CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
BÀI BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CHO ÔNG LÊ VĂN TRÍ.
Tôi luật sư TRẦN MINH HÙNG - VPLS GIA ĐÌNH, ĐOÀN LUẬT SƯ TP.HCM. Là luật sư bảo vệ cho ông Lê Văn Trí đưa ra quan luận điểm bảo vệ quyền lợi cho ông: Lê Văn Trí, sinh năm: 1947
Địa chỉ: ấp 5, xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An là nguyên đơn trong vụ án tranh chấp với vị đơn bà Trần Thị Gần, vụ án đang được tòa án nhân dân tỉnh Long An thụ lý giải quyết theo trình tự phúc thẩm theo luật định.
Việc tòa án nhân dân huyện Tân Hưng ra bản án số 15/2015/DS-ST ngày 24/7/2015 vừa vi phạm tố tụng, xác định sai quan hệ tranh chấp vừa áp dụng sai quy định pháp luật, thu thập chứng cứ không đầy đủ, những người làm chứng có dấu hiệu bị giả mạo chữ ký, triệu tập những người làm chứng không khách quan, không đối chiếu, so sánh các lời trình bày của ông Lê Công Thức mâu thuẫn nhau, không xem xét các lời chứng do phía ông Trí cung cấp, không xem xét nguồn gốc và trình tự cấp đất cho ông Trí đã đúng pháp luật, không xem xét các biên lai đóng thuế đất của ông Trí...cụ thể như sau:
1/. Cần xác định quan hệ tranh chấp cho đúng quy định pháp luật, ông Trí khởi kiện đòi lại đất chứ không phải khởi kiện quan hệ tranh chấp đất đai. Đất của ông Trí đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hợp pháp thì khi cho rằng việc cấp đất cho Trí là sai thì bà Trần Thị Gần phải khởi kiện UBND huyện nào đã cấp đất cho ông Trí chứ không phải "phản tố" với ông Trí và yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Tân Hưng ra bản án hủy một phần quyết định số 59/QĐ-UB ngày 19/1/2000 của UBND huyện Tân Hưng về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với một phần thửa 171, tờ bản đồ số 19, diện tích: 10.816,5m2 và hủy một phần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Q 219764 cấp ngày 19/1/2000 cho ông Trí là trái quy định pháp luật. Việc bà Gần cho rằng ủy ban cấp sai thì phải khởi kiện vụ án hành chính chứ không thể yêu cầu như vậy mà Tòa án nhân dân huyện Tân Hưng giải quyết trái quy định pháp luật.
Theo quy định của Luật tố tụng hành chính 2010 quy định về thời hiệu khởi kiện tại điều 104 như sau:
"Điều 104. Thời hiệu khởi kiện
2. Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau:
a) 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc"
Căn cứ theo quy định trên thì những lời khai của người đại diện theo ủy quyền của bà Trần Thị Gần là ông Lê Công Thức tại Tòa án nhân dân huyện Tân Hưng thì gia đình bà Gần biết việc ủy ban nhân dân huyện cấp giấy chứng nhận cho ông Trí từ lâu nhưng không đi kiện, bằng chứng là ông Thức khai do thấy ông Trí vay thế chấp ngân hàng, trong khi ông Trí vay thế chấp ngân hàng từ rất lâu trước đó, giấy chứng nhận của ông Trí được cấp từ năm 1995 và thay đổi vào năm 2000. Từ những căn cứ trên thì nếu có việc bà Gần khởi kiện vụ án hành chính thì cũng đã hết thời hiệu khởi kiện. Chính vì lý do đó Tòa án nhân dân huyện Tân Hưng đã hợp thức hóa bao che cho bên bị đơn bằng hình thức chấp nhận đơn phản tố yêu cầu hủy giấy chứng nhận cấp cho ông Trí dù xác định sai quan hệ tranh chấp (đây là tranh chấp đòi đất chứ không phải quan hệ tranh chấp đất đai) và nếu bà Gần có cần khởi kiện thì phải khởi kiện vụ án hành chính riêng chứ không thể yêu cầu hủy trái quy định như vậy.
