Truyền Thông Báo Chí

Luật Sư Trần Minh Hùng Trả Lời Báo Công An Nhân Dân

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Truyền Thông Báo Chí

Mô hình “hiệp sĩ đường phố”: Cần một cơ chế pháp lý rõ ràng

Không phủ nhận hiệu quả của mô hình “hiệp sĩ đường phố” góp vào phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm các nhóm “hiệp sĩ đường phố” tại các địa phương của cả nước bắt giữ trên dưới 1.000 đối tượng cướp giật, trộm cắp tài sản trên đường phố, đem lại sự tin yêu của người dân.

Một thành viên trong nhóm hiệp sĩ quận Tân Bình cho biết, chính thức nhóm “hiệp sĩ đường phố” do anh Trương Văn Hoàng (47 tuổi) làm trưởng nhóm có 7-8 thành viên, số còn lại khoảng 20-30 người là những người có máu nghĩa hiệp (sinh viên, tài xế, xe ôm) tham gia khi rảnh rỗi. Trong nhóm chỉ có anh Hoàng là có võ, số còn lại thì chỉ có… tinh thần nhiệt huyết.

Trên giường bệnh, Nguyễn Đức Huy (22 tuổi, ngụ Tân Phú) và Đinh Phú Quý (22 tuổi, ngụ Củ Chi) cho biết cả 2 đều là sinh viên. Vì thích làm việc trượng nghĩa nên ba năm trước cả 2 xin gia nhập nhóm hiệp sĩ của anh Hoàng. Nhiều lần tham gia bắt trộm cắp, cướp giật nhưng lần này là lần mà cả 2 bị thương nặng nhất. Bởi 2 thành viên này không ngờ đến việc đối tượng mạnh động gây án để hòng trốn chạy.

Huy kể, khi xông vào khống chế thì bị đối tượng rút con dao dài ra đâm vào nhóm hiệp sĩ, Huy không có công cụ hỗ trợ trong tay nên bị đâm vào vùng ngực. Quay lại thấy Quý bị thương nằm trên đường, máu chảy lênh láng, Huy gắng sức điều khiển xe máy chở Quý vào bệnh viện, sau đó cũng ngất đi.

Được chữa trị kịp thời, tỉnh táo, Quý cho hay, lúc xông vào khống chế đối tượng, Quý chỉ có tay không nên đối tượng đã  đâm Quý từ phía sau và gục xuống đường. Lúc tỉnh lại thì Quý đã nằm trong phòng cấp cứu.

Nghĩa khí của các “hiệp sĩ đường phố” là đáng trân trọng, đáng được biểu dương, khen ngợi, đáng nhân rộng nhưng xét về một mặt nào đó, xã hội phải được vận hành bằng pháp luật chứ không chỉ dồn vào tinh thần nghĩa khí của một người, một nhóm người. Các nhóm “hiệp sĩ đường phố” được hình thành nhân rộng phần nào đạt được hiệu quả cao trong phòng trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Nếu như không có những người “làm chuyện bao đồng” này thì khi phát hiện ra tội phạm ngoài đường, người dân nào có thể đứng ra chống lại cái ác, cái xấu mà không do dự được - mất gì. Nhưng cái không đúng của các hiệp sĩ là khi phát hiện tội phạm lại làm quá trách nhiệm của mình. Bởi vậy cần có mối quan hệ mật thiết giữa Công an và hiệp sĩ, để khi phát hiện ra tội phạm, chỉ cần một cuộc điện thoại, sự phối hợp giữa hiệp sĩ và cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ bài bản hơn, tránh những rủi ro đáng tiếc.

“Mình thích thì mình tham gia nên ít khi nói chuyện này với vợ con, bởi nói ra họ sẽ can ngăn. Cũng đúng thôi, nếu như làm việc trượng nghĩa phải có phương pháp bài bản, chỉ có lòng dũng cảm thôi cũng không được. Sự cố xảy ra, bị thương thiệt mạng, người bị ảnh hưởng trực tiếp là vợ con, người thân mình. Đa phần những hiệp sĩ là người lao động chân tay, ít võ vẽ lại thiếu kiến thức pháp luật, kỹ năng xử lý tình huống, để khống chế tội phạm, để tự bảo vệ mình nên nhiều lúc gặp nạn là bình thường.

CLB phòng chống tội phạm phường Phú Hòa (Bình Dương) hoạt động có qui chế nên được trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ và lập được nhiều thành tích.

