Hỏi Đáp Pháp Luật

Ngoài Tình Bị Xử Phạt Thế Nào?

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Hỏi Đáp Pháp Luật

Theo quy định mới thì vợ/chồng ngoại tình bị xử phạt thế nào?

Trả lời:

Theo quy định này, người có hành vi “vi phạm chế độ một vợ, một chồng” được hiểu là người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác; hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Từ ngày 1/7/2016, Bộ luật hình sự năm 2015 sẽ thay thế Bộ luật hình sự năm 1999. Theo quy định tại Điều 182 Bộ luật mới về “Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng”, những hậu quả mà hành vi ngoại tình gây ra được quy định cụ thể, thay thế cho hậu quả chung chung được quy định trong Bộ luật cũ.

Theo đó, không phải người nào ngoại tình cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thuộc các trường hợp quy định tại Điều 182, cụ thể:

“Điều 182: Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến một năm:

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó”.

Khái niệm “chung sống như vợ chồng” đã được quy định tại Điều 147 Bộ luật hình sự cũ và được Điều 182 Bộ luật mới giữ nguyên. Khái niệm này đã được giải thích cụ thể tại mục 3.1 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001:

“Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...”.

Theo quy định của Điều 182 Bộ luật hình sự 2015 vừa trích dẫn ở trên, chỉ những người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác, hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ và hậu quả của việc kết hôn, chung sống như vợ chồng đó đã làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn thì mới có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Như vậy, không phải cứ đi ngoại tình rồi dẫn đến ly hôn là sẽ bị phạt tù. Chỉ phạt tù những người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc ngược lại, có hành vi “kết hôn” hoặc “chung sống như vợ chồng” với người khác và những hành vi này đã gây ra một trong các hậu quả quy định tại Điều 182 mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với trường hợp người có hành vi ngoại tình nhưng hành vi này chưa đủ yếu tố cấu thành “Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng” theo quy định của Điều 182 BLHS 2015 thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/09/2013.

Cụ thể: “1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ...”.

Trân trọng

Người Việt Định Cư Ở Nước Ngoài Có Được Nhận Di Sản Thừa Kế

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Hỏi Đáp Pháp Luật

Xin cho tôi hỏi tôi định cư ở nước ngoài cha mẹ tôi ở việt nam đã chết có 2 căn nhà thì tôi có được hưởng thừa kế của cha mẹ tôi không?
Xin chân thành cảm ơn.
phuquoc@....
Trả lời
Chào bạn, vấn đề bạn hỏi chúng tôi trả lời như sau:
Căn cứ khoản 3 Điều 186 Luật đất đai 2013 quy định: “Trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều này thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định sau đây:
a) Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế được đứng tên là bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất;
b) Trong trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất thì người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 179 của Luật này và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho;
c) Trong trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính.
Căn cứ theo quy định trên thì bạn là người vẫn được hưởng thừa kế 1 phần bằng nhau với các anh em của bạn nhé và vẫn được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Trân trọng

Làm Sao Để Được Ly Hôn Nhanh?

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Hỏi Đáp Pháp Luật

Tôi phải làm gì để được ly hôn nhanh chóng?

Trân trọng cảm ơn luật sư.

Trả lời:

Chào bạn!

Không biết bạn đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho cuộc sống sau ly hôn thế nào chưa? Chỉ vì lý do chồng sống “rất thiếu trách nhiệm” mà bạn đã đòi ly hôn liệu có quá vội vàng không?  Bạn hãy thử cố gắng tìm hiểu, động viên, thuyết phục anh ấy thay đổi cách sống xem sao? Chỉ tới khi nào sống cùng anh ấy bạn cảm thấy sợ, bất ổn hay càng sống càng mâu thuẫn trầm trọng, đau khổ cho nhau, nếu ly hôn bạn cảm thấy phấn chấn và có mong muốn cháy bỏng thì khi đó mới đến lúc “không cần thiết phải duy trì cuộc hôn nhân này nữa”. Tôi luôn chúc cho các bạn hạnh phúc, nhưng bạn hỏi thì tôi cũng trả lời như sau:

Pháp luật không quy định khi xin ly hôn bắt buộc phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng, một trong hai người có thể đơn phương xin ly hôn nhưng phải có lý do chính đáng. Bạn cần phải chứng minh căn cứ cho ly hôn theo Điều 89 – Luật hôn nhân gia đình “Tòa án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì tòa án cho ly hôn”. Để tiết kiệm thời gian nhất (trong trường hợp hai người không thuận tình ly hôn ) chúng tôi hướng dẫn để bạn tự làm các việc cụ thể sau:

Bạn đến UBND xã (phường) sao chứng thực các loại giấy tờ sau: Giấy đăng ký kết hôn; giấy khai sinh của con; hộ khẩu, CMND của bạn và của chồng bạn; giấy tờ nhà đất, phương tiện như ô tô, xe máy (nếu có).

