An Lộc
PHÁT THANH TRỰC TIẾP TƯ VẤN PHÁP LUẬT
NGÀY 17/11/2023
CHỦ ĐỀ: GIẢ MẠO GIẤY TỜ VÀ NGƯỜI KHI
CÔNG CHỨNG HỢP ĐỒNG
Khách mời: LS TRẦN MINH HÙNG – ĐOÀN LS TP.HCM
Logo chương trình.
An Lộc mến chào quý vị và các bạn đang nghe chương trình Tư vấn pháp luật trực tiếp, chương trình này do Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương phối hợp với Đài PT-TH Bình Dương thực hiện. Được phát sóng trên tần số Fm 92,5 Mhz – Truyền hình Bình Dương - Kênh BTV2 và Likestream trên fanpage BTV Fm vào lúc 9 giờ 10 phút đến 10 giờ - thứ sáu hàng tuần.
Thưa quý vị! Thời gian gần đây, các ngành chức năng liên tục phát hiện, triệt phá các vụ án giả mạo giấy tờ, giả mạo người đi công chứng để thực hiện các hành vi lừa đảo. Thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, phức tạp không chỉ khiến người dân mà còn cả các công chứng viên ở Văn phòng Công chứng hoang mang, “e ngại”.
Quý vị thân mến! Giả mạo giấy tờ và người khi công chứng hợp đồng là chủ đề của Chương trình Tư Vấn Pháp Luật hôm nay, và khách mời là LS Trần Minh Hùng– Đoàn LS TP.HCM.
CHÀO ĐẦU
Ngay từ bây giờ, quý thính giả có thể gọi đến số 0274 – 3836.246 để được LS Trần Minh Hùng– Đoàn LS TP.HCM tư vấn, giải đáp những câu hỏi cho quý vị liên quan đến chủ đề hôm nay.
………….
Còn bây giờ sẽ là phần dành cho thính giả tham gia câu hỏi “Tìm hiểu về pháp luật” để nhận 2 thẻ cào điện thoại, mỗi thẻ trị giá 100 ngàn đồng dành cho 2 thính giả trả lời đúng được chúng tôi lựa chọn ngẫu nhiên.
Câu hỏi tuần này là:Nếu công chứng viên biết giấy tờ giả nhưng vẫn công chứng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
- Đáp án A: Đúng (Đáp án đúng)
- Đáp án B: Sai
Quý vị hãy nhanh tay gọi về số điện thoại 0274 – 3826.833để tham gia nhé. Thính giả trúng thưởng, An Lộc sẽ công bố vào cuối chương trình. Xin được nhắc lại số điện thoại để tham gia phần tìm hiểu về pháp luật đó là 0274 – 3826.833.
CHÀO ĐẦU
- Thưa LS, các đối tượng lừa đảo không chỉ giả mạo giấy tờ mà còn giả mạo cả người để công chứng hợp đồng, sau đó thực hiện các hành vi lừa đảo được các ngành chức năng cảnh báo khá nhiều trong thời gian gần đây. LS đánh giá như thế nào về thủ đoạn lừa đảo này? Và hiện nay thường gặp những thủ đoạn nào?
=> Thời gian gần đây, ngoài tình trạng dùng giấy tờ giả trong giao dịch dân sự đã xuất hiện việc thuê người đóng giả để thực hiện các thủ tục pháp lý hòng qua mặt công chứng. Thủ đoạn mới liên quan đến vấn đề này đang phát sinh và biến tướng theo chiều hướng tinh vi, phức tạp và để lại hậu quả rất lớn.
Các đối tượng lừa đảo thực hiện thủ đoạn làm giả toàn bộ hồ sơ, giấy tờ một cách tinh vi và sử dụng khả năng giao tiếp linh hoạt để thuyết phục, qua mặt các bị hại hòng chiếm đoạt tài sản của các bị hại. Chỉ vì tin tưởng vào tính pháp lý của những hồ sơ, giấy tờ giả mà nhiều người dân đã bị lừa đảo, mất tiền oan, từ đó phát sinh nhiều vấn đề mất an ninh trật tự tại các địa phương. Thực tiễn xét xử cho thấy, việc làm giả tài liệu là rất đa dạng, phong phú, từ văn bằng, chứng chỉ, đến giấy khám sức khỏe, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép lái xe và hồ sơ khám bệnh các loại.
