Vụ DN đổ trộm rác thải: Những cơ quan chức năng nào phải "chia sẻ" trách nhiệm với Cty Minh Quân?
Như PL&DS đã đưa tin, vào chiều 05/3, người dân phường Xuân Phương và lực lượng công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã phát hiện 3 xe chở rác thải đổ trái phép lên khu vực đường Trần Hữu Dực, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Được biết, 3 xe chở rác thải đổ trái phép trên là của Cty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ cao Minh Quân (Cty Minh Quân), đơn vị được giao xử lý rác trên địa bàn quận Nam Từ Liêm từ 01/3/2017.
Để hiểu rõ hơn về hành vi đổ trộm cũng những mức xử phạt đối với công ty Minh Quân, đồng thời làm rõ trách nhiệm của UBND quận Nam Từ Liêm và các đơn vị liên quan, PL&DS đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn LS TP Hồ Chí Minh về việc này.
Phóng viên: Dưới góc độ của một người làm luật, xin ông hãy cho biết quan điểm của mình về việc công ty Minh Quân đổ trộm rác thải?
Luật sư Trần Minh Hùng: Rác thải chính là những chất thải hằng ngày do con người chúng ta sinh hoạt và làm việc thải ra môi trường xung quanh. Rác thải được chia ra làm nhiều loại như rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt. Rác thải công nghiệp tồn tại dưới các hình thức: chất hóa học của các máy , nước thải , các loại phế liệu bẩn... Còn rác thải sinh hoạt nó là những thứ gắn liền với đời sống hằng ngày của chúng ta như: chai nhựa, túi ni lông, bao tải các loại thức ăn, nước uống còn thừa, những vật dụng không còn tác dụng sử dụng đều được coi là rác thải.
Rác thải dù là loại gì thì đều có nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người.
Do vậy việc thu gom, xử lý rác thải phải bảo đảm đúng trình tự pháp luật quy định.
Việc doanh nghiệp ngang nhiên đổ trộm rác thải không theo quy trình, tiêu chuẩn mà pháp luật quy định sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và ảnh hưởng đến môi trường cũng như mỹ quan đô thị.
Người dân sẽ hoang mang, lo lắng cho sức khỏe của mình khi lượng rác thải lớn mà lại đổ trộm không theo điều kiện luật định. Cả một Thủ đô Hà Nội mà để một doanh nghiệp ngang nhiên đổ rác thải trộm như vậy mà vẫn không bị xử lý nghiêm là điều rất khó chấp nhận.
Phóng viên: Theo luật, Cty Minh Quân sẽ phải chịu mức phạt cũng như trách nhiệm như thế nào?
Luật sư Trần Minh Hùng: Căn cứ những hành vi vi phạm, tính chất hành vi, hậu quả và số lượng chất thải mà doanh nghiệp có thể chịu mức phạt với số tiền tương ứng với hành vi. Trách nhiệm của doanh nghiệp ở đây là có thể bị xử phạt hành chính nếu nghiêm trọng thì người đứng đầu pháp nhân có thể bị xử lý hình sự.
Theo tôi, Cty Minh quân sẽ bị phạt hành chính và buộc khắc phải phục hậu quả đã gây ra.
Theo quy định tại điều 22 và điều 23 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường quy định về mức xử phạt cụ thể với các hành vi đổ trộm rác thải, việc doanh nghiệp vi phạm các quy định về môi trường sẽ bị phạt tiền từ phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng và có thể bị đình chỉ hoạt động đến 03 tháng.
Với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, doanh nghiệp buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 148 Luật Bảo vệ môi trường 2014 cũng quy định, tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường phải nộp phí bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành (sửa đổi, bổ sung năm 2009), những hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, nếu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác có thể bị xử lý hình sự theo một trong các điều thuộc Chương XVII (Điều 182, 182a, 183, 188) của Bộ Luật hình sự.
Luật sư Trần Minh Hùng: Trách nhiệm chính thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường
Phóng viên: Để cty Minh Quân đổ trộm rác với số lượng lớn, vậy trách nhiệm của các cơ quan quản lý, giám sát ở địa phương như thế nào, cụ thể là UBND quận Nam Từ Liêm thưa ông?
Luật sư Trần Minh Hùng: Theo tôi, trước tiên, trách nhiệm chính thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh, quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh, Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của UBND huyện, trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường của UBND cấp xã:
UBND các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương, góp phần bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thống nhất trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương tới cơ sở. Đối với hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, trách nhiệm của UBND các cấp được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Căn cứ theo các quy định tại luật bảo vệ môi trường thì trách nhiệm trực tiếp ở đây là của UBND cấp quận/huyện khi để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn của mình.
Những người lãnh đạo đứng đầu quận Nam Từ Liêm phải chịu trách nhiệm về công tác quản lý của mình.
Căn cứ theo Luật tổ chức cán bộ, công chức thì cần làm rõ trách nhiệm của những người này nếu có căn cứ sai phạm thì tùy tính chất, mức độ và hậu quả mà những người này có thể bị xử lý về mặt Đảng cũng như xử lý hình thức kỷ luật theo quy định Luật cán bộ công chức và có thể phải chịu các hình thức kỷ luật. Ngoài ra, tùy hành vi mà người bao che còn có thể bị xử lý về điều lệ Đảng nếu cán bộ đó là Đảng viên.
Phóng viên: Để khắc phục hậu quả, biện pháp của công ty Minh Quân sẽ phải làm gì?
Luật sư Trần Minh Hùng: Biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP thì Công ty này phải khắc phục như sau:
Buộc Cty Minh Quân khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu do hành vi vi phạm quy định tại khoản 7 và khoản 8 Điều này gây ra. Việc khôi phục này được thực hiện dựa trên sự giám sát của UBND cấp quận huyện.
Đồng thời, doanh nghiệp buộc phải chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại điều này.
Cuối cùng, Cty Minh Quân buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm đã gây ra.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Huyền Trang
Nguồn: Báo pháp luật và dân sinh
Lăng mạ, tấn công cán bộ xử lý lấn chiếm vỉa hè bị xử phạt thế nào?
(CAO) Trong quá trình xử lý các hành vi lấn chiếm vỉa hè, các cán bộ tham gia thường xuyên bị phản ứng, có trường hợp bị lăng mạ, thậm chí là bị hành hung. Vậy, dưới góc nhìn pháp lý, các hành vi cản trở, tấn công cán bộ, người thi hành công vụ trong việc xử lý lấn chiếm vỉa hè sẽ phải đối mặt với những hình thức xử phạt nào?
Thời gian qua, chủ trương của TP HCM về xử lý nạn lấn chiếm lòng, lề đường đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý các vi phạm liên quan này, những cán bộ thi hành công vụ thường xuyên gặp sự phản ứng từ phía những người vi phạm.
Trước đây vào giữa năm 2015, một Phó chủ tịch UBND phường thuộc quận Bình Tân, TP HCM trong lúc dẫn đầu đoàn công tác nhắc nhở hàng quán lấn chiếm vỉa hè đã bị một nhóm thanh niên manh động dùng ống sắt hành hung, dẫn tới gãy tay.

