hỏi về việc tặng cho ủy quyền sang tên nhà cho con có đòi được?
Ngày 18/10, báo Phụ Nữ đã tiếp nhận đơn cầu cứu của ông Phạm Văn Trình (SN 1942, ngụ P.6, Q.8) phản ánh về việc bị vợ chồng con trai ruột lập mưu chiếm đoạt hai căn nhà và bạo hành.
Theo trình bày của cụ Trình, gia đình cụ có 4 người con trong đó chỉ có riêng ông Phạm Nhân Q. (sinh năm 1979) là không được học hành đến nơi đến chốn. Thời con trẻ ông Q. đã sớm sa chân vào ma túy và đã nhiều lần bị đưa đi cải tạo, cai nghiện tập trung. Năm 2006, sau nhiều lần được đưa đi cai nghiện, ông Q. trở về nhà xin bố mẹ cưới vợ và hứa sẽ tu tâm dưỡng tính đoạn tuyệt với ma túy. Thương con, cụ Trình chấp nhận cưới và cho con và trích phần tiền lương hưu của mình mỗi tháng 3 triệu đồng để chu cấp cho người con trai lầm lỡ. Thấy con trai thật sự đoạn tuyệt với ma túy nên cụ Trình hết sức tin tưởng con và luôn khuyên con làm ăn lương thiện để tương lai cho con cái sau này.
Đến năm 2013, khi cụ Trình chuyển từ Q.3 về mua căn nhà ở địa chỉ 1629/2A Phạm Thế Hiển (P.6, Q.8) làm nơi an dưỡng tuổi già thì ông Q. liên tục đến năn nỉ bố mẹ công chứng ủy quyền cho mình căn nhà này để vay vốn làm ăn. Sau nhiều lần ông Q. đến năm nỉ, vợ chồng cụ Trình đã đồng ý làm giấy công chứng ủy quyền căn nhà này cho ông Q. với điều kiện ông Q. phải ký giấy cam kết là đến tháng 3/2015 sẽ hoàn tất việc thế chấp căn nhà và trả lại chủ quyền căn nhà cho cụ Trình. Tuy nhiên, đến thời hạn trả lại chủ quyền căn nhà như cam kết thì ông Q. nhiều lần tìm cách trì hoãn không trả nhà lại cho bố mẹ. Cho đến đầu năm 2016, cụ Trình phát hiện căn nhà mình ủy quyền cho con trai đã được sang tên cho bà Nguyễn Thị T. (sinh năm 1982, vợ ông Q.).
Cụ Trình cho hay: “Tuy làm giấy ủy quyền cho con trai tôi nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở lúc đó vẫn do vợ chồng tôi đứng tên. Tuy nhiên, không hiểu bằng phép thuật nào con trai tôi đã sang tên căn nhà đó cho vợ nó. Một chuyện vô lý như vậy mà UBND Q.8 vẫn đồng ý sang tên và cấp giấy chứng nhận vào ngày 29/1/2016”.
Cũng theo cụ Trình, đây không phải là lần đầu tiên cụ bị con trai lừa gạt chiếm đoạt căn nhà. Trước đó, vào năm 2014, cũng với chiêu trò như trên, ông Q. đã dụ dỗ cụ Trình làm giấy ủy quyền một căn nhà của cụ Trình tại Tân Hiệp (Tiền Giang). Tuy nhiên, sau đó ông Q. đã bán căn nhà này với giá 500 triệu đồng và chiếm giữ. Khi biết được sự việc cụ Trình rất giận nhưng vì thương con nên cụ Trình đã bỏ qua. Cụ Trình không ngờ sau lần đó, ồn Q. lại tiếp tục lập mưu chiếm đoạt luôn căn nhà còn lại của cụ.
Dù bị con trai lập mưu chiếm nhà, nhưng cụ Trình vẫn không tố cáo vì nghĩ thương con và tin rằng sẽ sống hết những ngày cuối đời còn lại sau đó tài sản sẽ cho con. Tuy nhiên, thời gian gần đây cụ Trình liên tục bị con dâu và con trai mình bạo hành với mục đích đuổi hai vợ chồng cụ Trình ra khỏi nhà.
Theo đó, vào ngày 17/8, vợ chồng ông Q. đến xin cụ Trình cho dọn về căn nhà 1629/2A Phạm Thế Hiển (P.6, Q.8) để sống chung. Khi cụ Trình không đồng ý thì vợ chồng ông Q. lấy lý do căn nhà này do mình đứng tên và buộc cụ Trình phải cho vào nhà sống chung. Không muốn gia đình xảy ra xích mích nên cụ Trình đã đồng ý cho vợ chồng ông Q. vào ở chung và nhường phòng ở của mình cho ông Q. sống.
