Thưa luật sư, vai trò của toà án trong việc xử lý tranh chấp hợp đồng tín dụng hiện nay như thế nào?
Tranh chấp trong hoạt động cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng là một trong những loại tranh chấp nhiều hiện nay. Vì vậy giải quyết các tranh chấp phát sinh được coi là tự thân của các quan hệ kinh tế. Giải quyết tranh chấp trong kinh doanh chính là việc lựa chọn các hình thức, biện pháp thích hợp để giải toả các mâu thuẫn, bất đồng, xung đột lợi ích giữa các bên, tạo lập lại sự cân bằng về mặt lợi ích mà các bên có thể chấp nhận được. Ở Việt Nam, tồn tại bốn phương thức giải quyết tranh chấp thương mại phổ biến bao gồm thương lượng, hòa giải, trọng tài thương mại và Tòa án.
Việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐTD bằng con đường tài phán được xem như giải pháp cuối cùng để phân định quyền lợi giữa các bên theo quy định của luật. Toà án là cơ quan tài phán có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự đối với những tranh chấp phát sinh từ HĐTD ký kết giữa các tổ chức tín dụng với khách hàng mà các bên thoả thuận yêu cầu toà án giải quyết khi có tranh chấp.Ngoài ra đối với những tranh chấp từ HĐTD nhưng các bên không có thoả thuận nào về cơ quan giải quyết tranh chấp thì về nguyên tắc tranh chấp đó cũng thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án theo thủ tục tố tụng dân sự. Trong quá trình giải quyết các tranh chấp phải đảm bảo các yêu cầu: Nhanh và thuận lợi, hạn chế đến mức tối đa sự gián đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh; Đảm bảo dân chủ trong quá trình giải quyết tranh chấp; Bảo vệ các bên trên thương trường; Đảm bảo các yếu tố bí mật trong kinh doanh; Bảo vệ một cách thoả đáng lợi ích hợp pháp của các bên.
Về thủ tục hoà giải của Toà án, trong quá trình giải quyết vô tranh chấp, có thể nói Toà án đã nỗ lực tối đa trong việc tiến hành hoà giải tranh chấp. Đặc biệt đối với những vụ án phức tạp, các thẩm phán thường tiến hành hoà giải nhiều lần trước khi xét xử để các đương sự tù thoả thuận việc giải quyết tranh chấp nhằm hạn chế những chi phí cũng như thời gian cho việc giải quyết tranh chấp. Nhưng nhìn chung việc hoà giải thường không mang lại kết quả, kéo dài vì trước khi đưa vụ việc ra giải quyết tại toà án thì quan hệ giữa các bên tranh chấp đã đến giai đoạn căng thẳng, mặt khác phía bên bị đơn thường gây khó khăn cho việc hoà giải, không tuân theo giấy triệu tập của toà án. Luật tố tụng dân sự đã quy định chi tiết về thời hạn Toà án phải trả lời nguyên đơn (5 ngày kể từ ngày Toà án nhận được đơn khởi kiện), thời hạn chuẩn bị xét xử (từ 2 – 4 tháng) và thời hạn mở phiên toà sơ thẩm (từ 1- 2 tháng kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử). Quy định này đã nâng cao trách nhiệm của các Toà án trong quá trình giải quyết các vụ án tranh chấp HĐTD . Việc giải quyết tranh chấp HĐTD đã được thống nhất theo một thủ tục tố tụng chung- thủ tục tố tụng dân sự. Điều này đã khắc phục được hạn chế lớn trước đây trong giải quyết tranh chấp HĐTD. Trước khi có BLTTDS, Toà án phải mất nhiều thời gian để xác định tranh chấp HĐTD cần được giải quyết là tranh chấp dân sự hay tranh chấp kinh tế để áp dụng quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự hay kinh tế. Hiện nay, vấn đề này không đặt ra nữa. Điều này, đã tiết kiệm được thời gian cho các cơ quan tư pháp và cho chính các bên tranh chấp. Toà án nhân dân các cấp đã không ngừng nâng cao chất lượng xét xử, làm rõ những yêu cầu của đương sự trong vụ án, tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan để giải quyết vụ án. Công tác giải quyết tranh chấp về cơ bản được thực hiện đúng các quy định của pháp luật, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp.Tình trạng sai phạm của các cán bộ ngành Toà án đã bước đầu được xử lý và tiến hành bồi thường cho các đối tượng bị xử oan sai, đảm bảo thực hiện nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nêu trên nhưng hoạt động của Toà án đối với giải quyết các tranh chấp HĐTD vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế khiến quá trình giải quyết còn chưa thực sự có hiệu quả. Đó là tình trạng để các vụ tranh chấp quá thời hạn không được giải quyết. Một số đơn vị còn nhiều vụ tranh chấp tồn đọng như các Toà án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện của thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bến Tre…điều đáng chú ý là thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế của cả nước nhưng lại là nơi có số lượng án tồn đọng nhiều nhất cả nước.
