Luật Sư Tư Vấn Hợp Đồng

Soạn Thảo Các Loại Hợp Đồng Cho Công Ty

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Luật Sư Tư Vấn Hợp Đồng

Việc chuẩn bị cơ sở pháp lý, đàm phán, soạn thảo, hiệu chỉnh và thẩm định hợp đồng trước khi ký kết là rất quan trọng để tránh các rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng. Chúng tôi cung cấp các dịch vụ pháp lý liên quan tới các hợp đồng, bao gồm việc chuẩn bị cơ sở pháp lý, đàm phán, soạn thảo, hiệu chỉnh và thẩm định các loại hợp đồng kinh tế, thương mại, đầu tư:

Nội dung tư vấn Hợp đồng:

Chuẩn bị các cơ sở pháp lý điều chỉnh các vấn đề liên quan;

Nghiên cứu tài liệu liên quan, tìm hiểu thông tin liên quan về các bên của hợp đồng trong các trường hợp cụ thể theo yêu cầu của doanh nghiệp từ đó đưa ra giải pháp tư vấn tối ưu cho việc soạn thảo và ký kết hợp đồng, đảm bảo lợi ích tối đa cho doanh nghiệp và cân bằng được lợi ích của các bên trong hợp đồng;

Cử luật sư  tham gia vào ban đàm phán hợp đồng;

Đưa ra các ý kiến pháp lý để bên thuê Tư vấn đánh giá, quyết định trong việc đàm phán các nội dung hợp đồng;

Thẩm định các nội dung, rà soát, chỉnh sửa các điều khoản hợp đồng do đối tác đưa ra;

Soạn thảo các điều khoản hợp đồng cần thiết, đàm phán với đối tác để bảo vệ các điều khỏan quan trọng, bảo đảm được quyền hợp pháp của bên thuê tư vấn;

Soạn thảo và hiệu chỉnh các điều khỏan liên quan tới quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng;

Tư vấn và soạn thảo các nội dung khác trên cơ sở các qui định của pháp luật về hợp đồng như điều khỏan thanh toán, phạt hợp đồng, luật áp dụng, cơ quan tài phán…

* Các loại hợp đồng tiêu biểu:

- Hợp đồng kinh tế;

- Hợp đồng thương mại;

- Hợp đồng đầu tư;

- Hợp đồng dân sự;

- Hợp đồng lao động;

- Hợp đồng hợp đồng hợp tác kinh doanh;

- Hợp đồng hợp đồng liên doanh;

- Hợp đồng hợp đồng mua bán hàng hóa;

- Hợp đồng hợp đồng bảo đảm bí mật…

- Hợp đồng mua bán;

- Các loại hợp đồng khác…

KỸ NĂNG ĐÀM PHÁN SOẠN THẢO HĐ:

Thứ nhất, lỗi về hình thức hợp đồng

Về nguyên tắc, các bên có quyền tự do quyết định hình thức của hợp đồng. Hình thức hợp đồng có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, trừ một số trường hợp pháp luật yêu cầu hợp đồng phải được thể hiện bằng hình thức nhất định nhằm đảm bảo trật tự công, ví dụ như hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được thể hiện bằng văn bản và phải công chứng.

Doanh nghiệp cần biết rằng, để phù hợp với xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và việc ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, pháp luật cũng ghi nhận hình thức của hợp đồng có thể được thể hiện thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu và hình thức này được coi là hợp đồng bằng văn bản. Trong trường hợp pháp luật yêu cầu hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó. Ví dụ như Hợp đồng mua bán quyền sử dụng đất, bất động là là nhà chung cư, mua bán câc phương tiện như ôtô, tàu thủy… đều phải được lập thành văn bản và phải có công chứng (trường hợp mua bán câc phương tiện như ôtô, tàu thủy mà bên bán không xuất hóa đơn đỏ). Nhiều trường hợp mua bán quyền sử dụng đất, tài sản quy định phải có công chứng… nhưng không có công chứng thì khi giao dịch khác được thiết lập song song với giao dịch này thì giao dịch có công chứng theo quy định của pháp luật được bảo vệ.