Với lòng nhiệt huyết của các thành viên trong nhóm hiệp sĩ, mình cũng mong muốn được huấn luyện những kỹ năng cơ bản khi đối mặt với tội phạm. Có như vậy mình mới thấy tự tin hơn và sẵn sàng đối mặt với cái ác, cái xấu. Qua việc 5 thành viên trong nhóm thương vong, anh em trong nhóm cũng rút ra kinh nghiệm chỉ làm đúng khả năng của mình, còn lại phải phối hợp với lực lượng chính qui”, một thành viên trong nhóm hiệp sĩ Tân Bình cho hay.

Trở lại với vấn đề mà dư luận đang quan tâm hiện nay, đó là cơ chế pháp lý rõ ràng, đặc biệt là sự quan tâm, giúp đỡ, phối hợp để các CLB “hiệp sĩ đường phố” tồn tại, hoạt động hiệu quả, những ngày qua, người ta chợt nhớ đến hiệu quả của mô hình này tại Bình Dương. Đại tá Võ Văn Phúc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho hay, mô hình này đến nay đã được nhân rộng trong 91 phường, xã của tỉnh với hàng trăm thành viên tham gia.

Để các CLB này hoạt động, các thành viên trong nhóm phải là bảo vệ dân phố, dân phòng của các phường, xã nên các CLB này đều hoạt động có qui chế thưởng phạt cụ thể, có kinh phí hoạt động.

Hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải, Đội trưởng CLB phòng chống tội phạm phường Phú Hòa cho biết, nhóm có 16 thành viên, cộng tác viên hoạt động truy bắt tội phạm trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Hàng năm, anh em trong nhóm được Công an tỉnh Bình Dương bồi dưỡng 2 lần cả về nghiệp vụ bắt cướp và huấn luyện võ thuật đối kháng, tự vệ, được trang bị công cụ hỗ trợ. Đồng thời, anh em được tuyên truyền tính pháp lý nên trong quá trình săn bắt cướp tránh được những tình huống nguy hiểm.

Đại tá Nguyễn Hoàng Thao, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương nhận xét, những mô hình CLB phòng chống tội phạm này hoạt động đúng pháp luật nhiều năm nay và mang lại hiệu quả cao, góp phần cùng lực lượng Công an chuyên nghiệp giữ gìn ANTT. Một trong những CLB phòng chống tội phạm hiệu quả là CLB phòng chống tội phạm phường Phú Hòa.

Từ năm 1997 đến nay, CLB này đã khám phá bắt hơn 2.000 vụ phạm pháp hình sự. Để các CLB này hoạt động tốt, những lần họp tổng kết, Công an Bình Dương đều rút kinh nghiệm những mặt được và chưa được sau đó xây dựng những quy chế mới để các CLB hoạt động đúng pháp luật.

Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, tại TP Hồ Chí Minh có nhiều nhóm hiệp sĩ hoạt động, đó là hoạt động từ tinh thần hiệp sĩ mà không thông qua một qui chế hay cơ chế xét duyệt nào. Nhiều mô hình “hiệp sĩ đường phố” đóng góp tích cực vào công tác toàn dân bảo vệ ANTT, góp phần cùng lực lượng Công an giữ vững bình yên cuộc sống cho nhân dân. Tuy nhiên do không có qui chế nên khi ra tay nghĩa hiệp, những hiệp sĩ không được sử dụng công cụ hỗ trợ.

Về mặt pháp lý, Công an TP Hồ Chí Minh không tìm thấy căn cứ nào để công nhận, để quản lý mô hình này. Do đó nhiều năm nay, Công an TP Hồ Chí Minh rất day dứt, kiến nghị, đề xuất có một quy định, quy chuẩn đầy đủ cho lực lượng này, nhưng kết quả chưa cụ thể. Ví dụ như mô hình xe ôm tự quản, phòng chống tội phạm nhưng đã xuất hiện nhiều thành viên trong mô hình xe ôm tự quản tiếp tay, che giấu tội phạm.

Nguyên nhân là pháp luật thiếu các quy chế, quy chuẩn nên các nhóm hình thành chủ yếu là tự phát. Họ là những người dân bình thường, tự nguyện tham gia phòng chống tội phạm nhưng lại không được bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn, kỹ năng và quản lý. Điều này rất dễ dẫn đến tình trạng sai phạm, hoạt động lệch lạc…

“Vì thế, dù lực lượng nào cũng phải được bồi dưỡng về kỹ năng, kiến thức pháp luật, quy định rõ những gì được làm, không được làm và xác định rõ giới hạn, chức năng... Thực tế, các thông tin về tội phạm hay xử lý thì các hiệp sĩ cũng như CLB phòng chống tội phạm đều cần sự hỗ trợ của Công an vì nó vượt quá khả năng giải quyết của họ…”, Thiếu tướng Phan Anh Minh nói.

