng dân sự.
Bên bị thiệt hại (chủ vịt) có thể yêu cầu bên gây thiệt hại (thành viên tổ bảo vệ) bồi thường và bên bị thiệt hại (chủ ruộng lúa) cũng có quyền yêu cầu chủ vịt bồi thường, bởi chủ vịt cũng phải chịu trách nhiệm chăn nuôi, không để vịt vào phá lúa người khác.
"Bản chất những người nông dân không suy nghĩ hết những hậu quả pháp lý về mặt hình sự. Do vậy, sẽ là hợp lý khi hướng dẫn các bên giải quyết bằng dân sự.
Việc giải quyết bằng dân sự trong vụ án trên vẫn có sự nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm quyền lợi cho các bên, bảo bảm thi hành đối với các bên.
Còn khởi tố một vụ án hình sự trong trường hợp trên, theo tôi không cần thiết và không hẳn bảo đảm được quyền lợi cho các bên, không hẳn bảo đảm được sự thuyết phục cho bên chủ ruộng lúa và chưa phù hợp tập quán nhiều vùng quê" - luật sư Hùng đánh giá.