Thứ hai, về ký kết hợp đồng và việc uỷ quyền ký kết hợp đồng

Bộ luật Dân sự xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng trên cơ sở công nhận hiệu lực của cam kết, thoả thuận của các bên, không phụ thuộc vào hình thức của hợp đồng. Do đó, về mặt nguyên tắc, hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết của bên được đề nghị. Hợp đồng cũng xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận đề nghị vẫn im lặng, nếu các bên có thoả thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết. Trên cơ sở hình thức của hợp đồng, pháp luật cũng quy định cụ thể đối với từng trường hợp, ví dụ, đối với hợp đồng được giao kết bằng lời nói thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm các bên đã thoả thuận về nội dung của hợp đồng; đối với hợp đồng được giao kết bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản.

Về mặt nguyên tắc, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được tính từ thời điểm giao kết, tuy nhiên doanh nghiệp cần biết rằng vẫn có các ngoại lệ đó là khi các bên có thoả thuận khác, ví dụ hợp đồng được các bên ký vào ngày 01/01/2009 nhưng các bên thoả thuận là hợp đồng được coi là ký kết vào ngày 01/02/2009 hoặc khi pháp luật có quy định khác, ví dụ theo pháp luật về đất đai thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng thế chấp là thời điểm đăng ký chứ không phải là thời điểm các bên ký hợp đồng và công chứng xác nhận. Trên thực tế nhiều doanh nghiệp không biết rõ quy định này và vì một lý do nào đó mà không đăng ký nên rủi ro pháp lý là rất lơn.

Vấn đề uỷ quyền ký kết hợp đồng không được Bộ luật Dân sự quy định cụ thể, tuy nhiên, vì hợp đồng là một dạng của giao dịch dân sự cho nên có thể áp dụng các quy định về việc uỷ quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Theo đó cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể uỷ quyền cho người khác xác lập, thực hiện hợp đồng theo chế định người đại diện.

Thứ ba, về thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng dân sự

Theo quy định hiện hành, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng là hai năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác bị xâm phạm. Ví dụ, A và B ký hợp đồng mua bán hàng hoá vào ngày 01/01/2007, sau đó có tranh chấp xảy ra, quyền lợi của A bị vi phạm vào ngày 01/03/2007. A chỉ có thể khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết trong khoảng thời gian kể từ khi quyền lợi bị xâm phạm là từ ngày 01/03/2007 đến hết ngày 01/03/2009 (là 2 năm kể từ ngày quyền lợi của A bị vi phạm). Thực tế nhiều doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh thường không biết về quy định này đẫn đến việc hết thời hạn khởi kiện, khi nộp đơn ra Tòa án trả lại đơn kiện do hết thời hạn khởi kiện mới biết thì đã muộn.

LỖI ĐỐI VỚI CÁC DẠNG HỢP ĐỒNG CỤ THỂ

 

Lỗi thường gặp trong ký kết, thực hiện hợp đồng thương mại

1 – Lưu ý chung:

Về nguồn pháp luật điều chỉnh và có liên quan đến nội dung của hợp đồng: Ví dụ, nếu là hợp đồng mua bán hàng hoá, thì pháp luật có liên quan là những văn bản pháp luật về thương mại, dân sự, cụ thể là Bộ Luật Dân sự, Luật Thương mại (LTM), Luật Đầu tư, Luât doanh nghiệp v.v.. các văn bản pháp luật hướng dẫn các Luật nêu trên; Nghị định hướng dẫn LTM về mua bán hàng hoá, Nghị định quy định danh mục các mặt hàng hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện hoặc cấm kinh doanh. Nếu là hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế thì kiến thức về thói quen thương mại, thông lệ, tập quán quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các cam kết Quốc tế song phương, đa phương, và cam kết trong khu vực của Việt Nam, pháp luật liên quan đến địa vị pháp lý của các bên cũng là những kiến thức và thông tin rất quan trọng liên quan trực tiếp đến nội dung cũng như tính hợp pháp, hợp lệ của hợp đồng. Bên cạnh đó, những người liên quan trực tiếp đến quá trình soạn thảo, đàm phán hợp đồng còn phải rà soát, lưu ý đến toàn bộ những văn bản pháp luật có liên quan đến nội dung, lĩnh vực của hợp đồng.