Mới đây, chiều ngày 7-2-2017, tổ trật tự đô thị phường Tân Thành (TP Buôn Ma Thuột) phát hiện bà Nguyễn Thị Cận (SN 1971, ngụ phường Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột) đang lấn chiếm vỉa hè trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk để bán cơm. Tổ công tác đã mời bà Cận về trụ sở để giải quyết. Tuy nhiên, bà Cận đã dùng khay đựng thức ăn bằng Inox tấn công anh Đặng Nguyễn Trường (SN 1994, lái xe của tổ trật tự đô thị) khiến anh Trường bất tỉnh, phải nhập viện cấp cứu.
Rõ ràng, xâu chuỗi các sự việc này với nhau sẽ khiến nhiều người lo ngại cho sự an toàn của lực lượng thi hành công vụ trong việc dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Liên quan đến vấn đề này,để cung cấp thông tin đến quý độc giả, Phóng viên Báo điện tử Công an TP HCM đã liên hệ với luật sư Trần Minh Hùng – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh.

PV: - Thưa luật sư Trần Minh Hùng, ông có thể cho biết, hình thức xử phạt nào đối đối với hành vi tấn công những cán bộ tham gia công tác xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè?
Luật sư Trần Minh Hùng: - Những người có hành vi tấn công các cán bộ tham gia công tác xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè thì tùy theo tính chất, mức độ hành vi và hậu quả mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị xử lý theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính về lĩnh vực an toàn xã hội, an ninh trật tự;phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình như sau:
Điều 5: Vi phạm quy định về trật tự công cộng
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;
....
Về trách nhiệm hình sự thì hành vi tấn công người thi hành công vụ thì tùy tính chất hành vi mà còn có thể bị xử lý về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại điều 104 Bộ luật hình sự hoặc Tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại điều 257 Bộ luật hình sự hiện hành.
PV: - Hiện nay, khi tham gia công tác xử lý lấn chiếm vỉa hè, các cán bộ tham gia thường bị phản ứng gay gắt, có trường hợp bị chửi mắng, lăng mạ. Vậy, hiện tại pháp luật đã có quy định xử lý hành vi này chưa?
Luật sư Trần Minh Hùng: - Nếu có những lời lẽ chửi thề, chửi tục xúc phạm nghiêm trọng đối với người tham gia làm công tác xử lý vi phạm, hành vi này có thể xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác và được coi là làm nhục người khác. Tuy nhiên việc xử lý đối với hành vi này còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi đó. Cụ thể:
- Xử phạt hành chính:
Căn cứ Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi của người em họ kia và mẹ đẻ của anh ta bị xử phạt hành chính, cụ thể:
"1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;"
- Về xử lý hình sự:
Căn cứ Điều 121 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội làm nhục người khác thì:
"1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm...”
PV: - Theo ông, hiện tại, xét với góc độ pháp lý, các lực lượng chức năng tham gia làm công tác xử lý vi phạm vấn chiếm lòng đường, vỉa hè được pháp luật bảo hộ qua những hình thức nào?
Luật sư Trần Minh Hùng: - Căn cứ theo Điều 2 Nghị định 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định về vị trí, chức năng của bảo vệ dân phố thì Bảo vệ dân phố sẽ hộ trợ các cán cán bộ xử lý thực hiện công việc của mình. Căn cứ Luật công an nhân dân, chức năng, quyền và nghĩa vụ của Công an nhân dân thì khi các các bộ đi xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè luôn được Công an phường, Cảnh sát cơ động đi theo hỗ trợ, bảo vệ khi làm nhiệm vụ. Ngoài ra, các cán bộ này thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo chỉ đạo của cấp trên, theo lãnh đạo có thẩm quyền nên được pháp luật bảo vệ trong phạm vi công việc.
Các dân quân tự vệ, Bảo vệ dân phố, Công an phường...là những người sẽ bảo vệ về tính mạng, sức khỏe cũng như bảo vệ cho các cán bộ này thực hiện công việc xử lý lấn chiếm vỉa hè được hiệu quả, nhanh chóng và đúng pháp luật.
PV: - Có dư luận cho rằng vẫn xảy ra các trường hợp bao che cho hành vi lấn chiếm vỉa hè. Về trường hợp này, pháp luật đã có những chế tài nào để xử lý thưa ông?
Luật sư Trần Minh Hùng: - Đúng là dư luận đang cho rằng có điều đó. Cán bộ, đảng viên, cơ quan, tổ chức đơn vị nhà nước đều có quy định, nội quy của mình. Thực tế chưa có quy định cụ thể xử lý cho hành vi bao che cho người vi phạm lấn chiếm vỉa hè. Tuy nhiên, thông thường tại cơ quan nhà nước đều có nội quy, quy tắc, đạo đức cán bộ nên những hành vi này có thể bị xử lý về mặt Đảng cũng như xử lý hình thức kỷ luật theo quy định Luật cán bộ công chức.
Các hình thức kỷ luật
1. Áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Hạ bậc lương;
d) Buộc thôi việc.
2. Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Hạ bậc lương;
d) Giáng chức;
đ) Cách chức;
e) Buộc thôi việc.
Ngoài ra, tùy hành vi mà người bao che còn có thể bị xử lý về điều lệ đảng nếu cán bộ đó là đảng viên.
PV: - Quan điểm của luật sư về vấn đề cán bộ tham gia xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè bị lăng mạ, hành hung?
Luật sư Trần Minh Hùng: - Theo tôi để bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho các cán bộ này đi thi hành công vụ nên có người bảo vệ như Cảnh sát cơ động, công an phường, Dân phòng...đi theo hỗ trợ để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Khi gặp các hộ dân có hành vi chống đối, nhục mạ thì nên nhắc nhở, giải thích pháp luật, nếu họ cố tình vẫn không nghe mà xúc phạm nghiêm trọng thì có thể lập biên bản xử lý vi phạm hành chính như tôi nêu trên.
Tôi cho rằng người dân không nên chống đối, lăng nhục, nhục mạ cũng như gây thương tích cho người thi hành công vụ vì như thể có thể bị xử lý về mặt hành chính, nếu nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự. Do vậy, nếu thấy cán bộ làm không sai, không đúng thì nên khiếu nại theo quy định Luật khiếu nại mà pháp luật cho phép chứ không nên có những hành vi vi phạm gây bất lợi cho mình.
PV: - Xin chân thành cảm ơn luật sư đã tham gia trả lời phỏng vấn !
'Siêu lừa' Hoàng Phương tái xuất đưa hơn 100 người vào bẫy
(Thời sự) - Thay vì đưa người sang Nhật lao động như cam kết, Hoàng Phương đã đưa họ vào… bẫy lừa.
Điều đáng nói là vào tháng 4/2015, với chiêu bài hứa hẹn đưa sang Nhật làm việc, Hoàng Phương cũng đã từng lừa hơn 50 người và bị Công an quận 9 bắt giam, nhưng sau đó lại được thả về và tiếp tục “hành nghề” lừa đảo.
Sáng 7/3, Nguyễn Thanh Tiền (SN 1988) ngồi ngơ ngác trước hiên nhà. Thanh Tiền phát bệnh thần kinh từ ngày bị lừa gần 200 triệu đồng tiền xuất khẩu lao động (XKLĐ), chồng chị cũng rời bỏ, khiến chị phải về ở với cha mẹ tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM.