Ngoài ra, việc giả mạo người hay còn gọi là sử dụng người “đóng thế” cũng diễn ra thường xuyên. Việc giả mạo người thường gặp là giả mạo một bên vợ hoặc chồng trong giao dịch khi một hoặc hai bên muốn bán tài sản mà bên kia không đồng ý nên người còn lại nhờ hoặc thuê người khác “đóng thế”. Trường hợp giả mạo anh chị em trong nhà để ký hợp đồng trong trường hợp đất cấp cho hộ gia đình hoặc phân chia di sản thừa kế hoặc trường hợp mạo danh anh chị em sinh đôi để ký giấy tờ trục lợi cho bản thân.
- Thực tế có rất nhiều giấy tờ giả được công chứng. Điều này cho thấy vẫn còn rất nhiều “kẻ hở” trong hoạt động công chứng. LS có ý kiến gì về điều này?
=> Tình trạng giả mạo trong hoạt động công chứng ngày một đa dạng, tinh vi và rất khó phát hiện. Thủ đoạn của các đối tượng làm giả ngày càng trở nên tinh vi từ dấu giáp lai, dấu nổi cho đến dấu chìm trên giấy đều giống thật đến không ngờ, trong khi các trang thiết bị hỗ trợ nhận diện giấy tờ giả của công chứng viên hiện nay vẫn còn khá thô sơ (chủ yếu là mắt thường hoặc kính lúp) nên rất khó để phát hiện. Đồng thời, để nhận biết chính xác giấy tờ thật - giả cần phải có chuyên gia trong lĩnh vực và phải dùng đến trang thiết bị hỗ trợ nhận biết giấy tờ giả mới phát hiện được. Từ đó đã đẩy các công chứng viên vào tình thế luôn phải đối mặt với rủi ro cho dù có thâm niên, nhiều kinh nghiệm và được trang bị những kỹ năng nhận biết nhất định nhưng cũng không đủ trình độ, phương tiện giám định như một giám định viên. Ngoài ra, tổ chức hành nghề công chứng không có thẩm quyền tạm giữ người. Khi công chứng viên có sự nghi ngờ đối tượng giả mạo người yêu cầu công chứng, yêu cầu xác minh hoặc tiến hành lập biên bản thì đối tượng được yêu cầu hoặc sẽ không ký vào biên bản hoặc để lại giấy tờ và bỏ chạy.
- Hành vi giả mạo giấy tờ và người khi công chứng hợp đồng nếu “lọt” qua cửa công chứng có thể gây ra những hậu quả nào?
=> Hậu quả từ việc giả mạo giấy tờ, giả mạo người trong hoạt động công chứng là rất nặng nề. Nhiều tổ chức, cá nhân bị lừa chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Bên cạnh những thiệt hại về tài sản còn ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội, gây tâm lý lo lắng, bất an cho doanh nghiệp và người dân, gây áp lực cho công chứng viên và ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống công chứng. Trường hợp để xảy ra việc người sử dụng giấy tờ giả, giả mạo người yêu cầu công chứng vẫn được công chứng, khi xem xét trách nhiệm, phải xem xét đến yếu tố lỗi (cố ý, vô ý) của công chứng viên và Văn phòng Công chứng. Nhưng việc này trong nhiều trường hợp là rất khó khăn, thậm chí nhiều vụ công chứng viên thành nạn nhân của giấy tờ giả, đối tượng giả mạo.
- Ngay ở BD mới đây cũng có có trường hợp trưởng văn phòng công chứng, công chứng viên phải chịu trách nhiệm về việc để “lọt cửa” những giấy tờ giả. Câu hỏi đặt ra là liệu chất lượng của đội ngũ công chứng viên còn thấp?
=> Đội ngũ công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng ở nước ta đã và đang phát triển nhanh về số lượng với tính chuyên nghiệp. Tuy nhiên, song song với sự phát triển, hoạt động công chứng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần phải được khắc phục. Trong những năm gần đây, các vụ án tranh chấp hợp đồng, giao dịch do công chứng viên chứng nhận bị cơ quan Tòa án tuyên hủy và tuyên vô hiệu ngày càng nhiều, chủ yếu xuất phát từ những sai sót, sai phạm xảy ra trong quá trình hành nghề của công chứng viên. Điều này thể hiện chất lượng của một bộ phận công chứng viên còn hạn chế, một bộ phận còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, chấp hành không nghiêm các quy định của pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Thưa quý vị! Như AL đã chia sẻ thì ngoài tình trạng dùng giấy tờ giả trong giao dịch dân sự đã xuất hiện việc thuê người đóng giả để thực hiện các thủ tục pháp lý. Thủ đoạn mới liên quan đến vấn đề này đang phát sinh và biến tướng theo chiều hướng tinh vi, phức tạp. Để làm rõ hôn về vấn đề này, mời quý vị cùng nghe 1 tiểu phẩm ngắn sau nhé.