Khi soạn thảo hợp đồng, doanh nghiệp thường không bảo đảm các yếu tố như:

– Về mặt hình thức của hợp đồng

Trong trường hợp nào mà pháp luật yêu cầu hợp đồng phải được lập thành văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thi phải tuân theo các quy định đó.

Đối với một số loại hợp đồng mà pháp luật yêu cầu phải công chứng, chứng thực thì những loại hợp đồng đó phải được đem đi công chứng hoặc chứng thực thì mới có hiệu lực pháp.

– Về mặt nội dung của hợp đồng

Về nguyên tắc, nội dung của hợp đồng có các bên tự thoả thuận theo nguyên tắc tự do ý chí, bình đẳng và thiện chí với nhau. Tuy nhiên, Pháp luật cũng yêu cầu nội dung của hợp đồng không được vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

– Đảm bảo đối tượng của hợp đồng là những hàng hoá mà pháp luật không cấm, không trái đạo đức xã hội.

– Đảm bảo người tham gia giao dịch phải hoàn toàn tự nguyện

– Đảm bảo người tham gia hợp đồng có năng lực hành vi dân sự.

+ Năng lực hành vi dân sự của cá nhân: căn cứ vào các Điều 17, 18 và 19 của BLDS thì người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên và người thanh niên là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Như vậy, theo quy định này thì chỉ có người nào có đủ từ 18 tuổi trở lên mới bằng chính hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự. Còn những trường hợp khác chưa đủ 18 tuổi thì khi giao kết, xác lập, thực hiện một giao dịch dân sự nào đó phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Quy định này nhằm bảo vệ các giao dịch khi được xác lập phải được xác lập bởi những người có đủ khả năng để tự nhân danh mình quyết định mọi hành vi của mình, đảm bảo không gây thiệt hại cho người khác.

Trong trường hợp người đã đủ 18 tuổi nhưng lại mắc bệnh như bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác gây ra tình trạng mất năng lực hành vi thì cũng không được tự mình giao kết hợp đồng mà phải có đại diện pháp luật.

Tương tự như vậy, đối với những người từ 6 tuổi đến duới 18 tuổi khi giao kết hợp đồng cũng phải có người đại diện theo pháp luật đồng ý.

+ Năng lực hành vi dân sự của pháp nhân:

Về nguyên tắc, thời điểm tổ chức, doanh nghiệp hay pháp nhân được coi là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ phải căn cứ vào quy định của pháp luật. Pháp luật doanh nghiệp được coi là nguồn pháp lý chủ yếu điều chỉnh/quy định năng lực hành vi dân sự của tổ chức/doanh nghiệp/pháp nhân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp/tổ chức đó hoạt động trong lĩnh vực nào thì sẽ chịu thêm sự điều chỉnh của văn bản pháp luật của lĩnh vực đó, ví dụ pháp luật về doanh nghiệp, thương mại, đầu tư, ngân hàng tín dụng, bảo hiểm v.v..