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, nhiệm vụ giải quyết, xử lý tội phạm là của lực lượng Công an. Nhưng một mình ngành Công an không thể làm tốt được, mà cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Trong đó có phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm.

“Lãnh đạo Công an TP Hồ Chí Minh rất day dứt vì chưa chuẩn hóa được các đội nhóm hiệp sĩ này. Không phải ai muốn trở thành hiệp sĩ cũng đều đủ tư cách, ít ra thì mặt sức khỏe, đạo đức, tư chất phải xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng về việc này. Cái chúng ta cần nhất hiện nay là một quy chế với các quy chuẩn quy định những hiệp sĩ được làm gì khác với những công dân bình thường”, Thiếu tướng Phan Anh Minh nhấn mạnh.

Theo Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, thực tế mô hình “hiệp sĩ” ở đây là tự phát, tự phong, họ như những công dân bình thường khác và họ cũng có nghĩa vụ phòng chống tội phạm như các công dân bình thường khác. Tuy nhiên, họ không phải là cá nhân hay tổ chức đại diện cho Nhà nước thực hiện quyền bắt giữ tội phạm, thực thi quyền do Nhà nước giao, mang tính chuyên môn và nghĩa vụ, do vậy việc họ bắt giữ tội phạm chỉ trong phạm vi tương xứng, phòng vệ và mang tính cấp thiết cùng với đó là sự hỗ trợ kịp thời từ phía cơ quan Nhà nước.

Nếu người bắt tội phạm không may gây ra thương tích trọng thương cho người phạm tội thì tùy tính chất, mức độ, hành vi và sự tương xứng, phòng vệ và mức độ cần thiết, hậu quả mà có bị xử lý hình sự hay không. Thực tế không ít vụ việc gần đây, nhiều người bắt trộm cướp bị xử lý hình sự.

“Theo tôi, vụ này các đối tượng hung hãn, có hung khí nên việc các hiệp sĩ đâm xe là có căn cứ tương xứng với hành vi và mang tính cấp thiết. Đã đến lúc cần có Luật điều chỉnh về vấn đề này và cần trang bị các công cụ hỗ trợ, huấn luyện về chuyên môn, nghiệp vụ bài bản cho họ, trang bị kiến thức cho họ và giao cho họ có được một số quyền hạn nhất định khi bắt tội phạm”, Luật sư Hùng nói.

M. Đức - P.Lữ - Đ.Mừng
Nguồn: Báo công an nhân dân

Luật sư Trần Minh Hùng trả lời vụ Cô giáo bắt học sinh uống nước vắt giẻ lau bảng

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Truyền Thông Báo Chí

Cô giáo bắt học sinh uống nước vắt giẻ lau bảng có thể bị phạt đến 3 năm tù

Tùy theo tính chất và mức độ, hành vi ép học sinh uống nước giẻ lau bảng của nữ giáo viên có thể bị truy cứu hình sự về tội 'Làm nhục người khác' với mức án từ 1-3 năm tù.

Sự việc em Phạm Phương A. (9 tuổi) bị cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Minh Hương (Trường Tiểu học An Đồng, huyện An Dương, TP.Hải Phòng ) ép uống nước giẻ lau bảng khiến dư luận lên án gay gắt.

Ông Nguyễn Xuân Trường – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng cho biết sẽ xử lý dứt điểm sự việc để không có trường hợp tương tự xảy ra. “Giáo viên mắc sai phạm đến đâu thì kỷ luật đến đó. Sở sẽ xử lý nghiêm minh, công khai và không nương nhẹ để rút kinh nghiệm cho ngành, người lao động”, ông Trường nhấn mạnh.

Trước đó, bà Trần Thị Ngọc Bảo – Hiệu trưởng trường Tiểu học An Đồng đã yêu cầu cô giáo Hương đến gặp gia đình em Phương A. để xin lỗi. Đồng thời, nhà trường đã kỷ luật cảnh cáo, quyết định tạm ngừng công tác 3 năm đối với cô giáo Hương.