Tiền là một trong 115 nạn nhân bị lừa XKLĐ, được Công an P.Linh Đông, Q.Thủ Đức, TP.HCM mời làm việc để lấy lời khai vào ngày 15/2. Gia đình các nạn nhân bức xúc, dù sự việc lừa đảo đã rõ ràng nhưng đến nay, thủ phạm Trần Thị Hoàng Phương - SN 1989, Giám đốc Công ty TNHH Youko (gọi tắt là Youko, có trụ sở trên đường Kha Vạn Cân, P.Linh Đông, Q.Thủ Đức) - vẫn còn nhởn nhơ.
![]() |
Hơn 60 nạn nhân được mời đến Công an quận Thủ Đức để làm việc. |
Đã nghèo, còn bị lừa
Với cách nói chuyện khéo léo cùng sự phô trương các mối quan hệ với những người có chức vụ cao tại Nhật Bản và Việt Nam, Hoàng Phương khiến nhiều người nhanh chóng tin rằng, chỉ cần đóng khoảng 170 triệu đồng, ai cũng có thể dễ dàng qua Nhật lao động ba năm.
Cuối năm 2015, anh Nguyễn Bình An (ngụ xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi) nộp cho Youko số tiền 3.800 USD để đi XKLĐ tại Nhật. Youko cứ hẹn lần hẹn lữa, nhưng không cho anh An qua Nhật như đã hứa. Sau đó, Hoàng Phương đã thuyết phục được anh An vào làm nhân viên văn phòng với lời hứa “có cơ hội mới, sẽ cho qua Nhật”.
Anh An chua xót: “Công ty ký cam kết rất rõ ràng, bà Phương hứa hẹn đủ điều khiến tôi tin một cách mù quáng. Đau xót hơn là sau đó, tôi đã bảo cháu của mình là Thanh Tiền nộp tiền cho Youko, cuối cùng mới biết cả hai cậu cháu bị lừa”.
Tháng 2/2016, nghe cậu rủ, Thanh Tiền đã quyết định qua Nhật lao động vài năm để kiếm chút vốn. Tiền âm thầm đi vay nặng lãi được 100 triệu đồng (lãi 10%/tháng) và vay mượn bất cứ ai có thể, để có đủ 170 triệu đồng nộp cho Youko. Đại diện Youko ký cam kết với Tiền rằng “100% bao đậu visa, gặp trục trặc sẽ hoàn 100% tiền. Vợ qua trước, có thể bảo lãnh chồng và con qua sau”.
Sau khi đóng tiền một tuần, y hẹn, Youko cho Tiền và 12 người khác qua Nhật để ký hợp đồng. Tại Nhật, họ được vào một văn phòng công ty, được gặp một người Nhật tự giới thiệu mình là giám đốc và trao đổi, hứa hẹn về công việc. Sau bốn ngày, họ được đưa trở về Việt Nam để “chờ ngày đi làm chính thức”. Thế nhưng, những người lao động này không ngờ, Youko thuê địa điểm giả văn phòng, thuê một người Nhật sắm vai giám đốc để diễn màn kịch “ký kết hợp đồng lao động”.
Thanh Tiền về Việt nam, háo hức chờ ngày xuất cảnh. Cô mua sắm, chuẩn bị quần áo, đồ đạc và đóng sẵn va li. Bà Nguyễn Thị Thảo (mẹ Tiền) gạt nước mắt: “Cứ trước ngày hẹn một ngày, Youko lại thông báo gặp trục trặc, khi thì bảo chưa in kịp vé máy bay, lúc lại bảo công ty đối tác gặp sự cố. Cả chục lần Youko sai hẹn, riêng tiền lãi từ khoản vay nợ “đen” đã lên đến 100 triệu sau gần một năm”.
Ngày 29 tháng Chạp vừa qua, sự việc vỡ lở, tất cả nạn nhân biết mình bị lừa. Riêng Tiền đã phát điên nặng, bỏ nhà lang thang đến sân bay Tân Sơn Nhất vì “nghĩ rằng mình sắp lên máy bay qua Nhật”. Gia đình đi tìm nhưng không thấy. Sau ba ngày ba đêm, một người bạn của Tiền vô tình phát hiện cô vật vờ ở sân bay và báo gia đình đưa về nhà. Tiền đã phải vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) để điều trị hơn nửa tháng. Hiện cô vẫn còn bị rối loạn tâm thần, phải thường xuyên uống thuốc.
“Vụ việc đặc biệt nghiêm trọng”
Anh Đinh Thanh Bình (ngụ P.Bình Thuận, Q.7, TP.HCM) là một trong những nạn nhân, nhưng lại bị lừa kiểu khác. Hoàng Phương nhờ anh Bình đứng ra tìm người có nhu cầu đi XKLĐ tại Nhật. Nhờ uy tín và sự quen biết rộng, anh Bình đã thuyết phục được 14 người (đa số là thân quen) nộp tiền cho Youko để được XKLĐ. Anh đứng ra thuê thầy dạy tiếng Nhật, phục vụ ăn ở cho những người này.
Số tiền gần 2 tỷ đồng từ 14 người lao động được chuyển cho Youko chưa lâu thì anh phát hiện Phương lừa đảo. “Bản thân tôi thiệt hại hơn 100 triệu đồng vì bỏ ra chi phí dạy học và chăm sóc 14 người lao động. Bây giờ, nhìn lại toàn bộ sự việc, tôi mới biết Phương chủ đích lừa đảo. Ngày 23/2/2017, cô ta đưa chín người lao động qua Nhật để “phỏng vấn”, việc đưa qua Nhật phỏng vấn nhằm tạo thêm niềm tin đối với người lao động và sau đó tiếp tục chây ì.
Khi qua Nhật, chín người lao động này đã bị cảnh sát giữ lại thẩm vấn trong hai tiếng đồng hồ mới được thả. Riêng Phương, dù khỏe mạnh nhưng vẫn giả vờ mang thai và bị ốm bằng cách ngồi lên xe lăn để nhập cảnh. Vào được Nhật, Phương đi lại bình thường” - anh Bình kể.
Dù ngày 15/2, đã có hơn 60 nạn nhân của Youko được Công an P.Linh Đông triệu tập làm việc, nhưng đến ngày 23/2, Phương vẫn tiếp tục tổ chức cho chín người qua Nhật. Vài ngày nay, các nạn nhân kéo đến trụ sở công ty Youko làm dữ, Phương mới cho đóng cửa công ty và trốn mất biệt.
Đáng nói là trước đó, vào tháng 4/2015, “siêu lừa” Hoàng Phương cũng đã lập trụ sở công ty dịch vụ XKLĐ tại Q.9, TP.HCM, khiến hơn 50 người sụp bẫy lừa và bị Công an Q.9 bắt giam. Thế nhưng, sau hai tuần được giam giữ để điều tra, không hiểu sao, Hoàng Phương được thả về và tiếp tục lập công ty Youko để lừa đảo.