Thông thường năng lực hành vi của pháp nhân hay tổ chức được tính kể từ thời điểm doanh nghiệp đó được thành lập về mặt pháp lý/thừa nhận sự tồn tại về mặt pháp lý, ví dụ như kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh, cấp giấy phép thành lập hoặc ngày mà pháp luật quy định phải khai trương hoặc phải đăng ký thì mới được coi là đã thành lập. Và chỉ khi các doanh nghiệp, tổ chức hoặc pháp nhân được coi là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân. Theo quy định của BLDS thì năng lực dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm pháp nhân được thành lập và chấm dứt từ thời điểm chấm dứt pháp nhân. Quy định này có nghĩa rằng sự hình thành pháp luật và được pháp luật công nhận thì pháp nhân đó có năng lực dân sự đầy đủ, có các quyền, nghĩa vụ dân sự phù hợp với mục đích hoạt động của mình.

+ Đại diện cho tổ chức/ pháp nhân và đại diện uỷ quyền

Đây là một trong những nội dung quan trọng liên quan đến vị trí pháp lý của các bên cũng như đến hiệu lực của hợp đồng. Theo quy định tại khoản 5 Điều 139 thì người đại diện phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Đại diện cho tổ chức/pháp nhân thông thường được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập của pháp nhân.

Trong thực tiễn, việc uỷ quyền cũng được ghi nhận trong một loạt các tài liệu có giá trị chứng cứ khác như quy chế hoạt động của tổ chức đó, quyết định quy định trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của từng lãnh đạo và thành viên của doanh nghiệp và kể cả trong thông báo chào hàng v.v… Và những giấy tờ này, về nguyên tắc có giá trị hợp lệ để chứng minh cho việc phân công của lãnh đạo doanh nghiệp/tổ chức đối với các lãnh đạo và thành viên khác của tổ chức/doanh nghiệp đó.

Khi tham gia soạn thảo, ký kết hợp đồng, các bên trong hợp đồng phải hết sức lưu ý đến địa vị pháp lý của người được đại diện uỷ quyền, phạm vi được uỷ quyền nhằm tránh tình trạng có tranh chấp sau này do việc ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền hoặc vượt quá phạm vi đại diện uỷ quyền.

Trân trọng.

 

Luật Sư Tư Vấn Hợp Đồng Góp Vốn

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Luật Sư Tư Vấn Hợp Đồng

 

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36 Luật doanh nghiệp 2014 về chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn:

1. Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:

a) Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ”.

Như vậy, mảnh đất mà bạn góp vốn để thành lập công ty là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, do đó bạn phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất hay chính là thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hồ sơ thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Căn cứ khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 5 năm 2014:

Bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm những giấy tờ sau :

1. Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất;

2. Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;

Nơi tiếp nhận hồ sơ: Căn cứ khoản 2 Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014: Cơ quan tiếp tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai là Văn phòng đăng ký đất đai. Nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có nhu cầu nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả.

Thời gian thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất: 

Không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, không bao gồm thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

Trên đây là giải đáp về vấn đề: Thủ tục đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất 

Trân trọng.

Luật sư Trần Minh Hùng Trưởng văn phòng Luật sư Gia Đình

Hợp Đồng Có Bắt Buộc Sử Dụng Tiếng Việt

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Luật Sư Tư Vấn Hợp Đồng

1. Quan hệ giữa công ty bạn với các các đối tác thông qua hợp đồng:

 Ngôn ngữ được sử dụng trong hợp đồng chỉ là phương thức để ghi nhận lại ý chí của các bên trong giao dịch. Hiện nay pháp luật không quy định bắt buộc các bên phải sử dụng tiếng Việt trong hợp đồng. Do đó, các bên quyền tự do thỏa thuận ngôn ngữ sử dụng trong soạn thảo và giao kết hợp đồng.

2. Quan hệ giữa công ty bạn và Cơ quan thuế: 

Trong mối quan hệ này, pháp luật có quy định một cách minh thị về việc phải sử dụng tiếng Việt cho tất cả các giao dịch với cơ quan thuế.

