Sai sót y khoa là điều không thể tránh khỏi, nhưng nhân viên y tế làm ẩu khi khoan cẳng chân cho bệnh nhân gãy đốt sống ngực thì không thể chấp nhận. Mọi sai sót y khoa, dù lớn hay nhỏ đều không thể bù đắp.
Cẩu thả không thể chấp nhận
Sự việc anh N.Đ.Th. (30 tuổi, ở tỉnh Cà Mau) bị 2 nhân viên của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đưa nhầm vào phòng mổ, khoan cẳng chân phải thay vì điều trị gãy đốt sống ngực số 8 khiến người dân hoang mang trong những ngày qua.
Phản ảnh đến Báo Phụ Nữ TP.HCM, nhiều bạn đọc bức xúc vì đây là một trong những bệnh viện lớn nhất Việt Nam, là bệnh viện tuyến cuối nên người dân rất an tâm. Điều này giải thích tại sao nhiều người dân có điều kiện lại chọn Singapore để điều trị khi có bệnh.
|
Anh Th. bị khoan vào chân |
Trong trường hợp này, lãnh đạo của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM không trốn tránh trách nhiệm, thành lập hội đồng chuyên môn nhằm đánh giá mức độ sai phạm theo quy định và đình chỉ 2 nhân viên y tế gây ra nhầm lẫn trên.
Tuy nhiên với cách giải thích của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy rằng: "Lỗ khoan xương này sẽ tự lành sau 6 tháng mà không cần can thiệp bằng phương pháp nào, cũng không gây di chứng cho bệnh nhân" và "bệnh viện chỉ chịu trách nhiệm các chi phí phát sinh do sự nhầm lẫn này gây ra" đã khiến dư luận thêm dậy sóng. Bởi ngoài việc chữa lành vết thương, bệnh nhân còn phải chịu đau đớn do lỗ khoan xương gây ra và có thể làm tệ hại hơn chấn thương gãy đốt sống ngực.
Nhiều ý kiến cho rằng bệnh viện phải công khai xin lỗi, bồi thường tổn thất về sức khỏe, tinh thần cho anh Th., kỷ luật nhân viên gây ra sự nhầm lẫn tai hại này. Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM phải chịu trách nhiệm về cái chân bị khoan của anh Th. suốt cuộc đời nếu có di chứng. Đồng thời, bệnh viện cũng nên chi trả chi phí điều trị gãy xương đốt sống ngực cho bệnh nhân để bù vào thu nhập mất đi của anh trong 6 tháng nằm chờ vết mổ ở chân lành hẳn.
|
Mọi sai sót y khoa không nên phân biệt lớn hay nhỏ. Đặt trường hợp anh Th. nhầm lẫn với một bệnh nhân cần mổ bệnh phức tạp hơn thì hậu quả sẽ ra sao? |
Trước sự việc trên, ông Nguyễn Duy Thuận - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế y tế và Quản trị bệnh viện TP.HCM – cho hay, mỗi ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng và những bệnh viện trên cả nước nói chung có vài ngàn đến trên 10.000 người tới khám, điều trị. Nhân viên y tế sai sót trong y khoa là điều gần như không thể tránh khỏi. Nhưng tất cả mọi sai sót y khoa, dù lớn hay nhỏ đều ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của bệnh nhân, không gì có thể bù đắp; nhất là những sai sót do nhân viên y tế làm ẩu gây ra.
Chuẩn bị cho một ca mổ, dù là thủ thuật nhỏ, nhân viên y tế cũng phải rà soát kỹ thông tin người bệnh, cần phải hỏi đi hỏi lại bệnh nhân sắp được mổ những câu hỏi xác định tên, tuổi, quê quán… Đặt trường hợp anh Th. không bị nhầm với bệnh nhân phải khoan cẳng chân, mà nhầm với bệnh nhân cần mổ để xử lý căn bệnh phức tạp thì hậu quả sẽ ra sao? Trên thực tế, đã có bệnh viện cắt nhầm chân khiến bệnh nhân sống với khiếm khuyết suốt đời.
