Hỏi Đáp Pháp Luật

Người Việt Định Cư Ở Nước Ngoài Có Được Nhận Di Sản Thừa Kế

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Hỏi Đáp Pháp Luật

Xin cho tôi hỏi tôi định cư ở nước ngoài cha mẹ tôi ở việt nam đã chết có 2 căn nhà thì tôi có được hưởng thừa kế của cha mẹ tôi không?
Xin chân thành cảm ơn.
phuquoc@....
Trả lời
Chào bạn, vấn đề bạn hỏi chúng tôi trả lời như sau:
Căn cứ khoản 3 Điều 186 Luật đất đai 2013 quy định: “Trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều này thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định sau đây:
a) Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế được đứng tên là bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất;
b) Trong trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất thì người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 179 của Luật này và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho;
c) Trong trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính.
Căn cứ theo quy định trên thì bạn là người vẫn được hưởng thừa kế 1 phần bằng nhau với các anh em của bạn nhé và vẫn được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Trân trọng

Làm Sao Để Được Ly Hôn Nhanh?

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Hỏi Đáp Pháp Luật

Tôi phải làm gì để được ly hôn nhanh chóng?

Trân trọng cảm ơn luật sư.

Trả lời:

Chào bạn!

Không biết bạn đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho cuộc sống sau ly hôn thế nào chưa? Chỉ vì lý do chồng sống “rất thiếu trách nhiệm” mà bạn đã đòi ly hôn liệu có quá vội vàng không?  Bạn hãy thử cố gắng tìm hiểu, động viên, thuyết phục anh ấy thay đổi cách sống xem sao? Chỉ tới khi nào sống cùng anh ấy bạn cảm thấy sợ, bất ổn hay càng sống càng mâu thuẫn trầm trọng, đau khổ cho nhau, nếu ly hôn bạn cảm thấy phấn chấn và có mong muốn cháy bỏng thì khi đó mới đến lúc “không cần thiết phải duy trì cuộc hôn nhân này nữa”. Tôi luôn chúc cho các bạn hạnh phúc, nhưng bạn hỏi thì tôi cũng trả lời như sau:

Pháp luật không quy định khi xin ly hôn bắt buộc phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng, một trong hai người có thể đơn phương xin ly hôn nhưng phải có lý do chính đáng. Bạn cần phải chứng minh căn cứ cho ly hôn theo Điều 89 – Luật hôn nhân gia đình “Tòa án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì tòa án cho ly hôn”. Để tiết kiệm thời gian nhất (trong trường hợp hai người không thuận tình ly hôn ) chúng tôi hướng dẫn để bạn tự làm các việc cụ thể sau:

Bạn đến UBND xã (phường) sao chứng thực các loại giấy tờ sau: Giấy đăng ký kết hôn; giấy khai sinh của con; hộ khẩu, CMND của bạn và của chồng bạn; giấy tờ nhà đất, phương tiện như ô tô, xe máy (nếu có).

Bạn làm đơn xin công an xã (phường) xác nhận địa chỉ cư trú hiện nay của chồng bạn, điều này trong pháp luật không quy định rõ nhưng có Tòa án vẫn bắt buộc phải có giấy này.

Đến Tòa án nhân dân quận (huyện) nơi vợ chồng bạn có địa chỉ đang cư trú (đây chính là Tòa án có thẩm quyền giải quyết) để mua đơn xin ly hôn rồi bạn khai đầy đủ các thông tin như mẫu đơn hướng dẫn. 

Bạn đem tất cả các giấy tờ trên đến nộp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Tòa án (trước khi đi nên tìm hiểu xem ngày nào tòa án nhận hồ sơ khởi kiện để đỡ mất thời gian đi lại). Khi Tòa án gọi bạn đến nhận giấy đi nộp tiền tạm ứng án phí thì cần chuẩn bị 200.000đ (nếu không có hoặc không tranh chấp về tài sản). Bạn nộp tiền tạm ứng án phí tại Chi cục thi hành án cấp quận (huyện) cùng nơi thẩm quyền Tòa án giải quyết. Sau khi nộp tạm ứng án phí xong, bạn nhớ mang biên lai thu tiền nộp lại cho Tòa án. 