Chiều 7/3, trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Nguyên Khánh, Trưởng công an P.Linh Đông, Q.Thủ Đức xác nhận, Công an P.Linh Đông có tiếp nhận nhiều trường hợp người dân tố cáo công ty Youko có dấu hiệu lừa đảo XKLĐ đi Nhật Bản. Sau khi tiếp nhận thông tin, công an có mời một số người liên quan lên để tìm hiểu. Xét thấy, đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng nên công an phường đã lập hồ sơ chuyển lên Công an Q.Thủ Đức xử lý theo thẩm quyền.
Chiều cùng ngày, Công an Q.Thủ Đức cho biết, vụ nghi vấn lừa đảo XKLĐ tại Công ty TNHH Youko có tính chất nghiêm trọng, số nạn nhân tố cáo rất đông, với số tiền lừa đảo khá lớn. Hiện tại, Công an Q.Thủ Đức đã chuyển hồ sơ cho Đội 8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP.HCM để đơn vị này thụ lý điều tra.
Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP.HCM nhận định: “Qua thông tin vụ việc, theo tôi, bà Phương đã dùng thủ đoạn gian dối ngay từ đầu để người dân giao tiền cho mình. Sau khi nhận được tiền, bà Phương không thực hiện đúng thỏa thuận, lại bỏ trốn là có dấu hiệu cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại điều 139 Bộ luật Hình sự hiện hành". Cũng theo luật sư Hùng, người dân khi muốn đi XKLĐ thì nên tìm đến các công ty đã được cấp giấy phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (danh sách các công ty này có trên trang web của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (http://dolab.gov.vn/). Khi làm hợp đồng, các điều khoản cần phải rõ ràng, cụ thể và nên nhờ luật sư tư vấn để tránh bị lừa gạt. Khi phát hiện mình bị lừa, nên nhanh chóng đến trình báo với cơ quan chức năng địa phương để họ kịp thời xử lý. |
Công ty Kim Phát "chặn" hàng trăm triệu đồng của khách hàng?
(NTD). - Hiện nay, hàng chục đơn cầu cứu khắp nơi của người dân liên quan đến CTCP Địa ốc Kim Phát (Kim Phát) tại dự án Gold Hill của CTCP Xây dựng Địa ốc Long Kim Phát (Long Kim Phát). Thế nhưng đã gần nửa năm qua, Kim Phát vẫn cho rằng, lấy tiền của khách hàng là đúng.
Mất hàng trăm triệu đồng
Mới đây, hàng loạt khách hàng mua đất nền tại dự án Gold Hill (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) của chủ đầu tư Long Kim Phát – công ty con của CTCP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh – đã làm đơn kêu cứu gửi tới Phòng Cảnh sát điều tra Tội phạm về quản lý trật tự kinh tế và Chức vụ (PC46) – Công an TP.HCM để "tố" có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản.
Được biết, trong quá trình mua đất nền tại Gold Hill, khách hàng được nhân viên môi giới của Kim Phát tư vấn nhiều thông tin về dự án… Thậm chí, khách hàng còn cho biết, họ bị gây sức ép, buộc phải ký các thỏa thuận với công ty này bởi những người lạ mặt.
![]() |
Khách hàng giăng băng rôn đòi tiền trước công ty Kim Phát |
Bên cạnh đó, phía Kim Phát còn nâng giá lô đất lên từ 74 triệu đồng/nền lên hơn 200 triệu đồng/nền. Một số khách hàng đã đóng cho công ty này 200 – 300 triệu đồng nhưng cũng không được ký hợp đồng mua bán, nhiều người đã yêu cầu Kim Phát đưa ra lời giải thích nhưng liên tục bị từ chối.
“Chúng tôi là những người lao động nhập cư đang phải thuê phòng trọ để ở, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tích góp, vay mượn mới mua được lô đất để có chỗ an cư nhưng đã bị Kim Phát sử dụng các chiêu trò kinh doanh vô đạo đức để lừa gạt chúng tôi…”, bà Lê Thanh Huyền Thanh, một nạn nhân của Kim Phát, trình bày trong đơn kêu cứu.
Được biết, tháng 6/2016, chủ đầu tư Long Kim Phát và Kim Phát ký hợp đồng tư vấn, môi giới hơn 100 nền đất còn lại tại dự án Gold Hill. Đến ngày 25/8/2016, Long Kim Phát bất ngờ nhận được phản ánh, khiếu nại của một số khách hàng về tình trạng Kim Phát đưa ra những thông tin tư vấn sai lệch, nâng giá bán đất nền và thu tiền của khách hàng.
Khi sự việc bị phát hiện, Kim Phát đã tìm cách hợp thức hóa số tiền chênh lệch đã thu thêm của khách hàng bằng một hợp đồng tư vấn? Doanh nghiệp này cử người đến tận nhà khách hàng để “nói ngọt” nhằm có được hợp đồng này.
![]() |
Hợp đồng dự án Dragon City mà Kim Phát đã đổi tên của công ty Long Kim Phát |
“Trong hợp đồng môi giới giữa hai bên, Kim Phát không được quyền thu bất kỳ khoản tiền nào của khách ngoài tiền giữ chỗ không quá 20 triệu đồng/nền và phải chuyển về chủ đầu tư trong thời gian là 24 giờ. Việc Công ty Kim Phát tự động nâng giá bán đất nền, đồng thời tự động thu tiền của khách là vi phạm hợp đồng tư vấn, môi giới giữa 2 bên đã ký kết”, đại diện của Long Kim Phát cho biết.
Ngày 12/9/2016, Long Kim Phát đã yêu cầu Kim Phát ngưng việc môi giới dự án Gold Hill và báo cáo tình hình kinh doanh, thu tiền của khách hàng về cho chủ đầu tư. Đến ngày 27/9/2016, Long Kim Phát đã tổ chức cuộc họp 3 bên giữa chủ đầu tư, Kim Phát và khách hàng. Tại buổi làm việc này, Kim Phát thừa nhận có thu tiền mua bán đất của khách và đồng ý trả lại số tiền nói trên, chậm nhất đến ngày 12/10/2016. Bên cạnh đó, đại diện của Long Kim Phát cũng có hứa khách hàng nào bị Kim Phát nâng giá bán đất nền tại dự án Gold Hill, sẽ được Long Kim Phát đứng ra đòi giùm.
Vào ngày 31/10/2016, Long Kim Phát đã chuyển cho Kim Phát 2,647 tỷ đồng, số tiền này là phí môi giới thành công 51 đất nền tại dự án Gold Hill. Trong đó, có các nền đất bị Công ty Kim Phát nâng giá bán với những khách hàng đã gửi đơn cầu cứu và Long Kim Phát hứa sẽ trả lại tiền, đồng thời Long Kim Phát yêu cầu Kim Phát trong vòng 3 ngày phải trả lại tiền đã nâng khống giá bán đất nền cho khách hàng. Tuy nhiên, đến nay đã nhiều tháng trôi qua, người mua đất nền vẫn chưa nhận được tiền từ Kim Phát.