Ông Thuận cho biết: “Ở trường hợp của anh Th., tôi nghĩ rằng trên giường bệnh nhân luôn có bệnh án. Xét về thực thể, anh Th. thấy mình sắp bị khoan vào chân trong khi anh tỉnh táo, biết được bệnh của mình, tất nhiên sẽ gào lên. Tại sao khi anh Th. nói mình không đau chân, bác sĩ lại không kiểm tra thông tin của bệnh nhân ngay lúc đó? Không thể nói rút kinh nghiệm cho việc làm ẩu của mình.
"Thực tế, nhiều bác sĩ đã có ứng xử chưa đúng với bệnh nhân. Ví dụ bệnh nhân nói tay trái tôi đau nhưng bác sĩ không chịu, chỉ nơi khác và hỏi ngược lại tôi là bác sĩ hay anh là bác sĩ.
Ai dám cãi bác sĩ? Ai cũng biết khám bệnh nhiều, thực hiện thủ thuật nhiều thì sai sót y khoa cũng sẽ nhiều, nhưng phải trong một tỉ lệ và mức độ nhất định", ông Nguyễn Duy Thuận lên tiếng.
|
Nếu bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy muốn rút kinh nghiệm thì nên chi trả cả chi phí khoan chân và gãy đốt sống ngực cho anh Th. Lấy kinh nghiệm ca này để tự nhắc nhở mình, phải chịu trách nhiệm về chân cho anh Th. bằng việc khám định kỳ hàng tháng, để mỗi khi anh đến khám sẽ là một nhắc nhở cho nhân viên y tế tại đây.
Tất nhiên, việc “bảo hành” chân trọn đời cho anh Th. phải tuân theo luật định riêng của bệnh viện về vận động, tần suất di chuyển, lực chân sử dụng, dinh dưỡng… để tránh bản thân người bệnh có thể xem nhẹ sức khỏe của mình”.
Tuy nhiên, khi Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị khám chữa bệnh lớn, nếu đền bù tất cả chi phí có thể sẽ tạo ra một tiền lệ không hay. Tiền lệ này tiếp tục xuất hiện ở những bệnh viện tuyến dưới, bệnh viện địa phương sẽ khiến các bệnh viện này có thể phải... đóng cửa sớm, vì sai sót y khoa hiện nay rất nhiều. Từ đó, tạo ra môi trường làm việc căng thẳng cho bác sĩ, áp lực lớn sẽ càng tạo ra nhiều sai sót.
Nhưng ngược lại, ở trường hợp anh Th. kỳ vọng, đòi hỏi đền bù nhiều cũng không phải là quá đáng. Hơn hết là sự cầu thị trong cách đối xử của bệnh viện, không nên cãi chày cãi cối, không nên im lặng. Vì hành động của nhân viên y tế đã sai trầm trọng, sai từ cơ bản.
Rõ ràng, không thể nói anh Th. quá xui khi nhân viên y tế nhầm lẫn bệnh nhân. Bản thân anh Th. đã nhận ra và nhắc nhở ngay về bệnh của mình, bác sĩ chỉ cần lắng nghe, rà soát lại bệnh án thì sẽ kịp thời dừng lại và không xảy ra sai sót.
|
Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng và những bệnh viện trên cả nước nói chung trung bình có vài ngàn đến trên 10.000 người đến thăm khám, điều trị mỗi ngày. |
Bệnh nhân có thể khởi kiện ra tòa
Luật sư Trần Minh Hùng – Đoàn luật sư TP.HCM- nhận định, đội ngũ y bác sĩ trong kíp mổ đã vi phạm nghĩa vụ, nghề nghiệp của bác sĩ khi không thực hiện đúng và đầy đủ chuyên môn kỹ thuật, cẩu thả, vô trách nhiệm trong việc kiểm tra bệnh án bệnh nhân.
Qua đó, trình độ chuyên môn, thái độ cứu chữa bệnh nhân của các y bác sĩ cũng có vấn đề khi không xem xét, đánh giá tổn thương của bệnh nhân mà tiến hành mổ khoan chân gây ra nhầm lẫn.