TIỂU PHẨM.
- Thưa LS, thực tế có rất nhiều người khi có nhu cầu bán đất thì đăng lên mạng xã hội…và qua tiểu phẩm mà chúng ta vừa nghe thì đối tượng lừa đảo đã làm giả sổ đỏ sau đó tráo với sổ thật và làm giả hàng loạt giấy tờ nhân thân của chủ đất thật, đồng thời giả luôn chủ sổ đỏ để đến văn phòng công chứng làm thủ tục chuyển nhượng đất cho người khác. Vậy hành vi lừa đảo này PL quy định như thế nào?
=> Căn cứ điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015: tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là người phạm tội đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Dựa trên nội dung tiểu phẩm trên, đối tượng lừa đảo đã sử dụng thủ đoạn gian dối: làm giả sổ đỏ sau đó tráo với sổ thật và làm giả hàng loạt giấy tờ nhân thân của chủ đất thật, đồng thời giả luôn chủ sổ đỏ để đến văn phòng công chứng làm thủ tục chuyển nhượng đất cho người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ đất. Hành vi trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hình phạt cao nhất cho hành vi này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, hành vi làm giả sổ đỏ, giấy tờ nhân thân của chủ đất thật còn có thể bị xử lý hình sự về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; Tội “sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, căn cứ vào Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, mức phạt cao nhất cho hành vi này là phạt tù từ 03 đến 07 năm.
- Với tiểu phẩm mà chúng ta vừa nghe thì nếu công chứng viên không phát hiện giấy tờ giả thì có phải bồi thường không?
=> Trong trường hợp công chứng viên không phát hiện giấy tờ giả do lỗi vô ý mà gây thiệt hại cho người khác, thì phải bồi thường dân sự. Căn cứ khoản 1 điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015: Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
- Trong trường hợp nào thì văn phòng công chứng phải bồi thường thiệt hại?
=> Căn cứ điều 38 Luật Công chứng năm 2014 quy định về bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng: Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.
- Nếu biết giấy tờ giả nhưng công chứng viên vẫn công chứng thì có chịu trách nhiệm hình sự hay không?
=> Nếu chứng minh được công chứng viên cố tình làm sai để trục lợi thì tùy vào tính chất mức độ hậu quả hành vi mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.
- Trong tiểu phẩm chúng ta vừa nghe thì người cha nói là mỗi ngày phòng công chứng công chúng cho hàng trăm giấy tờ thì làm sao biết được hết đâu là giấy tờ thật, đâu là giả…. Liệu đây có thể là lý do để giảm tội?
=> Căn cứ điểm g khoản 2 điều 17 Luật Công chứng năm 2014: Công chứng viên có nghĩa vụ chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình. Trách nhiệm của công chứng viên chỉ được loại trừ nếu công chứng viên đã tuân thủ đầy đủ quy trình công chứng. Do đó, không thể dựa vào lý do trên để giảm hoặc loại trừ trách nhiệm của công chứng viên trong trường hợp giấy tờ giả những vẫn được công chứng.
- Với tiểu phẩm mà chúng ta vừa nghe thì người bị hại (gồm người bị đánh tráo sổ đỏ, bị làm giả giấy tờ và người và nhận chuyển nhượng) nên làm gì để đòi lại quyền lợi cho mình?
=> Dựa trên nội dung tiểu phẩm, đối tượng lừa đảo đã sử dụng thủ đoạn gian dối làm giả sổ đỏ rồi đánh tráo sổ đỏ thật, làm giả các giấy tờ nhân thân của chủ đất thật, giả mạo người yêu cầu công chứng làm thủ tục chuyển nhượng nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ đất thật và người nhận chuyển nhượng. Hành vi trên có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015. Khi nhận thấy bản thân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chủ đất thật và người nhận chuyển nhượng có thể làm đơn tố giác đến các cơ quan điều tra nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) cấp quận, huyện, thị xã, viện kiểm sát các cấp; Tòa án hoặc các cơ quan khác tại nơi phát hiện tội phạm, xảy ra tội phạm hoặc nơi cư trú của người có hành vi phạm tội để bảo vệ quyền lợi của chính mình.
- Theo LS thì những sai phạm nào thường gặp của các văn phòng công chứng hiện nay?
=> Hiện nay, một bộ phận công chứng viên còn chưa nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của nghề công chứng, đạo đức nghề nghiệp, có trường hợp cố ý làm trái, không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục công chứng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cũng xuất hiện nhiều trường hợp cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận. Trích hoa hồng, chiết khấu phí công chứng cho người yêu cầu công chứng, hoặc người môi giới việc công chứng tại văn phòng công chứng để thu hút những người này sử dụng dịch vụ công chứng của tổ chức mình. Ngoài ra, hoạt động công chứng chưa bắt kịp tiến bộ và ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi số.