2/.Việc ông Trí có khai nguồn gốc đất cho ông Lê Văn Xe mượn có khi khai là do cha mẹ để lại có khi khai nguồn gốc khai hoang bởi vì thực tế ông Trí vốn nghĩ cha mẹ khai hoang thì cũng như ông Trí khai hoang mà có, đều do nguồn gốc từ khai hoang. Tuy nhiên, đây không phải là mấu chốt quan trọng, mấu chốt quan trọng và có căn cứ pháp lý là đất đã được cha mẹ tôi cho và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo trình tự, luật định. Đã được UBND huyện Tân Hưng xác nhận "Trước khi được cấp giấy cho ông Lê Văn Trí thì thửa đất số 171, tờ bản đồ số 19 do ông Trí quản lý sử dụng...” (Công văn số 108 ngày 30/6/2016 mà Phòng TNMT huyện Tân Hưng đã gửi cho Tòa án tỉnh Long An).
Luật đất đai 1993 và sửa đổi bổ sung 2001 đều quy định khi cấp đất đều có thông báo đến chính quyền địa phương phường/xã nơi có đất, có xác nhận của UBND xã nơi có đất, nếu đất không tranh chấp thì được cấp đất. Việc UBND huyện Tân Hưng khi cấp đất cho ông Trí đã thông báo cho địa phương, niêm yết theo trình tự luật định. Vậy tại sao ông Xe, bà Cần không khởi kiện hành chính để hủy giấy chứng nhận trước đây trong khi ông Xe, Gần đã biết được việc tôi được cấp giấy chứng nhận.
Tại hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Trí trong hồ sơ vụ án thì đã có ý kiến xác minh và tổ chức, thực địa tại xã nơi có đất và đã có chữ ký của cán bộ địa chính xã Vĩnh Đại, ý kiến của Hội đồng đăng ký, xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có chữ ký của chủ tịch, đóng dấu của UBND xã là nguồn gốc đất của ông Trí là đúng, đề nghị UBND huyện cấp cho ông Trí (bút lục số 56, số 57, số 62 - TANND huyện Tân Hưng).
Tại Biên bản hòa giải ngày 04/12/2014 của ấp 5, xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng, ông Lê Công Thức (SN 1966, con bà Gần và ông Xe, người được ủy quyền) trình bày rằng, phần đất tranh chấp trên được mẹ ông canh tác chỉ hơn mười mấy năm. Sau đó, tại Biên bản hòa giải của UBND xã Vĩnh Bửu ngày 09/02/2015, ông Thức lại cho biết, phần đất tranh chấp do bà nội cho ba ông vào năm 1995. Rồi sau này các buổi hòa giải tại Tòa án thì ông Thức lại khai, trình bày là phần đất trên của ông/bà nội anh cho cha mẹ (Xe, Gần) từ năm 1986-1987. Đây là những lời trình bày mâu thuẫn nhau nhưng vẫn không được Tòa án nhân dân huyện Tân Hưng đưa vào bản án và không làm rõ tại phiên Tòa tại sao ông Thức khai mâu thuẫn như vậy mà vẫn được tòa án chấp nhận?
Ông Thức đã thừa nhận, trước năm 1995, gia đình Thức không sử dụng phần đất đang tranh chấp. Thực tế, ông Trí mới là người sử dụng và được chính quyền cấp GCN nên mới có thể chuyển nhượng một phần đất cho ông Huê và ông Thành trong tổng diện tích mà ông Trí được cấp. Phần đất chuyển nhượng giáp ranh đất của anh Xe. Nếu là đất của ông Xe thì tại sao trong các năm 1995 và năm 2000, khi Nhà nước có thông báo nhiều lần về việc làm thủ tục xin cấp GCN QSDĐ thì ông Xe không làm GCN hoặc tranh chấp. Trong khi đó, từ xưa đến nay, ông Xe và người nhà không hề có đơn khiếu nại hay yêu cầu gì gửi đến chính quyền các cấp. Mặt khác, xưa nay mọi nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ đóng góp các phúc lợi xã hội khác ông Trí đều là người bỏ tiền ra để đóng từ các biên lai thuế đất từ năm 2007 đến năm 2014 đều do ông Trí đóng và đã nộp cho tòa án bản gốc. Ônng Huê là một trong những người làm chứng xác nhận vấn đề này cho ông Trí và ông Trí gửi cho tòa cấp phúc thẩm.