“Khi xảy ra sai sót, Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng khoan chân không nghiêm trọng, chỉ cần nghỉ ngơi 6 tháng sẽ khỏi. Nhưng theo tôi, nếu anh Th. không bị nhầm với bệnh nhân phải khoan chân mà nhầm với bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cắt chi, phức tạp hơn thì sẽ ra sao?
Bất kỳ sai sót y khoa nào cũng không nên phân định sai sót lớn hay nhỏ vì đều ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Chưa kể anh Th. phải đợi cẳng chân lành mới có thể điều trị gãy đốt sống ngực. Thời gian kéo dài liệu có gây nên biến chứng, di chứng gì ở vết thương ngực không?”, luật sư Hùng nói thêm.
|
Bệnh nhân đông, bác sĩ không có nhiều thời gian khám bệnh tạo nên áp lực trong chẩn đoán và điều trị, điều này có thể thông cảm được. Nhưng trước những ca bệnh cần mổ, thực hiện thủ thuật thì cần phải xác minh rõ thông tin trước khi thực hiện, tránh gây ảnh hưởng thêm về sức khỏe bệnh nhân. |
Tại Điều 76 và Điều 77, Luật Khám chữa bệnh 2009 quy định về trách nhiệm và mức bồi thường thiệt hại của y, bác sĩ trong khám bệnh, chữa bệnh nếu để xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật gây tai biến cho người bệnh. Ngoài trách nhiệm bồi thường theo quy định, y, bác sĩ có thể phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Vì vậy, anh Th. có quyền yêu cầu Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện việc bồi thường hợp lý do hành vi gây thiệt hại về sức khỏe cho anh. Nếu bệnh viện không thực hiện bồi thường theo quy định, anh và gia đình có thể làm đơn khởi kiện gửi đến Tòa án cấp huyện nơi bệnh viện có trụ sở.
Quy định tại Điều 30, Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế đối với vi phạm về chuyên môn kỹ thuật, người gây ra sai sót có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng - 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật về chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh gây ra tai biến cho người bệnh. Thậm chí, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 3 - 6 tháng.
|
Luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TP.HCM. |
Trong trường hợp do bị khoan chân mà thương tật của bệnh nhân trên được xác định với tỷ lệ từ 31% trở lên, thì dựa vào mức độ hành vi vi phạm mà bác sĩ có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự với tội vô ý gây thương tích, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài vấn đề bị xử lý hình sự, hành chính như trên, bệnh viện còn phải bồi thường về mặt dân sự theo quy định tại Điều 590, Bộ luật Dân sự 2015. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại, nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị, nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định. Ngoài ra, bệnh viện cũng có thể chịu một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu theo thỏa thuận.
Sáng 18/6, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết lãnh đạo bệnh viện đang tích cực, cầu thị trong việc giải quyết, xử lý vụ việc nên không thể thông tin thêm. Sau đó, bệnh viện sẽ trả lời bằng văn bản chính thức về sự việc vừa qua để đảm bảo sự khách quan, công bằng trong xử lý cá nhân liên quan.
Ngày 18/6, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Bệnh viện Chợ Rẫy liên quan sự cố y khoa nghiêm trọng về "khoan nhầm cẳng chân của người bệnh được chẩn đoán gãy đốt sống ngực số 8".
Theo đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu Bệnh viện Chợ Rẫy xác minh khẩn trương nội dung thông tin; ghi nhận, phân tích nguyên nhân, xử lý sự cố y khoa, báo cáo, phản hồi và đưa ra giải pháp khắc phục, phòng ngừa sự cố y khoa theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, bệnh viện này cũng phải nhanh chóng rà soát các quy trình kỹ thuật chuyên môn, quy trình chăm sóc và chấn chỉnh, tăng cường bảo đảm an toàn phẫu thuật, an toàn người bệnh.
Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Chợ Rẫy quan tâm chăm sóc và bảo đảm quyền lợi cho người bệnh theo các quy định hiện hành và công khai thông tin về kết quả xác minh, xử lý cho cơ quan truyền thông.
|
Phạm An
Nguồn: Báo phụ nữ tphcm