THÔNG TƯ Số 156/2013/TT-BTC, ngày 06 tháng 11 năm 2013 HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT QUẢN LÝ THUẾ; LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT QUẢN LÝ THUẾ VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 83/2013/NĐ-CP NGÀY 22/7/2013 CỦA CHÍNH PHỦ

Điều 5. Văn bản giao dịch với cơ quan thuế

4. Ngôn ngữ được sử dụng trong hồ sơ thuế là tiếng Việt. Tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt. Người nộp thuế ký tên, đóng dấu trên bản dịch và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung bản dịch. Trường hợp tài liệu bằng tiếng nước ngoài có tổng độ dài hơn 20 trang giấy A4 thì người nộp thuế có văn bản giải trình và đề nghị chỉ cần dịch những nội dung, điều khoản có liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế.

Đối với hồ sơ Thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì tuỳ vào tính chất của từng loại hợp đồng và yêu cầu của cơ quan thuế (nếu có), người nộp thuế cần dịch những nội dung trong hợp đồng như: tên hợp đồng, tên các điều khoản trong hợp đồng, thời gian thực hiện hợp đồng hoặc thời gian thực tế chuyên gia của nhà thầu nước ngoài hiện diện tại Việt Nam (nếu có), trách nhiệm, cam kết của mỗi bên; các quy định về bảo mật và quyền sở hữu sản phẩm (nếu có), đối tượng có thẩm quyền ký kết hợp đồng, các nội dung có liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế và các nội dung tương tự (nếu có); đồng thời gửi kèm theo bản chụp hợp đồng có xác nhận của người nộp thuế.

Việc hợp pháp hóa lãnh sự đối với các giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp chỉ bắt buộc trong trường hợp cụ thể hướng dẫn tại Điều 16, Điều 20, Điều 44, Điều 54 Thông tư này.

Do đó, Luật hiện hành không bắt buộc khi giao dịch phải ký hợp đồng bằng tiếng Việt, nhưng Cơ quan thuế yêu cầu như vậy là đúng quy định.

Tuy nhiên, nếu số lượng hợp đồng phải dịch quá lớn thì công ty bạn cần làm văn bản giải trình và đề nghị chỉ cần dịch những nội dung, điều khoản có liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế.

Trân trọng.

Luật sư Trần Minh Hùng Trưởng văn phòng Luật sư Gia Đình

Luật Sư Tư Vấn Tranh Chấp Mua Bán Hàng Hóa

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Luật Sư Tư Vấn Hợp Đồng

Tư vấn quy định về khởi kiện tranh chấp hợp đồng kinh tế. Yêu cầu mà nguyên đơn đưa ra gửi tới Tòa án phải phù hợp với các chứng cứ có trong hố sơ khởi kiện. Các nội dung cần lưu ý khi khởi kiện hợp đồng bao gồm

 

Xác định yếu tố lỗi trong việc thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng

Đây chính là vấn đề quan trọng nhất khi bạn dự định thực hiện thủ tục khởi kiện. Tòa án sẽ chỉ giải quyết yêu cầu của bạn khi xét thấy có lỗi hành vi của bị đơn đối với các nghĩa vụ theo hợp đồng, đồng thời lỗi đó có tính nhân quả đối với thiệt hại xảy ra. Điều này đặc biệt đúng đối với trường hợp khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Còn đối với trường hợp khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu toàn phần hoặc vô hiệu từng phần thì lại chú trọng tới hành vi trái luật của các bên. Hành vi này có thể là thỏa thuận điều khoản trái luật, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trái luật (Ví dụ: Quy định mức phạt hợp đồng thương mại là 100%).

1. Đơn khởi kiện.

2. Hợp đồng kinh tế hoặc văn bản, tài liệu giao dịch có giá trị như hợp đồng kinh tế.

3. Biên bản bổ sung, phụ lục, phụ kiện hợp đồng (nếu có).

4. Tài liệu về bảo đảm thực hiện hợp đồng như: cầm cố, thế chấp, tài sản (nếu có).

5. Tài liệu về việc thực hiện hợp đồng như giao nhận hàng , các biên bản nghiệm thu, các chứng từ thanh toán, biên bản thanh lý hợp đồng, các biên bản làm việc về công nợ tồn đọng;

6. Tài liệu về tư cách pháp lý của người khởi kiện, của các đương sự và người có liên quan khác như: giấy phép, quyết định thành lập doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; điều lệ hoạt động, quyết định bổ nhiệm hoặc cử người đại diện doanh nghiệp.

