Nguồn: Vụ cô gái bị giết ở chợ Thủ Đức: Những người liên quan có thể đối diện với tội danh gì? (congluan.vn)
Vụ cô gái bị giết ở chợ Thủ Đức: Những người liên quan có thể đối diện với tội danh gì?
(CLO) Sau khi biết vợ gây án, người chồng đã mang bộ đồ dính máu đi tẩm xăng đốt. Còn tại hiện trường trước đó, một người đàn ông đã nhìn thấy vụ ẩu đả nhưng không can ngăn.
Ngày 2/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thủ Đức (TP HCM) vẫn đang tạm giữ Nguyễn Thị Ngọc Dung (39 tuổi, ngụ quận 12, tạm trú TP Thủ Đức) để điều tra về hành vi Giết người và Cướp tài sản. Nạn nhân là chị H.T.T.T. (26 tuổi, ngụ tỉnh Long An).
Dung đâm nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong - Ảnh cắt từ clip
Liên quan vụ án mạng, nhà chức trách cũng tạm giữ chồng của Dung để điều tra.
Tại cơ quan Công an, Dung khai sau khi gây án đã trở về nơi ở tại phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức. Người phụ nữ 39 tuổi này mặc bộ đồ màu đen dính đầy máu và mang theo tang vật là con dao.
Khi thấy vợ cầm dao nhọn, chồng Dung nói "dao gì mà nhọn dữ vậy, bà đâm chắc người ta chỉ có chết". Dung trả lời "giờ người ta chết sống thế nào em chưa biết nữa". Dung không nhớ đã đâm nạn nhân bao nhiêu nhát và không dám nhìn lại hình của nạn nhân.
Sau khi biết vợ mình gây án, người chồng đã mang bộ đồ dính máu đi tẩm xăng đốt, trong lúc đốt không may bị bỏng ở chân. Còn Dung thì tắm rửa để sạch máu dính trên người.
Sau khi sát hại nạn nhân, nghi phạm lấy tài sản cùng xe máy của nạn nhân rồi tẩu thoát - Ảnh cắt từ clip
Luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn luật sư TP HCM) nhận định, Dung đã có hành vi dùng dao đâm liên tục vào nhiều vị trí trên cơ thể, cố ý tước đoạt mạng sống của nạn nhân đến cùng. Hành vi này có dấu hiệu của tội Giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Cùng với đó, Luật sư Tuấn cho rằng cần phải xác định rõ ý định chiếm đoạt tài sản của nghi phạm xảy ra trước hay sau khi thực hiện hành vi giết người. Nếu nghi phạm nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của bị hại từ trước rồi mới dùng dao đâm nạn nhân đến chết thì hành vi dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản này có dấu hiệu của tội Cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 BLHS 2015.
Tuy nhiên, nếu sau khi giết nạn nhân, nghi phạm phát hiện nạn nhân có mang theo tài sản và chiếm đoạt tài sản của bị hại thì hành vi này có dấu hiệu của tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 172 hoặc tội Trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
"Quan điểm cá nhân tôi cho rằng hành vi của nghi phạm Dung có ý định chiếm đoạt tài sản của bị hại trước nên mới xuống tay đâm nạn nhân đến chết. Hành vi này cấu thành tội Cướp tài sản đi liền tội Giết người. Ý thức chiếm đoạt tài sản này phát sinh từ việc không phải trả khoản nợ nếu bị hại chết và sau khi bị hại chết sẽ chiếm đoạt luôn số tài sản mà bị hại mang theo", Luật sư Tuấn nêu quan điểm.
Đối với chồng của nghi phạm, Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM) chỉ ra, sau khi biết vợ giết người nhưng không khuyên can vợ đi đầu thú, không trình báo cơ quan chức năng. Anh ta cố tình che giấu hành vi phạm tội của Dung, cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội bằng cách giúp vợ đốt quần áo dính máu.
“Tội giết người là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, do đó hành vi của người chồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Che giấu tội phạm theo Điều 389 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm”, Luật sư Hùng phân tích.
Liên quan vụ án, theo đoạn phim do camera gần hiện trường quay lại, có một người đàn ông khi nghe tiếng la hét đã đến xem, nhưng bỏ đi sau đó.
Theo Luật sư Trần Minh Hùng, nếu tại thời điểm đó, người đàn ông biết nghi phạm đang cầm dao gây nguy hiểm tới tính mạng của bị hại và đến can ngăn hoặc tri hô cho mọi người xung quanh đến giúp đỡ, thì có lẽ cô gái 26 tuổi đã không mất mạng.
Vì thế, luật sư cho rằng cần điều tra làm rõ trách nhiệm của người đàn ông này. “Cần điều tra, xác minh, nếu người đàn ông thấy người phụ nữ đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, người đàn ông có điều kiện giúp đỡ nhưng lại không giúp đỡ dẫn đến hậu bị hại bị giết thì có thể người đàn ông này sẽ bị khởi tố theo Điều 132 của BLHS”, luật sư nêu.
Khoản 1 Điều 132 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định: Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm; hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Bên cạnh đó, người vi phạm còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm…
Ngoài ra, luật sư cho rằng, hành vi của người đàn ông trên cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Không tố giác tội phạm theo Khoản 1 Điều 390 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với hình phạt là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
“Như vậy, cần tùy thuộc vào kết quả điều tra, xác minh, lấy lời khai, trích xuất camera cụ thể, chi tiết của cơ quan chức năng để xác định người đàn ông có chịu trách nhiệm hình sự hay không”, Luật sư Trần Minh Hùng đưa quan điểm.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 11h20 ngày 30/9, chị T. làm nghề bán rau củ trong chợ đầu mối nông sản Thủ Đức đi cùng xe máy với Dung vào bãi xe sau chợ đầu mối, phường Tam Bình, TP Thủ Đức đứng nói chuyện. Tại đây, Dung bất ngờ rút dao thủ sẵn trong người ra đâm chị T. nhiều nhát khiến nạn nhân gục tại chỗ.
Sau đó, Dung lấy điện thoại, một đôi bông tai bằng kim loại màu vàng, một bộ lắc bằng kim loại màu vàng, một sợi dây chuyền bằng kim loại màu vàng và một ví tiền chứa khoảng 15 triệu đồng tiền mặt rồi lên xe máy rời đi.
Sau hai giờ gây án, Dung bị các trinh sát Công an TP Thủ Đức cùng Công an phường Tam Bình bắt giữ tại nơi ở.
Kỳ Hoa