Bạn chờ Tòa án ra Quyết định thụ lý vụ án và gửi thông báo thụ lý vụ án này tới cho bạn. Sau đó Tòa án sẽ triệu tập các đương sự để lấy lời khai và tổ chức hòa giải giữa các đương sự. Pháp luật không quy định trước khi xét xử vụ án Tòa án phải tổ chức hòa giải bao nhiêu lần, nhưng theo Bộ luật TTDS thì trường hợp ly hôn này ít nhất sẽ được Tòa án tổ chức hòa giải hai lần. Trước khi xét xử vụ án, Thẩm phán giải quyết vụ án sẽ căn cứ vào tình hình thực tế vụ án và quan điểm của các bạn để có thể tổ chức hòa giải từ một đến nhiều lần nhưng trên nguyên tắc tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự. 

Trong trường hợp dù mới chỉ hòa giải được một lần, nhưng xét thấy nếu có tổ chức hòa giải nhiều lần các đương sự vẫn không thể thống nhất được với nhau thì Tòa án vẫn có thể quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên tòa, các đương sự một lần nữa sẽ được Hội đồng xét xử cho phép thỏa thuận với nhau, nếu không tự thỏa thuận được thì lúc này Hội đồng xét xử mới tiến hành xét xử vụ án.

Con bạn mới được hai tuổi, để bạn chắc chắn giành được quyền nuôi con thì nên chứng minh khả năng nuôi được con của mình như về kinh tế, nhà ở … nhưng bạn cũng yên tâm vì căn cứ Điều 92, khoản 2- Luật hôn nhân gia đình thì về nguyên tắc con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi nếu các bên không có thỏa thuận khác.

Bạn có thể liên hệ đến chúng tôi để được tư vấn cụ thể hơn nếu bạn chưa rõ.

Trân trọng.

Thế Nào Là Di Chúc Hợp Pháp?

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Hỏi Đáp Pháp Luật

Luật sư cho tôi hỏi thế nào là di chúc hợp pháp? Di chúc không công chứng có hợp pháp?

Trả lời:

Theo quy định của Bộ luật dân sự, Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di chúc được coi là hợp pháp nếu có đủ các điều kiện sau đây:

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép;

- Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

Hình thức của di chúc:

- Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

- Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

- Di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.

Nội dung của di chúc: Di chúc phải ghi rõ:

- Ngày, tháng, năm lập di chúc;

- Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

- Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

- Di sản để lại và nơi có di sản;

- Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.

Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Thế nào là di chúc có giá trị như di chúc công chứng, chứng thực?

- Di chúc của quân nhân tại ngũ có xác nhận của thủ trưởng đơn vị từ cấp đại đội trở lên, nếu quân nhân không thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực;

- Di chúc của người đang đi trên tàu biển, máy bay có xác nhận của người chỉ huy phương tiện đó;

- Di chúc của người đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở chữa bệnh, điều dưỡng khác có xác nhận của người phụ trách bệnh viện, cơ sở đó;

- Di chúc của người đang làm công việc khảo sát, thăm dò, nghiên cứu ở vùng rừng núi, hải đảo có xác nhận của người phụ trách đơn vị;

- Di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước đó;

- Di chúc của người đang bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó.

Với mục đích trợ giúp pháp lý cho khách hàng có nhu cầu lập di chúc, đảm bảo tính hợp pháp của di chúc cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho những người hưởng thừa kế,

Trí Tuệ Luật cung cấp dịch vụ tư vấn lập di chúc với nội dung cụ thể như sau:

- Tư vấn nội dung, hình thức của di chúc theo quy định của pháp luật;

- Tư vấn các quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc lập di chúc;

- Soạn thảo di chúc;

- Xác định hiệu lực pháp luật của di chúc;

- Các yêu cầu khác liên quan đến việc lập di chúc.

Con Chưa 18 Tuổi Khai Nhận Thừa Kế Thế Nào?

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Hỏi Đáp Pháp Luật

Luật sư ơi cho tôi hỏi cha mẹ chết con chưa thành niên thì thủ tục khai nhận thừa kế thế nào?

Trân trọng cảm ơn Luật sư.

Cảm ơn bạn đã liên hệ đến chúng tôi, vấn đề của bạn chúng tôi trả lời như sau:

Vấn đề vướng mắc ở đây là con của vợ chồng anh bạn là người chưa thành niên. Theo quy định tại Điều 20 Bộ luật Dân sự về năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi thì: 

- Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.