Bạn làm đơn xin công an xã (phường) xác nhận địa chỉ cư trú hiện nay của chồng bạn, điều này trong pháp luật không quy định rõ nhưng có Tòa án vẫn bắt buộc phải có giấy này.

Đến Tòa án nhân dân quận (huyện) nơi vợ chồng bạn có địa chỉ đang cư trú (đây chính là Tòa án có thẩm quyền giải quyết) để mua đơn xin ly hôn rồi bạn khai đầy đủ các thông tin như mẫu đơn hướng dẫn. 

Bạn đem tất cả các giấy tờ trên đến nộp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Tòa án (trước khi đi nên tìm hiểu xem ngày nào tòa án nhận hồ sơ khởi kiện để đỡ mất thời gian đi lại). Khi Tòa án gọi bạn đến nhận giấy đi nộp tiền tạm ứng án phí thì cần chuẩn bị 200.000đ (nếu không có hoặc không tranh chấp về tài sản). Bạn nộp tiền tạm ứng án phí tại Chi cục thi hành án cấp quận (huyện) cùng nơi thẩm quyền Tòa án giải quyết. Sau khi nộp tạm ứng án phí xong, bạn nhớ mang biên lai thu tiền nộp lại cho Tòa án. 

Bạn chờ Tòa án ra Quyết định thụ lý vụ án và gửi thông báo thụ lý vụ án này tới cho bạn. Sau đó Tòa án sẽ triệu tập các đương sự để lấy lời khai và tổ chức hòa giải giữa các đương sự. Pháp luật không quy định trước khi xét xử vụ án Tòa án phải tổ chức hòa giải bao nhiêu lần, nhưng theo Bộ luật TTDS thì trường hợp ly hôn này ít nhất sẽ được Tòa án tổ chức hòa giải hai lần. Trước khi xét xử vụ án, Thẩm phán giải quyết vụ án sẽ căn cứ vào tình hình thực tế vụ án và quan điểm của các bạn để có thể tổ chức hòa giải từ một đến nhiều lần nhưng trên nguyên tắc tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự. 

Trong trường hợp dù mới chỉ hòa giải được một lần, nhưng xét thấy nếu có tổ chức hòa giải nhiều lần các đương sự vẫn không thể thống nhất được với nhau thì Tòa án vẫn có thể quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên tòa, các đương sự một lần nữa sẽ được Hội đồng xét xử cho phép thỏa thuận với nhau, nếu không tự thỏa thuận được thì lúc này Hội đồng xét xử mới tiến hành xét xử vụ án.

Con bạn mới được hai tuổi, để bạn chắc chắn giành được quyền nuôi con thì nên chứng minh khả năng nuôi được con của mình như về kinh tế, nhà ở … nhưng bạn cũng yên tâm vì căn cứ Điều 92, khoản 2- Luật hôn nhân gia đình thì về nguyên tắc con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi nếu các bên không có thỏa thuận khác.

Bạn có thể liên hệ đến chúng tôi để được tư vấn cụ thể hơn nếu bạn chưa rõ.

Trân trọng.

Thế Nào Là Di Chúc Hợp Pháp?

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Hỏi Đáp Pháp Luật

Luật sư cho tôi hỏi thế nào là di chúc hợp pháp? Di chúc không công chứng có hợp pháp?

Trả lời:

Theo quy định của Bộ luật dân sự, Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di chúc được coi là hợp pháp nếu có đủ các điều kiện sau đây:

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép;

- Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

Hình thức của di chúc:

- Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

- Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

- Di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.

Nội dung của di chúc: Di chúc phải ghi rõ:

- Ngày, tháng, năm lập di chúc;

- Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

- Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

- Di sản để lại và nơi có di sản;

- Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.

Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Thế nào là di chúc có giá trị như di chúc công chứng, chứng thực?

- Di chúc của quân nhân tại ngũ có xác nhận của thủ trưởng đơn vị từ cấp đại đội trở lên, nếu quân nhân không thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực;

- Di chúc của người đang đi trên tàu biển, máy bay có xác nhận của người chỉ huy phương tiện đó;

- Di chúc của người đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở chữa bệnh, điều dưỡng khác có xác nhận của người phụ trách bệnh viện, cơ sở đó;

- Di chúc của người đang làm công việc khảo sát, thăm dò, nghiên cứu ở vùng rừng núi, hải đảo có xác nhận của người phụ trách đơn vị;

- Di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước đó;

- Di chúc của người đang bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó.