Nhiều vụ tranh chấp để kéo dài, qua nhiều lần xét xử vẫn không tìm được phương án giải quyết thoả đáng, làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của các bên. Vẫn còn tình trạng một số bản án của Toà án không rõ ràng, gây khó khăn cho việc đảm bảo bản án của toà được thi hành.
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, do việc nghiên cứu tài liệu, chứng cứ không đầy đủ, rõ ràng, đánh giá chứng cứ không đúng với sự thật khách quan, thậm chí có thẩm phán còn xác định sai tư cách tố tụng của đương sự hoặc triệu tập không đầy đủ những người bắt buộc phải tham gia phiên toà dẫn đến nhiều phiên toà vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và kết quả là bản án được tuyên bị huỷ vì vi phạm nghĩa vụ tố tụng.
Công tác thụ lý và giải quyết theo thủ tục phúc thẩm còn chậm, nhiều bản án phúc thẩm còn giải quyết chưa thoả đáng, việc phát hiện những sai sót của Toà án sơ thẩm còn chưa tiến hành kịp thời để đưa ra những giải pháp khắc phục. Số lượng bản án phúc thẩm bị xét lại theo tủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm còn chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số vụ án thụ lý giải quyết. Việc tố tụng chậm, sai, phiền hà đã ảnh hưởng tiêu cực tới các bên trong HĐTD. Đối với các tổ chức tín dụng cho vay, việc giải quyết tranh chấp HĐTD kéo dài, bên cho vay không thuô hồi được vốn cho vay, ảnh hưởng tới hoạt động của tổ chức đó. Còn đói với bên vay, tranh chấp kéo dài có thể làm cho việc ký kết những hợp đồng vay với các tổ chức tín dụng cho vay khác để mở rộng nguồn vốn kinh doanh gặp khó khăn. Ngoài ra, thủ tục tố tụng phiền hà còn tạo tâm lý e ngại sử dụng thủ tục này của các bên trong tranh chấp hợp đồng tín dụng.
Đối với công tác giám đốc thẩm, tái thẩm và giải quyết khiếu nại vẫn chưa đảm bảo được những quy định của pháp luật. Công tác kiểm tra, giám đốc của Toà án cấp trên đối với Toà án cấp dưới còn hạn chế, nên chưa kịp thời phát hiện các vi phạm để khắc phục và xử lý.
Một số văn bản pháp luật đã có hiệu lực thi hành trong một thời gian khá dài nhưng nhiều quy định trong các văn bản đó chưc được Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng các cơ quan hữu quan trong phạm vi thẩm quyền ban hành những văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành nên có tình trạng các toà áp dụng không thống nhất và kết quả các bản án hoàn toàn trái ngược nhau giữa các toà. Đội ngũ cán bộ Toà án hiện nay còn thiếu về số lượng và yếu kém về năng lực, có một số cán bộ Toà án sa sút về phẩm chất, đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp chưa cao nên đã có những hành vi vi phạm làm ảnh hưởng không nhỏ tới danh dự, uy tín của ngành tư pháp. Những hạn chế tồn tại trên do nhiều nguyên nhân trong đó các nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Tinh thần trách nhiệm trong công tác xét xử, năng lực quản lý và điều hành của các cán bộ ngành Toà án, nhất là Toà án địa phương các quận, huyện còn nhiều hạn chế. Trình độ của các thẩm phán còn chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn. Ở nhiều Toà án, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm nguồn bổ nhiệm thẩm phán còn chưa được chú trọng đúng mức. Ngoài ra, pháp luật của Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung để dần dần hoàn thiện. Vì thế, nhiều bộ luật, luật được ban hành mà chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn chi tiết thi hành, nhiều quy định chồng chéo không thực hiện được trên thực tế hoặc được áp dụng không thống nhất trong hệ thông cơ quan tư pháp.