![]() |
Đơn tố cáo của người dân về sự việc |
Luật sư khuyến cáo
![]() |
Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình – Đoàn Luật sư TP.HCM |
“Nếu có tranh chấp phát sinh liên quan đến hợp đồng mua bán đất, đặt cọc nhiều khả năng tòa tuyên việc mua bán đất là vô hiệu. Đó là chưa kể những trường hợp rủi ro khác như: Một miếng đất được bán cho nhiều người, người bán không phải là chủ đất thực sự. Theo tôi, hành vi của những người đứng đầu các công ty này nếu có dấu hiệu gian dối ngay từ ban đầu nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng, thì có dấu hiệu cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự”, luật sư Trần Minh Hùng phân tích.
Luật sự Trần Minh Hùng kết luận: “Ngoài việc có thể bị xử lý hình sự thì nếu cá nhân, tổ chức kinh doanh bất động sản vi phạm các quy định trên còn có thể bị phạt tiền hoặc bị khởi kiện nếu người dân đi kiện. Khi mua đất nền, khách hàng không vì ham rẻ, không nên tin nhân viên và công ty môi giới bất động sản, mà nên đến gặp các luật sư để xem tình trạng pháp lý về đất nền cũng như giấy tờ hợp lệ để được luật sư tư vấn đầy đủ thì mới quyết định mua hay không”.
Nguồn: Báo người tiêu dùng
Giao lưu: 'Chính sách đất đai mới và lợi ích của dân'
Giao lưu: 'Chính sách đất đai mới và lợi ích của dân'
(PLO)- Ngày 2-3, báo Pháp Luật TP.HCM sẽ tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chính sách đất đai mới và lợi ích của dân” nhằm giải đáp thắc mắc của bạn đọc về các quy định mới liên quan tới việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, về thu hồi, bồi thường đất, về các thủ tục hành chính...
Từ ngày 3-3-2017, Nghị định 01/2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có hiệu lực. Nhằm mục đích giới thiệu, phổ biến nghị định này, đồng thời giải đáp thắc mắc của bạn đọc về các quy định mới liên quan tới việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, về thu hồi, bồi thường đất, về các thủ tục hành chính…, báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chính sách đất đai mới và lợi ích của dân”.
Buổi giao lưu bắt đầu lúc 8 giờ 30 ngày 2-3-2017. Thành phần khách mời:
- Đại diện Sở TN&MT TP.HCM
- Bà Trần Huỳnh Châu, Trưởng phòng Kỹ thuật địa chính - Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM
- Bà Trịnh Ngọc Hoàn Thiện, Trưởng phòng Kiểm tra thủ tục hành chính về đất đai - Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM
- Luật sư Trần Minh Hùng, VPLS Gia Đình
- Luật sư Trần Thị Miền, VPLS Trần Thị Miền
Bạn đọc có thể đặt câu hỏi tại www.plo.vn hoặc tại đây.
Công ty Kim Phát là "cái bẫy", có dấu hiệu cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Thứ hai, 27/02/2017, 22:26
(NTD). - Đó là chia sẻ của Luật sư Trần Minh Hùng – Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TP.HCM) khi trao đổi với phóng viên Báo Người Tiêu Dùng về sự việc hàng chục khách hàng ôm đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng về việc Công ty Cổ phần địa ốc Kim Phát “bẫy” khách hàng. Trong khi đó, khách hàng luôn khẳng định khi tư vấn khách mua đất nền dự án, thì nhân viên công ty này luôn nói công ty Kim Phát là chủ đầu tư dự án để “trấn an” khách hàng. Trong khi đó, công ty này chỉ là công ty môi giới…
Về vấn đề này, Luật sư Trần Minh Hùng cho biết: Thời gian gần đây do nhiều người không đủ tiền mua nhà đất nên có nhu cầu mua đất nền giá rẻ. Phân khúc đất nền dự án ảm đạm vì không bảo đảm sẽ có nhiều dân đến ở, tạo thành cộng đồng mới. Nhiều dự án bỏ không, ít người đến ở, không bán được nên giá đất nền một số dự án còn thấp hơn giá đất thổ cư. Chính điều này tạo điều kiện cho các công ty bất động sản đánh vào tâm lý những người không đủ tiền mua nhà đất giá cao.
![]() |
Người dân mang băng rôn đến tố cáo công ty Kim Phát |
Người mua đất nền dễ vướng vào pháp lý khi làm thủ tục tách thửa hoặc sang tên, quy hoạch, giải tỏa hoặc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhiều diện tích đất không đủ điều kiện tách thửa theo quy định của pháp luật nên gây ra rủi ro cho người mua.
Việc người dân mua nhà bằng giấy tay, tỷ lệ rủi ro phần lớn vẫn thuộc về người mua, bởi việc mua bán đất phải được lập hợp đồng có công chứng, hoặc chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất.
![]() |
Đơn tố cáo của người dân đến cơ quan chức năng về sự việc |
Người dân cũng không nên ký hợp đồng đặt cọc sơ sài hay hợp đồng góp vốn, hứa đóng góp, hợp tác kinh doanh với các công ty bất động sản vì rất dễ gặp rủi ro.
Nhiều công ty bất động sản hiện nay tư vấn cho khách hàng không đầy đủ về dự án, đất nền cố tình cung cấp thông tin không đúng sự thật, tư vấn gian dối và có nhiều hành vi không trung thực với khách hàng để khách hàng đặt cọc. Sau khi nhận cọc, thì không thực hiện đúng hợp đồng hoặc dự án, đất nền không đúng như ban đầu nên khách hàng không đồng ý, yêu cầu trả lại tiền thì các công ty này cũng không trả.
![]() |
Luật sư Trần Minh Hùng – Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình |
Thời gian gần đây, rất nhiều khách hàng tìm đến luật sư để đi kiện đòi lại tiền cọc. Trong các hợp đồng đặt cọc thì các công ty bất động sản ghi nội dung rất sơ sài, thậm chí không có diện tích đất, nền đất, thửa đất, địa chỉ đất cụ thể nhưng khách hàng vẫn giao cọc. Có nhiều công ty tạo “ma trận” như đưa khách hàng đi xem đất và “đội lốt” nhân viên công ty để giả làm khách hàng, rồi giả vờ giành nhau đặt cọc, đội giá đất lên để cho khách hàng thật tưởng thật mà đặt cọc. Theo thông tin của khách hàng, thì một số công ty còn ép khách hàng đặt cọc. Nếu có tranh chấp phát sinh liên quan đến hợp đồng mua bán đất, đặt cọc, nhiều khả năng tòa tuyên việc mua bán đất là vô hiệu. Đó là chưa kể những trường hợp rủi ro khác như: Một người bán một miếng đất cho nhiều người người, hoặc người bán cầm sổ đỏ đi vay ngân hàng, rồi trốn đi luôn thì người mua bị rủi ro cao, người bán không phải là chủ đất thực sự.
![]() |
Công ty Cổ phần địa ốc Kim Phát |
Theo tôi, hành vi của những người đứng đầu các công ty này nếu có dấu hiệu gian dối ngay từ ban đầu nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng, có dấu hiệu cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điều 139 Bộ luật hình sự.
Cụ thể, tại điều 139 Bộ luật hình sự quy định như sau:
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng, hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt, hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Ngoài việc có thể bị xử lý hình sự, thì Theo Điều 62 Luật kinh doanh bất động sản quy định về Điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản như sau:
3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản không được đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh bất động sản.”