7. Các tài liệu giao dịch khác (nếu thấy cần thiết);

8. Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ số bản chính, bản sao).

Ví dụ về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Giả sử bên đối tác trong hợp đồng mua bán hàng hóa không thực hiện nghĩa vụ giao hàng tính đến thời điểm hiện nay đã là 02 tháng kể từ ngày người bán phải thực hiện nghĩa vụ, theo quy định của Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự thì thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp là vẫn còn. Đây là tranh chấp về hợp đồng dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án (Khoản 3, Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015), cụ thể hơn là sẽ do Toà án nhân dân cấp quận huyện (nơi bị đơn cư trú).

Sau khi xác định được tranh chấp trên sẽ do Toà án giải quyết, thì bạn sẽ tiến hành soạn hồ sơ khởi kiện. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, người khởi kiện phải là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ khởi kiện bao gồm:

– Đơn khởi kiện (Khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).

– Tài liệu về tư cách pháp lý của người khởi kiện: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu/Sổ hộ khẩu/…

– Tài liệu chứng minh cho việc khởi kiện: Hợp đồng mua bán giữa các bên, các hoá đơn, chứng từ, biên lai giao nhận tiền giữa các bên …

Sau khi hoàn tất hồ sơ khởi kiện thì bạn có thể gửi bằng các hình thức sau:

– Nộp trực tiếp tại Toà án

– Gửi đến Toà án theo đường dịch vụ bưu chính

– Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Toà án (nếu có)..

Trân trọng.

Luật sư Trần Minh Hùng trả lời HTV9

Luật Sư Chuyên Soạn Thảo Hợp Đồng Kinh Tế

Viết bởi Ls. Trần Minh Hùng. Posted in Luật Sư Tư Vấn Hợp Đồng

Điều khoản công việc (trong hợp đồng dịch vụ)
 
Điều khoản công việc chính là nội dung dịch vụ - đối tượng của hợp đồng dịch vụ. Nội dung điều khoản các công việc cần rõ ràng, từ cách thức thực hiện, quá trình thực hiện, trình độ chuyên môn của người cung cấp dịch vụ, kết quả công việc, tiêu chuẩn chất lượng của dịch vụ (nếu có)...
 
Nếu không chi tiết, rõ ràng, chất lượng của dịch vụ do bên cung cấp dịch vụ cung ứng có thể không đảm bảo yêu cầu của người sử dụng dịch vụ, dẫn đến tranh chấp, thiệt hại cho các bên.
 
Điều khoản đối tượng hàng hóa (trong hợp đồng mua bán hàng hóa)
 
Điều khoản đối tượng hàng hóa bao gồm: tên hàng hóa, các thông số kỹ thuật của hàng hóa, miêu tả hàng hóa, giá trị hàng hóa, chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa theo một hệ thống nhất định của nước sở tại hoặc thế giới... đây là những thông tin rất cần thiết để làm rõ đối tượng của hợp đồng, tương tự như điều khoản công việc trong hợp đồng dịch vụ.
 
Trong hợp đồng thương mại, các bên càng cụ thể, chi tiết các thông tin về hàng hóa, càng tránh được các rủi rõ trong thực hiện hợp đồng, đặc biệt, hàng hóa là đối tượng của hợp đồng phải đảm bảo không thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh.Đối với hàng hóa bị hạn chế kinh doanh, doanh nghiệp lưu ý các điều kiện đối với hàng hóa khi giao kết hợp đồng, các điều kiện theo quy định của pháp luật thường được quy định tại các văn bản:LTM2005; Nghị định số: 59/NĐ-CP ngày 12/06/2006 về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện; Nghị định số:12/NĐ – CP ngày 23/01/2006 về mua bán, gia công, đại lý hàng hoá quốc tế; Thông tư số: 04/TT-BTM ngày 06/04/2006...
 