Em Phạm Phương A. bị cô giáo chủ nhiệm ép uống nước rẻ lau bảng

Theo một số luật sư, hành vi ép học sinh uống nước “vắt ra từ giẻ lau bảng” của cô giáo này có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS.

Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Gia đình cho rằng hành vi của nữ giáo viên rất khó chấp nhận cả về mặt đạo đức lẫn nghề nghiệp. Bên cạnh đó, hành vi ép học sinh uống nước giẻ lau còn có thể có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Cụ thể có thể cấu thành tội “Làm nhục người khác” với mức án từ 1-3 năm tù ( khoản 1 điều 155 BLHS 2015) vì bắt em Phương A. phải uống nước bẩn trước nhiều học sinh khác.

“Việc có khởi tố cô giáo hay không cần xem xét đến hậu quả, tính chất hành vi và sự nguy hiểm cho xã hội. Tức là cháu bé có bị ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe bởi việc bị bắt uống nước bẩn hay không.

Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Gia đình

Tuy nhiên, cô giáo đã bị buộc thôi việc, biết nhận lỗi và xin lỗi gia đình học sinh. Hơn nữa, cháu bé đã đến trường bình thường, vì vậy theo tôi chưa tới mức xử lý về mặt hình sự. Thay vào đó, vị này nên bị xử lý về mặt hành chính là phù hợp”, luật sư Hùng cho hay.

Cũng theo Luật sư Đào Thị Bích Liên, Chi hội phó chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, nếu cô giáo ép học sinh uống, súc miệng bằng nước giẻ lau bảng diễn ra trong thời gian dài thì có thể truy cứu về tội “Hành hạ người khác” (điều 140 BLHS 2015). Còn đây là lần đầu tiên thì chưa đến mức xử lý hình sự. Nhưng hành vi trên là một dạng hành hạ trẻ em, vi phạm điều 6, Luật trẻ em 2016.

“Hành vi của cô giáo có ảnh hưởng rất xấu đối với uy tín của nghề giáo. Dù với bất cứ lý do thiếu hiểu biết hay nóng nảy cũng không thể chấp nhận được việc ép học sinh uống nước giẻ lau bảng. Đây là bài học dành cho các thầy cô khi phạt học sinh, tránh trường hợp hình phạt quá mức cần thiết dẫn dến vi phạm pháp luật”, luật sư Liên nói.

Điều 140. Tội hành hạ người khác

1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ.

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên

c) Đối với 02 người trở lên.

Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên.

b) Đối với 02 người trở lên.

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

d) Đối với người đang thi hành công vụ.

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên.

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Khai Tâm

nguồn: Báo mới

LS Trần Minh Hùng Trả Lời Báo Chí Vụ Thông Tin Xuyên Biên Giới

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Truyền Thông Báo Chí

Facebook, Youtube, Google… sẽ bị xử lý như thế nào nếu vi phạm Thông tư 38?

Nếu vi phạm Thông tư 38, tùy theo mức độ, các DN nước ngoài xuyên biên giới sẽ phải ra tòa và chịu trách nhiệm dân sự cũng như các khoản bồi thường thiệt hại mà họ gây ra.

Facebook, Youtube, Google… sẽ bị xử lý như thế nào nếu vi phạm Thông tư 38?
 

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã ban hành Thông tư số 38 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, qua đó siết chặt quản lý đối với một số trang mạng như Facebook, Google... nhằm đối phó với tình trạng thông tin giả mạo.

Luật sư Trần Minh Hùng, Văn phòng luật sư Gia Đình – đoàn luật sư TP HCM sẽ giải đáp một số thắc mắc về Thông tư mới ban hành này:

- Chào ông, Thông tư 38 vừa được ban hành. Vậy khi phát hiện, khiếu nại về thông tin giả, xuyên tạc, bôi nhọ hoặc vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam thì các cá nhân, tổ chức sẽ phải khiếu nại ở đâu?

- Theo quy định tại Khoản 1, Điều 6 và điều 7, Thông tư số 38 /2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 thì thì DN (doanh nghiệp) viễn thông, DN cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số tại Việt Nam, cá nhân khi phát hiện các nội dung thông tin vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP thì có các quyền nghĩa vụ như sau:

Luật sư Trần Minh Hùng.

1. Với DN viễn thông, cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số tại Việt Nam:

1. Có trách nhiệm báo cáo ngay cho Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) bằng văn bản, điện thoại hoặc thư điện tử có địa chỉ This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. trong thời gian 03 (ba) giờ kể từ khi phát hiện nội dung thông tin vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.