Sau khi ông Thức khai nhận phần đất tranh chấp do bà nội cho ba ông (ông Xe) vào năm 1995 thì ông Trí cho rằng mẹ ông Trí mất năm 1995. Trước khi mất 2 năm, mẹ ông đã lẫn nên lời khai trên của ông Thức là không có cơ sở. Sau khi vấp phải sự phản kháng của ông Trí thì trong các lời khai sau này và tại Tòa, ông Thức đã “chuyển” từ được cho đất năm 1995 sang năm 1986, nhằm “hợp thức hóa” việc sử dụng đất trước Luật Đất đai năm 1993 và cho hợp với thực tế tránh mâu thuẫn mà ông Thức đã trình bày trước đó.
Tuy nhiên, có điều rất “bất thường” ở đây khi ông Thức cho rằng phần đất đang tranh chấp được bà nội cho ba ông (ông Xe) vào năm 1986 (cùng hoặc sau 1 năm ông Xe được cho 3,6 ha đất lúc đầu) thì tại sao bà nội ông Thức không cho đất liền canh, liền cư (tức phần đất ông Trí đã bán cho ông Huê và ông Thành giáp ranh 3,6 ha đất của ba ông Thức vào các năm 1992, 1994, 2000) mà lại “khoét bụng” xẻ giữa đất để cho? đây là điều hết sức mâu thuẫn và không phù hợp với thực tế.
Đây là điều rất mâu thuẫn mà Tòa án nhân dân huyện Tân Hưng vẫn không làm rõ tại tòa án và trong bản án.
3/. Tòa án nhân dân huyện Tân Hưng chỉ xác minh và lấy lời khai của những người làm chứng do phía bị đơn bà Gần cung cấp mà không xác minh, lấy lời khai của những người làm chứng do ông Trí cung cấp và đưa vào vụ án. Đây là một việc làm vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không làm sáng tỏ vụ án qua những người làm chứng khách quan theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự về thu thập chứng cứ và các nguồn chứng cứ.
4/. Công văn số 58/CV-UBND ngày 8/6/2015 của UBND xã Vĩnh Bửu gửi TAND huyện Tân Hưng và Tòa án nhân dân huyện Tân Hưng cũng căn cứ trên một số lời khai nhân chứng và những Giấy xác nhận do chính ông Thức cung cấp. Trong đó, qua xác minh, ông Lê Văn Lô (SN 1935, ngụ Tân Hưng, Long An) và người nhà ông khẳng định ông Lô không ký tên vào Giấy xác nhận của ông Thức, cũng như chưa bao giờ ra UBND xã để xác nhận nhưng không biết từ đâu, ông Thức lại “hô biến” ra Giấy xác nhận của ông và được ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bửu (nay là Bí thư xã) xác nhận, như vậy có dấu hiệu giả mạo chữ ký của ông Lô nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn chưa làm rõ và xử lý trách nhiệm người giả mạo chữ ký này, mặc dù chữ ký ông Lô bị giả mạo nhưng Tòa án vẫn dùng văn bản này làm chứng cứ là vi phạm pháp luật.
5/. TAND huyện Tân Hưng đã dựa vào những cơ sở chứng cứ và lập luận như: Ông Trí đã có sự mâu thuẫn khi khai nguồn gốc đất tranh chấp lúc do tự khai phá, lúc do cha mẹ cho; một số nhân chứng do ông Trí cung cấp khai nhận thấy ông Xe trồng tràm từ năm 2002 (ông Trí cho mượn đất năm 2003); ông Trí không chứng minh được trước năm 2003, ông là người trực tiếp sử dụng phần đất trên để canh tác; ngoài ra, Tòa sơ thẩm còn căn cứ vào một số chứng cứ như nhân chứng xác nhận do ông Thức cung cấp; 2 công văn trả lời của UBND xã Trường Xuân và UBND xã Vĩnh Bửu gửi TAND huyện Tân Hưng với nội dung cho rằng: Phần đất tranh chấp do ông Xe và con ông sử dụng từ năm 1986 – nay; bên cạnh đó, Trưởng phòng TN&MT huyện Tân Hưng là ông Phạm Thanh Hùng cho biết khi xét cấp GCN QSDĐ cho ông Trí là cấp theo hình thức đại trà, không đo đạc thực tế… từ đó TAND huyện Tân Hưng đã bác đơn yêu cầu đòi quyền sử dụng đất của ông Trí.