Tóm lại, Tòa án là cơ quan cuối cùng mà khi các bên không có tiếng nói chung để thương lượng, hòa giải bắt buộc phải nhờ một cơ quan trung gian là tòa án can thiệp, giải quyểt theo trình tự tố tụng của Luật tố tụng. Theo tôi đây là phương án hiện nay các tổ chức tín dụng thường dùng để giải quyết các vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng.
Khi gặp các vướng mắc trong tranh chấp hợp đồng tín dụng, công ty tài chính phải làm gì? Có gặp khó khăn khi tìm cơ quan chức năng để giải quyết không?
Theo tôi không nên chờ khi có vướng mắc tranh chấp mới phải làm gì mà phải phòng ngừa rủi ro ngay từ ban đầu như phải có Ban pháp chế, luật sư, chuyên gia tư vấn ngay từ ban đầu để tránh tranh chấp, rủi ro xảy ra. Nếu tranh chấp đã xảy ra cũng nên tìm các luật sư để được tư vấn và hướng giải quyết. Không nên tự mình thực hiện các hành vi, giao dịch mà không nhận thức đầy đủ các quy định pháp luật. Các luật sư, chuyên gia, ban cố vấn sẽ tìm phương án giải quyết thương lượng, hòa giải và tìm ra các phương án tốt nhất để giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, thương lượng. Nếu những chuyên gia, luật sư đã tìm các phương án tối ưu nhất nhưng vẫn không giải quyết được thì lúc này các bên có thể đưa vụ việc ra cơ quan Tòa án, Trọng tài để các cơ quan này giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Nếu có diếu hiệu hình sự thì có thể làm đơn tố cáo ra Cơ quan có thẩm quyền để được các cơ quan này giải quyết theo luật đinh.
Việc nhờ các cơ quan giải quyết sẽ gặp nhiều khó khăn khách quan cũng như chủ quan như tôi nêu ở phần trên (câu 1 phần khó khăn khi ra toàn án em nhé). Ngoài ra, Các quy định của pháp luật còn chưa thống nhất, chồng chéo lẫn nhau đặc biệt là các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm. Hiện nay, hành lang pháp lý cho hoạt động giao dịch bảo đảm chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ và nhiều
quy định không thể thực hiện được trên thực tế. Việc đăng ký giao dịch bảo
đảm thực hiện phân tán ở nhiều cơ quan khác nhau tạo kẽ hở trong quản lý.
Theo Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và Nghị định 11/2012/NĐ-CP sửa đổi
nghị định 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm,
cho phép các tổ chức tín dụng được lựa chọn hình thức xử lý đa dạng như bán
tài sản thế chấp, nhận các khoản tiền và tài sản từ người thứ ba trong trường
hợp thế chấp quyền đòi nợ, phương thức khác do các bên thoả thuận. Trường
hợp các bên không thoả thuận được phương thức xử lý tài sản là quyền sử
dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì các tài sản này được đem bán đấu giá
nhưng để thực hiện được các bên lại phải ký hợp đồng uỷ quyền tại đơn vị
bán đấu giá có thẩm quyền. Điều này thường không thực hiện được do bên
thế chấp không đồng ý và khi đó các tổ chức cho vay không có cơ chế nào để
bảo vệ được quyền lợi của mình. Từ đó dẫn đến tranh chấp phải giải quyết ở tòa án.
Những tranh chấp về tín tụng nếu có dấu hiệu hình sự thì việc xác minh tài sản, nguồn gốc tài sản, quá trình tố tụng điều tra, truy tố, xét xử gặp nhiều khó khăn về thời gian giải quyết vụ án, thu hồi tài sản khó khăn. Cơ quan chức năng không giải quyết dứt điểm, theo đúng quy trình, năng lực và kinh nghiệm hạn chế cũng làm ảnh hưởng nhiều đến các tổ chức tín dụng .
Nếu có vi phạm thì xử lý thế nào và bồi thường thiệt hại cho các tổ chức tín dụng ra sao ạ?
Trong quá trình giải quyết vụ án kể cả về mặt dân sự và hình sự mà các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho các tổ chức tín dụng thì tùy tính chất hành vi, hậu quả và mức độ hành vi thì người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi tương ứng và chịu bồi thường thiệt hại theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước cho các tổ chức tín dụng bị thiệt hại.