
Đó là ý kiến của hàng chục người dân mắc bẫy đang ” kêu cứu” lên các cơ quan chức năng, báo chí liên quan đến việc CTCP Địa ốc Kim Phát (Công ty Kim Phát). Họ cho rằng công ty này “lừa đảo” bán đất nền dự án ở Long An, Đồng Nai.
Khách hàng “than trời”
Sau hàng loạt bài viết trên Báo Người Tiêu Dùng liên quan đến Công ty Kim Phát (246 Lý Thường Kiệt, Q.10, TP.HCM), thì ngày càng có nhiều nạn nhân gửi đơn tố cáo việc làm ăn sai trái của công ty này. Nhiều nạn nhân sập bẫy các dự án đất nền đã lâm vào bước đường cùng vì “trót dại” nghe theo lời dụ dỗ.
“Các nhân viên của Công ty Kim Phát được đào tạo rất kỹ để dụ dỗ các con mồi không hiểu biết như chúng tôi. Công ty Kim Phát luôn cho nhân viên nói những dự án đất nền tại các dự án của CTCP Xây dựng Địa ốc Long Kim Phát (Công ty con của Tập đoàn Đất Xanh), CTCP Đầu tư Xây dựng Long An IDICO, CTCP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang, CTCP Địa ốc Thăng Long là của chính mình nhằm đánh lừa khách hàng. Tại các dự án này, Kim Phát tự biến mình là chủ đầu tư, bán với giá cao chót vót, gấp đôi so với giá trị đất. Khi biết mình bị Công ty Kim Phát lừa đảo, muốn lấy lại tiền nhưng công ty này luôn tìm cách né tránh, hù dọa, thách thức…” – chị Lê Thanh Huyền Thanh bị Công ty Kim Phát lừa gần 300 triệu đồng buồn bã chia sẻ.

Chị Mai Thị Diệu (ngụ tại Q.8, TP.HCM) tức giận nói: “Công ty Kim Phát hãy trả lại tiền cho chúng tôi! Ông Nguyễn Công Cường (Tổng Giám đốc Công ty Kim Phát – PV) lừa đảo người dân. Tôi muốn mua một mảnh đất để ở nhưng bị Công ty Kim Phát lừa và lấy hơn 400 triệu đồng. Để có số tiền đóng vào Công ty Kim Phát, tôi phải giấu gia đình đi vay nợ ngân hàng. Hiện nay số nợ rất lớn, tôi không biết phải trả ra sao? Tại sao một công ty làm ăn gian dối với khách hàng nhiều như vậy mà vẫn tồn tại, không bị cơ quan chức năng xử lý? Hiện nay, tôi đã làm đơn khiếu nại, tố cáo lên các cơ quan ban ngành tại TP.HCM, cơ quan báo chí để mong làm sáng tỏ vụ việc. Người dân nghèo chúng tôi đã bị Công ty Kim Phát lừa hết tiền rồi”.
Đồng ý kiến với chị Diệu, bà Trần Thị Phước (ngụ Q.11) cũng rơi vào cảnh khó khăn khi dính vào bẫy “lừa” hoàn hảo của Công ty Kim Phát. Bà Phước còn chia sẻ thêm: “Việc Công ty Kim Phát lừa người dân thì các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm liên đới. Bởi vì các chủ đầu tư này đã biết Công ty Kim Phát dính nhiều “đơn tố cáo” của người dân nhưng vẫn tiếp tục hợp tác. Phải chăng các chủ đầu tư đang tiếp tay cho việc làm sai trái của Công ty Kim Phát?!”.
Còn ông Đỗ Quý Toàn, một nạn nhân khác của Công ty Kim Phát bức xúc: “Hiện nay, rất nhiều đơn tố cáo của người dân gửi lên các cơ quan chức năng nhưng họ chỉ lạnh lùng thông báo “còn đang điều tra, xác minh”. Chúng tôi không biết đến khi nào mới lấy lại được tiền. Người dân cầu cứu khắp mọi nơi rồi nhưng vẫn đâu vào đấy. Công ty Kim Phát càng lộng hành và lừa thêm nhiều nạn nhân khác”.