Điều khoản số lượng (trọng lượng)
 
Điều khoản số lượng hàng hóa là một trong các điều khoản cơ bản, đơn thuần nhưng quan trọng, thể hiện qua đơn vị tính, số lượng, thậm chí cả phương pháp xác định số lượng.
Đặc biệt trong các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, cần xác định rõ số lượng và cách thức xác định số lượng, độ dung sai, đơn vị đo lường bởi lý do hệ thống đo lường của các quốc gia có sự khác biệt, thậm chí nhiều hàng hóa có sự thay đổi đặc trưng, số lượng, thể tích do sự thay đổi thời tiết, các yếu tố khách quan.
 
Điều khoản giá cả
 
Trong điều khoản giá cả thì tối thiểu cần đề cập các nội dung: đơn giá, tổng giá trị (bằng chữ và bằng tiền), đồng tiền thanh toán.
 
Đơn giá có thể xác định giá cố định hoặc nếu không có giá cố định thì phải đưa ra cách xác định giá cả một cách thống nhất (nội dung này thường phụ thuộc vào thời hạn thực hiện hợp đồng và tính ổn định của hàng hóa trên thị trường).
 
Điều khoản thanh toán
 
Điều khoản thanh toán bao gồm: đồng tiền thanh toán, thời gian thanh toán, phương thức thanh toán (trực tiếp, nhờ thu/tính dụng chứng từ LC), lộ trình thanh toán...
 
Việc sử dụng các phương thức thanh toán phụ thuộc vào giá trị hợp đồng, độ tin tưởng của các bên và các công tác nghiệp vụ của tổ chức tín dụng, ngân hàng... Phương thức tín dụng chứng từ thường sử dụng khá phổ biến trong hợp đồng thương mại quốc tế, rất thuận tiện cho bên mua và cả bên bán trong việc thanh toán/nhận tiền thanh toán. Bên cạnh phương thức thanh toán nhờ thu, còn có các phương thức thanh toán khác (được ghi nhận trong tập quán thanh toán quốc tế, doanh nghiệp có thể tham khảo UCP, URC)
 
Về đồng tiền thanh toán, thông thường đối với các hợp đồng mang tính thuần nội địa (tức là hợp đồng không có yếu tố nước ngoài) thì việc quy định đồng tiền thanh toán được sử dụng mặc định là tiền đồng Việt Nam theo quy định trong Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2013:
 
"Điều 22. Quy định hạn chế sử dụng ngoại hối
Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam"
 
Điều khoản phạt vi phạm
 
Trong điều khoản phạt vi phạm, các bên tự do lựa chọn chế tài được áp dụng đối với hành vi vi phạm hợp đồng, mang tính chất răn đe, phòng ngừa, trừng phạt đối với các bên.
 
Việc quy định điều khoản phạt vi phạm phụ thuộc vào mối quan hệ giữa các bên, vào sự cân nhắc thấy sự cần thiết có điều khoản phạt vi phạm hay không. Điều khoản phạt vi phạm phải tuân thủ về mức phạt vi phạm được quy định trong Hợp đồng thương mại.Điều 301: “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm”.
 
Nội dung điều khoản phạt vi phạm có thể bao gồm: mức phạt vi phạm, trường hợp phạt vi phạm, thời hạn thanh toán chi phí phạt vi phạm, thậm chí cả mức lãi suất đối với trường hợp chậm trả chi phí phạt vi phạm.
 
Một điều lưu ý nữa đối với điều khoản phạt vi phạm, đó là khi không thỏa thuận về điều khoản phạt vi phạm thì khi giải quyết tranh chấp, các bên sẽ không có cơ sở yêu cầu khoản phạt vi phạm.
 
Điều khoản bất khả kháng.
 