……………………
CÔNG BỐ ĐÁP ÁN
……………………
- Theo LS thì làm thế nào để ngăn chặn được tình trạng giấy tờ giả “lọt” vào văn phòng công chứng?
=> Thời gian vừa qua, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết của các đường dây làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức quảng cáo. Việc làm giả tài liệu là rất đa dạng, phong phú và ngày càng tinh vi. Muốn ngăn chặn tình trạng giấy tờ giả “lọt” vào văn phòng công chứng cần ngăn chặn nguồn cung ứng giấy tờ giả. Do đó, việc mở các chuyên án bóc gỡ các đường dây làm giả giấy tờ là rất cần thiết. Ngoài ra, cũng cần trang bị thêm các trang thiết bị hỗ trợ nhận diện giấy tờ giả của công chứng viên.
- Thưa LS, hiện nay tình trạng giả mạo giấy tờ, giả mạo người để yêu cầu công chứng và tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch tại các tổ chức hành nghề công chứng đang ngày càng nhiều và tinh vi hơn, dẫn đến một số CCV e ngại, sợ trách nhiệm. Vậy làm sao để biết được hành vi giả mạo trong công chứng?
=> Căn cứ điểm e khoản 2 điều 17 Luật Công chứng năm 2014: Công chứng viên có nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm. Nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng có bao gồm nội dung phân biệt giấy tờ thật, giả. Tuy nhiên, hành vi làm giả giấy tờ ngày càng trở nên tinh vi và khó phân biệt. Trên thực tế, nhiều trường hợp, các lỗi, dấu hiệu phát hiện giấy tờ giả vừa được cập nhật thì ngay tháng sau các đối tượng làm giả giấy tờ đã khắc phục được lỗi đó. Mặc dù đã chủ động khắc phục nhưng vẫn tồn tại bất cập, khó khăn trong việc nhận biết hành vi giả mạo giấy tờ trong công chứng.
Để ngăn chặn tình trạng giả mạo người yêu cầu công chứng, trong quá trình thực hiện công chứng, ngoài việc kiểm tra các giấy tờ tùy thân, hồ sơ, công chứng viên cần yêu cầu người yêu cầu công chứng lăn tay để kiểm tra, đồng thời, quan sát thái độ của người yêu cầu công chứng. Trong trường hợp phát hiện bất thường cần yêu cầu xác minh.
- Thực tế cho thấy, văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ được làm giả rất tinh vi do sử dụng công nghệ cao trong in ấn. Phổ biến nhất là giả mạo Bằng tốt nghiệp, giấy tờ tùy thân, nhất là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất... để công chứng, chứng thực. Với tội này thì PL quy định như thế nào?
=> Căn cứ điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như sau:
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
- Khuyến cáo của LS?
=> Hậu quả từ việc giả mạo giấy tờ, giả mạo người trong hoạt động công chứng là rất nặng nề. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần tích cực, quyết liệt trong quá trình giải quyết nguồn tin tội phạm; có biện pháp xử lý nghiêm minh hành vi xuất trình giấy tờ giả, đưa người giả khi tham gia hoạt động công chứng, hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức để tăng cường tính giáo dục, răn đe và phòng ngừa vi phạm.
Các tổ chức Hiệp hội công chứng viên, các tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên và công chứng viên phải nhìn nhận và đánh giá mức độ nghiêm trọng và hậu quả pháp lý của vấn nạn giả mạo trong hoạt động công chứng. Từ đó, cần phải xây dựng lại quy định về quy trình công chứng, xác minh và yêu cầu giám định trong hoạt động công chứng, để đảm bảo các giao dịch công chứng được an toàn, thuận lợi và hiệu quả.
………………………..
Thưa quý vị! Về việc các đối tượng đem giấy tờ giả đi công chứng tại Văn phòng Công chứng cụ thể thế nào thì chưa có con số chính thức. Tuy nhiên, như báo chí đã thông tin thì hành vi, thủ đoạn này xảy ra khá phổ biến tại nhiều địa phương ở nước ta trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, để tình trạng làm giả giấy tờ, con người khi công chứng thì cần có sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội thì mới có thể xử lý được. Với mỗi người dân chúng ta cần cảnh giác hơn, đặc biệt là cân nhắc khi đưa những thông tin cá nhân của bản thân và gia đình lên mạng xã hội.