- Trong trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Theo quy định trên thì người con nhỏ không thể tự mình xác lập, thực hiện việc phân chia di sản thừa kế với những đồng thừa kế khác, mà phải thực hiện thông qua người đại diện là bố của cháu. Như vậy, trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, người chồng (bạn của bạn) sẽ tham gia đồng thời với hai tư cách: một là chính mình với tư cách là người được hưởng di sản thừa kế của vợ, hai là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên.

Tuy nhiên, như bạn đã biết, khoản 5 Điều 144 Bộ luật Dân sự về phạm vi đại diện có quy định: Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Theo quy định này thì trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, người chồng không thể đại diện cho con chưa thành niên để tặng cho phần di sản của các con cho chính mình được (người đại diện xác lập giao dịch với chính mình).

Bạn nên khuyên bạn thực hiện theo hai cách thức:

(i) Hoặc làm văn bản khai nhận di sản thừa kế (quy định tại Điều 50 Luật Công chứng): Theo đó, người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.

Sau khi lập văn bản khai nhận di sản thừa kế với nội dung trên thì bố mẹ vợ, người chồng và hai con sẽ trở thành đồng chủ sử dụng/sở hữu ngôi nhà mà người vợ để lại và cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mang tên cả năm người này.

(ii) Hoặc, vẫn có thể lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo quy định tại Điều 49 Luật Công chứng:Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì họ có quyền yêu cầu công chứng văn bản thoả thuận phân chia di sản. Trong văn bản thoả thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần quyền hưởng di sản của mình cho người thừa kế khác.

Nhưng trong phần phân chia di sản thừa kế thì chỉ có bố mẹ vợ tặng cho phần di sản mà họ được hưởng cho bạn của bạn (nếu các bên đồng ý). Phần di sản thừa kế của con chưa thành niên sẽ được giữ nguyên, không tặng cho ai.

Sau khi lập văn bản này, bạn của bạn và hai người con của anh sẽ trở thành đồng chủ sử dụng/sở hữu ngôi nhà mà người vợ để lại và cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mang tên ba bố con.

Bạn có thể liên hệ đến chúng tôi để được tư vấn thêm nếu bạn chưa hiểu hết vấn đề.

Trân trọng

LS TRẦN MINH HÙNG

Tranh Chấp Đất Đai Có Bắt Buộc Hòa Gỉai Tại Ủy Ban Xã/Phường Không?

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Hỏi Đáp Pháp Luật

TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI NÀO PHẢI QUA HÒA GIẢI CƠ SỞ?!

Trước khi Luật Đất đai năm 2003 được ban hành, việc hoà giải ở cấp cơ sở không được đặt ra với tư cách là một điều kiện bắt buộc khi thụ lý giải quyết các tranh chấp đất đai tại các cấp Toà án. Theo Điều 135 Luật Đất đai năm 2003, việc hoà giải ở cấp cơ sở được quy định cụ thể như sau:

“1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hoà giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hoà giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hoà giải được thì gửi đơn đến Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp.

Uỷ ban nhân dân xã, phường thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hoà giải tranh chấp đất đai…”.

Việc tổ chức hoà giải của Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn kết hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận hay các tổ chức xã hội khác là điều kiện bắt buộc phải có trước khi Toà án nhận đơn khởi kiện tranh chấp đất đai của đương sự. Do đó, nếu không có việc hoà giải của Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn thì các đương sự sẽ bị coi là chưa đủ điều kiện khởi kiện theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 168 của Bộ luật Tố tụng Dân sự mà theo đó, Toà án sẽ phải trả lại đơn khởi kiện cho đương sự. Qua thực tiễn xét xử đã xuất hiện những vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật từ thủ tục hoà giải ở cấp cơ sở đối với các tranh chấp đất đai, cần có sự giải đáp và hướng dẫn thống nhất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

