Vụ chuyến bay giải cứu: Hàng trăm tỉ đồng các bị cáo nộp lại được xử lý ra sao?
TAND TP Hà Nội đang nghị án kéo dài vụ chuyến bay giải cứu, sẽ tuyên án vào ngày 28-7.
Tính đến ngày 17-7, nhiều bị cáo đã nộp khắc phục số tiền hơn 100 tỉ đồng và 1,5 triệu USD. Nhiều bạn đọc thắc mắc rằng số tiền này sẽ được xử lý ra sao theo quy định của pháp luật?
Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội, đã nộp 1,5 triệu USD. Ảnh: PHI HÙNG |
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Điều 364 BLHS quy định người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Như vậy trong trường hợp, người đưa hối lộ chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và trả lại tiền đưa hối lộ.
Nếu người đưa hối lộ không chủ động khai báo hoặc chỉ nộp lại tiền hối lộ để khắc phục hậu quả và giảm nhẹ hình phạt so với mức truy tố thì số tiền này sẽ được xem là tiền vi phạm pháp luật, chỉ nộp khắc phục hậu quả và sẽ không được trả lại cho người đưa hối lộ, mà sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước.
Theo quy định, vụ án được xét xử ở cấp nào thì số tiền khắc phục hậu quả sẽ được nộp tại Cục THADS hoặc Chi cục THADS cùng cấp. Đồng thời, số tiền thu được từ việc khắc phục hậu quả này sẽ được sung vào ngân sách nhà nước.
Theo Luật sư Trần Thị Thanh Thảo (Đoàn Luật sư TP.HCM), điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 29/2018 quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân hướng dẫn thi hành điểm b khoản 1 Điều 106 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, thì tài sản thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân là vật chứng vụ án, tài sản khác bị tịch thu theo quy định của pháp luật.
Như vậy, số tiền các bị cáo nộp lại thực chất đó là khoản tiền thu lợi bất chính và sẽ được xem là tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Theo khoản 5 Điều 20 Nghị định 29/2018 hướng dẫn thi hành khoản 4 Điều 111 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, đối với việc xử lý tài sản là tiền Việt Nam, ngoại tệ, giấy tờ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý.
Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày phương án xử lý tài sản được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, đơn vị chủ trì quản lý tài sản thực hiện chuyển tài sản là tiền Việt Nam, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý vào Kho bạc nhà nước. Kho bạc nhà nước thực hiện hạch toán nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Đối với tài sản là ngoại tệ thì đơn vị chủ trì quản lý tài sản nộp vào tài khoản ngoại tệ của Kho bạc nhà nước tại ngân hàng; Ngân hàng nhà nước có trách nhiệm mua toàn bộ số ngoại tệ trên để chuyển nộp ngân sách nhà nước bằng đồng Việt Nam theo quy định.
Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày phương án xử lý tài sản được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, đơn vị chủ trì quản lý tài sản thực hiện đổi giấy tờ có giá có khả năng chuyển đổi thành tiền mặt và nộp vào Kho bạc nhà nước. Kho bạc nhà nước thực hiện hạch toán nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Trường hợp giấy tờ có giá không đủ điều kiện chuyển đổi thành tiền thì thực hiện thủ tục gửi Kho bạc nhà nước để lưu giữ, bảo quản.