Và theo Điều 16.1 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010:
“Điều 16.1. Điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực
h) Bắt buộc người tiêu dùng phải tuân thủ các nghĩa vụ ngay cả khi tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không hoàn thành nghĩa vụ của mình;”
Theo Điều 35 Nghị định 121/2013/NĐ-CP:
“Điều 35. Vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản
“1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
b) Không có chức năng kinh doanh bất động sản nhưng thực hiện mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản;
c) Bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản không đúng trình tự, thủ tục quy định;
e) Không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác, đầy đủ giấy tờ và các thông tin liên quan đến bất động sản bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua cho khách hàng thực hiện giao dịch bất động sản tại sàn giao dịch bất động sản theo quy định;
2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vikinh doanh bất động sản không đủ điều kiện hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định.
3. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Vi phạm quy định về huy động vốn hoặc mua bán theo hình thức ứng tiền trước trong đầu tư xây dựng đối với dự án phát triển nhà ở, dự án kinh doanh bất động sản;
b) Vi phạm quy định về chuyển nhượng dự án kinh doanh bất động sản.
4. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về hoạt động kinh doanh bất động sản từ 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm a và Điểm c Khoản 1, Khoản 2 Điều này nếu tái phạm.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cung cấp thông tin đầy đủ hoặc cải chính thông tin không chính xác hoặc buộc gửi danh sách đến cơ quan có thẩm quyền đối với hành vi quy định tại Điểm e, Điểm g Khoản 1 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 3 Điều này.”
Đồng thời, theo Điều 26 Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định:
“Điều 26. Chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở
Trường hợp tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở mà chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận kể từ ngày bàn giao nhà ở, đất ở thì hình thức và mức xử phạt như sau:
1. Chậm làm thủ tục từ 03 tháng đến 06 tháng:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho dưới 30 hộ gia đình, cá nhân;
b) Phạt tiền từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho từ 30 đến dưới 100 hộ gia đình, cá nhân;
c) Phạt tiền từ trên 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho từ 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên.
2. Chậm làm thủ tục từ trên 06 tháng đến 09 tháng:
a) Phạt tiền từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho dưới 30 hộ gia đình, cá nhân;
b) Phạt tiền từ trên 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho từ 30 đến dưới 100 hộ gia đình, cá nhân;
c) Phạt tiền từ trên 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho từ 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên.
3. Chậm làm thủ tục từ trên 09 tháng đến 12 tháng:
a) Phạt tiền từ trên 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho dưới 30 hộ gia đình, cá nhân;
b) Phạt tiền từ trên 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho từ 30 đến dưới 100 hộ gia đình, cá nhân;
c) Phạt tiền từ trên 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho từ 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên.
4. Chậm làm thủ tục từ trên 12 tháng trở lên:
a) Phạt tiền từ trên 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho dưới 30 hộ gia đình, cá nhân;
b) Phạt tiền từ trên 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho từ 30 đến dưới 100 hộ gia đình, cá nhân;
c) Phạt tiền từ trên 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho từ 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên.”
Như vậy, ngoài việc có thể bị xử lý hình sự thì nếu cá nhân, tổ chức kinh doanh bất động sản vi phạm các quy định trên còn có thể bị phạt tiền hoặc bị khởi kiện nếu người dân đi kiện.
Theo tôi, khi mua nền, quyết định mua nền không vì ham rẻ, không nên tin nhân viên và công ty môi giới bất động sản mà người dân nên đến gặp các luật sư để xem tình trạng pháp lý về đất nền cũng như giấy tờ hợp lệ để được luật sư tư vấn đầy đủ thì mới quyết định mua hay không.
Xin cảm ơn Luật sư!
Thái Minh – Cao Tuấn (lược ghi)
Nguồn: Người tiêu dùng
Khi nào luật sư phải tố giác tội phạm của thân chủ?
Theo tôi nghề luật sư có đặc thù riêng không như các nghề khác. Luật sư khi bào chữa cho thân chủ luôn cố gắng trong phạm vi, chức năng và trách nhiệm giữ bị mật thông tin thân chủ không được công khai những thông tin bất lợi cho thân chủ. Luật sư lúc này không những như những người nhà thân chủ mà còn là “cứu cánh”, y như “bác sĩ” chữa bệnh nan y cho bệnh nhân.
Thử hỏi làm sao một luật sư bào chữa cho thân chủ phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì lại phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm đối với các tội này theo tôi vừa không thực tế và chưa phù hợp với chức năng và vai trò của người bào chữa. Theo tôi trách nhiệm này chỉ đặt ra đối với các luật sư không bào chữa cho các bị cáo. Lúc này các luật sư này mang tư cách là một công dân thì phải chịu trách nhiệm với hành vi không tố giác tội phạm còn nếu luật sư bào chữa trực tiếp cho các bị cáo phạm các tội này thì phải được loại trừ trách nhiệm. Bởi chúng ta biết rằng luật sư bào chữa không những bào chữa theo hướng vô tội mà còn bào chữa theo hướng giảm nhẹ. Do vậy, nếu luật sư bào chữa cho trực tiếp bị cáo nhận thấy bị cáo có dấu hiệu phạm tội thì bào chữa theo hướng giảm nhẹ tội còn nếu thấy không có dấu hiệu của tội phạm thì bào chữa theo hướng vô tội. Nếu luật sư bào chữa trực tiếp cho bị cáo mà lại tố giác chính thân chủ của mình thì theo tôi không thể gọi là “người bào chữa” hay “luật sư bào chữa cho thân chủ” được. Bởi theo Luật luật sư - là luật chuyên ngành áp dụng đối với luật sư thì đã quy định nghiêm cấm luật sư không “tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác”. Như vậy, pháp luật về luật sư, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp lại quy định luật sư không được tiết lộ thông tin khách hàng, trong đó có cả những thông tin về tội phạm. Chúng ta biết rằng, nghĩa vụ chứng minh tội phạm là thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Đã là người bào chữa cho thân chủ mà còn thêm nghĩa vụ phải tố cáo hành vi thân chủ thì về mặt đạo lý không chuẩn, đạo đức nghề nghiệp không đảm bảo, không cho phép và sẽ dẫn đến tình trạng luật sư sẽ không bào chữa hoặc bị cáo không dám thuê luật sư.
Hơn nữa pháp luật hình sự đã quy định một người chưa được coi là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực của tòa án. Như vậy, khi chưa có bản án có hiệu lực thì làm sao luật sư có thể khẳng định người đó phạm tội hay chưa phạm tội mà tố cáo hay không tố cáo và đó là điều không khả thi. Ngay cả cơ quan tố tụng khi chưa xét xử cũng chưa thể khẳng định là một người đã thực hiện hành vi nào đó là phạm tội cụ thể mà còn phải chờ tòa án xét xử.
Do vậy việc bắt buộc tất cả các luật sư phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm là không khả thi và chưa phù hợp với thức tiễn và có vẻ mâu thuẫn nhau theo các quy định pháp luật.