Bất khả kháng là sự kiện pháp lý xảy ra ngoài ý chí chủ quan của các bên, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thực hiện hợp đồng. Các sự kiện bất khả kháng đó có thể là các thiên tai, bão, lũ, chiến tranh, đình công...Khi một bên vi phạm hợp đồng do gặp sự kiện bất khả kháng thì pháp luật không buộc phải chịu trách nhiệm về tài sản (không bị phạt vi phạm, không phải bồi thường thiệt hại).
 
Tuy nhiên, cần xác định rõ ràng về bất khả kháng để tránh trường hợp bên vi phạm lợi dụng điều khoản bất khả kháng để thoái thác trách nhiệm, viện dẫn lý do chậm trễ thực hiện hợp đồng, bằng cách định nghĩa cụ thể sự kiện bất khả kháng là gì? và trách nhiệm thông báo cho bên còn lại khi gặp sự kiện bất khả kháng, trách nhiệm cung cấp chứng cứ chứng minh nguyên nhân vi phạm hợp đồng là do gặp sự kiện bất khả kháng, thậm chí cả trách nhiệm/nghĩa vụ ngăn chặn/hạn chế thiệt hại của các bên trong trường hợp bất khả kháng.
 
Điều khoản giải quyết tranh chấp
 
Điều khoản giải quyết tranh chấp là rất cần thiết trong quá trình giao kết hợp đồng. Việc thỏa thuận vào điều khoản giải quyết tranh chấp phải phù hợp với quy định pháp luật và phù hợp với điều kiện của hai bên.
 
Điều khoản giải quyết tranh chấp thường bao gồm các nội dung: Cơ quan được lựa chọn giải quyết tranh chấp, pháp luật nội dung được áp dụng giải quyết tranh chấp, quy định tố tụng được áp dụng để giải quyết tranh chấp...
 
Đối với trường hợp lựa chọn Tòa án để giải quyết tranh chấp, Tòa án sẽ xác định pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung để giải quyết tranh chấp (phương thức giải quyết tranh chấp tại tòa án thường được lựa chọn để giải quyết các hợp đồng thương mại trong nước).
 
Đối với trường hợp lựa chọn Trọng tài để giải quyết tranh chấp, các bên có thể lựa chọn pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, khi giao kết hợp đồng các bên trước hết cần ghi đầy đủ, chính xác thông tin về trung tâm trọng tài, hoặc theo quy định về điều khoản giải quyết tranh chấp do trung tâm trọng tài quy định, bởi vì điều khoản trọng tài rất có khả năng bị vô hiệu nếu không tuân thủ các quy định pháp luật trọng tài. Phương thức trọng tài thường được lựa chọn để giải quyết các hợp đồng thương mại quốc tế, có yếu tố nước ngoài.
 
Doanh nghiệp giao kết hợp đồng có yếu tố nước ngoài cần lưu ý đến các Điều ước quốc tế về hợp đồng thương mại mà Việt Nam là thành viên, hay các Điều ước quốc tế về giải quyết tranh chấp thương mại, hiệp định thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam đã tham gia.
Trân trọng.
LS TRẦN MINH HÙNG- TRƯỞNG VPLS GIA ĐÌNH TRẢ LỜI HTV9

Giới Thiệu Luật Sư Trần Minh Hùng

link s75  

Với phương châm đặt chữ "Tâm" của nghề lên hàng đầu, chúng tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào sự công bằng và bảo vệ công lý cho xã hội. Là hãng luật uy tín thường xuyên tư vấn luật trên HTV, VTV, THVL, ANTV, VTC, SCTV, TH Cần Thơ, Đồng Nai và trên các tờ báo uy tín... Chúng tôi chuyên tư vấn, bào chữa cho khách hàng, thân chủ trên mọi lĩnh vực đất đai, thừa kế, hình sự, doanh nghiệp, ly hôn, công nợ, lao động, hợp đồng....

 

                                   LS TRẦN MINH HÙNG 


Hotline:0972238006