1. Xác định các loại tranh chấp đất đai phải qua hoà giải ở cấp cơ sở

Tranh chấp đất đai là loại tranh chấp có nhiều yếu tố phức tạp nhất, chiếm tỷ lệ cao nhất, các đương sự thường khiếu nại quyết liệt, gay gắt, dai dẳng. Có thể nói, trong rất nhiều các quan hệ pháp luật như quan hệ thừa kế, quan hệ ly hôn, chia tài sản chung của vợ chồng, yêu cầu huỷ hợp đồng, quan hệ thế chấp vay nợ… mặc dù tên gọi của quan hệ pháp luật không trực tiếp là tranh chấp đất đai nhưng phần lớn các vụ, việc đó khi xem xét giải quyết các quan hệ này vẫn phải quay trở về xem xét, đối chiếu với các quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến các vấn đề về nguồn gốc đất, việc xác lập, chuyển đổi, chấm dứt các quan hệ về quyền sử dụng đất… Như vậy, quan hệ pháp luật về đất đai có thể trực tiếp, có thể là sự đan xen giải quyết trong các quan hệ pháp luật khác. Chính từ tính chất đặc trưng này mà khi xác định loại tranh chấp đất đai nào sẽ phải thông qua hoà giải cấp cơ sở với tư cách là thủ tục tiền tố tụng trước khi Toà án thụ lý giải quyết vụ án là vấn đề mà trong thực tiễn đang gặp phải vướng mắc, không thống nhất khi áp dụng Điều 135 Luật Đất đai năm 2003.

Khoản 2 Điều 135 Luật Đất đai quy định: "Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hoà giải được thì gửi đơn đến Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp". Đây là quy định khá chung chung, thiếu tính cụ thể nên đã dẫn đến nhiều ý kiến khác nhau khi áp dụng điều luật cả trên bình diện lý luận và thực tiễn.

Có ý kiến cho rằng: Phải hoà giải toàn bộ các vụ án có liên quan đến các tranh chấp đất đai, từ tranh chấp quyền sử dụng đất phát sinh do việc cho, tặng, mua bán hay thừa kế và các vụ án hôn nhân gia đình có tranh chấp đất đai. ý kiến này đặt vấn đề xác định loại tranh chấp đất đai theo nghĩa rộng, tức là ngoài quan hệ tranh chấp đất đai một cách trực tiếp như tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp liên quan đến các giao dịch về đất thì trong các quan hệ pháp luật khác như thừa kế, ly hôn… tuy các bên đương sự không trực tiếp kiện quan hệ về quyền sử dụng đất nhưng việc giải quyết quan hệ đó có liên quan mật thiết đến việc vận dụng và áp dụng các quy định của pháp luật về đất đai thì vẫn phải có thủ tục hoà giải ở cấp cơ sở trước khi đương sự khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết.

ý kiến khác lại cho rằng, thủ tục hoà giải cấp cơ sở áp dụng cho tất cả các quan hệ tranh chấp đất đai (trực tiếp hoặc gián tiếp) ngoại trừ các việc liên quan đến hôn nhân gia đình thì sẽ không phải hoà giải theo Điều 135 Luật Đất đai năm 2003.

Chúng tôi cho rằng, việc xác định các loại tranh chấp đất đai phải qua hoà giải cấp cơ sở cần căn cứ trên những nguyên tắc nhất định, trước hết phải xác định thế nào là tranh chấp đất đai. Theo quy định tại khoản 26 Điều 4 Luật Đất đai năm 2003 thì: “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”. Như vậy, tranh chấp đất đai là một quan hệ rộng không phụ thuộc vào tên gọi của quan hệ pháp luật mà phụ thuộc vào tính chất của quan hệ. Tranh chấp đất đai phát sinh trong mọi trường hợp khi các bên đương sự có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất - quyền và nghĩa vụ này có thể là việc xác định ai là người có quyền sử dụng đất, có thể là liên quan đến quyền và nghĩa vụ phát sinh chính từ các quan hệ giao dịch gắn trực tiếp đến quyền sử dụng đất hoặc tranh chấp từ chính các tài sản trên đất. Chúng tôi cho rằng, việc xác định các loại vụ án tranh chấp đất đai cần dựa theo tính chất đặc trưng của từng quan hệ đất đai có tranh chấp mà pháp luật quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án. Cụ thể, khi rơi vào một trong các quan hệ thuộc các nhóm sau thì trước khi khởi kiện ra Toà án, việc áp dụng Điều 135 Luật Đất đai năm 2003 là thủ tục bắt buộc:

Một là, tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các giấy tờ quy định tại khoản 1, 2 và khoản 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003. Về bản chất đây thuộc quan hệ xác định ai là người có quyền sử dụng đất;

Hai là, tranh chấp về tài sản gắn liền với đất, bao gồm: Tranh chấp tài sản về nhà ở, vật kiến trúc khác như nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, giếng nước, nhà để ô tô, nhà thờ, tường xây làm hàng rào gắn với nhà ở; các công trình xây dựng trên đất được giao để sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh như nhà xưởng, kho tàng, hệ thống tưới, tiêu nước, chuồng trại chăn nuôi hay vật kiến trúc khác hoặc trên đất có các tài sản khác như cây lấy gỗ, cây lấy lá, cây ăn quả, cây công nghiệp hay các cây lâu năm khác… gắn liền với quyền sử dụng đất đó;

Ba là, các tranh chấp về hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất… hay nói cách khác tranh chấp liên quan đến các giao dịch chuyển quyền sử dụng đất.