Khi cơ quan công quyền ‘welcome’ luật sư
Vào cơ quan này, từ anh bảo vệ đến nhân viên đều tiếp đón và hướng dẫn chúng tôi tận tình. Tôi và thân chủ còn được ông phó chánh thanh ra mời nước trà rất lịch sự.
Buổi đối thoại diễn ra công khai, rõ ràng, các bên được trình bày ý kiến và tiếp thu ý kiến của nhau bằng thái độ lịch sự, cởi mở. Kết thúc buổi đối thoại, thân chủ tôi dù có những điểm chưa hài lòng về giá đất nhưng vẫn rất vui vẻ, hài lòng.
Ông phó chánh thanh tra nói: “Tôi không phản đối chuyện luật sư (LS) đi cùng người dân đến cơ quan chúng tôi; trái lại tôi còn rất thích khi người dân khiếu nại, đối thoại thì có LS đi cùng. Điều này vừa bảo đảm quyền lợi cho người dân vừa tránh sai sót cho các bên. Được LS tư vấn thì ai cũng sẽ làm đúng luật, khách quan và công tâm”.
Lời ông phó chánh thanh tra làm tôi vững tin hơn vào cách thức làm việc công khai, minh bạch. Bởi hiện nay không hiếm cơ quan nhà nước không muốn người dân đi cùng LS đến làm việc. Nếu cơ quan, lãnh đạo nào cũng có quan điểm và suy nghĩ như ông phó chánh Thanh tra TP.HCM thì người dân yên tâm, phấn khởi biết bao nhiêu.
Qua đây, tôi hy vọng rằng khi người dân cần liên hệ với cơ quan công quyền thì nên mời LS đi cùng, kể cả khi đi khiếu nại, tố cáo hay thậm chí bị công an triệu tập hay mời đến làm việc. Bởi đây là quyền của người dân mà Hiến pháp và pháp luật không cấm. Khi có LS đi cùng thì người dân sẽ được tư vấn để biết cách trình bày, đưa ra ý kiến, biết nội dung gì thì nên ký, cái gì thì không. Khi có LS đi cùng người dân sẽ tự tin hơn, vững tâm lý hơn, tránh việc do lo sợ, mất bình tĩnh mà trình bày những điều sai sự thật, gây bất lợi cho mình.
Về phía cơ quan nhà nước cũng vậy, khi có LS đi cùng, mọi việc sẽ công khai, minh bạch hơn; nếu sau này người dân có đổ thừa, có nói khác đi thì cũng có LS làm chứng. Tóm lại, có LS bên cạnh, chẳng những người dân được lợi mà cơ quan công quyền cũng tránh bị “hàm oan”…
Mong rằng tinh thần công khai, minh bạch của Thanh tra TP.HCM được nhân rộng và trở thành điều bình thường trong quan hệ nhà nước - công dân hằng ngày.
LS TRẦN MINH HÙNG, Đoàn LS TP.HCM

Chung cư mới xây đã xuống cấp, cư dân tố chủ đầu tư
- Chung cư (CC) Hưng Ngân Garden (P.Tân Chánh Hiệp, Q.12) chỉ mới đưa vào hoạt động chưa đầy hai năm nhưng hàng trăm căn hộ đã xuống cấp, thiếu nước sạch, ô nhiễm, không có hệ thống báo cháy…
![]() |
Mới đưa vào sử dụng nhưng tường của nhiều căn hộ trong chung cư Hưng Ngân đã thấm nước, bong tróc |
Theo các cư dân, nguyên nhân chính của tình trạng này là do chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết về chất lượng của công trình.
Vừa ở vừa lo
Anh Trần Duy Thanh Bảo (ngụ block A2, CC Hưng Ngân Garden, KP.12, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12) cho biết, CC được đưa vào hoạt động từ tháng 6/2015, chủ đầu tư (CĐT) hứa hẹn CC có đầy đủ các tiện ích, dịch vụ đảm bảo đời sống cho cư dân.
Tuy nhiên, ngay từ đầu, gia đình anh đã khốn đốn vì thiếu nước sạch. Anh Bảo nói: “CC mới xây dựng nhưng nước sinh hoạt lại rất bẩn. Nhiều hôm tôi mở nước thì thấy nước bị vàng ố và có nhiều chất bẩn chẳng khác gì nước cống. Tôi và nhiều cư dân ở đây đã kiến nghị với đơn vị cấp nước là nhà máy nước Trung An, đơn vị này lại bảo họ bán nước sinh hoạt cho CĐT chứ không bán cho người dân, nên không làm việc với người dân. Vụ việc lại được chúng tôi khiếu nại với CĐT, nhưng tình trạng nước bẩn thỉnh thoảng vẫn tái diễn”.
Ngoài vấn đề về nguồn nước sinh hoạt, cư dân ở CC Hưng Ngân còn đang gồng mình đối phó với tình trạng ô nhiễm. Ngay sát CC là một công trình xây dựng. Nhiều tháng nay công trình này đã dừng thi công nhưng công trường không được dọn dẹp, bên trong đầy những vũng nước lớn gây ô nhiễm.
Không chỉ vậy, hệ thống cống thoát nước trong CC nhiều năm không hoạt động, trong cống luôn có nước tù đọng bốc mùi nồng nặc; tạo điều kiện cho muỗi và các loại côn trùng gây bệnh truyền nhiễm phát sinh.
Nguy cơ mất an toàn cháy nổ tại CC Hưng Ngân cũng là vấn đề khiến cư dân luôn nơm nớp lo sợ. Hưng Ngân là CC cao tầng có hàng trăm hộ dân sinh sống nhưng ngay từ khi mới hoạt động, hệ thống báo cháy đã tê liệt; cũng chẳng ai lưu tâm, dù thỉnh thoảng vẫn xảy ra sự cố cháy nổ.
Anh Thanh Bảo cho biết thêm: “Các phòng trong CC đều có hệ thống báo cháy nhưng không hoạt động được. Cầu dao báo cháy bên ngoài cũng chỉ để… cho vui, nhiều lần tôi thử gạt xuống thì không thấy báo động. Chúng tôi đã nhiều lần báo lên cơ quan chức năng, có lần thấy có người xuống kiểm tra nhưng sau đó thì… vẫn vậy!”.
Chất lượng công trình kém, chủ đầu tư hứa lèo?
Không chỉ bức xúc vì những vấn đề trên, cư dân CC Hưng Ngân còn tố cáo CĐT là Công ty cổ phần nhà Hưng Ngân không thực hiện đúng cam kết với khách hàng về chất lượng công trình. Anh Thái Châu Á (ngụ block 2, CC Hưng Ngân) cho biết, khi làm hợp đồng mua nhà, CĐT cam kết là nhà được lót sàn bằng gạch Viglacera, nhưng khi nhận nhà anh lại thấy lót sàn bằng loại gạch khác, chất lượng kém hơn nhiều, chỉ vào ở khoảng bốn tháng thì gạch đã chuyển màu vàng ố.
Nhiều cam kết khác về tiện ích của CĐT như nhà sinh hoạt cộng đồng, công viên, khu vui chơi trẻ em, trường học… đến nay vẫn không có. Đã vậy, CĐT còn dùng tầng trệt để kinh doanh và bít kín hết các lối thông của tầng lửng.