Tuy nhiên, với những chứng cứ mà ông Thức cung cấp cho Tòa án đã phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường! Theo đó, công văn số 58/UBND ngày 04/6/2015 của UBND xã Trường Xuân gửi TAND huyện Tân Hưng đã dựa trên cơ sở cán bộ xã lấy lời khai của chỉ 2 nhân chứng là ông Trần Văn Đồng (SN 1924 – hiện nằm một chỗ, không còn minh mẫn) và ông Nguyễn Văn Lưu (SN 1955) kèm một số Giấy xác nhận do chính ông Thức cung cấp được làm với hình thức rất “bài bản”. Tuy nhiên, điều “bất thường” là trong số những nhân chứng do xã xác minh và Giấy xác nhận do ông Thức cung cấp, có nhiều người từng công tác chung với ông Thức. (ông Thức từng là Trưởng Công an xã Trường Xuân). Như vậy những người làm chứng này là không khách quan, không hợp lệ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về người làm chứng.
Còn ông Nguyễn Văn Chơi (SN 1959, ngụ Tháp Mười, Đồng Tháp) cho biết, ông có ký vào Giấy xác nhận tại nhà do ông Thức soạn sẳn đưa. Tuy nhiên, ông không nhớ chính xác năm ông đốn tràm mướn cho ông Xe và cũng không đến UBND xã xác nhận nhưng không biết từ cơ sở nào, ông Thức lại đưa vào là năm 2003 ông đốn tràm mướn và Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân là Dương Văn Kiệt đã ký xác nhận.
Công văn số 58/CV-UBND ngày 8/6/2015 của UBND xã Vĩnh Bửu gửi TAND huyện Tân Hưng cũng căn cứ trên một số lời khai nhân chứng và những Giấy xác nhận do chính ông Thức cung cấp. Trong đó, qua xác minh, ông Lê Văn Lô (SN 1935, ngụ Tân Hưng, Long An) và người nhà ông khẳng định ông Lô không ký tên vào Giấy xác nhận của ông Thức, cũng như chưa bao giờ ra UBND xã để xác nhận nhưng không biết từ đâu, ông Thức lại “hô biến” ra Giấy xác nhận của ông và được ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bửu (nay là Bí thư xã) xác nhận.
Cùng năm 2015, trong khi ông Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bửu xác nhận tất cả nhân chứng cho ông Thức thì khi ông Trí chỉ yêu cầu xác nhận chữ ký của 4 nhân chứng thôi nhưng ông Tuấn không xác nhận dù cả 4 nhân chứng đều có mặt tại đó. Ông Tuấn cho rằng chuyện quá khứ ông không biết và không chịu xác nhận cho ông Trí trong khi lại xác nhận chữ ký của những người làm chứng cho ông Thức. Điều này cho thấy dấu hiệu không khách quan từ UBND xã để Tòa án nhân dân huyện Tân Hưng xét cử trong vụ án thiếu minh bạch, khách quan này.
Qua xác minh thực tế, một loạt các nhân chứng khác có đất canh tác liền kề với ông Trí và ông Xe khẳng định phần đất đang tranh chấp là của ông Trí sử dụng từ trước năm 2002, đến năm 2003, ông Xe mới mượn của ông Trí trồng tràm, 4 nhân chứng trước đây ông Tuấn không xác nhận đã được PCT hiện nay là ông Lễ xác nhận và đã được ông Trí nộp cho Tòa án cấp phúc thẩm.