Riêng đối với vụ án ly hôn, khi các bên đương sự có tranh chấp quyền sử dụng đất trong việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng, chúng tôi cho rằng đây không phải là loại quan hệ tranh chấp đất đai. Trong quan hệ ly hôn, Toà án giải quyết quan hệ trọng tâm là quan hệ mang tính nhân thân, đây là nhóm quan hệ chủ đạo và có ý nghĩa quyết định tính chất và nội dung của quan hệ tài sản. Cơ sở pháp lý để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể xuất phát chính từ các quan hệ nhân thân trước. Vì vậy, theo tính chất của loại quan hệ này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 135 Luật Đất đai năm 2003.

Trong thực tiễn xét xử, do quy định của pháp luật không hạn định loại tranh chấp đất đai nào phải qua hoà giải ở cấp cơ sở nên nhiều Thẩm phán đã lựa chọn theo “giải pháp an toàn” là bất cứ tranh chấp nào mà đối tượng của tranh chấp đề cập đến đất đai là đều yêu cầu đương sự quay trở về hoà giải ở cấp cơ sở. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp gây khó khăn cho đương sự và kéo dài các thủ tục tố tụng, thậm chí việc áp dụng quá cứng nhắc điều luật cũng đã dẫn đến nhiều vụ án việc hoà giải ở cấp cơ sở chỉ mang tính hình thức. Ví dụ, tranh chấp đất đai liên quan đến các giao dịch trái pháp luật, bản thân kết quả của việc hoà giải thành này cũng không có giá trị thực hiện bởi lẽ, kể cả khi các bên đã bước vào quá trình tố tụng, Bộ luật Tố tụng Dân sự cũng đã quy định những vụ án không được tiến hành hoà giải (Điều 181 Bộ luật Tố tụng Dân sự). Tuy nhiên, điều này lại không đặt ra đối với thủ tục hoà giải tiền tố tụng (Điều 135 Luật Đất đai năm 2003). Bên cạnh đó, trong nhiều vụ án vợ, chồng ly hôn tranh chấp tài sản chung là quyền sử dụng đất hoặc tranh chấp giữa vợ chồng và người khác về quyền sử dụng đất… nhiều trường hợp Toà án đã ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự để buộc các đương sự phải quay trở về cấp cơ sở để hoà giải ở cấp cơ sở là không hợp lý.

Để giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn hiện nay, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể đối với Điều 135 Luật Đất đai năm 2003. Trong đó cần xác định loại vụ việc cụ thể phải qua hoà giải ở cấp cơ sở, loại vụ việc không cần phải hoà giải ở cấp cơ sở tương ứng với quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự về 2 loại việc không được hoà giải tại Điều 181 Bộ luật Tố tụng Dân sự: “a. Yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; b. Những vụ án tranh chấp đất đai phát sinh từ giao dịch trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội”; đồng thời xác định loại vụ việc tranh chấp đất đai không nằm trong phạm vi các việc bắt buộc phải hoà giải tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn trước khi đương sự gửi đơn tại Toà án.

2. Hiệu lực pháp lý của biên bản hoà giải thành ở cấp cơ sở

Khi các bên có tranh chấp về đất đai, nhiều trường hợp các mâu thuẫn đất đai đã được giải quyết nhờ việc hoà giải tại địa phương. Bằng cách thức để các bên có mâu thuẫn gặp gỡ và nhận được sự giúp đỡ của các hoà giải viên, là những người có hiểu biết về pháp luật hay có các thông tin liên quan đến các phần đất có tranh chấp, các bên trong vụ tranh chấp có thể sẽ hiểu hơn về quyền lợi của mình và sẽ cùng dàn xếp hay thương lượng để giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, khi tranh chấp đất đai được hoà giải tại Uỷ ban nhân dân cấp phường, xã, thị trấn trong trường hợp hoà giải thành thì vấn đề hiệu lực pháp lý của biên bản hoà giải thành tranh chấp đất đai tại cấp cơ sở cũng là một vấn đề chưa được quy định cụ thể. Từ thực tiễn xét xử cho thấy, do chưa có văn bản hướng dẫn nên đã có nhiều cách giải quyết khác nhau đối với các trường hợp hoà giải thành tại cấp cơ sở. Cụ thể là:

Có ý kiến cho rằng: Thoả thuận mà các bên đạt được trong quá trình hoà giải tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn của các bên trong tranh chấp có giá trị bắt buộc các bên phải tuân thủ. Khi Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn tiến hành hoà giải thành thì các thoả thuận đó sẽ phát sinh hiệu lực và có giá trị ràng buộc các bên. Điều này đồng nghĩa với việc các bên không được quyền khởi kiện ra Toà án nữa. Trường hợp các bên đạt được hoà giải thành song chưa thi hành thoả thuận hay thực hiện một phần thoả thuận thì Toà án thụ lý giải quyết song khi giải quyết phải lưu ý, cân nhắc đến kết quả đã thoả thuận.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác lại cho rằng, mặc dù các bên đã có thoả thuận và được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ghi nhận thì các bên sau đó vẫn có thể khởi kiện đến Toà án yêu cầu giải quyết trừ trường hợp các bên có thoả thuận về ranh giới thửa đất tranh chấp. Biên bản về sự thoả thuận do cấp xã, phường, thị trấn lập được Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền lấy làm cơ sở ra quyết định cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì các bên không có quyền khởi kiện ra Toà án, nếu các bên nộp đơn thì Toà án sẽ trả lại đơn kiện căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 159 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về việc thi hành Luật Đất đai.

Chúng tôi cho rằng, bản thân quy định tại Điều 135 Luật Đất đai chỉ đưa ra vấn đề hoà giải ở cấp cơ sở với tính chất là một thủ tục tiền tố tụng nhằm tạo điều kiện cho các bên gặp nhau đạt được thoả thuận mà không coi thoả thuận này là thủ tục cuối cùng. Mặt khác, cũng không có quy định nào của pháp luật xác định giá trị ràng buộc về hiệu lực pháp lý của biên bản hoà giải thành cấp cơ sở. Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền chỉ có thể thực hiện việc hoà giải như một thủ tục tiền tố tụng mà không thể thay thế việc giải quyết tranh chấp đất đai của Toà án. Trường hợp nêu tại khoản 3 Điều 159 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ cũng không phải là một ngoại lệ, Toà án sẽ vẫn có thẩm quyền và phải thụ lý giải quyết khi có tranh chấp xảy ra. Cần thiết phải hiểu thống nhất rằng khi các bên đương sự đã thực hiện thủ tục hoà giải ở cấp cơ sở, trong mọi trường hợp khi không đạt được thoả thuận thì họ đều được quyền khởi kiện tại Toà án để yêu cầu giải quyết tranh chấp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Do vậy, việc các bên có thoả thuận tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn không thể làm mất quyền khởi kiện ra Toà án của các bên đương sự. Toà án chấp nhận hay bác yêu cầu của các bên đương sự phụ thuộc vào việc xem xét và đánh giá các chứng cứ do các bên xuất trình và các chứng cứ khác được thu thập theo trình tự do Luật định. Toà án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai và công nhận sự thoả thuận của các bên đương sự theo một trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định để đảm bảo sự thoả thuận đó có hiệu lực thi hành./.

Tiến sỹ Nguyễn Minh Hằng

(Học viện Tư pháp, nguồn TCKS số 3/2008)

Giới Thiệu Luật Sư Trần Minh Hùng

link s75  

Với phương châm đặt chữ "Tâm" của nghề lên hàng đầu, chúng tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào sự công bằng và bảo vệ công lý cho xã hội. Là hãng luật uy tín thường xuyên tư vấn luật trên HTV, VTV, THVL, ANTV, VTC, SCTV, TH Cần Thơ, Đồng Nai và trên các tờ báo uy tín... Chúng tôi chuyên tư vấn, bào chữa cho khách hàng, thân chủ trên mọi lĩnh vực đất đai, thừa kế, hình sự, doanh nghiệp, ly hôn, công nợ, lao động, hợp đồng....

 

                                   LS TRẦN MINH HÙNG 


Hotline:0972238006