“Chúng tôi đi đòi tiền do Công ty Kim Phát “lừa đảo” thì các nhân viên công ty này cho biết nếu không đóng tiếp tiền, sẽ mất toàn bộ số tiền đã đóng. Tôi đã đóng gần 300 triệu đồng. Còn lên chủ đầu tư, họ cũng đòi thương lượng. Nếu người dân lấy lại tiền, thì phải mất phí từ 20-30 triệu đồng. Người dân phải chấp nhận thì chủ đầu tư mới chịu chi trả tiền. Hiện tại chỉ có vài trường hợp được lấy lại tiền, nhưng đều phải mất “phí”. Còn đa số họ đều yêu cầu chịu “phí” cùng những điều khoản bất lợi khác mới thanh lý hợp đồng, lấy tiền!? ” – chị Nguyễn Thị Thúy Kiều chia sẻ.
Công ty môi giới cố tình lập lờ để lừa đảo?
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, những trường hợp đáng tiếc xảy ra như trên là bài học xương máu cảnh tỉnh người mua bất động sản để giảm rủi ro; khi đi mua nhà, đất, khách hàng cần cẩn trọng lưu ý những điểm sau: Thứ nhất, người mua đất phải nắm rõ về thông tin dự án, giá cả và phương thức thanh toán. Giá thanh toán trong bảng giá phải có dấu của chủ đầu tư dự án đóng, chứ không phải bảng giá do môi giới đưa ra và tự đóng dấu.Thứ hai, trước khi quyết định, khách hàng phải yêu cầu sàn giao dịch/chủ đầu tư cung cấp hồ sơ pháp lý rõ ràng, bao gồm giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư/kinh doanh, bản vẽ chi tiết, đồ án quy hoạch, giấy ủy quyền môi giới, giấy tờ liên quan đến nghĩa vụ tài chính như giấy nộp tiền sử dụng đất, thuế. Thứ ba, theo quy định mọi biểu mẫu, hợp đồng mua bán… đều phải được sàn giao dịch/chủ đầu tư cung cấp trước khi đặt cọc. Một số đơn vị có hành vi lừa đảo thường “dụ” khách hàng đặt cọc xong mới đưa biểu mẫu, hợp đồng mua bán là không đúng.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình – Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: Điều 62 Luật Kinh doanh bất động sản quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản như sau “Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản không được đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, trong sự việc này Công ty Kim Phát vẫn nhận cọc bán đất là hợp đồng vô hiệu. Hợp đồng phải được hủy và các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận”
Cũng theo Luật sư Hùng, môi giới bất động sản chỉ được làm trung gian cho các bên trong việc mua bán, chuyển nhượng, cho thuê nhà đất. Việc này được quy định rõ ràng tại Khoản 2, Điều 3 của Luật Kinh doanh bất động sản. Vì vậy, nếu đúng là có việc sàn môi giới tự ý nâng giá bán sản phẩm so với giá bán của chủ đầu tư đưa ra mà không thuộc chức năng, quyền hạn của mình, thì là hành vi vi phạm pháp luật.

Nếu đơn vị môi giới cố ý gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng thông qua việc nâng giá, thì ở đây đã có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Trước thông tin một số khách hàng của Công ty Kim Phát muốn nhận lại tiền thì phải chịu tốn một khoản phí từ 20-30 triệu đồng, luật sư Hùng cho rằng, hợp đồng không có bất cứ quy định nào chịu tốn phí. Việc trừ phí chỉ là một hình thức ăn bớt, ăn chặn vô căn cứ của khách, chiếm dụng tiền khách hàng, đây gọi là ăn không được thì chiếm dụng vốn của khách hàng để đầu tư lĩnh vực khác, hoặc sử dụng cho cá nhân.
“Với hành vi không trung thực, chủ doanh nghiệp đùn đẩy trách nhiệm cho nhân viên môi giới, không phải chủ đầu tư mà nhận tiền của nhiều khách hàng, hợp đồng không rõ ràng, thiếu sót bỏ nhiều mục. Do vậy, khách hàng không nên đặt niềm tin vào những công ty này. Khi mua đất nền có luật sư tư vấn, nên chuyển nhượng đất đã có sổ hợp pháp… Đồng thời, cần tìm đến các chủ đầu tư, dự án có giấy tờ pháp lý đầy đủ và cần nhất là không nên mua đất qua các công ty môi giới bất động sản” – Luật sư Hùng cho biết. |
Thái Minh – Cao Tuấn
Nguồn: Người tiêu