Anh Á bức xúc: “Lúc phát hiện gạch lót sàn không đúng cam kết, chúng tôi đã phản ánh ngay nhưng CĐT chỉ ậm ờ cho qua chuyện, không thay gạch theo yêu cầu. Một số hộ dân làm căng quá thì CĐT liên hệ bồi thường cho họ 5 triệu đồng để tự thay gạch mới. Nhiều hộ khác thì CĐT chỉ hứa hẹn cho qua. Hiện tôi đã làm đơn khởi kiện CĐT ra tòa”.
Theo ông Phan Văn Lưu (ngụ block A2), mấy tháng qua gia đình ông cũng khốn khổ vì sinh sống ở đây. Gia đình ông đến sống tại CC tháng 7/2016. Chỉ chưa đầy nửa năm thì căn hộ đã bắt đầu xuống cấp. Nhiều mảng tường bị bong tróc, thấm nước ố vàng dơ bẩn. Những căn hộ lân cận cũng rơi vào tình trạng tương tự. Thậm chí, cửa của nhiều căn hộ còn bị mối mọt làm cho hư hỏng.
Trong khi những bức xúc của cư dân vẫn chưa được giải quyết thì mới đây, CĐT CC lại có thông báo yêu cầu cư dân phải thanh toán 100% tiền mua căn hộ và phải thanh lý hợp đồng mua bán trước ngày 28/2/2017. Theo nhận định của các cư dân, động thái này của CĐT là nhằm làm khó cư dân và rũ bỏ trách nhiệm của mình trong hợp đồng.
Anh Á lập luận: “Theo tôi biết thì hiện CĐT chưa nộp hồ sơ cấp sổ lên cơ quan có thẩm quyền nhưng lại bắt cư dân thanh toán tiền và thanh lý hợp đồng là không đúng. Nếu chúng tôi thanh lý hợp đồng, CĐT sẽ rũ bỏ hết trách nhiệm; nhưng nếu không ký vào biên bản thanh lý hợp đồng thì mỗi người phải tự đi làm sổ, CĐT không còn trách nhiệm. Họ làm như vậy rõ ràng là bắt chẹt chúng tôi”.
Cư dân CC Hưng Ngân còn cho biết, dù họ đã sống tại đây gần hai năm nhưng CĐT vẫn chưa tiến hành hội nghị nhà CC để bầu ban quản trị. Việc không có ban quản trị CC trong suốt một thời gian dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người dân, đặc biệt là việc quản lý phí bảo trì CC.
Trả lời phóng viên về những bức xúc của cư dân liên quan đến chất lượng công trình của CC Hưng Ngân, ông Nguyễn Đắc Hưng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nhà Hưng Ngân cho biết, theo quy định trong hợp đồng thì CĐT sẽ ốp lát gạch Viglacera hoặc loại gạch tương đương. Vì vậy CĐT đã sử dụng gạch Kim Phong tương đương với gạch Viglacera để thay thế, điều này là đúng quy định. Trong quá trình sử dụng thì một số gạch bị vỡ, vàng ố, một số căn hộ bị thấm nước… Vấn đề này phía CĐT đã phối hợp với nhà thầu và một số đơn vị có liên quan để có phương án giải quyết cho khách hàng. Hiện tại CĐT đang đôn đốc nhà thầu, các tổ chức, cá nhân thực hiện bảo hành theo quy định của hợp đồng.
Trong khi đó, phản ánh với chúng tôi, các cư dân cho rằng CĐT nói sẽ giải quyết thỏa đáng về chất lượng công trình là “hứa lèo”. Bởi, từ thời điểm cư dân phản ánh đến nay đã hơn một năm, CĐT nhiều lần hứa hẹn nhưng vấn đề trên vẫn chưa được giải quyết.
Về phản ánh chất lượng nguồn nước sinh hoạt của CC, ông Hưng cho biết, CC Hưng Ngân Garden sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ nhà máy nước Trung An. Vừa qua, thỉnh thoảng nước bị thiếu hoặc có màu vàng ố, cặn bẩn… Ngay sau khi nhận được phản ánh của cư dân, phía đơn vị quản lý CC đã cho kiểm tra và ban đầu xác định nguyên nhân có thể là do nguồn nước đầu nguồn cạn hoặc trong thời gian xử lý đường ống cấp nước của nhà máy nước Trung An.
Về việc cư dân phản ánh hệ thống báo cháy của CC Hưng Ngân Garden không hoạt động, ông Hưng chỉ cho biết, hiện tại hai tòa nhà của CC đã được nghiệm thu PCCC nhưng không giải thích nguyên nhân vì sao hệ thống báo cháy không hoạt động.
Ngoài ra, đại diện công ty Hưng Ngân cũng khẳng định việc công ty ra thông báo về tiến độ, mức thanh toán tiền mua CC là đúng theo quy định trong hợp đồng. Hiện tại, CĐT chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu là do chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
![]() |
Nước sinh hoạt trong chung cư thường bị ố vàng, cặn bẩn ( ảnh do cư dân cung cấp) |
Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng văn phòng luật sư Gia Ðình - Ðoàn Luật sư TP.HCM): Căn cứ khoản 4, điều 13, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà, công trình xây dựng, CÐT dự án kinh doanh bất động sản có trách nhiệm làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua. CÐT dự án chỉ được loại trừ trách nhiệm này trong trường hợp bên mua có văn bản đề nghị tự làm thủ tục cấp giấy chứng nhận. CC Hưng Ngân đã hoạt động từ tháng 6/2015, đến nay là đã được 1,5 năm, người sử dụng nhà CC không hề có văn bản đề nghị tự làm thủ tục cấp giấy chứng nhận mà CÐT CC vẫn chưa nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng nhà CC là đã vi phạm điều khoản trên. Cũng theo luật sư Hùng, tại khoản 2, điều 21, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, bên bán nhà, công trình xây dựng có quyền yêu cầu bên mua thanh toán đủ tiền theo thời hạn và phương thức đã thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp không có thỏa thuận thì bên bán chỉ được thu tiền bên mua không quá 95%. Như vậy, nếu trong hợp đồng mua bán giữa cư dân và Công ty Hưng Ngân không có điều khoản thỏa thuận phải thanh toán đầy đủ toàn bộ số tiền trước tháng 2/2017 thì việc CÐT ra thông báo buộc người dân thanh toán 100% tiền căn hộ là không có căn cứ. Liên quan đến việc CC đã hoạt động hai năm nhưng CÐT chưa tiến hành hội nghị nhà CC để bầu ban quản trị, luật sư Hùng phân tích: “Theo điểm a, khoản 1, điều 13, Thông tư 02/2016/TT-BXD, hội nghị tòa nhà CC phải được tổ chức trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày nhà CC đó được bàn giao đưa vào sử dụng và có tối thiểu 50% số căn hộ đã được bàn giao (bao gồm cả số căn hộ CÐT giữ lại không bán). Như vậy, nếu đủ hai yếu tố trên mà CÐT vẫn chưa tổ chức hội nghị nhà CC là đã vi phạm pháp luật”. |
Sơn Vinh
Nguồn: Báo phụ nữ TP.HCM