Tuy nhiên, đến ngày 13/9, trong khi cụ Trình ra ngoài thì ở nhà giữa cụ Phạm Thị Việt Thanh (SN 1943, vợ cụ Trình) và bà T. xảy ra mâu thuẫn do việc dọn dẹp vệ sinh trong nhà. Lúc này, bà T. đã mang rất nhiều đồ đạc của cụ Thanh ra đập và khóa trái cửa nhà không cho ai vào. Khi cụ Trình về không thể vào nhà được nên đã gọi điện cầu cứu cơ quan chức năng.
Ngay sau khi cán bộ phường ra về thì cụ Trình lại tiếp tục bị con dâu và con trai mình chửi mắng, đập phá đồ đạc trong nhà. Từ đó đến nay cụ Trình không nhớ mình đã bao nhiêu lần bị con dâu và con trai chửi bới, đập phá đồ đạc và đuổi ra khỏi nhà.
Mới đây nhất vào ngày 17/10, khi UBND P. 6, Q.8 có giấy mời ông và vợ chồng ông Q. lên phường để hòa giải thì vợ chồng ông Q. lại tiếp tục đập phá đồ đạc và chửi bới vợ chồng cụ. Cũng theo cụ vào chiều ngày 18/10, UBND P.6, Q.8 sẽ có một buổi hòa giải giữa vợ chồng ông Q. và cụ Trình. Tuy nhiên, nếu vụ việc này không giải quyết dứt điểm thì có lẽ cụ Trình sẽ không còn dám ở trong căn nhà của mình nữa.
1. Như lời kể của cụ Trình thì Q. đã lừa bố mẹ mình ủy quyền hai căn nhà sau đó bán và sang tên cho vợ như vậy có phạm tội tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không ?
2. Việc ông Q. có hành vi bạo hành bố mẹ như đã kể trên thì có đến mức bị xử phạt hay không ?
3. Hiện tại cụ Trình nên làm gì để bảo vệ quyền lợi cho mình ?
- Như lời kể của cụ Trình thì Q. đã lừa bố mẹ mình ủy quyền hai căn nhà sau đó bán và sang tên cho vợ như vậy có phạm tội tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không ?
- Việc ông Q. có hành vi bạo hành bố mẹ như đã kể trên thì có đến mức bị xử phạt hay không ?
Nếu việc ủy quyền chỉ ủy quyền quản lý, sử dụng mà ông Q chuyển nhượng sang cho vợ là trái quy định. Ngoài ra, nếu theo cam kết thỏa thuận ông Trình chỉ ủy quyền để cho ông Q vay ngân hàng nhưng ông Q lại sang tên cho bà vợ ông Q là bà T thì ủy quyền này có dấu hiệu bị lừa dối. Theo quy định giao dịch dân sự bị lừa dối thì ông Trình có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu hủy hợp đồng ủy quyền và và hủy việc chuyển nhượng giữa ông Q và bà T, hủy giấy chứng nhận sang tên lại cho ông Trình theo đúng quy định do ông Trình bị lừa dối. Việc ông Q có dấu hiệu vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không còn tùy cơ quan chức năng vào cuộc. Tuy nhiên, theo như thông tin thì ông Q đã có dấu hiệu gian dối, lừa dối ngay từ đầu nên theo tôi có cơ sở ông Q đã có dấu hiệu của hành vi lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của ông Trình.
- Theo tôi hành vi của ông Q đã có dấu hiệu hành hạ người khác. Theo quy định tại điều 110 Bộ luật hình sự quy định:
"1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật;
b) Đối với nhiều người".
Pháp luật là một chuyện nhưng hành vi của ông Q được cho là bất hiếu, vi phạm đạo đức, quy tắc xã hội. Hành vi này nếu không bị xử lý hình sự cũng có thể bị xử lý về mặt hành chính về hành vi của mình. Cơ quan chính quyền địa phương cần can thiệp kịp thời và có hành vi xử phạt nghiêm khắc đối với ông Q.
- Hiện tại cụ Trình nên làm gì để bảo vệ quyền lợi cho mình ?
Ông Trình nên làm khiếu nại ra UBND phường để được hòa giải, can thiệp. Đối với hành vi ông Q đập đồ đạc, chửi bởi thì ông Trình nên báo công an phường can thiệp, lập biên bản sự việc. Nếu hòa giải không thành thì nên làm đơn ra Tòa án có thẩm quyền để khởi kiện yêu cầu hủy ủy quyền do bị lừa dối, hủy việc chuyển nhượng sang tên bà T vợ ông Q, trả lại giấy tờ nhà đất cho ông Trình, ông Trình có thể liên hệ luật sư để được luật sư tư vấn và hướng dẫn thủ tục khởi kiện cho ông Trình.