2. Có trách nhiệm triển khai các biện pháp kỹ thuật cần thiết để thực thi các quy định tại Điều 5 Thông tư này. Thời gian hoàn thành chậm nhất không quá 03 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu (a); Thực hiện việc báo cáo lượng truy cập của người sử dụng tại Việt Nam tới các trang thông tin điện tử cung cấp thông tin công cộng qua biên giới theo yêu cầu của Bộ (b).

3. DN cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số tại Việt Nam có trách nhiệm thực hiện thông báo với Bộ TT&TT về việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê chỗ lưu trữ thông tin số tại Việt Nam để cung cấp thông tin công cộng cho người sử dụng tại Việt Nam theo định kỳ 06 tháng một lần vào ngày 15/6 và ngày 15/12 hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu:

a) Nội dung thông báo gồm: Tên DN cho thuê chỗ, địa chỉ và điểm đặt thiết bị, pháp nhân của tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê chỗ, thời hạn thuê, số lượng thiết bị, dung lượng kết nối internet;

b) Thông báo được gửi bằng một trong các hình thức: nộp trực tiếp, gửi qua đường bưu chính hoặc gửi thư điện tử tại địa chỉ This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. ;

c) Chậm nhất 10 (mười) ngày làm việc, DN cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số tại Việt Nam phải thực hiện thông báo bổ sung trong trường hợp có thay đổi thông tin đã thông báo theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều này.

2. Đối với cá nhân:

Người sử dụng tại Việt Nam khi phát hiện thông tin do tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin công cộng qua biên giới vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP có quyền và nghĩa vụ sau:

1. Thông báo thông tin vi phạm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

2. Thông báo vi phạm cho Bộ TT&TT bằng một trong các hình thức sau đây: nộp trực tiếp, gửi qua đường bưu chính hoặc qua thư điện tử tại địa chỉ This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. .

3. Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền tại Việt Nam nếu thông tin vi phạm gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Kết luận:

Theo quy định trên thì các cá nhân, tổ chức mà có khiếu nại về thông tin giả, xuyên tạc, bôi nhọ hoặc vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam thì có quyền và nghĩa vụ thông báo với Bộ TT hoặc khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền theo quy định pháp luật Việt Nam.

Facebook, Youtube, Google… sẽ bị xử lý như thế nào nếu vi phạm Thông tư 38? - Ảnh 3.

Nhiều hình ảnh phản cảm được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội.

- Nếu các DN xuyên biên giới vi phạm bị phát hiện, khiếu nại sẽ bị xử lý như thế nào?

- Căn cứ theo quy định tại Điều 5, Thông tư 38, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, Bộ TT&TT gửi đề nghị phối hợp bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử thông báo cho tổ chức, cá nhân nước ngoài về các thông tin vi phạm.

1. Sau khi nhận được đề nghị phối hợp từ Bộ TT&TT, trong thời gian 24 giờ, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin công cộng qua biên giới xác định thông tin vi phạm và thực hiện việc xử lý thông tin theo đề nghị.

Sau thời hạn nêu trên, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý thông tin vi phạm theo yêu cầu và cũng không phản hồi trở lại, Bộ TT&TT sẽ gửi thông báo lần 2.

Trường hợp 24 giờ sau khi Bộ TT&TT gửi thông báo lần 2, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài vẫn tiếp tục không xử lý thông tin vi phạm theo đề nghị và cũng không phản hồi trở lại, Bộ TT&TT sẽ thực thi các biện pháp kỹ thuật cần thiết.

2. Khi phát hiện thông tin vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, đe dọa đến lợi ích quốc gia Việt Nam thì cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam sẽ thực thi ngay lập tức các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn thông tin vi phạm không được cung cấp tới người sử dụng tại Việt Nam, đồng thời gửi yêu cầu xử lý thông tin vi phạm theo quy trình được nêu tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư này.

Biện pháp chặn kỹ thuật chỉ được gỡ bỏ sau khi các thông tin vi phạm đã được tổ chức, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ngoài ra, khi tòa án tuyên xử doanh nghiệp đó thua kiện thì còn phải chịu trách nhiệm dân sự cũng như các khoản bồi thường thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại có yêu cầu mà Tòa án buộc bên vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình.