Với mục đích trợ giúp pháp lý cho khách hàng có nhu cầu lập di chúc, đảm bảo tính hợp pháp của di chúc cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho những người hưởng thừa kế,

Trí Tuệ Luật cung cấp dịch vụ tư vấn lập di chúc với nội dung cụ thể như sau:

- Tư vấn nội dung, hình thức của di chúc theo quy định của pháp luật;

- Tư vấn các quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc lập di chúc;

- Soạn thảo di chúc;

- Xác định hiệu lực pháp luật của di chúc;

- Các yêu cầu khác liên quan đến việc lập di chúc.

Con Chưa 18 Tuổi Khai Nhận Thừa Kế Thế Nào?

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Hỏi Đáp Pháp Luật

Luật sư ơi cho tôi hỏi cha mẹ chết con chưa thành niên thì thủ tục khai nhận thừa kế thế nào?

Trân trọng cảm ơn Luật sư.

Cảm ơn bạn đã liên hệ đến chúng tôi, vấn đề của bạn chúng tôi trả lời như sau:

Vấn đề vướng mắc ở đây là con của vợ chồng anh bạn là người chưa thành niên. Theo quy định tại Điều 20 Bộ luật Dân sự về năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi thì: 

- Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.

- Trong trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Theo quy định trên thì người con nhỏ không thể tự mình xác lập, thực hiện việc phân chia di sản thừa kế với những đồng thừa kế khác, mà phải thực hiện thông qua người đại diện là bố của cháu. Như vậy, trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, người chồng (bạn của bạn) sẽ tham gia đồng thời với hai tư cách: một là chính mình với tư cách là người được hưởng di sản thừa kế của vợ, hai là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên.

Tuy nhiên, như bạn đã biết, khoản 5 Điều 144 Bộ luật Dân sự về phạm vi đại diện có quy định: Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Theo quy định này thì trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, người chồng không thể đại diện cho con chưa thành niên để tặng cho phần di sản của các con cho chính mình được (người đại diện xác lập giao dịch với chính mình).

Bạn nên khuyên bạn thực hiện theo hai cách thức:

(i) Hoặc làm văn bản khai nhận di sản thừa kế (quy định tại Điều 50 Luật Công chứng): Theo đó, người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.

Sau khi lập văn bản khai nhận di sản thừa kế với nội dung trên thì bố mẹ vợ, người chồng và hai con sẽ trở thành đồng chủ sử dụng/sở hữu ngôi nhà mà người vợ để lại và cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mang tên cả năm người này.

(ii) Hoặc, vẫn có thể lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo quy định tại Điều 49 Luật Công chứng:Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì họ có quyền yêu cầu công chứng văn bản thoả thuận phân chia di sản. Trong văn bản thoả thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần quyền hưởng di sản của mình cho người thừa kế khác.

Nhưng trong phần phân chia di sản thừa kế thì chỉ có bố mẹ vợ tặng cho phần di sản mà họ được hưởng cho bạn của bạn (nếu các bên đồng ý). Phần di sản thừa kế của con chưa thành niên sẽ được giữ nguyên, không tặng cho ai.

Sau khi lập văn bản này, bạn của bạn và hai người con của anh sẽ trở thành đồng chủ sử dụng/sở hữu ngôi nhà mà người vợ để lại và cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mang tên ba bố con.

Bạn có thể liên hệ đến chúng tôi để được tư vấn thêm nếu bạn chưa hiểu hết vấn đề.

Trân trọng

LS TRẦN MINH HÙNG

Giới Thiệu Luật Sư Trần Minh Hùng

link s75  

Với phương châm đặt chữ "Tâm" của nghề lên hàng đầu, chúng tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào sự công bằng và bảo vệ công lý cho xã hội. Là hãng luật uy tín thường xuyên tư vấn luật trên HTV, VTV, THVL, ANTV, VTC, SCTV, TH Cần Thơ, Đồng Nai và trên các tờ báo uy tín... Chúng tôi chuyên tư vấn, bào chữa cho khách hàng, thân chủ trên mọi lĩnh vực đất đai, thừa kế, hình sự, doanh nghiệp, ly hôn, công nợ, lao động, hợp đồng....

 

                                   LS TRẦN MINH HÙNG 


Hotline:0972238006