5/. Ông Trí là người đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp lệ và đã đóng biên lai thuế cụ thể vào các năm 2007, 2010, 2014 và hoàn tất các nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước vì đó là đất của ông Trí đã cho ông Xe mượn (các biên lai thuế hàng năm ông Trí đã gửi cho Tòa án nhân dân huyện Tân Hưng). Nếu là đất của ông Xe sao ông Thức không đóng thuế hàng năm như ông Trí?
Theo quy định pháp luật đất đai thì chủ sử dụng đất mới là người phải đóng thuế hàng năm, người không đóng thuế hàng năm, không có biên lai thì không có cơ sở xem xét cấp đất nông nghiệp. Vậy hàng chục năm nay ông Trí là người đóng thuế đất, gia đình bà Gần không hề đóng khoản tiền nào nhưng Tòa án nhân dân huyện Tân Hưng lại xét xử công nhận đất cho ông Xe là vi phạm pháp luật đất đai nghiêm trọng, không có căn cứ.
Trước khi cấp đất cho ông Trí UBND đã tiến hành xác minh, đối chiếu và tiến hành thực địa của toàn cán bộ, có ý kiến của cán bộ địa chính xã, ý kiến của hội đồng đăng ký, xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 24/12/1999 UBND xã Vĩnh Đại (đính kèm hồ sơ với đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 15/12/1999 của ông Trí),. Ngoài ra là bảng danh sách các hộ gia đình và cá nhân đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Tờ trình số 08/TT.UB ngày 24/12/1999 về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, hộ gia đình trong xã" của UBND xã Vĩnh Đại, Biên bản xét duyệt của Hội đồng đăng ký QSD đất ngày 24/12/1999 của UBND xã Vĩnh Hưng (các văn bản chứng cứ này đã nộp cho tòa án sơ thẩm và đánh bút lục). Trong tất cả các văn bản này thì UBND xã Vĩnh Đại đều thừa nhận đã tiến hành xác minh, phân loại, thẩm tra, thảo luận và thống nhất đề nghị UBND huyện Tân Hưng cấp đât cho 248 hộ dân, trong đó có hộ ông Trí. Do vậy việc đại diện UBND huyện Tân Hưng cho rằng đất cấp theo đại trà là không có cơ sở bởi việc cấp đất này đã được UBND xã Vĩnh Đại thẩm tra, xem xét, đối chiếu, thảo luận và công khai, xác minh cụ thể theo như các văn bản, chứng cứ nêu trên và theo đúng trình tự luật đất đai quy định.
Cụ thể, tại văn bản số 108/PTNMT - TC ngày 30/6/2016 về việc phúc đáp công văn số 734/TA- CV ngày 14/4/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An thì UBND huyện trả lời tòa án nhân dân tỉnh Long An cụ thể như sau:
“....ngày 19/1/2000, ông Lê Văn Trí được UBND huyện Tân Hưng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số phát hành Q 219764, số vào sổ: 1628, thửa đất 171, tờ bản đồ số 19, với diện tích: 34370m2, mục đích sử dụng: đất rừng sản xuất (RSM), vịu trí khu đất: xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, Long an.
Trước khi được cấp giấy cho ông Lê Văn Trí thì thửa đất số 171, tờ bản đồ số 19 do ông Trí quản lý sử dụng...”
Từ các căn cứ trên có thể khẳng định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên cho ông Trí là hợp lệ, phù hợp với thực tế vì đây là đất của ông Trí.
Trên đây là ý kiến bổ sung của tôi ngoài những ý kiến trước đây tôi đã nộp cho Tòa án nhân dân huyện Tân Hưng và Tòa án nhân dân tỉnh Long an.
Tôi cũng đề nghị Tòa án đưa vụ án ra xét xử sớm vì tôi đã nộp bản xác nhận của những người làm chứng cho tòa án, có xã xác nhận chữ ký của những người làm chứng.
Vụ án đã kéo dài quá lâu, trong khi theo pháp luật tố tụng dân sự thì thời gian xét xử phúc thẩm chỉ từ 2-3 tháng.
Kính mong Q úy tòa sớm xem xét, chấp nhận yêu cầu của tôi.
Trân trọng cảm ơn.
Long an, ngày tháng năm 2016
Luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn LS TPHCM - VPLD GIA ĐÌNH