Hồng Minh

Nguồn: Theo Trí Thức Trẻ

Tin luật sư Trần Minh Hùng Làm Giám Khảo Cuộc Thi Giữa Trường ĐH Luật và ĐH Cảnh Sát

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Truyền Thông Báo Chí

Giao lưu học thuật giữa CLB pháp luật và CLB phiên tòa tập sự

 
 
       Ngày 5/11/2016, CLB Pháp luật Trường Đại học CSND phối hợp với CLB Phiên tòa tập sự Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình Giao lưu học thuật, đây là hoạt động chào mừng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam 9/11.
       Chương trình có sự giúp đỡ chuyên môn của Ban cố vấn gồm Kiểm sát viên Trung cấp Nguyễn Văn Tài thuộc Viện KSND Thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư Trần Minh Hùng thuộc văn phòng Luật sư Gia đình, Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Thủy – Nguyên Phó Chánh tòa Hình sự thuộc TAND Thành phố Hồ Chí Minh cùng các giảng viên đến từ khoa Pháp luật của hai trường.
 
 
 
      Trong phần Phiên tòa giả định, dựa trên hồ sơ vụ án đã được cho trước, sinh viên trường Đại học CSND trong vai Kiểm sát viên, thực hiện quyền công tố tại tòa đã có phần xét hỏi, tranh luận với sinh viên trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh trong vai Luật sư bảo vệ quyền lợi bị cáo. Với sự chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng từ cả hai đội, phiên tòa giả định đã diễn ra đúng theo trình tự thủ tục của một phiên tòa chính thức. Phần tranh luận giữa hai đội khách quan, sôi nổi, thể  hiện sự am hiểu kiến thức  pháp luật của sinh viên hai trường. Sau hơn 2 giờ diễn ra liên tục, Phiên tòa tập sự đã kết thúc trong không khí hứng khởi của toàn thể sinh viên tham gia buổi giao lưu.
 
 
 
 
       Ở Phần Trò chơi học thuật, các thành viên tham gia dưới hình thức trả lời câu hỏi nhanh và giải đáp ô chữ. Với kiến thức chuyên môn sâu rộng, sự nhạy bén, các đội thi đã mang đến không khí hào hứng, sôi nổi thông qua những câu trả lời thông minh, màn rượt đuổi điểm số gay cấn, hấp dẫn, chứng tỏ sức hút khó cưỡng của một chương trình học thuật đối với sinh viên. Chương tình kết thúc với phần nhận xét và đánh giá của Ban cố vấn.
 
 
       Thời gian qua, hai đơn vị Đại học CSND và Đại học Luật đã có nhiều phối hợp hiệu quả trong các hoạt động khoa học, hội thảo, tọa đàm, các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao… Chương trình giao lưu học thuật lần này của hai CLB đến từ hai trường không chỉ tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh để sinh viên trao đổi, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, mà còn góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả cho các bạn học sinh sinh viên, nâng cao ý thức nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật trước mọi tình huống của cuộc sống.
 
Tác giả bài viết: Phú Hưng
Nguồn: Trường đại học cảnh sát nhân dân

Luật Sư Trần Minh Hùng Trả Lời Báo Chí Phòng Cháy Oử Chung Cư Ai Phải Chịu Trách Nhiệm?

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Truyền Thông Báo Chí

1.     Tình trạng phòng cháy chữa cháy của các khu chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố HCM đang tiềm ẩn rất nhiều những hiểm họa khó lường, các chủ đầu tư, các chủ chung cư không thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về phòng cháy chữa cháy. Ông nhận định như thế nào về tình trạng trên? Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến sự “thờ ơ” của các chủ chung cư, chủ đầu trong việc thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy.

Đúng là tình trạng phòng cháy chữa cháy của các khu chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố HCM đang tiềm ẩn rất nhiều những hiểm họa khó lường, các chủ đầu tư, các chủ chung cư không thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về phòng cháy chữa cháy, chưa thấy được sự nguy hiểm của cháy nổ, chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình, không thực hiện đúng các quy định về Luật nhà ở cũng như Luật phòng cháy chữa cháy và pháp luật liên quan đến phòng cháy chữa cháy. Nguyên nhân dẫn đến việc thờ ơ của các chủ đầu đầu, chủ chung cư vì ở chúng ta hệ thống PCCC chỉ là hình thức. Theo đó, bên cạnh các yếu tố khách quan về công tác đảm bảo an toàn cháy nổ tại các khu chung cư cao tầng, người dân cũng phải tự trang bị cho mình về kiến thức về khống chế, làm chủ bản thân khi có tình huống hỏa hoạn xảy ra. Toàn bộ hệ thống điện bị cháy gần nơi để xe của cư dân tòa nhà. Các chủ đầu tư thì lại liên tục đầu tư, xây các tòa chung cư, cao ốc ngày một cao tầng nhưng ít chú tâm PCCC, lực lượng PCCC và công suất của các loại xe chuyên dụng chỉ cho phép dập các đám cháy ở độ vừa phải

Sự quản lý lỏng lẻo của các cấp chính quyền địa phương đối với hoạt động phòng cháy, chữa cháy đối với chủ đầu tư cũng là nguyên nhân chính trong việc tạo điều kiện cho các chủ đầu tư chai lỳ và vô trách nhiệm đối với hoạt động này. Hệ thống pháp luật chưa điều chỉnh đầy đủ, cụ thể và có chế tài nặng đối với các chủ đầu tư khi để xảy ra cháy nổ đã không đủ sức răn đe nhà đầu tư.

Chưa có tiêu chuẩn và chế tài đủ mạnh bạo vệ tính mạng và tài sản của người dùngCho đến nay, cho dù đã ban hành luật phòng cháy chữa cháy nhưng lại chưa xây tiêu chuẩn bắt buộc và hướng dẫn thiết kế cho các công trình nhà cao tầng về hệ thống báo cháy, hệ thống giám sát mức nước bể chữa cháy, tình trạng thiết bị chữa cháy, hệ thống điều khiển đèn chiếu sáng khẩn cấp, hệ thống thoát khói tự động, điều khiển hệ thống chỉ dẫn cửa thoát hiểm, điều khiển tăng áp tự động cầu thang thoát hiểm. Đa số các công trình chung cư cao tầng hiện nay, kể cả một số cao ốc văn phòng hạng sang đang trong tình trạng bị lách luật, điều đó dẫn đến người sử dụng hàng ngày phải đối mắt với nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng. Trách nhiệm của chủ đầu tư, Ban quản trị không được quy định chi tiết, cụ thể trong luật về phòng cháy, chữa cháy. Nhiều quy định chồng chéo, mơ hồ không xác định được trách nhiệm của ai khi có cháy nổ. Đó là những điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư tiếp tục phớt lờ về công tác phòng, chữa cháy ở các chung cư.  

2.     Theo luật, các chủ chung cư phải thực hiện những biện pháp gì để đảm bảo được an toàn về phòng cháy chữa cháy ở các khu chung cư?

Theo quy định tại Điều 105 Luật nhà ở 2014 quy định về Quản lý vận hành nhà chung cư quy định về Đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư phải có đủ điều kiện về chức năng và năng lực theo quy định sau đây:

Có đội ngũ cán bộ, nhân viên đáp ứng yêu cầu về quản lý vận hành nhà ở bao gồm lĩnh vực xây dựng, kỹ thuật điện, nước, phòng cháy, chữa cháy, vận hành trang thiết bị gắn với nhà chung cư và có giấy chứng nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng”. Theo quy định hiện hành, các chủ đầu tư đều phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Người dân có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với phần sở hữu riêng của mình và có trách nhiệm đóng góp chi phí mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với phần sở hữu chung. Chi phí mua bảo hiểm cháy nổ đối với phần sở hữu chung được phân bổ tương ứng với phần diện tích thuộc sở hữu riêng của từng chủ sở hữu. Chủ đầu tư hoặc đơn vị đang quản lý vận hành nhà chung cư có trách nhiệm phân bổ và công bố công khai mức thu và thực hiện mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với phần sở hữu chung của từng nhà chung cư. Tuy nhiên, ngay cách hiểu diện tích chung – riêng hiện nay cũng vẫn còn chưa quy định cụ thể. Trong đó quy định rõ về trách nhiệm của chủ đầu tư hay đơn vị quản lý tòa nhà, đồng thời phân định rõ diện tích chung - riêng của chung cư. Trong trường hợp căn cứ pháp luật về sở hữu diện tích chung riêng chưa rõ ràng như hiện nay, nếu xảy ra cháy nổ thì sẽ rất khó xác định trách nhiệm của các bên. Điều 78 luật nhà ở quy định về Bảo hiểm nhà ở như sau: “Nhà nước khuyến khích các chủ sở hữu mua bảo hiểm nhà ở. Đối với nhà ở thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy thì chủ sở hữu nhà ở này phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc”. Ngoài ra, tại điều Điều 11 quy định về Nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở và người sử dụng nhà ở như sau:

“ Đối với chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì có các nghĩa vụ sau đây:

Thực hiện việc phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm vệ sinh, môi trường, trật tự an toàn xã hội theo quy định của pháp luật; Đóng bảo hiểm cháy, nổ đối với nhà ở thuộc diện bắt buộc phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và pháp luật về kinh doanh bảo hiểm”.

Như vậy, căn cứ các quy định trên cũng như pháp luật liên quan thì chủ chung cư là tổ chức, cá nhân, chủ đầu tư, ban quản trị chung cư...phải có trách nhiệm bảo đảm các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy, cháy, nổ đối với nhà ở thuộc diện bắt buộc phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và pháp luật về kinh doanh bảo hiểm

3.     Theo ông, cần phải làm gì để các chủ chung cư thực hiện nghiêm những biện pháp về phòng cháy chữa cháy. Liệu có cần đến chế tài đủ mạnh?

Cần phải có quy định cụ thể về trách nhiệm của các chủ đầu tư, chủ các chung cư, Ban quản trị chung cư ở từng giai đoạn cụ thể để phân trách nhiệm rõ ràng. tránh nhập nhằng như quy định hiện nay. Đa số các chung cư hiện nay giai đoạn đầu do chủ đầu tư quản lý, sau đó bàn giao cho Ban quản trị. Như vậy, khi để xảy ra cháy nổ thì việc xác định sai sót, trách nhiệm rất khó khăn. Ngoài ra, việc cháy nổ là do nhiều nguyên nhân nên việc xác định trách nhiệm của tổ chức nào, giai đoạn nào, đến đâu thì pháp luật chưa quy định cụ thể mà chỉ quy định chung chung. Do vậy, theo tôi cần ban hành và hoàn thiện các quy định pháp luật cụ thể là Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật phòng cháy, chữa cháy chặt chẽ hơn nữa về trách nhiệm, biện pháp phòng cháy chữa cháy đối với các tòa nhà chung cư. Cần có các chế tài đủ mạnh đối với các tổ chức, cá nhân khi để xảy ra cháy nổ do không chấp hành đúng các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, mua bảo hiểm phòng cháy chữa cháy. Trách nhiệm ở đây không chỉ đặt ra về mặt dân sự (bồi thường thiệt hại), hành chính mà còn đặt ra về trách nhiệm hình sự để tạo tính răn đe người vi phạm. Cần nâng cao ý thức pháp luật của các tổ chức, cá nhân này cũng như nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong vai trò giám sát phòng cháy, chữa cháy. Cần mở nhiều lớp, buổi học về an toàn cháy nổ, phòng cháy, chữa cháy để nâng cao ý thức cho mọi người và các tổ chức này.

4.     Nhiều ý kiến cho rằng cần phải xử lí nghiêm những chủ đầu tư phớt lờ quy định về phòng cháy chữa cháy. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đúng vậy, phòng cháy chữa cháy liên quan đến tính mạng con người, thậm chí là nhiều người trong chung cư khi xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ. Khi thực hiện hành vi không trực tiếp giết người nhưng sự vô trách nhiệm trong công việc, trong quản lý, vận hành...dẫn đến cháy nổ chết nhiều người hay gây hậu quả nghiêm trọng thì vẫn phải chịu trách nhiệm tương ứng. Do vậy, việc xử lý nghiêm những chủ đầu tư khi vi phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy, để xảy ra hậu quả đáng tiếc, không thực hiện đúng các quy định về mua bảo hiểm phòng cháy, chữa cháy thì vẫn phải xử lý nghiêm. Trách nhiệm ở đây không chỉ là về mặt dân sự, hành chính mà còn phải đặt ra trách nhiệm hình sự.

Giới Thiệu Luật Sư Trần Minh Hùng

link s75  

Với phương châm đặt chữ "Tâm" của nghề lên hàng đầu, chúng tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào sự công bằng và bảo vệ công lý cho xã hội. Là hãng luật uy tín thường xuyên tư vấn luật trên HTV, VTV, THVL, ANTV, VTC, SCTV, TH Cần Thơ, Đồng Nai và trên các tờ báo uy tín... Chúng tôi chuyên tư vấn, bào chữa cho khách hàng, thân chủ trên mọi lĩnh vực đất đai, thừa kế, hình sự, doanh nghiệp, ly hôn, công nợ, lao động, hợp đồng....

 

                                   LS TRẦN MINH HÙNG 


Hotline:0972238006